Cây bơ và hành trình về với Sơn La

11:14 | 03/11/2022

DNTH: Qua hành trình hơn 20 năm, từ một giống cây xa lạ, cây bơ đã trở thành một trong những cây trồng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân tỉnh Sơn La, được khách hàng cả trong lẫn ngoài nước vô cùng ưa chuộng. Trên hành trình đó luôn in đậm dấu chân miệt mài, kiên định, một niềm đau đáu vì cái nghèo còn đeo bám người dân của cố Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Lê Bình Thanh.

Linh cảm của vị cố Chủ tịch

Mỗi dịp vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, đất Sơn La lại ngập tràn bơ, các thương gia ở khắp nơi đổ về thu mua rồi đưa đi tiêu thụ ở mọi miền đất nước. Bơ nơi đây khá đa dạng như bơ nếp, quả thon dài, hương vị thơm, khi ăn rất dẻo; bơ sáp cho cảm giác béo ngậy mỗi khi cho vào miệng; bơ kép quả tròn dạng bóng đèn dây tóc, giống này rất sai quả; bơ đốm trắng vỏ tím, ruột vàng… và nhiều giống bơ mới như TA3, TA31, TA5, TA54, TA44. Đặc điểm chung của bơ Sơn La là vỏ mỏng, da căng, thịt béo ngậy, ít sơ, không sượng. Cây bơ mới ngày nào xuất hiện giờ trở thành loại cây thoát nghèo, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hiện nay, diện tích bơ toàn tỉnh Sơn La đạt 1.500 ha, sản lượng cả năm ước đạt 27.900 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu. Quả bơ Sơn La có thể nặng từ 1 đến 1,2 kg, mỗi cây cho thu hoạch từ 50 đến 200 kg, tuỳ theo độ tuổi của cây. Cây bơ càng lâu năm càng sai quả, giá thành bơ bán ra thị trường dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có một số diện tích bơ ở các vườn du lịch sinh thái có giá bán từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Bơ là loài cây thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Sơn La. Đặc biệt, cây bơ cho năng suất và chất lượng vượt trội so với các cây trồng khác, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà nông.

Từ xưa đến nay khi nói tới quả bơ, mọi người thường nghĩ đến các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng hôm nay, khi được thưởng thức những trái bơ dẻo, béo ngậy, nhiều người đã nghĩ tới bơ Sơn La với vị ngon rất riêng, chẳng những không hề kém cạnh mà còn có phần lấn lướt quả bơ ở các tỉnh Tây Nguyên.

Cố Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Bình Thanh trồng cây lưu niệm
Cố Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Bình Thanh trồng cây lưu niệm.

Nguyên Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La Trần Hưởng chia sẻ: “người dẫn đường” cho cây bơ về với Sơn La chính là vị cố Chủ tịch tỉnh Lê Bình Thanh, người có tình yêu tha thiết với mảnh đất và con người nơi đây. Vì yêu nên ông luôn đau đáu tìm tòi những phương cách giúp Sơn La thoát nghèo.

Gắn bó với Sơn La từ khi còn trẻ, là một thanh niên quê lúa Thái Bình xung phong đi kinh tế mới. Không biết từ khi nào, Lê Bình Thanh đã coi vùng sơn cước này như duyên phận của đời mình. “Nhận thấy Sơn La là tỉnh thuần nông, những điều kiện tốt nhất đều dồn vào nông nghiệp, nên đến địa phương nào công tác, anh Thanh cũng rất chú trọng nghiên cứu về giống cây - giống con. Nếu phù hợp là đưa ngay đưa về Sơn La nuôi trồng thử” - ông Trần Hưởng chia sẻ.

