CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNHCỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG – GÓC NHÌN TỪ XÃ HỘI

15:08 | 10/03/2020

DNTH: DN&TH: Phần lớn các nhà đầu tư đều tin rằng, báo cáo tài chính đã kiểm toán sẽ luôn đảm bảo tính chính xác, hợp lý, không còn các gian lận sai sót, họ lấy đây làm căn cứ để đưa ra các quyết định quản lý và đầu tư của mình. Tuy nhiên trên thực tế, chất lượng báo cáo tài chính của một số công ty đại chúng còn nhiều sai lệch về thông tin, gây không ít thiệt hại cho nhà đầu tư, tạo tâm lý hoài nghi về chất lượng và độ tin cậy của báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính nhằm mục đích đảm bảo tính trung thực, hợp lý, khách quan về thông tin tài chính của một công ty. Nó được ví như bộ bầu lọc giúp doanh nghiệp bịt các lỗ hổng trong quản trị, giảm bớt rủi ro từ các nguy cơ gian lận hay sai sót trọng yếu. Tuy nhiên, thời gian qua đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ thua lỗ lớn, bị hủy bỏ niêm yết, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp bị vướng vào vòng lao lý, mặc dù trước đó báo cáo tài chính đã được kiểm toán với kết quả kinh doanh rất đẹp. Một trong những nguyên nhân gây ra không ít thiệt hại cho các cổ đông, nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính, bắt nguồn từ những sai phạm trong hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính.

Ảnh minh họa

Báo cáo tài chính của công ty đại chúng luôn được coi là bức tranh phản ánh tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp, là nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước, cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ cho quá trình đầu tư, hợp tác kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn có xu hướng “làm đẹp” báo cáo tài chính, mục đích  vừa để bảo vệ uy tín của chính họ trước cổ đông, các tổ chức tín dụng, sau đó là thu hút các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Họ sẵn sàng sử dụng các kỹ thuật để gian lận báo cáo tài chính nhằm mục đích điều chỉnh mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giữa các năm như ghi nhận doanh thu trước kỳ, doanh thu khống hoặc chuyển sang kỳ sau một cách hợp lý, giảm bớt chi phí bằng cách ghi nhận sai niên độ hay cắt giảm các chi phí thị trường trong ngắn hạn, đánh giá sai giá trị hàng tồn kho, không công bố đầy đủ các thông tin trên báo cáo tài chính.

Để loại trừ được ý chí chủ quan của Ban điều hành doanh nghiệp, đảm bảo các thông tin trọng yếu không bị che giấu và đủ độ tin cậy, thì báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần phải được phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán độc lập. Chất lượng của hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính giữ vai trò quan trọng trong việc xác định tính minh bạch, chính xác, hợp lý đối với thông tin tài chính do đơn vị cung cấp. Các nhà đầu tư và những đối tượng sử dụng thông tin vẫn luôn phải đặt niềm tin vào báo cáo tài chính được kiểm toán, khi chất lượng kiểm toán thấp, nhiều sai sót, có thể gây thiệt hại không ít cho các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, đối tác kinh doanh và rộng hơn là cả nền kinh tế đất nước.

Trong những năm vừa qua, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, công ty niêm yết đã được nhiều chuyên gia chỉ ra những mặt hạn chế, sai sót gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Phần lớn, hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính chỉ tập trung thực hiện soát xét số liệu quá khứ, đưa ra ý kiến về việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán, nhưng chưa kiểm tra được tính tuân thủ pháp luật, điều lệ công ty đối với các bên liên quan; chưa soát xét được số dư đầu năm, tính hoạt động liên tục và đánh giá tổng thể sự ảnh hưởng của các sai sót trọng yếu, làm cơ sở đưa ra ý kiến nhận định trên báo cáo kiểm toán; chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán. Đặc biệt, phần trọng yếu rủi ro như công nợ phải thu, phải trả, chi phí dở dang…Chính những lỗ hổng này đã dẫn đến thông tin được cung cấp bị sai lệch, thiếu tính chính xác, gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà đầu tư, bên thứ ba khi ra quyết định đầu tư hay hợp tác kinh doanh.

