Đừng để người mua vàng nơm nớp lo bị phạt

11:19 | 16/10/2019

DNTH: Việc giảm thiểu các giấy phép con về kinh doanh, mua bán vàng miếng là cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2012 hướng dẫn Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đáng chú ý, cơ quan này đề xuất loại bỏ một số điều kiện liên quan đến kinh doanh, mua bán vàng miếng.

Cụ thể, theo dự thảo, NHNN đề nghị bãi bỏ ba thủ tục: Thay đổi tên, địa chỉ của địa điểm kinh doanh, mua bán vàng miếng; bổ sung địa điểm kinh doanh, mua bán vàng miếng; chấm dứt hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng tại địa điểm đã được cấp phép.

Bỏ bớt giấy phép con mua bán vàng là cần thiết

Lý giải về quyết định này, NHNN cho rằng trong thời gian đầu triển khai Nghị định 24/2012, các quy định trên đã góp phần sắp xếp lại thị trường vàng miếng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Song hiện nay thị trường vàng đã chuyển biến tích cực, doanh số giao dịch vàng miếng toàn hệ thống và sức mua vàng trong dân giảm. Do đó, việc giảm thiểu các quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng là hợp lý và cần thiết.

“Việc cắt giảm các thủ tục nêu trên phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, công ty kinh doanh vàng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” - đại diện NHNN nhấn mạnh.

Đánh giá về đề xuất khai tử nhiều giấy phép con của NHNN, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng nội dung sửa đổi của dự thảo là phù hợp với thực tế. “Điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng có nhiều giấy phép con về kinh doanh vàng miếng vốn lâu nay khiến các đơn vị kinh doanh vàng miếng gặp khó khăn khi có ý định mở rộng thị trường” - ông Bảng nhận xét.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng cần phải thông thoáng hơn nữa. Ví dụ, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16/2012 quy định doanh nghiệp (DN) chỉ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng khi có thay đổi nội dung về thông tin DN. Thời gian để giải quyết thủ tục hành chính là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

“Quy định trên là không hợp lý vì chỉ có thay đổi nội dung về thông tin DN mà cần tới nửa tháng mới giải quyết xong là quá lâu, vì thực tế nếu tính cả ngày nghỉ có thể lên đến gần tháng trời mới xong. Để lâu như vậy sẽ khiến DN mất đi cơ hội đầu tư, do vậy chúng tôi đề nghị chỉ bảy ngày làm việc là phù hợp” - ông Bảng đề xuất.

Đồng quan điểm, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá thời gian để giải quyết thủ tục hành chính khi DN có thay đổi nội dung về thông tin là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ là quá dài. Bởi giải quyết thủ tục điều chỉnh giấy phép trong khi hồ sơ rất đơn giản, chỉ bao gồm đơn đề nghị và giấy chứng nhận đăng ký DN. Mặt khác, dự thảo cũng không quy định về khoảng thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, điều này có thể gây ra tình trạng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục khi các cán bộ thực thi cho rằng hồ sơ không hợp lệ.

“Để thể hiện tinh thần cải cách về thủ tục hành chính, đề nghị ban soạn thảo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống còn ba ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ và quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ là một ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ” - VCCI góp ý.

Đừng để người mua vàng nơm nớp lo bị phạt - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ một số giấy phép con về kinh doanh, mua bán vàng. Ảnh: THÙY LINH

Cần phải sửa từ gốc

Nhiều cơ sở kinh doanh vàng và chuyên gia đánh giá dự thảo sửa đổi Thông tư 16 đã có nhiều điểm cởi mở nhưng điều quan trọng là cần phải sửa đổi Nghị định 24 thì mới thực sự tạo sự phát triển ổn định cho thị trường vàng. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nêu rõ: Nghị định 24 đã ban hành từ năm 2012, đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế nên cần phải sửa đổi.

