Ngày 5/10 vừa qua, đại gia xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan đã đưa trạm xăng bán lẻ Idemitsu Q8 đầu tiên vào vận hành tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên khách hàng đổ xăng được hưởng dịch vụ như “thượng đế”: nhân viên lau gương, kính xe miễn phí, ông chủ nhiệt tình đội mưa cúi chào, đổ xăng chính xác đến 0,01 lít.
Đơn vị này đưa ra nguyên tắc “tôn trọng con người” trong hoạt động kinh doanh, tập trung vào việc phát triển nhân viên thành những con người đáng tin cậy và được tôn trọng trong xã hội, giữ lời hứa tới khách hàng và làm mọi cách để xứng đáng với sự tin tưởng của từng người đã sử dụng dịch vụ và sản phẩm của công ty này.
Tuy chưa biết tương lai kinh doanh tại Việt Nam của Idemitsu sẽ ra sao, nhưng trước mắt công ty đến từ Nhật Bản này đã rất thành công trong việc lấy được lòng khách hàng.
Made in Japan – Tiêu chuẩn chất lượng tại Việt Nam
Người Việt Nam cũng không còn quá xa lạ với hàng “made in Japan”. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta mỗi khi nhìn thấy một chiếc xe máy đều gọi nó là xe Honda, lựa chọn tivi là phải là tivi Sony… Các sản phẩm đến từ xứ sở hoa anh đào đã rất thành công trong việc chiếm được cảm tình của dân ta bằng ấn tượng “cứ hàng Nhật là tốt, là bền”.
Đây quả nhiên là một lợi thế cực kỳ lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản khi tiến công vào thị trường Việt. Tuy nhiên lợi thế của người này lại chính là khó khăn của người khác.
Cái bóng “made in Japan” quá lớn trong tiềm thức người Việt khiến nhiều doanh nghiệp trong nước khốn đốn. Chỉ mới cách đây vài tháng, khi VinFast công bố sẽ cho ra đời những mẫu ô tô đầu tiên của Việt Nam, nhiều người ngay lập tức đã săm soi, xét nét và so sánh xe của VinFast với các ông lớn đến từ Nhật như Toyota, Honda… Nhiều người còn khẳng định, tại sao lại phải mua xe của VinFast khi đã có xe Nhật “nồi đồng cối đá”.
Xe VinFast chưa lăn bánh, nhưng áp lực từ tiềm thức “made in Japan” thật quá khủng khiếp.
Cúi đầu chào khách hàng trở thành cơn “lên đồng”
Trong những năm trở lại đây, tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ đến với khách hàng. Nhân viên Petrolimex được đào tạo và có tác phong chuẩn mực, như chỉ tay về phía máy bơm xăng, nhã nhặn với khác hàng…
Nhưng dường như những điều này vẫn chưa đủ, để giúp người dân Việt Nam quên đi những sự cố trước đây như: Xăng A95 của Petrolimex làm chết máy xe hàng loạt; gian lận bán hàng trong xăng dầu.
Xét một cách công bằng và khách quan, đây đều là những sự cố ngoài ý muốn của Petrolimex. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp luôn phải nhớ một triết lý kinh doanh đơn giản, làm tốt không ai khen, nhưng chỉ cần sai và xấu, ngay lập tức sẽ phải trả giá. Khách hàng là thượng đế, nhưng có vẻ thượng đế ở Việt Nam khá khó tính và cực kỳ xét nét với doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, ông Hiroaki Honjo -Tổng giám đốc Idemitsu Q8 bất chấp trời mưa lớn vận đội mưa hàng tiếng đồng hồ để cúi chào khách vào đổ xăng. Hình ảnh rất đỗi bình thường ở Nhật nhưng lại khiến người Việt Nam trầm trồ ngạc nhiên. Hàng loạt các kênh thông tin liên tục đăng tải hình ảnh này kèm theo đó là những lời khen ngợi đến tận mây xanh… Có lẽ do người Việt Nam còn xa lạ với hình ảnh cúi chào, trong khi đó, đây lại là một nguyên tắc xã giao hết sức bình thường của người Nhật.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta có thể liệt kê ra hàng loạt các doanh nghiệp có văn hóa cúi chào khách hàng. Thật không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên lịch sự mở cửa, chào khách, dắt xe cho khách tại các chuỗi cửa hàng của Thế giới di động, Điện máy xanh, hoặc FPT Shop…
Về phía Petrolimex, trong mắt người tiêu dùng, họ đã mất điểm so với Idemitsu Q8 bởi vì nhân viên chỉ biết chỉ tay về phía máy báo xăng để thông báo cho khách hàng chứ không biết cúi gập đầu 45 độ để chào khách. Ngoài cái cúi đầu còn nhiều lý do khác khiến người tiêu dùng “oán trách” Petrolimex. Ông lớn trong lĩnh vực xăng dầu Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh độc quyền xăng dầu, tăng giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng trong nước cao hơn mặt bằng chung trong khu vực… Một vài chuyện nhỏ nhặt như vậy cũng đủ để hình ảnh Petrolimex trở nên hóng hách, “chảnh” trong mắt người tiêu dùng.
