Cơ hội chấn chỉnh thực trạng bát nháo lễ hội

07:17 | 08/02/2020

DNTH: Hiểm họa viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, đã khiến mọi sinh hoạt cộng đồng trì hoãn và ngưng đọng. Các loại lễ hội sau Tết vì vậy cũng phải tạm ngừng.

09-58-43_le_hoi_1

Đại dịch cần phải ứng phó về mặt y tế, nhưng bối cảnh không còn các cuộc chen lấn và giành giật của khách thập phương, lại thành cơ hội để rà soát và chấn chỉnh thực trạng bát nháo với hơn 8000 lễ hội lớn nhỏ trên cả nước!

Nếu không tính các buổi mit-tinh kỷ niệm những sự kiện chính trị - xã hội, thì Việt Nam mỗi năm có bao nhiêu lễ hội? Ngành văn hóa vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, nếu đem 8.000 lễ hội lớn nhỏ đang tồn tại khắp ba miền mà chia đều ra, thì trung bình mỗi ngày Việt Nam có 21 lễ hội.

Dân số chưa tới 100 triệu, mà chạy ngược chạy xuôi với con số lễ hội khủng khiếp như vậy, thì còn đâu sức người, sức của để xây dựng và phát triển? Lễ hội biểu trưng cho đời sống nông thôn những mùa nhàn rỗi, liệu có còn phù hợp trong thời đại công nghiệp? Câu trả lời rất đơn giản, nhưng các loại lễ hội vẫn nảy nở để đáp ứng nhu cầu riêng tư của một nhóm cộng đồng nào đó.

Nhìn một cách tổng thể, chúng ta có 5 loại thể loại. Thứ nhất là lễ hội dân gian. Thứ hai là lễ hội lịch sử cách mạng. Thứ ba là lễ hội tôn giáo. Thứ tư là lễ hội mang tính quốc tế được du nhập, như Valentine hoặc Halloween. Và thứ năm là lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch. Trong 5 loại lễ hội, thì loại lễ hội thứ 5 càng ngày càng nhiều, gây tốn kém và lãng phí theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Để bảo đảm giá trị lễ hội, không thể không đề cập đến tuồng tích và di sản. Nếu lễ hội nào không chuyên chở được truyền thuyết tích cực nào, thì nên xóa bỏ. Mặt khác, nếu dùng lễ hội để kích cầu du lịch thì cần có bài toán quản lý hợp lý và bài toán kinh tế thấu đáo.

Không thể vô tư rót ngân sách vào lễ hội mà không cân nhắc kết quả thu hoạch. Nếu lễ hội tự phát của một làng hoặc một xã, thì chính quyền cơ sở phải tiên lượng được sức ảnh hưởng đối với phong tục và tư duy của địa phương.

Lễ hội thường tập trung vào mùa xuân, vì đó là thời điểm mở đầu cho một năm mới. Thời tiết cũng như lòng người đều hưng phấn cho các cuộc giao lưu và gặp gỡ. Lễ hội từ tập quán canh tác lúa nước liên tục được bổ sung các sự kiện lịch sử, thờ phụng các vị anh hùng, dần dần nâng lên thành tín ngưỡng phong phú và đa dạng. Ở góc độ dân tộc, thì lễ hội là cơ hội cho người dân trở về cội người và thể hiện tinh thần quần chúng.

Ngoài lễ hội Đền Hùng đã thành quốc lễ, thì nhiều lễ hội khác như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ… đã vượt khỏi quy mô tỉnh thành. Vì vậy, vấn đề khác phải đối diện là số lương du khách tăng nhanh đến mức đột biến, làm bất cập về an ninh trật tự cũng như môi trường sinh thái.

Có không ít lễ hội dân gian đã cải biên, hoặc pha tạp và thay hình đổi dạng hoàn toàn phai nhại bản sắc ban đầu. Tư duy trục lợi từ lễ hội cũng xuất hiện, dày đặch những ban thờ, những hòm công đức, những khay để tiền giọt dầu đà khiến vài di tích không khác gì chốn mưu cầu vật chất, suy giảm yếu tố tâm linh và cực kỳ phản cảm.

Còn các lễ hội tín ngưỡng thì sao? Các chiêu trò bói toán, đoán quẻ, dâng sao, giải hạn, trục vong… công khai và phổ biến đến mức chốn tôn nghiêm cũng bị rẻ rúng và mỏi mệt. Ai chịu trách nhiệm? Thật khó trả lời, khi những ngôi chùa hoành tránh vẫn được mọc lên nhan nhản và trăm ngàn nhu cầu cúng kính nhang đèn hương khói vẫn được người người tham gia.

Có phải cuộc sống ngột ngạt đã làm con người sùng bái thần thánh không? Mỗi lễ hội là một cảnh ngao ngán, hết cướp phết đến cướp lộc, rồi giằng co, rồi đánh nhau…Lễ hội không thấy niềm vui no ấm, mà chỉ thấy tai ương và nhiễu loạn.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), lại cho rằng: “Văn hóa truyền thống của chúng ta về lễ hội là gì, là vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội. Chúng ta thừa nhận giá trị lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng…, thăng hoa thì phải có sự va chạm, chen lấn.