Ảnh minh họa

Do tính chất công việc kiểm toán vẫn còn nhiều hạn chế, nên việc tồn tại những rủi ro là  điều không thể tránh khỏi. Một kiểm toán viên giỏi và giàu kinh nghiệp cũng không thể khẳng định chắc chắn, đã phát hiện được toàn bộ gian lận khi chúng bị che giấu. Thực tế đã cho thấy, với các sai sót vô ý trong quá trình lập báo cáo tài chính thường không quá nghiêm trọng, dễ phát hiện. Ngược lại sai sót cố ý thì khó phát hiện hoặc khi bị phát hiện, kiểm toán viên sẽ “dễ dãi” bỏ qua nếu thấy đơn vị giải trình hợp lý mặc dù chưa phù hợp chuẩn mực kế toán, hoặc thậm chí lợi dụng hạn chế của chuẩn mực kiểm toán để cùng nhau bắt tay thao túng báo cáo tài chính cho các mục đích ngắn hạn của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Những sai sót dạng này thường có tính nghiêm trọng, gây rủi ro thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, thậm chí ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán.

Chẳng hạn, ở một số doanh nghiệp đã làm đẹp hình ảnh bằng việc “cải thiện” chỉ tiêu lợi nhuận gộp trên báo cáo tài chính. Bộ phận nghiệpvụ đã lựa chọn các khoản chi phí thuộc giá vốn nhưng có tính chất na ná chi phí bán hàng, để thực hiện ghi nhận vào chi phí bán hàng trong kỳ. Việc thay đổi khoản mục chi phí nhưng không làm thay đổi kết quả kinh doanh trong kỳ, nên nhiều kiểm toán viên đã đồng thuận với cách lý giải của đơn vị. Việc này vô hình chung đã đẩy người sử dụng và phân tích thông tin hiểu sai về bản chất khoản mục chi phí dẫn đến những nhận định sai lầm. Đa số họ đều tin rằng, với biên độ lợi nhuận gộp tốt như trên báo cáo, khi nâng cao công tác quản trị chi phí bán hàng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chính điều này có thể gây ra những rủi ro, thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà đầu tư trong dài hạn.

Bên cạch những gian lận bị che giấu mà các kiểm toán viên không phát hiện ra, vẫn còn khá nhiều gian lận được phát hiện trong quá trình thực hiện công việc kiểm toán, nhưng được hỗ trợ che giấu hoặc khéo léo chối bỏ trách nhiệm của kiểm toán viên dưới các ngôn từ chuyên ngành để người sử dụng thông tin phải tự suy luận và nhận định. Hầu hết báo cáo tài chính của các công ty đại chúng đều được kiểm toán, ghi nhận thông tin “..đã được phản ánh trung thực, hợp lý trên các góc độ trọng yếu” hoặc sử dụng những từ ngữ mềm mại nhằm thỏa mãn mong muốn của Ban lãnh đạo doanh nghiệp được kiểm toán. Đồng thời cũng dễ bề chối bỏ trách nhiệm có thể phát sinh trong tương lai bởi những giới hạn của phạm vi kiểm toán như: “Ngoại trừ của vấn đề nêu trên và những ảnh hưởng của nó (nếu có). Báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực, hợp lý các vấn đề trọng yếu”.

Tất nhiên, không ai có thể dự đoán chính xác tương lai, nhưng xét trong điều kiện cụ thể các kiểm toán viên luôn được tiếp cận thông tin tương đối đầy đủ và có năng lực nghiệp vụ hơn những người chỉ sử dụng thông tin trên báo cáo để đưa ra các phân tích, dự đoán những ảnh hưởng trong tương lai, đến các hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các kiểm toán viên chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ khi thực hiện công việc kiểm toán. Họ đã tự hạn chế trách nhiệm của mình bởi lý do không thể đánh giá được sự kiện xảy ra trong tương lai, đẩy các nhà đầu tư và những đối tượng sử dụng thông tin phải tự chịu trách nhiệm đánh giá và theo dõi cụ thể các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp mà mình cần quan tâm.

Việc đưa ra các ý kiến ngoại trừ chưa lượng hóa được giá trị cụ thể hay chưa định lượng được những ảnh hưởng của khoản ngoại trừ và nguyên nhân dẫn đến ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, đã khiến phần lớn người đọc đều tin tưởng rằng báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoàn toàn chính xác, hợp lý, không còn gian lận, thất thoát, lãng phí, hoạt động quản trị doanh nghiệp được thực hiện tốt. Khi vấn đề đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên bị bao phủ bởi lợi ích kinh tế thì các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng luôn phải gánh chịu thiệt hại, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng cả đến thị trường chứng khoán.

Chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng còn bị hạn chế bởi áp lực về thời gian kiểm toán, nhân sự tham gia thực hiện công việc, nên thường có xu hướng soát xét hồ sơ tài liệu chọn mẫu theo lựa chọn ý chí chủ quan của kiểm toán viên, chưa xây dựng quy trình soát xét bài bản. Cá biệt có đơn vị kiểm toán không tham gia chứng kiến kiểm kê và cũng không sử dụng các thủ tục thay thế, chỉ dựa vào tài liệu báo cáo do đơn vị được kiểm toán cung cấp để tiến hành công việc, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để đánh giá không đúng chất lượng phẩm cấp của hàng hóa, vật liệu tồn kho, nhằm mục đích điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn. Chính điều này làm cho thông tin trên báo cáo tài chính không phản ánh đúng thực tế, gây ra sự nhận định đánh giá sai về tình hình doanh nghiệp.

Ngoài các lỗi chủ quan phát sinh từ phía công ty kiểm toán hay vấn đề đạo đức nghề nghiệp của những người cung cấp thông tin từ phía doanh nghiệp làm giảm chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, thì vấn đề mối quan hệ giữa kiểm toán viên và Ban lãnh đạo công ty cũng là một nguyên nhân có thể gây suy giảm niềm tin, ảnh hưởng cho xã hội. Áp lực phải duy trì khách hàng, đã thúc đẩy các kiểm toán viên hỗ trợ tích cực hơn trong việc tư vấn lựa chọn các chính sách kế toán theo ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, nhưng lại không phù hợp với các chuẩn mực kế toán. Khi sự thân thiết đặt ở vị trí cao thì tính độc lập sẽ bị ảnh hưởng, các kiểm toán viên sẽ không còn duy trì được thái độ hoài nghi nghề nghiệp đúng mức, làm giảm tính khách quan, không phát hiện được các gian lận sai sót trọng yếu. Điều này đồng nghĩa với chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính sẽ suy giảm, người chịu thiệt hại vẫn là các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và các đối tác hợp tác kinh doanh.

Trong thời gian qua, hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp qua đã có những đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế xã hội, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp từng bước minh bạch thông tin về doanh nghiệp, lành mạnh thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bên cạch những việc đã đóng góp thì cũng còn không ít hạn chế. Đã đến lúc đòi hỏi từ phía cơ quan chức năng, cần có các chế tài xử lý vi phạm đối với các công ty kiểm toán nói chung và các kiểm toán viên nói riêng, để ngăn chặn kịp thời các tiêu cực gây bất ổn xã hội. Đồng thời từ phía doanh nghiệp, những người đứng đầu cũng cần phải nhận thức được ý nghĩa trung thực của báo cáo tài chính, là nền tảng để phát triển bền vững và an toàn cho doanh nghiệp trong tương lai. Khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, triệt để sẽ là động lực tạo ra niềm tin trong xã hội. Thông tin của doanh nghiệp sẽ được công khai minh bạch, đưa thị trường tài chính phát triển ổn định và bền vững./.

TUẤN HOÀNG

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Liên danh Công ty Thăng Long – Hương Quỳnh: Dấu hiệu nhà thầu 'quen mặt' thi công không đúng hồ sơ phê duyệt

DNTH: Công ty TNHH thương mại xây dựng và dịch vụ Thăng Long; Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hương Quỳnh liên tiếp trúng các gói thầu do UBND huyện Ba Vì, TP. Hà Nội mời thầu. Điều đáng nói, các gói thầu có giá trị lớn, nhưng tỷ lệ...

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới giảm 2,6%

DNTH: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2024 có 4.241 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, có 1.137 doanh nghiệp bất động sản giải thể, cũng giảm nhẹ...

Prudential Việt Nam giữ vững vị thế Doanh nghiệp Bền vững và Kinh doanh có trách nhiệm

DNTH: Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam ("Prudential") lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh trong khuôn khổ Lễ công bố các doanh nghiệp Bền vững Việt Nam 2024 - giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp tăng...

Hơn 218.500 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động trong 11 tháng

DNTH: Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 đạt hơn 218.000 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi...

Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và vận hành khu công nghiệp

DNTH: Nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp, ROX Group (tiền thân là Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đã tiên phong phát triển các giải pháp “xanh”, hướng đến phát triển bền vững.

The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn

DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...

XEM THÊM TIN