Chơi theo cách của người Nhật
Bất cứ một vị đại sứ khi nhậm chức tại Việt Nam, trong buổi phỏng vấn ra mắt công chúng lần đầu, họ luôn khen Việt Nam thân thiện, đáng sống và đặc biệt, món phở của người Việt rất ngon…
Đây chính là nghệ thuật ngoại giao mà người Nhật đang áp dụng khi tiến vào thị trường Việt Nam. Họ lấy lòng khách hàng, khiến khách hàng cảm mến thông qua chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ, từ đó khéo léo khiến khách hàng tự móc hầu bao để chi cho sản phẩm của mình.
Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam không chơi theo cách này, thay vì bám víu vào khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” ?
Bphone 2 ra mắt, sau khi thất bại vì không thể khiến người tiêu dùng yêu mến nổi vì giá thành cao và mẫu mã, chất lượng không tương xứng. BKAV bắt đầu sử dụng khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Idemitsu Q8 ra mắt trạm xăng, cam kết chính xách đến 0,01 lít. Petrolimex phản pháo bằng cách treo khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Cạnh tranh không lại Uber và Grab, Vinasun treo khẩu hiệu “chỉ trích” đối thủ và dán băng rôn “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Việc bắt người tiêu dùng thực hiện khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” có vẻ hơi không phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường mở cửa. Khách hàng là thượng đế, việc khách hàng bỏ tiền để mua sản phẩm là lựa chọn của họ. Việc lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của mình chính là bài toán mà các doanh nghiệp phải chú tâm giải quyết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt. Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh hiện nay, mảng quảng cáo, marketing đang hết sức ăn nên làm ra.
Thay vì lấy mác “made in Việt Nam” để lôi kéo khách hàng, doanh nghiệp nên đi theo hướng khác. Mọi việc sẽ rất dễ dàng khi khách hàng yêu mến và phát cuồng vì bạn.
Apple mất 10 năm để cho ra mắt phiên bản hoàn thiện iPhone X. Và trong khoảng thời gian ấy, các tín đồ iPhone vẫn miệt mài theo bước Apple, tại sao? Tại vì Apple quá khéo léo khi tạo ra được một lượng fan hùng hậu. Chính những fan trung thành này sẽ là những kênh truyền thông quảng bá hiệu quả cho thương hiệu. Business To Business luôn là một mô hình hữu hiệu để quảng bá và lấy lòng khách hàng.
Nói tóm gọn, thay vì khản cổ kêu gọi “Người Việt dùng hàng Việt”, doanh nghiệp Việt Nam hãy chơi theo cách của người Nhật, lấy chất lượng, uy tín, thái độ phục vụ để làm vừa lòng khách hàng. Trong kinh doanh, yếu tố cốt lõi không phải là bán được sản phẩm cho khách hàng mà chính là nắm bắt được tâm lý khách hàng, khiến khách hàng chạy theo xu hướng của doanh nghiệp.
Phương châm rất đơn giản: Hãy bán sản phẩm hoàn thiện như Apple, và giao tiếp tinh tế như nhân viên tổng đài điện thoại.
Theo Ý Nhi
(Nhaquanly)
Ý kiến bạn đọc...