“Trong một chuyến công tác đến tỉnh Gia Lai năm 1999, sau buổi làm việc thấy còn sớm, anh Thanh gọi anh em trong đoàn đi tản bộ thăm chợ thị xã Pleiku. Chúng tôi đi qua rất nhiều sạp hàng quần áo, đồ điện tử, đồ gia dụng... nhưng anh Thanh chỉ thực sự bị thu hút bởi các quầy hàng bán hoa quả. Trong nhiều loại trái cây đặc sắc như xoài, chôm chôm, vú sữa, măng cụt, anh Thanh dồn sự chú ý vào một loại quả mà cả đoàn chưa biết tên. Quả này to chừng bằng trái cam, da xanh, hoặc hanh hanh vàng, có quả tròn như trái cam Cao Phong, có quả chum chúm như trái đu đủ nhỏ, có quả lại dài và cong cong như trái bầu. Người bán hàng cho chúng tôi biết đó là quả bơ. Ngay lúc ấy dù chưa nói ra, nhưng dường như vị lãnh đạo tỉnh Sơn La đã linh cảm được, quả bơ sẽ phù hợp với đất Sơn La.

Về nhà khách, anh Thanh lại tìm gặp những người con của Gia Lai để hỏi thêm về quả bơ và được vị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, cây bơ mới được du nhập từ Bắc Mỹ về Việt Nam. Đây là loại cây lưỡng dụng, thân gỗ, lá xanh tốt quanh năm, cây dễ trồng, ít phải chăm bón, có thể trồng để lấy bóng mát, thậm chí có thể dùng làm cây phủ xanh đất trống đồi trọc, quả bơ có năng suất cao, giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, nhất là với người bị cao huyết áp và người tiểu đường.

Anh Thanh tập trung lắng nghe và bày tỏ sự quan tâm lớn đến giống cây ăn quả đặc biệt này. Sau cuộc chuyện trò, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai giao Văn phòng đem tặng đoàn Sơn La một thùng carton quả bơ giống để đem về trồng thử”.

Về Sơn La, ông Lê Bình Thanh đã giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp) đem số bơ giống trồng tại 3 huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn vì ba huyện này có thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau có thể kiểm tra các yếu tố thổ nhưỡng thực tế, trực quan nhất. Ông Lê Bình Thanh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp theo dõi sinh trưởng của cây và sớm đưa ra kết luận quả bơ có phù hợp với Sơn La hay không, nếu phù hợp phải đúc kết kinh nghiệm để đưa ra hướng dẫn về quy trình trồng chuẩn cho người dân.

Và đúng như linh cảm của một người hiểu và yêu mảnh đất Sơn La hết mực, cây bơ đã cho thấy sự phù hợp tuyệt diệu với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Có cây sau ba năm đã đơm hoa, bói quả, trái bơ to, năng suất cao giàu dinh dưỡng. Màu xanh của bơ dần phủ khắp núi đồi Sơn La, đem lại những mùa bội thu, giúp bao gia đình thoát nghèo, phát triển kinh tế và có cuộc sống sung túc.

Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”
Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”

Quả cây còn nhớ đến người

Ngày nay, sau hơn 20 năm liên tục được chăm chút, cải tạo, bơ Sơn La đã trở nên đa dạng, phong phú về chủng loại, nhưng luôn có một đặc điểm chung là thơm ngon đặc biệt, được khách hàng “săn lùng” mỗi khi vào vụ.

Hiện tỉnh Sơn La đã hình thành một số vườn bơ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong những năm tới, Sơn La sẽ trở thành vùng chuyên canh cây bơ ứng dụng công nghệ cao theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ tươi, chế biến, chú trọng an toàn sản phẩm. Từ đây, mặt hàng quả bơ chất lượng cao của Sơn La sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững và gia tăng giá trị.

Năm 2021, nhãn hiệu “bơ Sơn La” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 387183 (theo Quyết định số 40635/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu Trí tuệ ngày 21 tháng 05 năm 2021) với các thông tin: nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể; bản đồ vùng sản xuất mang nhãn hiệu chứng nhận bơ Sơn La đã lựa chọn được 49 xã/phường thuộc 7 huyện/thành phố của tỉnh Sơn La (theo Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 18/2/2020 của UBND tỉnh Sơn La), gồm các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La.

