Cuốn sổ đỏ đâu phải là trò chơi ngẫu hứng?

09:12 | 20/07/2019

DNTH: Khi hay biết “đại gia điếu cày” bị khởi tố bởi tội “lừa dối khách hàng”, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội vội vàng ra quyết định thu hồi nhiều sổ hồng đã cấp cho các hộ dân...

Không biết với một số quan chức có vài cuốn sổ đỏ (sổ hồng) trong nhà thì cảm thấy như thế nào nhưng với đại đa số người dân, khi được tin cuốn sổ đỏ của nhà mình bị Nhà nước thu hồi sẽ hồn bay phách tán, khi ăn bỗng nhiên giật mình mà khi ngủ cũng vậy.

Thế mà hôm vừa rồi, khi hay biết “đại gia điếu cày” bị khởi tố bởi tội “lừa dối khách hàng”, Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hà Nội đã vội vàng ra quyết định thu hồi nhiều sổ hồng đã cấp cho các hộ dân tại một số dự án nhà ở do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng, bán cho khách hàng.

Mà đâu có phải một quyết định chung chung, thông báo thể hiện rõ từng tòa, từng tầng, từng căn bị thu hồi. Nào là tại tòa CT6A, CT6B ở dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, sẽ thu hồi sổ hồng của các tầng 2, 3, 4, 32… Rồi dự án Khu nhà ở Xa La, thuộc phường Phúc La, quận Hà Đông, sẽ thu hồi sổ hồng của 18 căn tầng 2, 3 và 4 căn thông tầng 26, 27 của các tòa CT1A, CT1B1, CT1B2... Cứ như Diêm vương ở đâu bỗng hiện lên đòi án tử.

Đúng ra, với một tư duy pháp lý thông thường thì sẽ là như thế này: Nếu “đại gia điếu cày” mà phạm tội lừa dối khách hàng thì những người dân mua nhà chính là đối tượng bị hại. Đứng về mặt pháp lý cũng như giá trị nhân văn thì các cơ quan chính quyền địa phương phải có những biện pháp chia sẻ, hỗ trợ họ để an dân. Nay vì lý do gì mà lại làm ngược lại, “choảng” cho người dân một đòn choáng váng về tâm lý như vậy?

Hơn nữa, một cuốn sổ đỏ được cơ quan có thẩm quyền công nhận không hề đơn giản, xin lên xin xuống, duyệt đi duyệt lại, giấy tờ chồng chất. Nay cấp cho dân rồi, tự nhiên muốn thu hồi là thu hồi, không một lời xin lỗi, không phân tích thuyết phục, cái lý là ở đâu?

Còn tiếp, hiện nay vụ việc mới ở giai đoạn khởi tố, đúng sai chưa minh bạch, tội trạng chưa định hình qua các phiên tòa, vậy căn cứ nào để xác định việc cấp này là sai, hay là như các cụ nói “có tật giật mình”?

 Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông

Nhân câu chuyện liên quan đến cuốn sổ đỏ này, tôi xin nhắc lại một câu chuyện cách đây ít lâu mà chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ, đó là hiếm có một thông tư (loại văn bản xếp thứ 8 trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật) của một Bộ lại gây ra ồn ào như Thông tư số 33/2017 được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Theo đó, từ ngày 5/12/2017, sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Sự kiện này được nhiều người quan tâm bởi lẽ nó động chạm đến quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản của công dân. Phần nữa, quyền sử dụng đất lâu nay và với nhiều gia đình, nó là tài sản lớn, thậm chí là tài sản lớn nhất, dễ gây ra tranh chấp khiếu kiện nhất trong nhiều quan hệ dân sự, kể cả trong quan hệ ruột thịt.

Cái sổ đỏ quý hơn vàng ấy nay tự nhiên bắt buộc phải chia sẻ, quả là điều không mấy ai dễ dàng chấp nhận.

Theo thông tư này, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Theo lý giải của ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT): “Quy định bổ sung tên vào sổ đỏ này sẽ tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng, tuy nhiên không nên kỳ vọng việc một quyển sổ sẽ giải quyết được mọi tranh chấp tài sản.

Về pháp luật, nếu là tài sản của ai, thì đứng tên người ấy. Sau này, kể cả là ghi tên thành viên trong gia đình, nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng vẫn phải truy ra những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ghi là ghi tên vào cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, còn có ghi hay không vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng như bình thường”.

À, ra thế! Điền tên những thành viên có chung quyền sử dụng đất vào để “tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng”. Thế nhưng cuộc sống đâu có phải đơn giản như vậy khi dính dáng đến một tài sản chung có tính quyết định như đất đai?

Tôi chỉ xin đặt ra một câu hỏi để các nhà “sáng kiến” ra điều luật này trả lời: Với miếng đất và tài sản trên đất nhà tôi hiện nay, sự đóng góp hình thành nên tài sản này của mỗi thành viên rất khác nhau. Vậy các ông định điền tên họ với vị thế ngang bằng nhau hay sao? Ai sẽ phân định cao thấp, nhiều ít trong khối tài sản này? Liệu với quyết định này có bảo đảm cho gia đình tôi yên ổn hơn hay là gây nên sự bất hòa ngay lập tức trong quan hệ ruột thịt?

Để thực hiện được việc “điền tên lịch sử” này, mỗi gia đình phải họp lại với nhau, phân chia tài sản theo sự đóng góp thành phần trăm (%) tựa như trong công ty cổ phần, sau đó kiến nghị lên Bộ TN&MT sửa đổi thông tư này để điền thêm, sau họ, tên, năm sinh là tỷ lệ % sở hữu. Nếu không nhất trí được thì kéo nhau ra... Tòa án.

Bởi lẽ, theo Điều 212 Khoản 2 của Bộ Luật Dân sự, “việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Thế là đang yên đang lành, chỉ vì hoàn thiện cái sổ đỏ theo “lệnh trên” mà cả nhà thấp thỏm, lo âu, người nọ nhìn người kia bằng con mắt nghi ngờ như bị tước đoạt...

Thật chẳng oan khi nhận xét vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ thẳng thắn: “Tôi cho rằng những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự”. Bởi theo ông, đối với con cái trong gia đình thì trong Bộ luật Dân sự đã nói về quyền thừa kế.

Và cũng nhân những câu chuyện nêu trên để thấy rằng, các nhà hoạch định chính sách liên quan đến lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm này ngày càng phải giỏi giang hơn, gần với cuộc sống thực tiễn hơn và... trong sáng hơn.

Theo  Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Reatimes

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

DNTH: Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

XEM THÊM TIN