Đấu giá 19 bức tranh vua Hàm Nghi vẽ ở Pháp

07:31 | 07/09/2023

DNTH: Vào ngày 22/9, Hôtel Drouot (Pháp) sẽ tổ chức bán các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương trong đó có 19 bức tranh được vẽ bởi vua Hàm Nghi khi bị lưu đày, do nhà đấu giá Lynda Trouvé đề xuất, theo trang Drouot.com.

0e082065-0b91-4538-ab7c-615be9d243dd
Bức tranh ngôi nhà bên sông (Maison au bord de l'eau) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1910, sắp được đấu giá ở Pháp. Ảnh: Lynda Trouvé.

Đây là cơ hội để các nhà sưu tập tìm thấy một số tên tuổi lớn trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam như Vũ Cao Đàm, Trần Phúc Duyên, Lê Phổ và các nghệ sĩ khác liên kết với trường Mỹ thuật Đông Dương vì đã từng là giáo sư ở đó như Alix Aymé hay Hiệu trưởng Evariste Jonchère.

Tiến sĩ Amandine Dabat - cháu của vua Hàm Nghi cho biết: hiện nay, khoảng 100 bức tranh của vua vẽ lúc sinh thời vẫn còn lưu giữ được. Trong đó, 19 bức tranh đấu giá lần này thuộc sở hữu một nhà sưu tập tư nhân.

Những bức tranh được đấu giá có nguồn gốc từ Henri Aubé - lính Pháp đóng quân tại Hà Nội từ năm 1907 đến 1909. Rất có thể Henri Aubé đã đến bệnh viện quân y nhiệt đới ở Vichy để chữa bệnh, giống như nhiều sĩ quan đóng quân ở các thuộc địa lúc đó. Được biết, từ năm 1909 đến năm 1913, vua Hàm Nghi cũng thường xuyên đến cơ sở chữa bệnh này. Có nguồn tin cho rằng vua Hàm Nghi và Henri Aubé đã xây dựng tình bạn ở đó nhờ người bạn chung của họ là Henri de Gondrecourt. Những bức tranh này được vua vẽ và tặng cho người sĩ quan Pháp như biểu tượng của tình bạn. Hiện nay, những bức tranh do gia đình Henri Aubé thừa kế vẫn nằm trong bộ sưu tập tư nhân của họ và hiện được con cháu của ông rao bán. Đây là bộ sưu tập tranh của vua Hàm Nghi có số lượng nhiều và đầy đủ nhất được đưa ra đấu giá.

Chỉ nắm quyền được một năm, vua Hàm Nghi bị chính quyền Pháp buộc phải lưu vong, bị đày đến Algiers (thủ đô Algeria). Ông đã học các kỹ thuật hội họa và điêu khắc từ họa sĩ Marius Reynaud. Ông từng thực hiện một số chuyến đi đến Pháp dưới sự giám sát chặt chẽ và đã gặp các nghệ sĩ như Foujita, Rodin. Các tác phẩm của ông cực kỳ hiếm trên thị trường. Đây là lần đầu tiên có một bộ sưu tập đáng kể như vậy được bán đấu giá.

Giá khởi điểm của mỗi bức khoảng từ 3.000 - 5.000 euro (dao động 80 - 130 triệu đồng). Trong loạt tranh có bức Mặt trời lặn tại thôn quê (Soleil couchant sur la campagne) với kích thước là 24,5x19 cm, được vua vẽ vào năm 1911, chất liệu tranh sơn dầu trên giấy carton, có đề ngày tháng, chữ ký và danh xưng của vua. Bên cạnh đó, những bức tranh như: Con đường dài dọc sông, Chiều tà, Ngôi nhà bên nước, Cây bụi lúc hoàng hôn, Ven sông cũng được mang ra đấu giá.

