Đổi chủ, dự án Delverton Bình Thuận chờ đổi vận

15:16 | 05/06/2020

DNTH: Cùng với diễn biến đổi chủ, việc UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận gia hạn hay mới đây là phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng mang tới hi vọng hồi sinh dự án nghỉ dưỡng 100ha ở Bắc Bình, Bình Thuận.

nhadautu - KDL sinh thai Delverton Binh Thuan

Dự án KDL sinh thái Delverton được chủ đầu tư đăng ký triển khai trên địa bàn xã Hòa Thắng (Bắc Bình) 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ngày 3/6 vừa qua đã ký Quyết định số 1257/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Delverton.

Cụ thể, dự án có quy mô 100 ha, bao gồm: Khu thương mại dịch vụ, tiện ích (27,65 ha), Khu nghỉ dưỡng bán và cho thuê (7,28 ha), Khu vui chơi giải trí và cây xanh (48,28 ha), Khu hạ tầng kỹ thuật (0,70 ha).

Theo tìm hiểu, dự án này do CTCP Delverton Việt Nam làm chủ đầu tư với mục tiêu hướng đến xây dựng khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng với các phân khu chức năng như đề cập ở trên.

Nhiều năm nay, giới đầu tư không lạ gì với dự án có phần...tai tiếng vì chậm tiến độ này. Cách đây hơn 11 năm (vào tháng 2/2009), Tập đoàn Delverton Group Inc (Anh Quốc, nắm 100% vốn Công ty Delverton Việt Nam) đã khởi động dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng mang tên Delverton Việt Nam tại vị trí sát bờ biển Bãi Chùa, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng.

Dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng dự án quy mô 100 ha này đã rơi vào tình trạng chậm tiến độ kéo dài. Thậm chí, chủ đầu tư dự án cũng không thực hiện ký quỹ đầu tư.

Việc dự án thất bại không mang tới nhiều bất ngờ, bởi ở thị trường bất động sản Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ là mảnh đất "lành" đối với các nhà đầu tư phương Tây. 

Tháng 8/2019, bất chấp việc bị chậm tiến độ hơn chục năm, dự án vẫn được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho giãn tiến độ đến cuối năm 2019. Lưu ý là chủ thực sự của dự án lúc này đã không còn là nhà đầu tư đến từ bên kia bán cầu, mà từ tháng 10/2018 đã được tiếp quản bởi một nhóm nhà đầu tư trong nước, là CTCP Kadvin (nắm 30%), Hoàng Việt Hùng (10%), Đỗ Ngọc Hải (20%), Trương Văn Quang (30%), Hoàng Bảo Trung (10%). Cùng với đó, Delverton Việt Nam cũng mạnh tay tăng vốn từ 30,3 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. 

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của các cổ đông mới đã giúp dự án thoát cảnh bị thu hồi. Tuy nhiên, danh tính và năng lực của các nhà dầu tư này vẫn là điều bí ẩn với đa phần công chúng.

Định danh chủ mới Delverton

Nổi bật nhất trong số cổ đông kể trên là ông Trương Văn Quang. Doanh nhân sinh năm 1966 và hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vinacco (Vinacco JSC) – công ty có 51% vốn thuộc sở hữu của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam (đại diện giữ phần vốn góp cũng là ông Trương Văn Quang).

Tính đến ngày 31/12/2018, ông Trương Văn Quang đang nắm 14,74% vốn Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, cùng với 4 cổ đông lớn khác là: CTCP Địa ốc Phú Đông (44,859%), CTCP Đầu tư Xây dựng & Dịch vụ thương mại Thái Thịnh (31%), Trần Thị Thu Hà (4,857%), Nguyễn Thanh Tùng (2,768%).

Đáng chú ý, doanh nhân quê Nghệ An cũng đang là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của CTCP Muối Cam Ranh (doanh nghiệp thành lập ngày 6/4/2000), bên cạnh lĩnh vực kinh doanh muối, còn là chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Vịnh Cam Ranh, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh.   

Ba cổ đông cá nhân còn lại, gồm các ông Hoàng Việt Hùng, Đỗ Ngọc Hải và Hoàng Bảo Trung, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, có nhiều mối liên hệ với nhau. 

Trước hết, ông Hoàng Bảo Trung (sinh năm 1990) và Hoàng Việt Hùng (sinh năm 1984) có chung địa chỉ hộ khẩu thường trú tại trên đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội.

Dữ liệu cho thấy, 3 cá nhân này từng cùng góp vốn tại nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, cơ cấu cổ đông CTCP Du lịch Trung Hải Khánh Hòa (tính đến trước tháng 12/2017) gồm: Ông Đỗ Ngọc Hải (5%), ông Hoàng Việt Hùng (45%) và ông Hoàng Bảo Trung (50%). Dù vậy, đến tháng 5/2018, hai cổ đông họ Hoàng đã thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp, trong khi đó ông Đỗ Ngọc Hải tăng tỷ lệ nắm giữ lên 50%;

Tại CTCP Thủy điện Mỹ Thạnh, cơ cấu cổ đông tính đến tháng 8/2018 gồm: ông Đỗ Ngọc Hải (10%), Hoàng Việt Hùng (65%) và cổ đông khác là Đỗ Văn Tuân (25%); Bộ 3 cổ đông tại Thủy điện Mỹ Thạnh tiếp tục song hành tại CTCP Du lịch thể thao Aqua Việt Nam với tỷ lệ nắm giữ là: ông Đỗ Ngọc Hải (60%), Hoàng Việt Hùng (30%) và Đỗ Văn Tuân (10%);

Bên cạnh đó, ông Hải còn góp 50% vốn tại CTCP Khoáng sản Bắc Bình (tính đến tháng 8/2017). Hiện tại, ông Hoàng Việt Hùng đang là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật tại Khoáng sản Bắc Bình.

