Đẩy mạnh kết nối cung cầu: Hướng đi cần thiết để xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ

10:38 | 23/11/2023

DNTH: Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung cầu”.

z4907548630520_41b89b6a8ed9f18b3d30fced59075a1b
Toàn cảnh diễn đàn. 

Tham dự diễn đàn có ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), đại diện các cơ quan bộ, ban, ngành, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và đại diện trường đại học, viện nghiên cứu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Quang Hùng cho biết, trong tình hình thế giới đang đối mặt với nhiều biến đổi và thách thức, việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu không chỉ là cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là một hướng đi cần thiết để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững của tương lai.

"Sự kết nối cung - cầu giúp tối ưu hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm, cũng như tạo cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh", ông Vũ Quang Hùng nhấn mạnh.

Theo đó, diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu” được tổ chức với mong muốn giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên sản xuất, từ đó tạo ra hiệu suất kinh tế cao hơn và giảm thiểu lãng phí; thúc đẩy sự đổi mới trong cách doanh nghiệp và ngành công nghiệp kết nối với nhau dẫn đến việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Diễn đàn còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ và chính sách kinh tế để thúc đẩy hiệu quả kết nối cung và cầu, từ đó giúp các doanh nghiệp và ngành nghề phát triển bền vững; bằng cách tối ưu hóa cấu trúc kinh tế và tăng cường kết nối giữa cung và cầu, chương trình có tiềm năng tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam, giúp đẩm bảo sự ổn định và phát triển tương lai.

"Diễn đàn cũng sẽ bàn sâu các vấn đề về cơ hội và thách thức trong thúc đẩy kết nối cung - cầu; đánh giá, nhận định các định hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung - cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương; đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới, đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu, tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam", ông Vũ Quang Hùng thông tin thêm. 

z4907548188694_2b4894411d24c3823343a2de359d8479
Ông Đoàn Mạnh Trường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cục Công Thương địa phương phát biểu tham luận. 

Tham luận tại diễn đàn với nội dung “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung - cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương", ông Đoàn Mạnh Trường, đại diện Cục Công Thương địa phương cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược vào sản xuất biến động bất thường; lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt… song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả trong việc đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tạo nền tảng cho thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 trong bối cảnh được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Bộ Công Thương đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung - cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương, đóp góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát trầm trọng đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước ta, dẫn đến sức mua suy giảm nghiêm trọng, trong đó, chi phí, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào liên tục tăng cao, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, đình trệ, giải thể, phá sản… đã và đang tác động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đến nay cả nước có khoảng 850.000 doanh nghiệp, trong đó thành lập mới là 183.600 doanh nghiệp tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Phá sản, ngừng hoạt động khoảng 146.600 doanh nghiệp, bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%).

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 617,4 tỷ USD, tăng 14,3%), trong đó xuất khẩu giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD, tăng 16,2%); nhập khẩu giảm 12,3% (cùng kỳ đạt 303,9 tỷ USD, tăng 12,4%). Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD.

Bởi vậy, để kết nối sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố và hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị, các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thông qua các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần cho các doanh nghiệp chuyển dần sang cách tiếp cận mới về thị trường như: nhận thức cách làm nhãn hiệu, đóng gói bao bì, nắm bắt thị hiếu và xu hướng tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng và cạnh tranh trên thị trường.

Đối với hoạt động khuyến nông, trong giai đoạn 2013 - 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số Sở Công thương tổ chức thành công 28 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia. Trong đó, khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức được 8 lần; khu vực các tỉnh thành phố miền Trung và Tây Nguyên tổ chức được 9 lần; khu vực phía Nam tổ chức được 8 lần; và tổ chức được 3 Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội. Quy mô mỗi Hội chợ triển lãm đạt khoảng 350 - 450 gian hàng tiêu chuẩn và trung bình có sự tham gia của khoảng 155 - 200 doanh nghiệp công nghiệp nông thôn.   

Ngoài ra, nhằm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng lưới hàng hóa nước ngoài. Từ năm 2022 đến nay, Bộ đã tổ chức tuần hàng Việt Nam ở các nước trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Nhật Bản; tổ chức sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023 với 1000 lượt kết nối giao thương giữa 200 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam (nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản) kết nối với 150 đoàn thu mua, phân phối của nước ngoài. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức, tham gia nhiều hội thảo phổ biến, tuyên truyền thông tin đến các Hiệp định thương mại tự do và thị trường quốc tế nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.

z4907549910683_17964452215483623e85a6decf50efb5
TS. Vũ Văn Hoản, Trưởng phòng Kế toán - Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phát biểu tại diễn đàn.

Trình bày về nội dung "Nâng cao năng lực tài chính doanh nghiệp trong thúc đẩy kết nối cung - cầu" tại diễn đàn, TS. Vũ Văn Hoản, Trưởng phòng Kế toán - Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó ưu tiên các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ phận chủ đạo của kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 97%, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu của khối doanh nghiệp.

Do đó, nhằm hỗ trợ và tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội…và các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2023. Cụ thể: tiếp tục giảm mức thu từ 10% - 50% so với mức thu hiện hành đối với 36 khoản phí, lệ phí áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 (Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp). Đồng thời, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Mặt khác, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng xuống 10% nhằm đa dạng hóa nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Để hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển trong thời gian tới, theo TS. Vũ Văn Hoản, cần phải rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình, thủ tục để đơn giản hóa tối đa thủ tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trong tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất qua đó tháo gỡ khó khăn tạo động lực cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tiếp tục rà soát các chính sách tài chính để có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu giảm chi phí.

Cần chú trọng công tác phân tích, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, tài chính trên thế giới và trong nước để có những đề xuất, tham mưu chính sách tài chính kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cần chủ động đánh giá việc thực hiện các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp (chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất) đã được ban hành tạo cơ sở cho việc khuyến nghị việc áp dụng các công cụ hỗ trợ phù hợp với tình hình trong nước và thế giới có những biến động trong thời gian tới.

Tạo điều kiện và ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu về thuế; cần có kế hoạch hoàn thuế sớm để doanh nghiệp có thể bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Mặt khác, nên có một số cơ chế đặt biệt trong công tác hoàn thuế sớm nhất có thể nhưng phải kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho phần đông doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật. 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Varisme tham dự chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp nhân ngày doanh nhân Việt Nam cùng Thường trực Chính Phủ

DNTH: Ngày 4/10 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ,dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ:...

Đẩy mạnh phát triển “chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”

DNTH: Phát triển nông nghiệp theo “chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sản xuất nông nghiệp theo...

Hiệp hội VARISME tiến tới hợp tác toàn diện với huyện Đức Cơ

DNTH: Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Theo mục tiêu quy hoạch đến năm 2050, Tây Nguyên sẽ là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa…

Hiệp hội VARISME dâng hương kính trình 52 vị vua tại Hoàng Thành Thăng Long

DNTH: Sáng ngày 2/9, tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (Varisme) cùng Viện nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam Asean, Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - Asean tổ chức lễ...

Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

DNTH: Ngày 7/8/2024 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo về vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng tiêu...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng gần 19%

DNTH: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 9,42 tỷ USD, tăng 60%.

XEM THÊM TIN