Bức "Mặt trời lặn tại thôn quê" (Soleil couchant sur la campagne) chất liệu tranh sơn dầu trên giấy carton do vua Hàm Nghi vẽ năm 1911. Ảnh: Lynda Trouvé.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, lần đấu giá bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi vào năm 2010 để lại nhiều nuối tiếc khi những người đại diện cho tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể mua được bức tranh bởi có một người đã trả giá thành công qua điện thoại để sở hữu bức tranh với giá 8.800 euro (228 triệu đồng). Hiện nay, người mua và sở hữu bức tranh này là bác sĩ Gérard Chapuis - một người Pháp gốc Việt hiện sống tại Marseille (Pháp). Sinh thời, năm 1926, tại Paris, Vua Hàm Nghi đã lần đầu ra mắt công chúng bằng cuộc triển lãm cá nhân với 38 bức tranh sơn dầu, 12 bức tranh pastels và 8 tượng, trong đó có bức Chiều tà. Đây là một tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 tại Anger, nơi ngài bị thực dân Pháp lưu đày. 

Vào tháng 12/2022, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, ông Đinh Toàn Thắng thay mặt Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp nhận từ hậu duệ của vua Hàm Nghi bức tranh có tên: Hồ trên dãy núi Alps do vua vẽ tại Pháp vào khoảng năm 1900 - 1903. Bức tranh sau đó được đưa về Huế và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi, là con trai thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai. Ông là vị vua chịu nhiều gian truân nhất, song cũng là vị vua tuổi trẻ, chí lớn và được lòng dân. Làm vua chưa được một năm, kinh thành Huế thất thủ vào đêm 4/7/1885, vua Hàm Nghi và Hoàng Thái hậu được Tôn Thất Thuyết mời lên kiệu xa giá ra Quảng Trị. Sau khi rời kinh thành, Vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết đã phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Nhờ đó, nhiều cuộc khởi nghĩa có sức lan tỏa và gây chấn động lớn đã nổ ra, trong đó phải kể đến: khởi nghĩa Hương Khê ở Hà Tĩnh; khởi nghĩa Hùng Lĩnh, khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa; khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên, các cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Cần vương, thực dân Pháp hết sức lúng túng. Chúng tìm mọi cách bắt bằng được vua Hàm Nghi để bóp chết phong trào ngay từ cơ quan đầu não. Sau nhiều chiêu trò dụ dỗ, thuyết phục vua Hàm Nghi cộng tác, làm bù nhìn song đều bị nhà Vua thẳng thắn khước từ, nhà cầm quyền Pháp đã sử dụng kế phản gián.

Tháng Giêng năm 1888 Vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt, phong trào Cần Vương thất bại. Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt lưu đầy sang Algérie từ năm 1889, nhà Vua đã sống ở đó cho đến khi qua đời năm 1943, thọ 72 tuổi.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” quy tụ hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên

DNTH: Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đất nước trọn niềm vui” quy tụ hơn 1.000 nghệ sĩ tham gia vào tối 20/4, tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nổi bật trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày...

Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền Đô

DNTH: Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Đô năm 2025 và kỷ niệm 1015 năm ngày đức vua Lý Thái Tổ đăng quang (1010–2025), bên cạnh các nghi lễ truyền thống còn có nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Chuỗi chương trình nghệ thuật Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

DNTH: Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của đất nước đón chào Ngày “Non sông thống nhất” các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm...

Quảng Nam: Đặc sắc Lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa năm 2025 - 'Rực rỡ sắc hoa vàng'

DNTH: Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa năm 2025 - “Rực rỡ sắc hoa vàng” diễn ra từ 10 - 13/4 tại làng sinh thái Hương Trà, phường Hòa Hương, tối 11/4, UBND thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức...

Cần bảo vệ, không để thất lạc, mai một di sản văn hóa

DNTH: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về kiểm kê di sản văn hóa, công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa và việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; phân loại di...

Hơn 5 triệu lượt khách đến Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025

DNTH: Tỉnh Phú Thọ đã đón hơn 5 triệu lượt khách trong 10 ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025.

XEM THÊM TIN