Trong đó, 1.291 tỷ đồng sẽ được huy động từ nhà đầu tư; 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn từ ngân sách trung ương (đã bao gồm 10% dự phòng); Còn lại 1.593 tỷ đồng được huy động từ địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với thời gian thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2021, thời gian thu phí hoàn vốn là 23 năm 3 tháng.
Toàn tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 35,5 km, điểm đầu tại Km9+00, giao với Quốc lộ 37 mới tại Km2+384,15; điểm cuối tại Km44+500, vận tốc thiết kế 80 km/h, đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Trong phạm vi Dự án còn hạng mục xây dựng cầu vượt sông Hồng dài khoảng 2,195 km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thái Bình, kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua; tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn và ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển.
Được biết, để được lựa chọn là nhà đầu tư Dự án, Phương Anh đã vượt qua một đối thủ tầm cỡ khác là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành – “ông lớn” trong lĩnh vực BOT giao thông mà VietTimes đã nhiều lần đề cập. Và lưu ý, dự án quy mô ngót 4.000 tỷ đồng Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình vừa kể chưa phải là dự án “khủng” nhất mà Phương Anh tham gia.
Dấu ấn tại các dự án giao thông lớn
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh tiền thân là xí nghiệp xây dựng tư nhân Phương Anh, được thành lập cuối năm 2009. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ (chi tiết: đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, gồm BOT, BT, BTO).
Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi vào tháng 6/2017, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 1.256 tỷ đồng lên thành 2.267 tỷ đồng do bà Hoàng Thị Phương nắm giữ 63%. Hai cổ đông còn lại là Ngô Thị Phương Lan và Trần Thị Linh với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 23,67% và 13,23%. Như vậy, cả 3 cổ đông của Phương Anh đều là thể nhân và đều là phụ nữ.
Nên biết, Phương Anh là một cái tên “quen” xuất hiện trong nhiều dự án hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, trải dài từ Bắc vào Nam.
Đầu tiên có thể kể đến vai trò là cái tên đề xuất đầu tư đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT), có tổng mức đầu tư 8.470 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án được thanh toán bằng quỹ đất khoảng 1.200 ha trong Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2016, Phương Anh được giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình có tổng chiều dài trên 26 km và tuyến đường nhánh Đền Trần được đầu tư gần 4.300 tỷ đồng theo hình thức BT, trong đó giá trị xây lắp là 2.500 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai qua đoạn địa phận tỉnh Phú Yên quy mô 4.662 tỷ đồng là một dự án "khủng" khác có sự xuất hiện của Phương Anh. (Ảnh: Internet)
|
Năm 2015, Liên danh Phương Anh, Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh và Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn được chỉ định làm nhà đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai qua đoạn địa phận tỉnh Phú Yên. Dự án có tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh là đại diện liên danh.
Mà đó mới là một số dự án tiêu biểu có sự hiện diện của Phương Anh được tạm liệt kê.
Không chỉ đóng vai trò là chủ đầu tư, Phương Anh còn là nhà thầu có cỡ. Có thể kể đến như việc thực hiện gói thầu số 12 xây lắp công trình giai đoạn 1, thuộc dự án đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng. Giá trúng thầu là 672,1 tỷ đồng.
Dù chưa được nhắc đến nhiều trên truyền thông nhưng có thấy tiềm lực và vị thế của của Phương Anh là không “thường” một chút nào, chí ít là trong mảng hạ tầng giao thông.
Dĩ nhiên là một nhà đầu tư hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn tự có, Phương Anh còn phải huy động thêm nhiều nguồn lực khác, mà quan trọng hơn cả là nguồn vốn vay ngân hàng. Theo tìm hiểu của VietTimes, hai trong số những tổ chức tín dụng có quan hệ tích cực nhất với Phương Anh là BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 1 và VietinBank Chi nhánh Thành An.
Theo Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010. Tuyến bắt đầu từ Quảng Ninh tới Kiên Giang, đi qua địa phận 28 tỉnh, trong đó phía Bắc là 5 tỉnh, miền Trung là 14 tỉnh và khu vực phía Nam là 9 tỉnh. Tổng chiều dài khoảng 3.041km. Vùng ven biển miền Bắc (từ Quảng Ninh tới Ninh Bình), Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa tới Quảng Trị), miền Trung (từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định) quy mô đường cấp III. Vùng Nam Trung Bộ (từ Phú Yên tới Bình Thuận), Đông Nam Bộ (từ Vũng tàu tới TP Hồ Chí Minh), vùng Tây Nam Bộ (từ Tiền Giang tới Kiên Giang) quy mô đường cấp IV./. |
Ý kiến bạn đọc...