Đại biểu Nguyễn Thị Xuân: An ninh nguồn nước gắn liền với an ninh quốc gia

09:10 | 15/06/2020

DNTH: Theo đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), vấn đề an ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia, quyền quyết định đến an ninh lương thực.

Tại phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an sinh, an ninh nguồn nước và đưa ra các giải pháp trước mắt với vấn đề này.

Cử tri mong muốn có nguồn nước được an toàn và đảm bảo bền vững

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) phát biểu tại hội trường ngày 13/6

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân khẳng định “vấn đề an ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia, quyền quyết định đến an ninh lương thực”.

Theo bà Xuân, các quốc gia trên thế giới luôn coi trọng việc bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia và đều có những phương án ứng phó khẩn cấp khi nguồn nước gặp sự cố.

“Đặc biệt qua những kỳ phải tiếp xúc cử tri, tôi đã đọc được nỗi niềm mong mỏi, khát khao của các cử tri về một nguồn nước được an toàn và đảm bảo bền vững. Vì vậy chúng tôi thấy rằng cần phải phát biểu về vấn đề này và phải khẳng định nước là sự sống, nước là tài nguyên đặc biệt, có vai trò thiết yếu không thể thiếu đối với đời sống của con người, thừa và thiếu nước đều là thảm họa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sinh tồn, đến sự phát triển từ bình thường đến bền vững của xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu.” – Bà Xuân nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường hiện nay, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách. gay gắt, mang tính chiến lược và mang tính toàn cầu hơn lúc nào hết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Đặc biệt biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.

Xây dựng đề án chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thế kỷ XXI

Phát biểu tại nghị trường, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân cho biết, thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cấp bách về an ninh nguồn nước với tình trạng suy giảm nguồn nước mạch cũng như nước ngầm ngày một gia tăng và khó lường.

Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rừng ngày càng bị tàn phá, thu hẹp, sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng tăng nhanh, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng.

Mặt khác, với khoảng 63% trong tổng số trữ lượng khoảng từ 830 đến 840 tỷ mét khối nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mê Kông.

Với tính cấp thiết và cấp bách như trên, để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Bà Xuân đề xuất với Chính phủ cần khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát lại việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước quốc gia.

Trên cơ sở đó, xây dựng đề án chiến lược hoặc là một chương trình đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thế kỷ XXI để trình Quốc hội. “Trước mắt, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tài nguyên tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường” – Bà Xuân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất Chính phủ một số nhóm giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh nguồn nước, trong đó:

Đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước. Cần quản lý tài nguyên nước giống như một tài nguyên giá trị và hạn chế quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước.

Sử dụng tối ưu nguồn nước bằng việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khuyến khích phát triển hệ thống giảm thiểu tái sử dụng và tái tạo.

Tăng cường sử dụng các mô hình liên kết giữa nguồn nước, năng lượng và lương thực trong phát triển kinh tế.

Tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa trên xu thế tự nhiên của cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sự tiết kiệm, thực hành hiệu quả.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) rất tán thành các phương án đại biểu Nguyễn Thị Xuân đưa ra.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) thảo luận tại nghị trường

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động, như năm 2016 vay vốn của Ngân hàng thế giới 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho 1,2 triệu dân ở 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng xâm nhập mặn, xói lở bờ biển. Hiện đã ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Tuy nhiên, theo tôi đứng trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay, tôi xin đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền về Đề án an ninh nguồn nước nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Đây là đề án rất quan trọng, không thua kém gì Đề án an ninh lương thực quốc gia và an ninh năng lượng.”- Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại về hạn hán, xâm nhập mặn, đưa các công nghệ mới, nhất là công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước vào phục vụ canh tác, sản xuất nông nghiệp để kịp thời đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian tới, vừa nhằm khôi phục diện tích canh tác hoặc chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp hơn, vừa đảm bảo được vai trò, vị trí quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc duy trì và giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Liên quan đến vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, với việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguy cơ thiếu nước trong sinh hoạt sẽ xảy ra trong thời gian tới, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của gần 20 triệu dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu tổ chức quy hoạch vùng hồ trữ nước để khi hạn hán xâm nhập mặn xảy ra có lượng nước ngọt cần thiết để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Quy hoạch xây dựng hồ trữ nước sẽ bị mất không nhỏ diện tích đất nông nghiệp cho sản xuất, đề nghị Chính phủ có hỗ trợ cần thiết, đầu tư công tốn kém ngân sách nhưng Chính phủ cũng phải nghiên cứu trong vấn đề này.

Theo https://baotainguyenmoitruong.vn/dai-bieu-nguyen-thi-xuan-an-ninh-nguon-nuoc-gan-lien-voi-an-ninh-quoc-gia-305677.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hà Tĩnh: Chưa được phê duyệt vùng cấp nước, doanh nghiệp đã tự ý thu tiền dân

Nhà máy nước của Công ty THHH HT Thành Trung đã tự ý xây dựng hệ thống mở rộng vùng cấp nước, thu tiền người dân khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Song nhiều hộ dân lo lắng vì chưa biết khi nào sẽ có nước sạch và từ...

Đảo chiều hoàn lưu – một công trình xanh thân thiện với môi trường

Nếu từng ghé thăm TP.Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), hẳn mọi người sẽ ấn tượng với công trình đảo chiều hoàn lưu nằm ở bờ trái Sông Cái Phan Rang, thuộc địa phận phường Tấn Tài.

Đường ống nước sông Đà vỡ giữa ngày nắng nóng, người dân canh cánh nỗi lo

Liên quan đến sự cố rò rỉ đường ống nước sông Đà sáng ngày 8/7 khiến nhiều hộ gia đình ở Hà Nội bị cắt nước giữa ngày nắng nóng, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, đã cấp nước trở lại vào...

Lộ diện nhiều “ông lớn” lấp hàng chục hecta hồ Đại Lải để kinh doanh

Nhiều người giật mình về diện tích mà 4 “ông lớn” trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp đã và đang “xâu xé” hồ Đại Lải.

Quảng Ninh: Nhiều hồ thủy lợi phơi đáy giữa mùa mưa

Thời điểm tháng 6 hàng năm, cũng là bước vào mùa mưa, nhưng đang tồn tại một “nghịch lý”, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang rơi vào tình trạng cạn nước, phơi đáy. Đang là tháng cao điểm của mùa hè, nắng...

Chủ tịch VARISME: “Chúng tôi muốn mọi người dân được hưởng loại nước sạch tinh khiết, có lợi cho sức khỏe”

DNTH: Ngày 5/7, Đoàn công tác của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch tịch hiệp hội cùng ông Vũ Văn Quyết; bà Trần Phương Lan; bà Bảo Kim thuộc Hội giáo dục chăm sóc sức...

XEM THÊM TIN