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, ông Hoàng Bảo Trung đang nắm vị trí Chủ tịch HĐQT và cổ đông sở hữu 70% vốn tại CTCP Thủy sản Cánh buồm đỏ. Cùng với đó, ông cũng là Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn nhất nắm 80% vốn CTCP Nuôi trồng thủy sản Phương Minh (sở hữu gián tiếp qua CTCP Thủy sản Cánh buồm đỏ).

Với cổ đông Hoàng Việt Hùng, ông đang là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn sở hữu 90% vốn CTCP Tư vấn Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa (tính đến tháng 9/2017); Nắm 5% vốn CTCP Du lịch Oải Hương (tính đến ngày 18/11/2016).  

Một chi tiết đáng chú ý, trước khi CTCP Delverton Việt Nam có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông (tháng 10/2018), các vị trí nhân sự cấp cao của doanh nghiệp này đã có những chuyển động nhất định. Cụ thể, trước tháng 7/2018, doanh nghiệp có Tổng giám đốc/người đại diện theo pháp luật là ông Đỗ Ngọc Hải (sinh năm 1980), là 1 trong 3 cổ đông nói trên. Vị trí này sau đó được chuyển sang ông Phạm Ngọc Tuấn và duy trì cho tới hiện tại.

Đáng chú ý, ông Phạm Ngọc Tuấn cũng góp vốn, hoặc (và) đứng tên một số công ty liên quan tới nhóm 3 cổ đông nói trên.

Về phần CTCP Kadvin, doanh nghiệp này thành lập ngày 13/1/2011, đóng trụ sở tại tầng 3, T2 Times Tower, số 35, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của Kadvin là xây dựng nhà các loại. Tính đến tháng 9/2017, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này gồm: Đậu Phi Toàn (2,020%), Trần Quốc Hùng (1,010%), Nguyễn Bá Thức (7,071%). Hiện tại, ông Nguyễn Bá Thức – cổ đông lớn nhất, cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật công ty.

Không nhiều thông tin về Kadvin, biết rằng doanh nghiệp này vào tháng 6/2019 đã góp vốn tại Công ty Cổ phần Thủy điện Nước Biêu với người đại diện phần vốn góp là ông Nguyễn Bá Thức. 

Theo https://nhadautu.vn/doi-chu-du-an-delverton-binh-thuan-cho-doi-van-d38219.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Long An: Thanh tra chỉ ra loạt sai phạm tại dự án KCN Đức Hòa III - Hồng Đạt

UBND tỉnh Long An mới đây đã ban hành kết luận thanh tra về thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong việc chuyển khu đất công nghiệp thành khu dân cư tại dự án khu công nghiệp Đức Hòa III - Hồng Đạt (huyện Đức Hòa) do Công ty...

Dự án lấp sông Đồng Nai: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

DNTH: Đầu tháng 9/2020, PV Doanh nghiệp và Thương hiệu trở lại dự án lấp sông Đồng Nai từng gây sự chú ý lớn đối với giới nhà đầu tư, làm tốn không ít giấy mực của giới báo chí, các nhà khoa học.

Quảng Ninh đề nghị FLC dừng bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án hơn 2.700 tỷ

Sở Xây dựng Quảng Ninh đề nghị Tập đoàn FLC dừng ngay việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với 4 tòa chung cư thuộc dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh (giai đoạn 1).

Loạt dự án của Đất Xanh, Nam Long, Satra... vào danh sách kiểm tra của Sở Xây dựng TP. HCM

Sở Xây dựng TP. HCM vừa có văn bản số 9896/KH-SXD-QLCLXD về việc kiểm tra định kỳ chất lượng, công tác quản lý chất lượng, an toàn thi công xây dựng tại các công trình trên địa bàn thành phố năm 2020.

Điểm mặt hàng loạt dự án ‘đắp chiếu’ đã hết thời gian gia hạn tại đô thị biển Cửa Lò

Dù đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện hoàn thành dự án bằng cách cho phép gia hạn hoặc giãn tiến độ, tuy nhiên, hàng loạt dự án tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) sau khi được gia hạn vẫn ‘án binh bất động’.

Làm farmstay phải chờ 5-10 năm mới có lãi

Chuyên gia cho rằng rất khó thành công với mô hình đầu tư nông trại nghỉ dưỡng. Ngay cả khi chọn đúng vùng sẽ đô thị hóa thì phải chờ 5-10 năm mới mong có lãi.

XEM THÊM TIN