Đầu tiên là việc quản lý kinh doanh vàng miếng. Theo Nghị định 24, chỉ có một số đối tượng được quyền kinh doanh vàng miếng mà cụ thể là chỉ những cửa hàng nào được cấp phép của NHNN mới đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng; các tổ chức tín dụng, DN được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng chỉ được tiến hành kinh doanh tại các địa điểm đính kèm giấy phép.

Hơn nữa, điều kiện để được phép kinh doanh vàng miếng không đơn giản như vốn điều lệ phải trên 100 tỉ đồng; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, mua bán vàng từ hai năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất và có xác nhận của cơ quan thuế…

“Chính vì những quy định này làm cho số lượng những điểm kinh doanh vàng miếng hợp pháp trở nên quá hạn chế, trong khi thực tế cho thấy gần như bất cứ cửa hàng vàng nào trên cả nước cũng có mua bán vàng miếng . Do đó, hiện nay người dân mua bán vàng miếng ở cửa hàng vàng mà không được cấp phép kinh doanh vàng miếng tức là đang mua bất hợp pháp và có nguy cơ bị phạt. Trong khi người dân làm sao biết được cửa hàng nào đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Làm sao người dân biết được cửa hàng nào được phép, cửa hàng nào không được phép kinh doanh vàng miếng... Do đó, có thể nói số lượng người dân đang mua bán vàng miếng bất hợp pháp… rất phổ biến. Do đó cần sửa đổi quy định trên” - ông Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại diện một công ty kinh doanh vàng khác cũng chỉ ra một bất cập khác tại Nghị định 24. Theo đó, nghị định này giao cho NHNN nghiên cứu, tổ chức huy động vàng trong dân nhưng đến nay đã bảy năm trôi qua việc huy động vàng vẫn chưa có tiến triển, thậm chí chưa có một tín hiệu le lói nào về việc huy động vàng. “Do đó, Nghị định 24 cần có quy định rõ để tháo gỡ vấn đề này” - vị đại diện công ty trên kiến nghị.

Chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp

Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16/2012 quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải có "giấy chứng nhận đăng ký DN và tài liệu chứng minh DN đã đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật".

Đại diện VCCI cho rằng quy định này là chưa phù hợp với Luật DN 2014 và gây khó khăn về thủ tục cho DN. Mặt khác, các ngành nghề đăng ký kinh doanh của DN đều đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, cơ quan quản lý nhà nước có thể dựa vào hệ thống dữ liệu này để nhận biết thông tin. Do vậy, VCCI đề nghị loại bỏ quy định trên.

Theo Thùy Linh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Vụ ‘thao túng’ đấu giá đất ở Sóc Sơn: Xử lý nghiêm minh, đưa niềm tin trở lại

DNTH: Tình trạng thao túng đấu giá đất như ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua nếu không được kiểm soát, sẽ là lực cản lớn đối với thị trường bất động sản.

CSGT mở cao điểm, công chức vi phạm nồng độ cồn bị gửi giấy về cơ quan

DNTH: Lực lượng cảnh sát toàn quốc sẽ ra quân cao điểm dịp tết 2025 từ ngày 15.12 tới. Trong cao điểm, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức nào vi phạm nồng độ cồn sẽ bị gửi thông báo về cơ quan.

Thu hồi, chấm dứt hoạt động nhiều dự án qui mô tại Kon Tum

DNTH: Ngày 4/12, nguồn tin cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động 4 dự án quan trọng tại TP. Kon Tum và huyện Kon Plông.

Cẩn trọng bị lừa đảo với dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, mua vé ca nhạc trên mạng

DNTH: Sáng 2/12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo liên quan đến dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, chiếm đoạt tiền, thông tin cá nhân trên mạng; lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút...

Truy tố 10 bị can trong vụ dự án Đại Ninh

DNTH: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng...

Tiêu hủy hơn 62.000 bao thuốc lá nhập lậu

DNTH: Ngày 27/11, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tây Ninh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tiến hành tiêu hủy 62.188 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại, do ngành chức năng thu giữ, xử lý tịch thu theo quy định...

XEM THÊM TIN