Lễ hội phải có cái gì đó khác ngày thường, khác ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó phải có sự thăng hoa hơn ngày bình thường. Chúng ta cũng nên khuyến khích những khoảnh khắc thăng hoa đó, chỉ có điều từ góc độ quản lý làm thế nào để đừng thăng hoa quá. Làm gì có lễ hội nào phản cảm, chỉ có hành vi mang tính chất không thuận mắt mà thôi.

Ví như lễ hội làng Ném Thượng chứ không phải lễ hội chém lợn. Chém lợn chỉ là nghi lễ, nghi thức trong cả diễn trình. Nếu cứ cấm là mất đi bản sắc văn hóa. Nhiều nơi thèm khát lễ hội của chúng ta. Vì thế quản lý thế nào thì quản lý, nếu mất đi màu sắc riêng là thất bại”.

Màu sắc riêng của từng lễ hội, chính là chìa khóa để hóa giải những băn khoăn về lễ hội hiện nay. Đáng tiếc, chưa có ai phân định và chứng minh rành mạch. Những nhà nghiên cứu văn hóa đều có chung âu lo về cách sân khấu hóa lễ hội đã và đang được áp dụng rộng rãi.

09-58-43_le_hoi_2

Về mặt truyền thống, trong lễ hội không có người trình diễn cho người khác xem. Mọi người cùng tham gia, cùng sáng tạo, cùng hưởng thụ.

Vậy mà, không hiểu sao lại có xu hướng tổ chức lễ hội bằng cách đưa những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về sáng tạo, biểu diễn và đưa người dân trở thành… khán giả bất đắc dĩ. Điều này không đúng với bản chất của lễ hội. Bản thân người dân phải là người sáng tạo, hòa đồng với nhau trong lễ hội.

Đó là lúc con người hòa đồng với thần linh, với tự nhiên. Đó là một tinh thần rất cao cả của lễ hội, mặc dù đi lễ hội người ta thấy "tả tơi", nhưng ai cũng vui, vì người ta tìm thấy cái gì đó trong lễ hội, tìm thấy sự hòa đồng, một nhu cầu, khát vọng của bản chất con người.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, chấn chỉnh lễ hội là vấn đề đặt ra gần như với mọi quốc gia, và mỗi nơi có sự lựa chọn khác nhau. Có nơi chấp nhận “thả nổi”, để các lễ hội tự vận hành cho tới khi tìm được một mô hình tồn tại phù hợp với thời đại. Có nơi chủ động, cân nhắc tìm các biện pháp để giải quyết và dung hòa yếu tố này.

Với Việt Nam, cái khó của chúng ta là việc không có cơ hội đi tìm sự chủ động cho mình. Sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, đến lượt rất nhiều các lễ hội tại Việt Nam bị cấm đoán với lý do bài trừ mê tín. Bây giờ, khi được khôi phục lại, các lễ hội từng tồn tại từ thời phong kiến mới lúng túng đi tìm một cách tồn tại mới, trong một bối cảnh xã hội mới. Điều này rất cần tới vai trò của Nhà nước, để giữ gìn bản sắc và tính thiêng liêng của lễ hội, đáp ứng được nhu cầu thay đổi cho phù hợp với tính lịch sử.

Nhưng, Nhà nước hỗ trợ tới mức nào là đủ để tránh tình trạng “Nhà nước hóa” lễ hội như đã nói ở trên lại là điều cần bàn. Xã hội phát triển với tốc độ càng nhanh, con người ta càng có nhu cầu đến với hệ thống các giá trị tín ngưỡng để tìm sự cân bằng tâm lý cho mình. Nhưng, chính vì sự đứt gãy quá lâu, chúng ta lại mất hẳn phần kiến thức, hiểu biết về các chuẩn văn hóa, tín ngưỡng đi kèm lễ hội khi xưa.

Tôi vẫn nói đùa với bạn bè là chúng ta đang rơi vào tình trạng “loạn chuẩn” trong mùa lễ hội. Nhu cầu tín ngưỡng lớn tới mức nhiều người trẩy hội Xuân, thấy bát hương là lao tới như con thiêu thân. Lao tới một cách vô thức mà không biết mình muốn tìm cái gì, phải làm gì, không biết cả những khái niệm cơ bản mà dân gian đã đặt ra như cầu tự thì đi nơi đâu, vào hội thì nơi chính để đặt hương, dâng lễ là những chỗ nào. Đó là một điều khó và có lẽ chỉ có thể giải quyết từ từ bằng việc nâng cao nhận thức...

Theo TÂM HUYỀN (Kiến thức gia đình số 6)

  •  

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: “Cuộc hội ngộ” của những thanh âm chạm vào cuộc...

DNTH: Chỉ trong vòng 5 ngày trước khi kết thúc nhận tác phẩm (15/11), hàng chục tác phẩm phát thanh dự thi ồ ạt gửi về, nâng tổng số tác phẩm dự thi ở Phát thanh – Podcast - hạng mục lần đầu tiên được đưa vào Giải báo chí toàn...

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

XEM THÊM TIN