ĐHCĐ VPBank: Chinh phục lợi nhuận 1 tỷ USD, tái cấu trúc GPBank

20:16 | 28/04/2025

DNTH: Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2025. Ngân hàng đã chốt mục tiêu lợi nhuận 25.270 tỷ đồng, chia cổ tức 5%, thành lập công ty bảo hiểm, bầu lại nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát.

Năm nay, Đại hội cổ đông của VPBank thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Tính đến 14h chiều 28/4, có 370 người tham dự, đại diện cho 6,2 tỷ cổ phần, chiếm 78,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng nên đủ điều kiện tiến hành.

Mục tiêu lợi nhuận hợp nhất gần 25.300 tỷ đồng

Tại Đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh đã điểm lại những dấu mốc nổi bật trong năm tài chính 2024 cũng như tiến độ thực hiện các chiến lược phát triển, đẩy mạnh ngân hàng số, mở rộng lĩnh vực hoạt động theo định hướng trở thành Tập đoàn Đầu tư.

Theo ông Vinh, ngân hàng ưu tiên tăng trưởng quy mô vốn trong năm 2025 để đưa VPBank vào Top ngân hàng lớn trên thị trường. Dự kiến, tổng tài sản sẽ vượt qua 1 triệu tỷ đồng trong vài tháng tới.

Trong lộ trình 5 năm (2025-2029), VPBank phấn đấu lợi nhuận sẽ tăng trưởng kép 30% mỗi năm. Đến năm 2029, ngân hàng sẽ có vốn chủ sở hữu 389 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 75.000 tỷ đồng đến năm 2029, tăng trưởng bình quân 35% mỗi năm.  

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh báo cáo về kết quả kinh doanh

Mặc dù năm 2025 tình hình thế giới có nhiều biến động, chính sách thuế quan tác động tới kinh tế toàn cầu, nhưng ông Vinh nhận định “sẽ có nhiều cơ hội và thách thức”. Cơ hội là kinh tế phục hồi, Nhà nước chủ trương thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng phát triển. Ngược lại, có nhiều khó khăn khi mức thuế xuất khẩu cao lên, sẽ tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng và doanh nghiệp.

Đánh giá tình hình thế giới và vĩ mô trong nước, Ban lãnh đạo VPBank trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng cao. Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, FE Credit là 1.126 tỷ đồng (tăng 120%), Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 2.003 tỷ đồng (tăng 64%), Bảo hiểm OPES là 636 tỷ đồng (tăng 34%).

“VPBank sẽ xây dựng chương trình để GPBank từ ngân hàng lỗ liên tục hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, từ năm nay bắt đầu có lãi ở mức 500 tỷ đồng”, ông Vinh tiết lộ về triển vọng sáng hơn của GPBank sau khi chuyển giao về VPBank (sở hữu 100% vốn theo phương án được Chính phủ phê duyệt) từ đầu năm nay.

Báo cáo của HĐQT cho thấy, các chỉ tiêu kinh doanh được xây dựng thận trọng, dù vẫn duy trì mức tăng trưởng cao. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất dự kiến tăng 25% lên 887,7 nghìn tỷ đồng.  Nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%, giảm so với mức 2,47% ở thời điểm cuối năm 2024. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất tăng 34%, đạt hơn 742 nghìn tỷ. Tổng tài sản tăng 23%, đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng.

ĐHCĐ VPBank: Chinh phục lợi nhuận 1 tỷ USD, tái cấu trúc GPBank  2

Các công ty con duy trì tăng trưởng cao, chia cổ tức 5%

Trong nhiệm kỳ 2020- 2024, hệ sinh thái của VPBank đã mở rộng thêm các hoạt động đa dạng, toàn diện dưới mô hình các công ty con như Chứng khoán VPBankS, công ty bảo hiểm OPES, và từ đầu năm 2025 có thêm GPBank chuyển giao bắt buộc– định hướng ngân hàng số. Kết quả năm 2024, VPBank ghi nhận sự tăng trưởng cao ở các lĩnh vực với tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.013 tỷ đồng, tăng 85,2% so với năm 2023.

Trong đó, ngân hàng mẹ có lãi trước thuế 18.260 tỷ đồng, tăng 35,6%. FE Credit báo lãi trước thuế 512 tỷ đồng, thoát lỗ ngoạn mục so với mức lỗ 3.699 tỷ đồng trong năm 2023. VPBankS báo lãi 1.220 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước và Bảo hiểm OPES có lãi 474 tỷ đồng, tăng 203,3%.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VPBank là 12.875 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt 5%, thấp hơn so với hai năm trước, tương ứng số tiền là 3.967 tỷ đồng. Dự kiến, cổ tức sẽ được chi trả vào quý 2-3.

Về kế hoạch chia cổ tức, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, trước đây ngân hàng đã tuyên bố duy trì chính sách cổ tức tiền mặt 5 năm liên tiếp.

Với hoạt động ngân hàng, nguồn vốn là rất quan trọng và phải cân đối giữa nhu cầu vốn và các mục tiêu lâu dài, đủ vốn dành cho tăng trưởng và chia cổ tức. Từ năm 2012-2022, VPbank kiên trì chính sách “cổ tức 0 đồng” để phát triển ngân hàng, tăng tín dụng, mới có được sự tăng trưởng vượt trội so với nhà băng khác. Từ năm 2022, ngân hàng đã bắt đầu chia cổ tức tiền mặt và tổng số tiền chia cổ tức là 20.000 tỷ đồng trong 3 năm qua, đáp ứng mong mỏi của cổ đông, mà vẫn đảm bảo đủ vốn để duy trì tăng trưởng ở các năm tới đây. Các năm tới ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng tiền, mức chia cụ thể sẽ được tính toán kĩ, phù hợp với tình hình thị trường, các diễn biến vĩ mô.

ĐHCĐ VPBank: Chinh phục lợi nhuận 1 tỷ USD, tái cấu trúc GPBank  3
Các cổ đông tham dự ĐHCĐ VPBank năm 2025

Chia sẻ thêm về kế hoạch “hồi sinh” GPBank, ông Ngô Chí Dũng cho hay, “khi nhận chuyển giao ngân hàng này từ tháng 1, đã cử các nhân sự chủ chốt theo phê duyệt của NHNN sang điều hành GPBank. VPBank cũng đang phối hợp với McKinsey xây dựng chiến lược phát triển cho GPBank và sắp hoàn thành. Chúng tôi tin tưởng sẽ tái cơ cấu GPBank thành công. Trước khi được chuyển giao, GPBank lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm trở lên. Năm nay, mặc dù chỉ còn 8 tháng, song GPBank sẽ có lãi tối thiểu 500 tỷ đồng”.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi “Sau khi nhận chuyển giao GPBank, VPBank nằm trong nhóm được nới room ngoại lên 49%, vậy có nới room không?”

Theo ông Ngô Chí Dũng, room ngoại tối đa tại VPBank hiện ở mức 30% vốn điều lệ. Ngân hàng vẫn còn trống 5% nhưng có thể cạn bất cứ lúc nào. Room ngoại nới lên 49% có ý nghĩa rất quan trọng, giúp ngân hàng có điều kiện để tăng sở hữu của đối tác chiến lược, hoặc mời thêm đối tác mới để có nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng của ngân hàng. 

Một vấn đề được cổ đông quan tâm chất vấn là tình hình nợ xấu của VPBank, đặc biệt là nợ xấu bất động sản và FE Credit?

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, cuối quý 1, VPBank tăng trưởng tín dụng 5,3% cao hơn thị trường, nếu tính cả dư nợ tín dụng hỗ trợ GPBank thì hơn 8,4%. Lợi nhuận đạt hơn 5.000 tỷ đồng, bằng hơn 20% kế hoạch năm. Nợ xấu trong 2025 sẽ được bộc lộ ở 6 tháng đầu năm, chủ yếu do các khoản nợ cấu trúc, đặc biệt là nợ bất động sản. Đơn cử như nợ xấu từ nhóm khách hàng Novaland, song các dự án đã được cải thiện một phần hồ sơ pháp lý, ước chừng được 30%. Do đó, tình trạng nợ xấu bất động sản sẽ tăng trong quý 1, quý 2 và sau đó sẽ ổn định ở nửa cuối năm. 

Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit có sự cải thiện tích cực, dư nợ tăng 30% so với cùng kỳ, tuy nhiên tổng dư nợ không tăng trong quý 1 do thu hồi xử lý nợ. Năm nay, FE Credit cần củng cố và hoàn thiện để đảm bảo phục hồi lâu dài. Nửa cuối năm là thời điểm quan trọng để bứt phá khi danh mục cho vay mới phát huy. Dự kiến, lợi nhuận của FE Credit ở mức 1.200 tỷ đồng và các năm tới có thể đạt 3.000-4.000 tỷ đồng.  

ĐHCĐ VPBank: Chinh phục lợi nhuận 1 tỷ USD, tái cấu trúc GPBank  4
ĐHCĐ VPBank bầu lại Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030

Kết thúc, Đại hội cổ đông đã tiến hành bầu Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2025 - 2030. HĐQT sẽ có 8 thành viên, trong đó tối thiểu 2 thành viên độc lập: ông Ngô Chí Dũng (hiện là Chủ tịch HĐQT), ông Bùi Hải Quân, ông Lô Bằng Giang, ông Nguyễn Đức Vinh (hiện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Nhung, ông Takeshi Kimoto, ông Daniel Ashton Carroll và ông Mai Xuân Hùng là gương mặt mới.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Cổ đông CC1 chất vấn khi doanh nghiệp lại "lỡ hẹn" với sàn HOSE

DNTH: Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (mã chứng khoán: CC1) tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, doanh nghiệp một lần nữa hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE.

OPES dẫn đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong bảng xếp hạng FAST500

DNTH: Ngày 24/04/2025, Công ty cổ phần bảo hiểm OPES (OPES) lần đầu tiên được vinh danh tại bảng xếp hạng những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong khuôn khổ lễ công bố FAST500 do Vietnam Report phối hợp cùng báo VietnamNet tổ...

MB duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong Quý I/2025, tiếp tục tối ưu hiệu quả vận hành

DNTH: ngày 24 tháng 4 năm 2025 – Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2025 với nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, tiếp tục khẳng định năng lực vận hành hiệu quả và khả năng thích ứng cao trong bối...

PVcomBank lần đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng phi vật lý

DNTH: Với mong muốn nâng cao chất lượng trải nghiệm thanh toán cho người dùng, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) triển khai ra mắt thẻ tín dụng quốc tế phi vật lý hoàn toàn mới - PVcomBank Home, không chỉ cung cấp nhiều tiện ích...

VPBank ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý I, bám sát mục tiêu tỷ đô năm 2025

DNTH: VPBank kết thúc quý đầu tiên của năm 2025 với các chỉ tiêu tài chính tích cực: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, tổng tài sản vượt 994.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tăng trưởng tín...

SHB lãi gần 4.400 tỷ đồng quý I, đạt 30% kế hoạch năm, dự kiến tổng tỷ lệ cổ tức 2024-2025 là 36%

DNTH: Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với những dấu ấn tăng trưởng đầy ấn tượng, tiếp tục khẳng định sức bật nội tại mạnh mẽ với chiến lược phát triển được hoạch định...

XEM THÊM TIN