Doanh nghiệp gặp khó trong phương án chuyển đổi mô hình

15:27 | 29/07/2019

DNTH: Trong khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó trong vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa... thì ở một nhiệm vụ quan trọng khác là Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đang gặp rất nhiều vấn đề nan giải...

Gỡ “nút thắt” đối với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân

Đây là nội dung chủ yếu được trao đổi tại Hội nghị lần thứ 17, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa kết thúc mới đây. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự và chủ trì Hội nghị.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cho biết, việc tái cơ cấu DN là công việc thường xuyên chứ không phải bây giờ mới đặt ra; nó gắn liền với đề án cổ phần hóa DN.

doanh nghiep gap kho trong phuong an chuyen doi mo hinh

“Chúng tôi coi cơ cấu DN và gắn với cổ phần hóa là nhiệm vụ hết sức trọng tâm và quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc tái cơ cấu DN có những vấn đề khác trước. Một là môi trường kinh doanh xung quanh cũng có nhiều vấn đề và khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển như vũ bão, có tác động lớn đến các ngành sản xuất.

Thứ 2 là cấu trúc của một DNNN có tuổi đời 120 năm như TCT Xi măng thì khó khăn nhất là trong quá trình phát triển đã phát sinh xung đột vì những cán bộ nhiều năm ở TCT đã ra ngoài, nên bắt đầu có rào cản, có chỗ trống. Vấn đề thoái vốn và cấu trúc lại chuyển về SCIC phải làm từng bước, kết hợp giữa việc tập trung vào khoa học công nghệ, tránh tạo xung đột trong quá trình phát triển”, ông Minh nói.

Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam - TKV cho biết, hiện có những dự án, mỏ than đang triển khai thì có nhiều thành phần kinh tế khác yêu cầu chồng lên khu vực có khoáng sản đó để thực hiện dự án của mình.

Theo ông Bình, qua 8 tháng hoạt động, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước đang gây ra nhiều khó khăn, chậm trễ trong xử lý công việc của các tập đoàn, tổng công ty. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, đây là vấn đề còn rất mới, chưa có tiền lệ ở nước ta và cũng không có mô hình thống nhất trên thế giới.

Do vậy, phải có cách nhìn nhận, đánh giá thận trọng, xây dựng, khách quan. Trước mắt rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban qua thực tiễn hơn 9 tháng hoạt động, trong đó tập trung vào các nội dung như: phân cấp giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty; phân định rõ giữa chức năng, nhiệm vụ giữa Ủy ban với các cơ quan quản lý Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp của Ủy ban.

Về sự chậm trễ trong tiến độ xử lý các dự án thua lỗ so với yêu cầu của Nghị quyết số 12, ông Bình nhấn mạnh, cần có tầm nhìn về lợi ích lâu dài của Nhà nước để có giải pháp xử lý căn cơ, dứt điểm vấn đề này.

Chính vì vậy, thủ tục xin phép thực hiện các dự án đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là những tập đoàn cốt lõi về năng lượng là rất khó khăn. “Vấn đề là quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt đang triển khai rất khó khăn, hầu như bị phá vỡ bởi quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là điểm nghẽn mà rất nhiều năm nay các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không thực hiện được dự án lớn nào”, ông Chuẩn cho biết.

Trong khí đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT nêu ra 2 khó khăn ở cả thoái vốn và cổ phần hóa. “Việc cơ cấu lại, tăng giảm vốn điều lệ, hoặc mua bán sáp nhập những công ty không phải thoái vốn, chúng tôi đang gặp khó khăn vì nếu coi đó là khoản đầu tư thì đây là những khoản đầu tư quá nhỏ, nhưng phải làm thủ tục quá khó khăn, trình qua rất nhiều cơ quan”, ông Hùng nêu ví dụ.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc thể chế hóa và tổ chức triển khai đầy đủ, phù hợp và đúng đắn tinh thần của Nghị quyết số 12 Hội nghị TƯ 5 khóa 12 sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển và lấy lại hình ảnh, vị thế của các DNNN; giữ vững vị trí chủ đạo của kinh tế Nhà nước; tập trung vào những lĩnh vực then chốt mang tính chất dẫn dắt nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác phát triển.

Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các DNNN cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị DN; thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính để có thể cạnh tranh bình đẳng trong cùng mặt bằng pháp luật như các thành phần kinh tế khác; phải thực hiện thay đổi đồng bộ, toàn diện tránh tình trạng chắp vá, vướng đâu sửa đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

doanh nghiep gap kho trong phuong an chuyen doi mo hinh

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Hộ kinh doanh "ngại" lên doanh nghiệp

Ở một nhiệm vụ khác liên quan đến vấn đề DN (tại mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020), mới đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng, mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ rất khó nếu những rào cản hiện nay không được tháo gỡ. Ngược lại, con số gần 300.000 DN thành lập mới sẽ khả thi nếu môi trường kinh doanh được tiếp tục cải thiện một cách thông thoáng hơn. Đặc biệt, khi những rào cản về thủ tục pháp lý, những nỗi lo của DN về những chi phí không chính thức được giải tỏa, chắc chắn số doanh nhân muốn tham gia vào thương trường sẽ gia tăng nhanh chóng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) cho rằng, để hỗ trợ thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển, việc cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh. Cần phải loại khỏi DN suy nghĩ “các thủ tục không “chạy” không được”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, nhiều DN vẫn kêu gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay tại các ngân hàng, bởi vậy, nhà quản lý cần xây dựng các gói tín dụng phù hợp với lãi suất hợp lý, và điều quan trọng là cải cách thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận dễ dàng các gói tín dụng.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các ngân hàng thương mại sẽ không ngại cho vay nếu DN chứng minh được phương án kinh doanh thật sự khả thi. Bởi vậy, bản thân mỗi DN cần phải có chứng minh thực lực về khả năng hoạt động của mình, phương án kinh doanh cũng như khả năng quản trị… để tạo niềm tin cho hệ thống các ngân hàng thương mại.

Dễ thấy, hiện nay, hộ kinh doanh cá thể được đánh giá rất tiềm năng và có thể bổ sung vào khối DN, góp phần tăng thêm nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.

Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 715.000 DN và khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi thành DN với lo ngại sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và chịu sự quản lý thuế khắt khe hơn.

Đặc biệt, hiện nay mức thuế đối với DN và thuế với hộ kinh doanh có sự khác nhau rất lớn. Kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể sẽ chỉ phải đóng thuế khoán nên số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Có những hộ kinh doanh thu nhập hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng nhưng mức thuế phải nộp chỉ vài triệu đồng/năm là quá ít so với thu nhập.

Trong khi đó, nếu là DN việc tính thuế phải căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và nhiều thủ tục khác. Và nếu DN trốn thuế khi cơ quan thuế thanh kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ bị xử phạt nặng.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN. Song đến nay, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang thành lập DN không đáng kể, vẫn còn tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển thành DN vì muốn “né” nhiều chi phí phát sinh, nhất là thuế.

Nhấn mạnh, số hộ kinh doanh tiềm năng có thể trở thành DN là rất lớn, tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, vướng mắc của việc chuyển đổi này là do chưa có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc quản lý hộ kinh doanh theo hình thức thuế khoán hiện nay nảy sinh ra nhiều bất cập, gây ra tình trạng thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt là không tạo ra sự công bằng trong môi trường kinh doanh.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện như đã đề ra tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bao gồm hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo, giảm chi phí thành lập DN, đơn giản hóa thủ tục kế toán thì đã đến lúc cần có các quy định, chế tài đẩy mạnh việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Cần áp dụng chế tài đối với hộ kinh doanh đủ điều kiện, nhưng không đăng ký thành lập DN; hay cơ quan thuế cần phân loại quy mô kinh doanh của các hộ kinh doanh để có thể quản lý như với mô hình doanh nghiệp.

Theo ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để người kinh doanh lựa chọn thì câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành DN đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng thật sự chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Do đó, Bộ KH&ĐT đang tập trung xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám và ban hành theo thẩm quyền. Đây là hai luật quan trọng liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, mục tiêu cao nhất là giúp DN đã gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài.

Luật lần này sẽ triệt để bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa nhất có thể để DN có thể thuận lợi hoạt động, phát triển.

 

Theo TBCKVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn

DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...

Đồng Nai: Vi phạm môi trường, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bị xử phạt 790 triệu đồng

DNTH: UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt hành chính 790 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

BCG Energy - 'quân bài' chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.

Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu

DNTH: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024, tuy nhiên các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng trước đó. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại và...

PV GAS và PV Power ký hợp đồng mua bán chuyến tàu LNG đầu tiên cung cấp cho chạy thử các nhà máy điện

DNTH: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa tổ chức lễ ký hợp đồng cung cấp LNG phục vụ việc chạy thử Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4.

BSR tổ chức Hội nghị tập huấn cấp ủy năm 2024

DNTH: Đảng ủy Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp ủy năm 2024 cho các cấp ủy trực thuộc.

XEM THÊM TIN