CỔ PHẦN HÓA DNNN: NHỮNG “LỖ HỔNG” ĐANG TỒN TẠI

09:35 | 23/12/2019

DNTH: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực mới, tận dụng được năng lực quản trị trong xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng trong quá trình thực hiện đã cho thấy tình trạng lệch lạc mục tiêu, thất thoát tài sản nhà nước không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà đã hiện hữu rõ ràng.

Trong thời gian qua, hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Kết quả này phần nào đã khắc phục được tình trạng “cha chung không ai khóc” đối với tài sản thuộc sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp, giúp huy động thêm nguồn vốn xã hội vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra động lực và cơ chế quản lý năng động, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, nảy sinh nhiều “lỗ hổng” gây thất thoát tài sản nhà nước. Đã có không ít tiền của, giá trị tài sản của nhà nước được chuyển hóa không đúng quy định, không đúng giá trị thực cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp do các cá nhân cùng lợi ích sở hữu.

Thất thoát do xác định giá trị doanh nghiệp

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp là giai đoạn then chốt, tiền đề cho việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, là cơ sở để định giá bán cổ phần khi phương án được phê duyệt. Có thể nhận diện đây là lỗ hổng lớn nhất gây thất thoát tài sản của nhà nước ở các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Nhiều giá trị tài sản thiết bị, giá trị thương hiệu, lợi thế thương mại, giá trị quyền sử dụng đất… được định giá rất thấp, thậm chí không được định giá như giá trị lao động của đội ngũ công nhân kỹ thuật hay giá trị của hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ hoặc bí quyết sản xuất.

Ảnh: Internet

Phương pháp sử dụng để xác định giá trị tài sản doanh nghiệp chưa có chuẩn mực thống nhất, thiếu tính tham chiếu. Nhiều tài sản của doanh nghiệp khi định giá được bóc tách riêng lẻ xác định theo từng bộ phận một cách có ý đồ, không được định giá tổng thể theo hệ thống. Căn cứ để định giá tài sản hữu hình chủ yếu vẫn chỉ dựa trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp, chưa được xác định theo giá thị trường dẫn đến giá trị doanh nghiệp không phản ánh đúng giá trị thực. Mặt khác, cũng có không ít các lãnh đạo DNNN cố ý điều hành làm giảm hiệu quả kinh doanh hoặc thậm chí gây thua lỗ trước cổ phần hóa nhằm làm giảm giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhóm lợi ích thâu tóm.

Một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng chính sách không tính giá trị đối với đất đang thuê, vào giá trị doanh nghiệp. Dẫn đến bỏ sót phần giá trị lợi thế kinh doanh về địa điểm, vị trí của mảnhđất được hưởng quyền thuê. Xét về mặt kinh tế, khi doanh nghiệp đang sử dụng đất ổn định, yếu tố vị trí là rất quan trọng, nó sẽ quyết định giá trị của mảnh đất đó. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thâu tóm doanh nghiệp chỉ vì vị trí của mảnh đất vàng đang nắm quyền thuê, chứ không nhằm vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không xây dựng phương án sử dụng đất thuê trình cấp có thẩm quyền khi xác định giá doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng sau khi cổ phần hóa đơn vị “biến” từ đất sản xuất sang đất thương mại, nhà ở thu lợi cá nhân. Hoặc cũng có những trường hợp cố tình thay đổi hình thức từ đất đã được giao, đất trả tiền thuê một lần sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, nhằm mục đích tránh định giá giá trị doanh nghiệp cao. Đây là kẽ hở phổ biến liên quan đến đất đai, bị các doanh nghiệp lợi dụng để loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Ảnh: Internet

Giá trị doanh nghiệp bị giảm, tài sản nhà nước bị thất thoát còn do các khoản nợ phải thu, tạm ứng tồn đọng, không rõ đối tượng, không quy được trách nhiệm cá nhân. Các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp được phát sinh trước đó, kéo dài và không có khả năng thu hồi. Khi chuẩn bị cổ phần hóa, lãnh đạo các doanh nghiệp thường xử lý “khéo léo” vào kết quả kinh doanh, dẫn đến làm giảm tài sản tiền vốn của nhà nước. Phần lớn các thành viên trong ban chỉ đạo cổ phần hóa cũng sẽ là người giữ vị trí lãnh đạo của công ty sau cổ phần hóa, nên họ luôn có xu hướng xử lý gọn gàng các khoản nợ tồn đọng, nhằm xóa bỏ trách nhiệm cá nhân trong giai đoạn họ quản lý điều hành.

Vai trò của đơn vị tư vấn, thẩm định trong việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng rất nhạt nhòa. Theo quy định, đơn vị thẩm định tư vấn sẽ là bên trung gian, hoạt động độc lập khách quan nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà nước và các nhà đầu tư. Phần lớn các cơ quan có thẩm quyền đều phê duyệt phương án cổ phần hóa dựa trên kết quả thẩm định của đơn vị này. Nhưng do không có các chế tài xử lý, quy trách nhiệm bồi thường khi xảy ra thiệt hại, nên vẫn xuất hiện tình trạng bắt tay làm giá giữa người đứng đầu doanh nghiệp với nhà đầu tư chiến lược, trong đó đơn vị tư vấn thẩm định đóng vai trò trợ giúp đắc lực. Mặt khác, tại nhiều địa phương chỉ sử dụng một đơn vị tư vấn cho toàn bộ doanh nghiệp cổ phần hóa, dẫn đến kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp có thể bị can thiệt thay đổi bởi tác động của các nhóm lợi ích. Đây cũng là một nguyên nhân gây thất thoát tài sản của nhà nước, nhưng chưa được kiểm soát xử lý.

