Theo một nguồn tin của Nikkei Asian Review, ông Bùi Quang Ngọc - Tổng giám đốc FPT, sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm nay. Đây được coi là một trong những động thái mở đường cho lãnh đạo trẻ tuổi hơn dần thay thế những “công thần” đã sáng lập nên FPT. Nguồn tin này cũng cho biết, người kế nhiệm vị trí của ông Ngọc sẽ được quyết định bởi Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn này trong “một vài tháng tới”.
Ông Bùi Quang Ngọc (sinh năm 1956) đã đồng hành cùng người bạn thân là ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT) để sáng lập nên Tập đoàn FPT. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, FPT đã được biết tới là một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, mở rộng mạng lưới kinh doanh tại hơn 30 quốc gia với 34.000 nhân viên.
Trong quá trình phát triển, FPT cũng từng trải qua những thời kỳ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Việc tìm kiếm những “luồng gió mới” từ các lãnh đạo trẻ được đặt ra như là một trong những giải pháp nhằm tạo bước ngoạt đột phá cho sự phát triển của tập đoàn trong tương lai.
Ông Trương Gia Bình (bên trái) và ông Bùi Quang Ngọc (bên phải) năm nay đều đã 63 tuổi (Ảnh: Internet)
|
Thực tế, FPT từng giao “ghế nóng” cho những lãnh đạo trẻ nhưng các nhân sự này chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng hoặc có sự khác biệt lớn trong quan điểm điều hành so với thế hệ cũ.
Cụ thể, vào năm 2011, FPT đã bổ nhiệm ông Trương Đình Anh - người được biết tới với vai trò đặt nền móng xây dựng FPT Telecom, FPT Online - vào vị trí Tổng Giám đốc. Chỉ sau 20 tháng đảm nhiệm vị trí này, ông Trương Đình Anh đã có đơn xin từ nhiệm với nguyên nhân đến từ sự khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT.
Sau đó, chức vụ Tổng Giám đốc được ông Trương Gia Bình đảm nhiệm và được trao lại cho “lão tướng” Bùi Quang Ngọc từ năm 2013 tới nay. Trong giai đoạn này, FPT dù vẫn ghi nhận sự tăng trưởng nhưng điều này dường như là chưa đủ khi tập đoàn đã để cho các đối thủ khác vượt qua tại nhiều mảng kinh doanh.
Phải tới năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của FPT mới được cải thiện rõ rệt sau khi tập đoàn này thoái vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ. Với sự tập trung nguồn lực vào công nghệ và viễn thông, FPT đã liên tục ghi nhận những sự tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và biên lợi nhuận gộp trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi này.
Tuy nhiên, vấn đề chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới trẻ tuổi hơn nhằm tạo động lực phát triển cho FPT vẫn là bài toán chưa có lời giải phù hợp, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Kết quả kinh doanh của FPT sau khi thoái vốn lĩnh vực phân phối và bán lẻ công nghệ (Nguồn: MBS)
|
Được biết, ban điều hành của FPT đang có sự tham gia của 5 nhân sự. Trong đó, ông Bùi Quang Ngọc, với vai trò là Tổng Giám đốc, đang tiếp tục quản lý các hoạt động kinh doanh cốt lõi của FPT, bao gồm: hệ thống thông tin, phần mềm và viễn thông.
Ông Đỗ Cao Bảo (sinh năm 1957) cũng là một trong 13 thành viên sáng lập FPT, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc. Ba Phó Tổng Giám đốc còn lại (bao gồm: ông Nguyễn Thế Phương, ông Hoàng Việt Anh và ông Nguyễn Văn Khoa) có tuổi đời trẻ hơn, được cho là giàu tiềm năng để thay thế vị trí Tổng Giám đốc mà ông Ngọc để lại.
Chia sẻ với giới truyền thông vào đầu năm nay, ông Bùi Quang Ngọc cho rằng những vị lãnh đạo trẻ này đã có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa làm việc tại FPT.
“Họ đều là những người sinh năm 1970, 1980 và có kỹ năng quản trị tốt” - ông Ngọc nhận định.
Như vậy, sau “phép thử” không mấy thành công với ông Trương Đình Anh, FPT sẽ tiếp tục quá trình trẻ hóa không thể đảo ngược với những sự lựa chọn mới. Sức trẻ và “tinh thần khởi nghiệp” có thể là những điều mà các “lão tướng” tại FPT đang kỳ vọng để tìm được động lực tăng trưởng đột phá cho tập đoàn trong tương lai.
Tiềm năng và sức hấp dẫn của lĩnh vực công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thu hút sự chú ý tham gia của nhiều đối thủ mới, trong đó, có một số tập đoàn lớn trong nước./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...