"Con dao hai lưỡi" từ thẻ tín dụng: Giới trẻ "cày" cả tháng chỉ đủ trả nợ

16:25 | 16/12/2024

DNTH: Thẻ tín dụng ngày càng phổ biến trong giới trẻ nhờ vào sự tiện lợi và các ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chi tiêu, thẻ tín dụng dễ dàng trở thành "con dao hai lưỡi", dẫn đến nợ nần và khó khăn tài chính.

Tận dụng ưu đãi quanh năm

Trong những năm gần đây, việc sử dụng thẻ tín dụng đã trở thành một xu hướng phổ biến trong giới trẻ Việt Nam. Với sự phát triển của thương mại điện tử và lối sống hiện đại, thẻ tín dụng không chỉ đơn thuần là công cụ thanh toán mà còn là biểu tượng của sự năng động và tiện ích trong quản lý tài chính cá nhân.

Từ các cửa hàng đến nền tảng trực tuyến, người trẻ đang ngày càng ưa chuộng việc "quẹt thẻ" để thực hiện giao dịch nhanh chóng, an toàn và tận hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Trên website của nhiều ngân hàng hiện nay, không khó để thấy được các chương trình ưu đãi dành cho chủ thẻ tín dụng. Những ưu đãi giảm giá từ 20-30% khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang trở thành điểm nhấn thu hút giới trẻ.

"Con dao hai lưỡi" từ thẻ tín dụng: Giới trẻ "cày" cả tháng chỉ đủ trả nợ- Ảnh 1.

Người trẻ đang ngày càng ưa chuộng việc "quẹt thẻ" để thực hiện giao dịch nhanh chóng, an toàn và tận hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Ngọc Hạnh (25 tuổi, Long Biên), một chuyên viên marketing tại Hà Nội, là một trong những người trẻ coi thẻ tín dụng không chỉ là công cụ tài chính mà còn là "người bạn đồng hành" trong cuộc sống.

"Lần đầu tiên tôi dùng thẻ tín dụng là khi cần mua một chiếc laptop để làm việc. Ngân sách lúc đó không đủ, nhưng nhờ chương trình trả góp 0% qua thẻ, tôi có thể mua được ngay mà không phải vay mượn ai. Sau đó, tôi dần nhận ra thẻ tín dụng còn có rất nhiều lợi ích khác ngoài thanh toán", Ngọc Hạnh nói.

Là người đam mê mua sắm online, Minh Anh (24 tuổi, Hoàng Mai) luôn tận dụng các chương trình khuyến mãi từ thẻ tín dụng để tối ưu hóa chi tiêu. "Hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn đều có liên kết với ngân hàng để cung cấp ưu đãi cho chủ thẻ.

Có những đợt tôi săn được giảm giá đến 30%, rồi lại còn hoàn tiền thêm 10% trên hóa đơn. Những lần đó, cảm giác như mình vừa tiết kiệm được một khoản lớn, vừa có được món đồ mình muốn."

Không chỉ dừng lại ở mua sắm, Minh Anh còn tận dụng thẻ tín dụng trong các chuyến du lịch. "Nhờ tích điểm từ các giao dịch, tôi đổi được vé máy bay và phiếu giảm giá khách sạn. Có lần đi Đà Nẵng, toàn bộ chi phí lưu trú và ăn uống tại một resort cao cấp gần như được giảm đến 50%", Minh Anh cho biết. 

Gánh nặng tài chính vì tiêu trước trả sau

Dễ nhận thấy rằng, thẻ tín dụng là công cụ tài chính mạnh mẽ giúp tối ưu hóa chi tiêu và cung cấp sự tiện lợi trong thanh toán. Tuy nhiên, nếu không được quản lý hợp lý, thẻ tín dụng có thể trở thành gánh nặng tài chính.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng thẻ tín dụng không đúng cách.

Ông Huân nhận định, mặt trái lớn nhất của thẻ tín dụng là nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý và khoa học, người dùng rất dễ mất khả năng thanh toán.

Điều này xuất phát từ việc các ngân hàng thường cấp hạn mức tín dụng cao, có thể tương đương 8 -12 tháng thu nhập của khách hàng. Nếu chi tiêu vượt khả năng tài chính mà không có kế hoạch quản lý hiệu quả, đến khi hết thời gian ân hạn, người dùng có nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ nần.

"Con dao hai lưỡi" từ thẻ tín dụng: Giới trẻ "cày" cả tháng chỉ đủ trả nợ- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM.

Chị Thùy Linh (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Tp.Hà Nội) chia sẻ: "Ban đầu, tôi mở thẻ tín dụng để trả góp mua điện thoại. Sau đó, tôi bắt đầu sử dụng thẻ để thanh toán ăn uống, mua sắm và cả những chuyến du lịch.

Vì nghĩ trả góp hàng tháng cũng không nặng, tôi cứ vô tư cà thẻ. Đến lúc nhận sao kê, tôi hoảng hốt khi dư nợ lên tới 80 triệu đồng. Lương hàng tháng chỉ đủ trả nợ và lãi, khiến tôi không thể tiết kiệm gì".

Anh Việt Hoàng (28 tuổi, kinh doanh tự do ở Hà Nội) kể: "Lần đầu dùng thẻ tín dụng, tôi nghĩ chỉ cần trả khoản tối thiểu là ổn. Nhưng khi bị lãi suất cộng dồn, tôi mới nhận ra mỗi tháng mình phải trả thêm gần 3 triệu tiền lãi. Đến nay, tôi vẫn đang gồng gánh khoản nợ lớn từ việc dùng thẻ không kiểm soát".

 Bên cạnh đó, ông Huân nhận định, lãi suất thẻ tín dụng dao động từ 25-28%/năm, cao hơn nhiều so với các khoản vay thông thường (chỉ khoảng 9-10%).

Vì thẻ tín dụng là một hình thức cho vay tín chấp, không có tài sản thế chấp, nên các ngân hàng áp dụng lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro. Đặc biệt, nếu khách hàng không thanh toán nợ sau thời gian miễn lãi, lãi suất sẽ được tính lũy tiến từng ngày, dẫn đến "lãi mẹ đẻ lãi con."

Ngoài tiền lãi, thẻ tín dụng còn có một số loại phí mà chủ thẻ phải để ý như phí phạt 150% lãi suất, phí thường niên, phí ứng trước tiền mặt, phí thanh toán chậm... Trong khi đó, nhiều khách hàng rất ít để ý các phí trên khi sử dụng thẻ thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài; đến khi bị tính mới ngã ngửa, nhưng không thể làm khác được.

Chị Phượng (30 tuổi, Tây Mỗ) chia sẻ: "Có lần tôi rút tiền mặt từ thẻ để giải quyết việc gấp mà không để ý phí rút lên tới 4% số tiền, cộng thêm lãi suất cao. Từ số tiền cần rút ban đầu chỉ 20 triệu, tôi phải trả gần 23 triệu trong vòng hai tháng. Từ đó, tôi không bao giờ dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt nữa".

Anh Đình Lâm (30 tuổi, Long Biên) chia sẻ: "Tôi từng bị đưa vào danh sách nợ xấu do chậm thanh toán thẻ tín dụng vài tháng. Điều này khiến tôi gặp khó khăn khi vay mua nhà dù thu nhập ổn định. Ngân hàng yêu cầu tôi trả hết nợ thẻ và cần thêm thời gian để cải thiện điểm tín dụng".

Để tránh rủi ro và trở thành người dùng thẻ thông minh, hiệu quả, để trở thành người sử dụng thẻ tín dụng thông minh, hiệu quả, bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) khuyến nghị, người dùng phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan. Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, người dùng cần tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ.

 Với đặc thù của thẻ tín dụng, ngân hàng phải ứng tiền cho khách hàng sử dụng trong thời hạn ân hạn ưu đãi thanh toán, vì vậy, khi người dùng chậm thanh toán sẽ phải trả lãi ngân hàng.

 Điều này khác với khoản vay thông thường, tức khách hàng phải trả lãi ngay khi sử dụng khoản vay.

 "Người dùng cần xem kỹ mức phí, lãi ngân hàng đang áp dụng. Định kỳ hàng tháng, ngân hàng gửi thông báo sao kê, số dư nợ phát sinh, số tiền tối thiểu thanh toán tới khách hàng. Đồng thời xem kỹ để thanh toán đầy đủ, đúng hạn", bà Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ thêm.

Theo Người đưa tin

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/con-dao-hai-luoi-tu-the-tin-dung-gioi-tre-cay-ca-thang-chi-du-tra-no-20424121220570275.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Người nộp thuế cần cập nhật thông báo để tránh bị cấm xuất cảnh

DNTH: Chiều 8/11, Bộ Tài chính cho biết: Trước khi ban hành Thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đã thực hiện một số các biện pháp đôn đốc như gọi điện thoại, gửi email, mời lên làm việc, gửi thông báo nợ, gửi Quyết...

Nhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng, doanh nghiệp đến trường đại học tìm lao động

DNTH: Trước nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vào những tháng cuối năm tăng cao cùng với nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng tăng, ngày 3/11, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức ngày hội “Thực tập và việc làm TP...

Cảnh giác với các chiêu trò quảng cáo ‘chân mày phong thuỷ’

DNTH: Một điểm chung của các cơ sở “chân mày phong thuỷ” là sử dụng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo trên các trang mạng xã hội với nội dung điêu khắc chân mày, thay tướng đổi vận có chi phí thấp. Thế nhưng, khi đến...

Quy định về niên hạn sử dụng của xe cơ giới từ 1/1/2025, ai cũng nên biết

DNTH: Nhiều người thắc mắc, niên hạn sử dụng của xe cơ giới được quy định thế nào theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024?

Điều kiện để người lao động được nhận trợ cấp thôi việc, ai cũng nên biết

DNTH: Nhiều người thắc mắc về những trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được nhận trợ cấp thôi việc và mức hưởng là bao nhiêu?

Theo quy định mới, sổ đỏ được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

DNTH: Theo quy định hiện nay, trong một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi tắt sổ đỏ) được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

XEM THÊM TIN