Lợi dụng vai trò người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp là những người được nhà nước cử và giao nhiệm vụ quản lý, bảo toàn, phát triển phần vốn nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu chiến lược tại doanh nghiệp. Hầu hết những người đại diện vốn nhà nước đều nắm các chức vụ quản lý trong chính doanh nghiệp, trước và sau khi được cổ phần hóa. Với vai trò vị trí được ví như những cánh tay nối dài để nhà nước giám sát và điều chỉnh kịp thời các hoạt động tại doanh nghiệp, nhưng họ không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định.

Lợi dụng ảnh hưởng từ việc được giao quyền quản lý, họ thực hiện bổ nhiệm đề bạt các vị trí lãnh đạo trong các công ty con theo hướng thao túng, thâu tóm. Thậm chí, còn dịch chuyển các lợi thế thương mại, bí quyết sản xuất, hệ thống phân phối, thương hiệu sản phẩm thuộc sở hữu của doanh nghiệp được giao quyền quản lý vốn, sang các công ty con, công ty liên kết có chung lợi ích kinh tế với cá nhân họ. Khi quá trình chuyển dịch hoàn thành, họ sẽ thực hiện giảm quyền chi phối bằng cách “bật đèn xanh” cho các công ty con, công ty liên kết thực hiện tăng vốn điều lệ, nhưng doanh nghiệp họ quản lý không thực hiện tăng vốn theo hoặc thực hiện thoái vốn một phần hay toàn bộ. Tài sản nhà nước và của các cổ đông chân chính đã bị chính những người đại diện vốn nhà nước đánh cắp dưới vỏ bọc “đúng quy trình”. 

Theo quy định, các vấn đề tồn tại liên quan đến vốn và tài sản của nhà nước phát sinh sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, phải được trình bày trên báo cáo tài chính và được ghi nhận trong biên bản bàn giao cho công ty cổ phần. Các vấn đề này phải được theo dõi cho đến khi được quyết toán xong phần vốn của nhà nước tại đơn vị cổ phần. Tuy nhiên, việc này nhiều đơn vị không thực hiện đúng quy định, người đại diện vốn không sát sao hoặc cố tình lờ đi, dẫn đến thất thoát vốn và tài sản của nhà nước. Chẳng hạn, một số khoản như lãi vay phải trả ngân hàng phát sinh trước thời điểm cổ phần hóa, nhưng sau khi cổ phần hóa mới có quyết định được miễn giảm. Số tiền được miễn giảm phải được hoàn trả về nhà nước nhưng các đơn vị không thực hiện.

Tài sản của nhà nước còn bị thất thoát bởi các nguồn thu từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án bất động sản. Khi xây dựng phương án cổ phần hóa, dự án bất động sản này mới được cấp có thẩm quyền đồng ý về mặt chủ trương, chưa phát sinh lợi ích kinh tế. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phát sinh lợi ích kinh tế, toàn bộ lợi ích này phải thuộc về tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp công việc này không được thực hiện, cá biệt có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp còn lập thỏa thuận với bên đối tác để từ chối hưởng các lợi ích kinh tế từ dự án, trước khi có quyết định cổ phần hóa, dẫn đến nhà nước đã thất thoát nguồn tiền này.

Ngoài ra, tài sản nhà nước còn bị thất thoát do quá trình cổ phần hóa DNNN thiếu minh bạch thông tin. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phần lặng lẽ âm thầm, người mua chủ yếu là người quản lý doanh nghiệp hoặc những cá nhân, tổ chức có liên quan cùng lợi ích kinh tế. Những nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp hoàn toàn không có thông tin, họ thực hiện ý đồ thao túng để mua với giá thấp hơn nhiều giá thị trường.

Các giải pháp khắc phục

Một là, từ phía các cơ quan nhà nước cần rà soát và sửa đổi các quy định hướng dẫn về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền được thuê đất của DNNN khi cổ phần hóa, giá cổ phần khởi điểm khi thực hiện thoái vốn nhà nước. Hoàn thiện khung pháp lý, phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình khác của doanh nghiệp, xử lý về lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế khi nhà nước chưa thực hiện thoái vốn.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa. Cần có các quy định bắt buộc doanh nghiệp phải công khai minh bạch thông tin về tình hình hoạt động, giá chào bán cổ phần trên thông tin đại chúng. Nghiêm minh xử lý trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, hoặc những người được cử làm đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khi xảy ra việc trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện cổ phần hóa.

Ba là, kiên quyết thu hồi đất thuê không sử dụng hay sử dụng sai mục đích, sai phương án được phê duyệt khi cổ phần hóa. Khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, thì giá đất phải được áp theo mục đích chuyển đổi và được đấu giá công khai quyền sử dụng đất đó. Các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa cần phải được giám sát chặt chẽ, quy trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra thất thoát hay cố tình trây ỳ, dây dưa.

Bốn là, cần có quy định pháp lý để xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị tư vấn thẩm định, khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá chào bán cổ phần lần đầu và khi thoái vốn. Phải đảm bảo được vai trò độc lập khách quan của đơn vị tư vấn, nhưng cũng cần gắn trách nhiệm bồi thường vật chất khi xảy ra thiệt hại. Đồng thời, cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo tính độc lập và minh bạch, ngăn chặn lợi ích nhóm.

Để quá trình cổ phần hóa DNNN thực hiện đúng mục tiêu, ngăn chặn kịp thời thất thoát tài sản nhà nước, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cần nhận diện thấu đáo vấn đề, thực hiện đồng độ các giải pháp và cụ thể hóa bằng văn bản các quy định, nhằm bịt các lỗ hổng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Nên thực hiện theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chạy theo việc kiểm tra xử lý tình huống các sự việc, con người cụ thể khi sự đã rồi.

TUẤN HOÀNG

(Theo TCDN&TH số tháng 12)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN