Cô giáo trẻ yêu nghề, dạy giỏi

09:44 | 09/11/2023

DNTH: Luôn cố gắng hết sức trong công việc giảng dạy và thực hiện thật tốt các phong trào, hoạt động của nhà trường, chân thành với các em HS... đó là những điều mà đồng nghiệp thấy rõ ở cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dung – giáo viên Sinh học tại trường THPT Sơn Động số 1, tỉnh Bắc Giang.

Đường đến trường phủ trắng đất bụi

Sinh ra và lớn lên tại Yên Dũng, Bắc Giang, từ những ngày bé, cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung đã sớm ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo, càng học lên cao, được học thêm nhiều kiến thức, ước mơ ấy ngày càng mạnh mẽ và thôi thúc cô phấn đấu, nỗ lực hơn nữa.

Tháng 6 năm 2016, mang trong mình nhiệt huyết, hoài bão của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc của lớp chất lượng cao, Nguyễn Thị Dung mong muốn sớm được trở về quê hương để cống hiến sức trẻ của mình. Tháng 8 năm ấy, Bắc Giang có kỳ thi tuyển viên chức. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung làm hồ sơ đăng ký dự thi mà không một chút đắn đo nào. Ngày thông báo trúng tuyến, cô giáo trẻ được phân công công tác tại trường THPT Sơn Động số 1, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung – giáo viên môn Sinh học trường THPT Sơn Động số 1
Cô giáo Nguyễn Thị Dung – giáo viên môn Sinh học trường THPT Sơn Động số 1

Cô Dung nhớ lại: “Khi nhận công tác, mình thậm chí còn không biết Sơn Động ở đâu, chỉ thấy mọi người bảo ở xa lắm. Lần đầu lên nhận công tác, hai bố con mình đi xe máy đến trường. Ở đây, đường ngoằn nghoèo, rất khó đi, có những đoạn đường bụi phủ trắng cây hai bên đường, đoạn nào được trải nhựa thì cũng ổ voi, ổ gà. Lên đến nơi, hai bố con lấm lem bùn đất. Vừa xa nhà, đi lại quá vất vả, có những lúc mình nhớ nhà vô cùng...”

Khó khăn bước đầu là vậy, nhưng sau thời gian ngắn công tác tại trường, được đồng nghiệp giúp đỡ, HS quý mến, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dung cũng chẳng biết từ khi nào lại thấy yêu quý mảnh đất Sơn Động đến thế. “HS ở đây rất tình cảm với các thầy cô giáo, tuy cuộc sống của các em vẫn còn nhiều khó khăn. Có em HS mang tặng cô 2 đùm bánh giầy tự làm cho cô ăn Tết, có đứa tặng cô đùm măn rừng, rồi thì bưởi, táo... Những món quà rất bình dị, mộc mạc lại khiến mình ấm áp khi công tác xa gia đình đến vậy” – cô Dung bồi hồi kể lại.

Áp dụng công nghệ số, đổi mới phương pháp giảng dạy

 “Cô ơi, cô đọc cho bọn em chép đi, em quen như thế rồi, giờ cô dạy như này em không quen.” – Đó là lời của một em HS đứng dậy nói với cô giáo Dung trong một giờ thảo luận nhóm. Nghe được ý kiến như vậy, cô Dung có chút bất ngờ, có chút hụt hẫng vì phương pháp dạy của mình. Cô giáo trẻ hiểu rằng, đối với các em HS của vùng đất này, khó khăn đủ đường, đi học về còn phải giúp bố mẹ nhiều việc khác nữa. Việc thay đổi phương pháp học có thực sự cần đối với các em HS hay không? Làm thế nào để các em không áp lực khi đi học, yêu thích tới trường?.

Luôn trăn trở về phương pháp dạy học và không dễ dàng từ bỏ, trong 7 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Dung đã có nhiều phương pháp, sáng kiến được công nhận ảnh hưởng cấp ngành như: Sử dụng trò chơi vào giảng dạy chương III - Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào – Sinh học 10; Sử dụng Liveworksheets vào dạy học chương I – Cơ chế di truyền và biến dị - Sinh học 12; Sử dụng kĩ thuật Think – Pair – Share và mô hình trực quan vào dạy học chuyên đề “Tế bào nhân thực” -  Sinh học 10; Xây dựng video bài giảng và sử dụng ứng dụng Edpuzzle kết hợp mô hình lớp học đảo ngược vào dạy học phần kiến thức cốt lõi trong chủ đề “Cảm ứng ở động vật” – Sinh học 11...

Trong các tiết dạy của cô Dung, HS được phép sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh để áp dụng công nghệ số vào bài học. Nhờ vậy, HS tham gia nhiệt tình vào tiết học, giáo viên cũng có thể đánh giá nhanh chóng khả năng học tập của các em HS, đồng thời, giúp các em có thể theo kịp sự phát triển mạnh của xã hội trong thời đại công nghệ.

Từ khi vào nghề, với sự nỗ lực không ngừng, cô giáo Nguyễn Thị Dung đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào như: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THPT chu kỳ 2020 – 2024; Chiến sĩ thi đua cơ sở;... Ngoài ra, cô giáo Nguyễn Thị Dung cũng được Chủ tịch UBND huyện Sơn Động tặng Giấy khen trong công tác bồi dưỡng HS giỏi cấp tỉnh, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen do đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2022 - 2023. Đặc biệt, trong tháng 11 này, cô giáo Nguyễn Thị Dung là 1 trong 58 giáo viên trên cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung (đứng thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng HS
Cô giáo Nguyễn Thị Dung (đứng thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng HS

 “Nghề giáo... đối với tôi, còn hơn cả chữ yêu!”

Công tác xa nhà, con nhỏ, nỗi nhớ nhà khôn nguôi... mặc dù vậy, cô giáo Nguyễn Thị Dung chưa một lần nghĩ sẽ bỏ nghề. Thời gian gần đây, có một số giáo viên bỏ nghề vì nỗi lo thu nhập, điều đó cũng không làm cô giáo Dung nghĩ ngợi.

Cô giáo trẻ luôn hết mình trong các hoạt động tình nguyện do Đoàn trường tổ chức
Cô giáo trẻ luôn hết mình trong các hoạt động tình nguyện do Đoàn trường tổ chức

“Đơn giản chỉ vì tôi quá yêu nghề này để có động lực vượt qua, tiếp bước sự nghiệp trồng người. Hoàn cảnh của mình có khó khăn thật, công việc cũng nhiều áp lực nhưng mình có gia đình luôn động viên, đồng nghiệp và phụ huynh quan tâm, HS yêu quý nên mình có nhiều niềm vui trong công việc.” - cô Dung tâm sự.

Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Dung, cô Hoàng Việt Hà – Hiệu trưởng trường THPT Sơn Động số 1 cho biết: “Cô Dung là giáo viên trẻ ở vùng xuôi lên đây công tác. Trong suốt 7 năm dạy học tại trường, cô luôn nhiệt tình trách nhiệm và có nhiều sáng tạo trong công việc chuyên môn cũng như kiêm nhiệm, có lập trường tư tưởng vững vàng. Là một Đảng viên trẻ, luôn chấp hành nghiêm túc mọi quy định của trường, giữ mối quan hệ đúng mực. Có lối sống giản dị, trong sáng, luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và HS yêu mến, tin tưởng.”

Nhiệt huyết, yêu nghề của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dung thực sự là một tấm gương sáng cho nhiều đồng nghiệp học tập và noi theo.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN