Công việc mưu sinh của cư dân tại "xóm lá buông"

18:57 | 19/04/2023

DNTH: Ấp Lộc Hoà, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là nơi sinh sống của gần 10 hộ dân "xóm lá buông" - khu xóm nhỏ nằm gần cửa khẩu Hoa Lư, ngay sát Quốc lộ 13, cách đường biên giới nước bạn Campuchia không xa. Họ là những người nhập cư đến từ nhiều nơi, trong đó phần đa tới từ các tỉnh miền Tây (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Công việc mưu sinh của người dân tại "xóm lá buông" chủ yếu là phơi lá buông; dẫu có phần vất vả nhưng đây là công việc mang lại nguồn sống cho họ, nhiều người còn có “thâm niên” lên tới cả vài chục năm…

"Xóm lá buông" - xóm của những người ngụ cư

Trao đổi với người dân tại "xóm lá buông" được biết, cách đây khoảng hơn 20 năm, khi các chủ buôn lá buông từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Hoa Lư, để cung ứng nguyên liệu cho các làng nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, làm nón lá... làm ăn phát đạt, thì cũng là lúc có rất nhiều người lao động từ muôn nơi tới làm mướn cho các chủ buôn này. Họ tới từ miền Bắc, miền Trung và nhiều hơn cả là từ các tỉnh miền Tây.

Mới đầu, các chủ buôn lá buông để người làm mướn tự xoay sở chỗ ăn, chỗ ở. Sau đó, họ cho người làm mướn dựng lều, lán ở ngay trong khuôn viên của bãi tập kết và phơi lá buông. Mỗi gia đình ở trên một khoảng đất với các lều, lán nhỏ, qua thời gian tạo thành các “xóm lá buông” với số lượng cư dân đông đúc, nhộn nhịp.

Bà Lê Thị Bảy hơn 60 tuổi, tới từ tỉnh Đồng Tháp, là một trong số các cư dân tới lập nghiệp đầu tiên trong “xóm lá buông” kể rằng, thời điểm cách đây hơn chục năm tại khu vực biên giới này không chỉ có 1, mà có tới mấy khu phơi lá buông của các chủ khác nhau. Khi đó, công việc buôn bán lá buông làm ăn phát đạt nên lượng người làm mướn rất đông. Số hộ dân sinh sống quần tụ tại đây khá nhiều, lên tới mấy chục hộ. Nhiều người về quê không chỉ dắt díu người thân, mà còn cả hàng xóm tới đây để làm mướn.

Những năm gần đây, nghề buôn lá buông không còn “phất” và thuận lợi như xưa, số chủ kinh doanh loại mặt hàng này cũng không còn nhiều, vì thế mà số hộ dân dần chuyển đi nơi khác làm ăn, sinh sống bằng nhiều công việc khác, khiến cho "xóm lá buông" trở nên thưa vắng, đìu hiu hơn. Hiện chỉ còn chưa đầy chục hộ “bám trụ”.

“Ngày trước ở quê không có việc làm, vợ chồng tôi lên đây làm mướn cho người ta. Thấy làm công việc này cuộc sống cũng tạm ổn nên tôi đưa cả gia đình, cùng các cháu trong họ, cả mấy người hàng xóm lên đây cùng làm. Về sau, nhiều người từ những nơi khác đến đây, tập trung thành mấy xóm từ khi nào không hay. Mới đó mà cũng đã hơn 20 năm rồi, nhanh thật…”.  - Bà Bảy chia sẻ thêm.

Anh Sơn đang bó lại các xương lá buông để chuẩn bị cân cho chủ vựa mang đi tiêu thụ
Anh Sơn đang bó lại các xương lá buông, chuẩn bị cân cho chủ vựa mang đi tiêu thụ.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn và chị Trần Thị Thương, quê An Giang, cũng tới làm mướn phơi lá buông và ở lại “định cư” trong xóm lá này hơn chục năm chia sẻ: hai vợ chồng tôi sinh con, đẻ cái ở đây. Hàng ngày làm công việc phơi lá. Những hôm đã hoàn thành mẻ lá nhận phơi, chưa có lá tươi về tiếp, vợ chồng lại đi kiếm việc làm thêm ngoài thị trấn Lộc Ninh, hay các xã lân cận, để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học. Anh Sơn chia sẻ thêm: “mới đầu, tôi lên đây làm nghề phơi lá cũng chỉ nghĩ làm tạm bợ vài năm để lấy ít tiền vốn sau đó về quê kinh doanh buôn bán gì đó… nào ngờ làm luôn cho tới giờ. Công việc này cũng là “cái duyên” đã níu kéo vợ chồng tôi ở lại cái xóm lá này. Giờ các con còn nhỏ, chúng tôi cũng muốn bám trụ lại đây lâu nhất có thể với mong muốn, các con được học hành ổn định, chứ di chuyển về quê hay đi đâu đó thì việc học của các con cũng vì thế mà khó khăn hơn…”.

Cũng theo vợ chồng anh Sơn, cách đây gần bảy năm, xóm lá buông này rất đông đúc các thanh niên trai tráng, thế nhưng sau này họ “thoát ly” bằng cách xin việc làm thêm ở thành phố, hay làm công nhân tại các khu công nghiệp, vì thế mà xóm lá giờ chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, người trung niên...

Những tàu lá buông được gác lên giàn phơi khô trước khi được tước, sơ chế
Những tàu lá buông được gác lên giàn phơi khô trước khi được tước, sơ chế.

... và công việc phơi lá buông

Những ngày này, mặc dù đã bước vào cuối mùa khô ở các tỉnh phía Nam, nhưng không khí lao động ở đây vẫn luôn hối hả, khẩn trương. Người người tranh thủ nắng, gió để phơi những tàu lá buông khô, vàng ươm...

Bà Lê Thị Bảy cho biết, công việc phơi lá buông diễn ra quanh năm, nhưng “cao điểm” thường diễn ra trong 6 tháng mùa khô, khi trời không có mưa, nắng nóng nhiều, các mẻ lá phơi nhanh khô hơn, màu đẹp hơn, người làm nghề cũng không quá vất vả khi phải chạy mưa. Thu nhập của người làm công việc phơi lá buông dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Và cũng tuỳ người, già hay trẻ, phụ nữ hay đàn ông, làm giỏi hay không…, mà có mức thu nhập cao - thấp khác nhau. Nói chung, nếu có công việc đều thì một lao động trong khoảng 1 năm có thể “để ra” được vài ba chục triệu đồng, sau khi đã trừ đi chi phí ăn uống. Ngoài công việc chính là phơi lá buông, các hộ trong xóm lá đều chăn nuôi thêm gia cầm, trồng trọt rau quả để cải thiện cuộc sống sinh hoạt.

Anh Tuấn, quê Bạc Liêu, người làm nghề phơi lá buông hơn chục năm cho hay: “công việc phơi lá dẫu ổn định, nhưng thu nhập 5 - 7 triệu 1 tháng cũng đâu phải là cao, bởi thời nay vật giá sinh hoạt cái gì cũng leo thang. Hơn nữa, giờ lá tươi về ít, chỉ 1 tuần 1 xe, nên những lúc nhàn rỗi không có lá phơi thì các lao động phải đi ra ngoài kiếm việc làm để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống đỡ vất vả…”.

Dẫu mức thu nhập từ việc sơ chế, phơi lá buông của cư dân "xóm lá buông" không phải là cao, nhưng được cái tiền nhà ở không mất, chỉ mất tiền điện sinh hoạt nên cũng đỡ phần nào. Chị Thương, vợ anh Sơn nhẩm tính rằng: nếu như làm việc ở thành phố, hay chỗ khác một gia đình phải chi trả khoảng từ 1,5 - 2 triệu tiền nhà/tháng thôi thì cũng sẽ là một khoản “nặng” gánh. May là ở đây tiền nhà không mất, nên dù thu nhập không cao thì cuộc sống vẫn gọi là tạm ổn…

Trò chuyện với các “công dân” của "xóm lá buông" này mới thấy, công việc phơi lá khá vất vả. Khi lá tươi, mọi người phải bê, vác ra các giàn phơi cao tới vài mét, gác từng tàu lá lên các thanh tre giăng ngang để lá được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Vào mùa khô còn đỡ, chỉ khoảng 3 - 4 ngày lá khô cong; trong khi mùa mưa phải mất tới cả tuần lá mới khô, mà việc canh chừng để chạy mưa, che chắn lá cũng đủ để mệt… bở hơi tai. Đã vậy, nếu hộ nào phơi lá chưa đủ độ khô sẽ bị chủ vựa trừ tiền, bởi lá dễ bị ẩm mốc, xỉn màu. Ngoài ra, trong lúc vận chuyển, tước lá, phơi lá, thu buộc lá…, đòi hỏi phải khéo léo, nhất là ở khâu tách xé lá, nếu không cẩn thận thì lá sẽ bị rách nát.

Các bó lá buông trắng ngần sau khi đã được phơi khô chuẩn bị được vận chuyển mang đi cung cấp cho các làng nghề làm nón, cũng như đan lát đồ thủ công mỹ nghệ
Các bó lá buông đã khô có màu trắng ngần, sẽ được vận chuyển mang đi cung cấp cho các làng nghề làm nón, cũng như đan lát đồ thủ công mỹ nghệ.

Được biết, những năm trước đây, chỉ vài ba ngày là có 1 xe ô tô lá buông tươi, trọng lượng lên tới hơn chục tấn, đưa về để người lao động tước, phơi, sơ chế. Thế nhưng, vài năm trở lại đây thì khoảng 1 tuần mới có 1 xe ô tô lá tươi được đưa về. Người dân trong xóm nhận lá về xé và phơi khô, bóc buộc lại từng đon lá khô gọn gàng, tiền công tính theo sản phẩm. Giá thành thu mua lá khô sau khi đã phơi, sơ chế hiện tại của chủ vựa là 800 đồng/1kg; còn đối với các thanh xương lá (gân lá) giá là 5.000 đồng/1kg. Sau 3 chuyến lá tươi về, tương ứng với 3 tuần lễ thì chủ vựa sẽ cân lá khô và xương lá, vận chuyển mang đi tiêu thụ cung cấp cho các làng làm nón ở Huế, Hà Nội, Đồng Nai; hay một số địa phương có nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu...                                                        

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch: Du khách có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa địa phương

DNTH: Việc phát triển, kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch tại Quảng Ninh sẽ tạo thêm kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường và giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa hơn.

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024-2026

DNTH: Nhằm xây dựng một miền quê đáng sống tạo động lực về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã phát động cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024 - 2026 và nhận...

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

DNTH: Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì...

XEM THÊM TIN