Bức tranh “Thị xã lên đèn” luôn được Cố Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Bình Thanh mang theo trao tặng các tỉnh bạn để giới thiệu về Sơn La
Bức tranh “Thị xã lên đèn” luôn được Cố Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Bình Thanh mang theo trao tặng các tỉnh bạn để giới thiệu về Sơn La

Nguyên Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La Trần Hưởng bồi hồi tâm sự: “nếu không có sự quan tâm, kiên định và quyết liệt của anh Lê Bình Thanh, cây bơ chưa chắc đã đến với Sơn La từ hơn 20 năm trước. Biết bao gia đình nông dân vùng núi này có lẽ sẽ còn vất vả lâu hơn, xung quanh câu chuyện của miếng cơm manh áo”.

Bơ Tây Nguyên và bơ Sơn La, mỗi loại quả đều có những nét đặc sắc riêng nhưng giống nhau ở một điểm, đó là trở thành cây thoát nghèo. Với Sơn La, một tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, không có nhiều sản vật xuất khẩu để mang lại lợi ích cho người dân, thì cây bơ lại vô cùng ý nghĩa với giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác.

Có người còn nhớ câu chuyện vị cố Chủ tịch tỉnh tìm thấy duyên phận của cây bơ Sơn La đã nói, nếu buổi chiều ấy ông Lê Bình Thanh về nhà khách nghỉ ngơi trong điều hòa, máy lạnh, hoặc thăm thú cảnh đẹp Gia Lai mà không lướt qua quầy hàng hoa quả, thì biết bao giờ mới có tên gọi “bơ Sơn La”.

Nếu ông Lê Bình Thanh không có những quyết sách đặc biệt, đưa giống bơ về trồng ở ba huyện thì dù có đến với Sơn La, cây bơ cũng phải mất rất nhiều thời gian mới đứng chân được trên mảnh đất gian khó này. Ngày nay, người Sơn La đã có thêm một niềm tự hào đó là quả bơ thuộc loại ngon nhất thế giới, cái nghèo đã dần lùi xa.

Sau hơn hai thập kỷ người còn người mất, không nhiều cán bộ, Nhân dân còn nhớ được hành trình đến với Sơn La của cây bơ. Nhưng quả cây còn nhớ đến người, nó vẫn quanh năm xanh tốt, vẫn cho ra trái ngọt như đền ơn tri ngộ của người đã có công mang nó đến với vùng “đất hứa”, để có “tiếng thơm” của ngày hôm nay.

Không chỉ có công mang quả bơ đến với Sơn La, cố Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Bình Thanh còn ghi dấu ấn của vị lãnh đạo nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm khi còn đương chức, ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giao thông, văn hoá của nơi đây. Những việc ông đã làm có người biết, có người không, nhưng điều quan trọng nhất là di sản vô giá ông để lại cho Sơn La vẫn trường tồn.

Một mùa bơ đơm hoa kết trái nữa lại thu hút thương nhân ở mọi miền đất nước, về với đồi núi Sơn La. Trông cây còn nhớ đến người, những đồng chí, đồng đội của ông hôm nay vẫn không ngừng nỗ lực để cây bơ Sơn La ngày càng hoàn thiện, mang lại giá trị cao hơn, trên nền tảng mà ông đã dày công vun đắp.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hội chợ hàng OCOP năm 2024 - tăng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm Việt

DNTH: “Hội chợ hàng OCOP năm 2024” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 20-23/12/2024 tại Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và từ ngày 26- 29/12/2024...

Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 7,2 tỷ USD

DNTH: Ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024, theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Xuất khẩu gạo năm 2024 có thể đạt kỷ lục 9 triệu tấn

DNTH: 11 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 8,5 triệu tấn, các chuyên gia cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt kỷ lục với 9 triệu tấn.

Giá lúa tại Trà Vinh tăng thêm 800 đồng/kg

DNTH: Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, giá lúa tươi đầu vụ Thu Đông tại tỉnh Trà Vinh đã tăng thêm bình quân 800 đồng/kg.

Xuất khẩu nông nghiệp 11 tháng cao kỷ lục

DNTH: Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế

DNTH: Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực...

XEM THÊM TIN