Đình Làng Ngang - Hoành Sơn: Bài 2: Uy Minh vương Lý Nhật Quang

14:26 | 30/10/2019

DNTH: Căn cứ vào một số nguồn tài liệu, bài trí thờ, văn cúng tại đình cho thấy đình Hoành Sơn thờ chính là Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Ngoài ra còn phối thờ thêm Tứ Vị Thánh nương, các vị chư Phật.

Theo các tư liệu vào năm 1039, Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông cử vào Nghệ An lo việc thu thuế. Trong thời gian được chọn làm việc tô thuế Nghệ An, giữ chức mấy năm, sợi tơ, sợi tóc không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, vua ban cho hiệu là Uy Minh Thái tử”.Tháng 11 năm 1041 Lý Nhật Quang được vua xuống chiếu bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với tước hiệu Uy Minh Hầu. Từ đây, sự nghiệp của Lý Nhật Quang thực sự gắn bó với mảnh đất và con người xứ Nghệ, vùng đất phên dậu và là trọng trấn phía Nam của tổ quốc. Trong 16 năm làm Tri châu Nghệ An (1041 - 1057), Lý Nhật Quang đã có nhiều cống hiến to lớn cho mảnh đất xứ Nghệ trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự...

Trước hết là việc Lý Nhật Quang giúp ổn định tình hình chính trị xã hội. Thời Lý, Nghệ An là vùng đất biên viễn phía Nam của đất nước .Theo ghi chép của sử sách: Trong khoảng 20 năm đầu triều Lý, riêng vùng Hoan Diễn có 3 cuộc nổi dậy, đích thân vua và thái tử phải đi đánh dẹp, đó là “năm 1012 Lý Thái Tổ thân chinh đi bình định Diễn Châu. Năm 1024 Thái tử Phật Mã Khai Thiên Vương đánh ở Châu Diễn. Năm 1031, người Châu Hoan làm phản, vua thân chinh đi đánh”. Bên cạnh đó, đây lại là vùng đất rộng, người thưa, khí hậu khắc nghiệt, thỉnh thoảng lại bị các nước Lão Qua, Lâm Ấp mang quân quấy phá. Nhưng kể từ lúc Lý Nhật Quang vào trị nhậm, bằng tài năng và uy đức của mình, ông được nhân dân cảm mến và tin phục. Trong suốt thời gian này và nhiều thập kỷ sau đó, miền đất Nghệ An hoàn toàn yên bình.

Để quản lý xã hội chặt chẽ, ông cho làm sổ sách thống kê hộ khẩu, nhân đinh. Ông đã kê khai tất cả Nghệ An được “6 huyện, 4 trường, 60 giáp 46 450 hộ và 54 354 nhân khẩu”  .

Ngoài ra, Lý Nhật Quang còn cho lập đạo quân thường trực mang tên Nghiêm Thắng, đóng quân tại làng Đông Sơn (thuộc Đô Lương ngày nay). Đội quân này có trách nhiệm giữ yên bờ cõi và góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị, xã hội ở Nghệ An lúc bấy giờ.

 Việc ổn định tình hình chính trị, xã hội được tiến hành song song với công tác chấn chỉnh hoạt động của bộ máy hành chính. Với tầm nhìn chiến lược của một Tri châu văn võ song toàn, ông đã chọn vùng đất Bạch Đường (nay là 3 xã Lam Sơn, Bồi Sơn, Ngọc Sơn thuộc huyện Đô Lương), nơi được xem là vị trí trung tâm của cả châu, công, thủ đều thuận lợi để xây dựng lỵ sở sau năm 1044 .

Về kinh tế, Ngài rất coi trọng việc phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, lập làng. Ông tiến hành chiêu mộ dân nghèo lưu tán và cả tù binh Chiêm Thành khai khẩn những vùng đất còn hoang hóa, lập nên nhiều làng mới. Những cánh đồng trù phú ngày nay trên mảnh đất xứ Nghệ như Khe Bố (Tương Dương), Cự Đồn (Con Cuông), Nam Kim (Nam Đàn), Nghi Lộc. Hoàng Mai, Kỳ Anh ( Hà Tĩnh) đều mang dấu ấn của Ngài.

Đồng thời với việc chiêu dân, lập ấp, Lý Nhật Quang còn coi trọng công tác thủy lợi. Ông chủ trương nạo vét kênh Đa Cái ở Hưng Nguyên, kênh Sơn, kênh Dâu ở Quỳnh Lưu, kênh Sắt ở Nghi Lộc, đào kênh Bà Hòa để giao thông được thuận lợi và khởi xướng đắp đê sông Lam để ngăn nước lũ, hướng dẫn đắp đập để sử dụng nguồn nước có hiệu quả ở vùng núi Bồng Khê (Tương Dương)...

Dưới thời Lý Nhật Quang, nhân dân xứ Nghệ đã xây dựng được hai con đường chiến lược: đường thượng đạo từ Đô Lương ra Thanh Hóa đến Thăng Long, đường từ Đô Lương lên Kỳ Sơn men theo sông Lam. Hai con đường này không chỉ có ý nghĩa về giao thông, kinh tế mà còn có ý nghĩa về quân sự và quốc phòng bậc nhất ở xứ Nghệ thời bấy giờ.

Chính những biện pháp trên đã góp phần cải thiện được đời sống của nhân dân, tạo cho châu Nghệ An ngày một phồn thịnh.

Cùng với việc ổn định trật tự xã hội, xây dựng, mở mang và phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang còn chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng Nghệ An thành một hậu phương, một lực lượng hậu cần vững mạnh cho triều đình trong công cuộc ổn định tình hình đất nước và mở đất về phương Nam. Như sử sách có chép “năm 1044, trước khi xuất quân chinh phạt Chiêm Thành, vua Lý Thái Tông giao cho Lý Nhật Quang vận tải lương thực. Nhật Quang đã đặt ra trại Bà Hòa (nay là Bắc Nghệ An, giáp Thanh Hóa) và lập các đồn đất ở nhiều nơi, thu tô thuế châu Nghệ An chứa vào. Nên đã đảm bảo được vấn đề lương thực và bổ sung binh linh cho cuộc hành quân của nhà vua. Sau thắng trận trở về, vua an ủi Nhật Quang, gia tước Vương và giao cho quyền Tiết việt vùng đất ấy”. Từ đây, ông được sử sách lưu lại với tên gọi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Trong thời gian này, Uy Minh Vương còn góp phần  giải quyết sự xung đột nội bộ trong giới quý tộc Chiêm Thành, đồng thời tạo dựng mối quan hệ hòa hiếu giữa Chiêm Thành với Đại Việt: “Bấy giờ có bộ lạc ở Chiêm Thành làm phản, vua Chiêm Thành cầu viện, quân của Vương đóng ở dưới núi Tam Tòa, vua Chiêm Thành đón rước. Bộ lạc Chiêm Thành được tin đều đến cửa quân sụp lạy và cam đoan xin theo lệnh vua Chiêm, không dám hai lòng. Vương đem quân về”

Ngoài ra, Lý Nhật Quang còn quan tâm đến việc mở mang dân trí, khuyến khích xây dựng chùa thờ Phật để giáo hóa chúng sinh theo con đường lương thiện và lập nhiều đền, miếu để tưởng nhớ và ghi nhận công lao của những nhân thần, phúc thần có công, tạo điều kiện cho nhân dân có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, góp phần giáo dục nhân cách cho người dân.

Đánh giá về công lao và đức độ của Lý Nhật Quang, sự tích đền Quả Sơn (Đô Lương) có đoạn chép “Ngài ở châu 19 năm, trừng trị bọn gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân ở với Vương được yên nghiệp. Ngài thường qua lại vùng này, vùng khác dạy nghề làm ruộng, nuôi tằm, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách có lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết. Người đến kiện tụng thì lấy liêm sỉ, lễ nghĩa giảng dạy làm cho giác ngộ, ai nấy đều cảm hóa, không bàn đến chuyện kiện cáo nữa”.

Từ những công lao đó, nên sau khi ngài mất được tôn lên làm Thành hoàng, làm đại Phúc thần của cả châu. Không chỉ nhân dân trong châu lập đền thờ mà nhân dân các nước láng giềng như Chiêm Thành cũng lập đền thờ Ngài ở núi Tam Tòa .

Uy Minh Vương lúc còn sống là “Uy Minh Dũng Liệt” hết lòng chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, khi đã quy tiên trải qua hàng ngàn năm đã trở thành thần thiêng. Ngài vẫn “âm phù” để con cháu, đất nước Đại Việt luôn luôn cường thịnh. Chính sử và các thần tích dân gian cũng đã không ít lần nhắc đến sự hiển linh của Ngài trong công cuộc chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và những lần chinh phạt, mở đất về phương Nam của các triều đại phong kiến. Như lúc vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành đã vào ngôi đền thờ ông ở núi Tam Tòa “... Cầu đảo được linh nghiệm, hạ được thành Chà Bàn, phong cho Vương là thần núi Tam Tòa”. Hay như  sử sách chép rằng “mỗi khi nhà vua đi đánh giặc thì tất là rước kiệu của Vương đi trước, đến chỗ đánh nhau thì nghe tiếng binh mã dậy trên trời, bao giờ cũng thu được toàn thắng. Trong khoảng niên hiệu Trần Nguyên Phong (1251 – 1257), vua Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, thuyền chở kiệu của Vương đi nhanh như gió, quả nhiên trận ấy toàn thắng, lúc khải hoàn, quân đôi kéo đến hành điện của bản châu nhà vua có sắc phong là Uy Minh Dũng Liệt Đại Vương. Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) ban thêm hai chữ Tá thánh, năm Hưng Long thứ 4 (1296) thêm hai chữ Phu hựu”.

Như vậy, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã trở thành một nhân vật huyền thoại, những sự kiện liên quan đến Ngài cũng trở thành những sự kiện huyền thoại được nhân dân ghi nhớ và lưu truyền.

( Bài viết sử dụng tư liệu của ban quản lý di tích và thắng cảnh Nghệ An)

 

Ngọc Giáp

 

 

Ngọc Giáp

 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Sinh viên Nguyễn Thị Khánh Huyền thành công chinh phục danh hiệu Hoa khôi Báo chí 2025

DNTH: Trong đêm Chung kết cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí - Press Beauty 2025, Nguyễn Thị Khánh Huyền có phần trả lời ứng xử thuyết phục bằng tiếng Việt và tiếng Anh, để lại dấu ấn sâu sắc về một cô gái can đảm vượt qua nỗi tự...

Đại lễ Vesak 2025: 10.000 người sẽ tham dự lễ hoa đăng cầu nguyện hòa bình

DNTH: Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 (Đại lễ) từ ngày 6 đến 8/5 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, các hoạt động chào mừng diễn ra từ ngày 2.5. Trong khuôn khổ đại...

'Sắc màu thành phố Bác' đặc sắc với nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống

DNTH: Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như cải lương, hát bội, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử... được trình diễn kết hợp trong chương trình 'Sắc màu thành phố Bác', diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Hà Nội bắn pháo hoa mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

DNTH: Thành phố tổ chức bắn pháo hoa vào ngày 22/4 và 27/4 tại khu vực đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm) và công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

Công nghệ trình chiếu ánh sáng chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

DNTH: Tối 19/4, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh đã khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, công nghệ trình diễn chủ đề “Sắc màu Thành phố Bác” để chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam,...

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

DNTH: Sáng nay (18/4) tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm (2023-2025) tổ chức Họp báo các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống...

XEM THÊM TIN