Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, giáo viên phải làm nhiều công việc khác. Ảnh minh họa/ Internet
Chỉ báo quan trọng của một nghề nghiệp
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, thu nhập là yếu tố hàng đầu trong các yếu tố công việc, được coi là chỉ báo quan trọng của một nghề nghiệp. Từ đánh giá của chính giáo viên,thu nhập của họ rất khó khăn để đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống.
Nhu cầu xã hội ngày càng cao, các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng, trong khi cơ hội cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của giáo viên khá hạn hẹp. Điều này tạo xung đột giữa nhu cầu và điều kiện thỏa mãn nhu cầu.
Xung đột này dễ làm nảy sinh các hành vi thiếu kiềm chế do các nhu cầu bị dồn nén. Phỏng vấn giáo viên về mức độ đáp ứng của lương đối với cuộc sống, câu trả lời khá thống nhất: “Đồng lương không đủ chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống”.
Kết quả khảo sát về thu nhập ngoài lương cho thấy 80% giáo viên không có thu nhập ngoài lương. Số giáo viên có các nguồn thu nhập khác ngoài dạy thêm chỉ có 5%.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, có sự khác biệt giữa những góc nhìn từ bên trong (người giáo viên) và từ bên ngoài (không phải giáo viên) về tính chất của lao động sư phạm. Đa phần giáo viên coi đây là nghề: “Công việc trí óc nặng nhọc”, “Nghề lao động trí óc căng thẳng”, “Nghề có khối lượng công việc nhiều”.
Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, giáo viên phải làm nhiều công việc khác như: soạn giáo án, chấm điểm kiểm tra, tham gia rất nhiều các hoạt động trong trường, các phong trào, cuộc thi, tập huấn, hội họp, nhiều giáo viên phải kiêm thêm công tác như chủ nhiệm lớp, Đoàn đội... phải theo sát tình hình học trò, chăm lo đến mọi vấn đề của học sinh.
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn |
Sự khác biệt của lao động sư phạm
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn cho rằng, có điểm khác biệt mang tính đặc trưng của lao động sư phạm với các nghề khác là, tồn tại mối quan hệ với phụ huynh và học sinh – mối quan hệ hữu cơ không thể chối từ.
Thể hiện mong muốn đối với các yếu tố liên quan đến nghề của mình (cách nhìn nhận của xã hội, sự thấu hiểu, hợp tác của phụ huynh và học sinh,cơ hội cân bằng cuộc sống,tham gia vào các hoạt động cộng đồng…), người giáo viên mong mỏi có được sự thấu hiểu, hợp tác của phụ huynh và học sinh hàng đầu, sau đó là sự nhìn nhận đầy đủ và đúng hơn từ phía xã hội.
Đây là các yếu tố bên ngoài nhưng lại gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của giáo viên và tác động đến công việc của họ. Kết quả này phản ánh đúng tính chất của lao động sư phạm: thiếu sự hợp tác của gia đình, việc giáo dục học sinh sẽ khó có hiệu quả.
Giáo viên ý thức rất rõ vấn đề này nên yếu tố này được họ quan tâm và mong muốn nhất trong số các yếu tố ngoài công việc. Hiện nay, kỳ vọng của phụ huynh đối với con cái là rất lớn, đôi khi đến mức thái quá tạo áp lực lên cả giáo viên.
Mặt khác, do cuộc sống bận rộn nên nhiều phụ huynh phó mặc con cái cho nhà trường. Do vậy, sự hợp tác từ phía phụ huynh sẽ giúp người giáo viên thực hiện công việc của mình tốt hơn.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, trong bối cảnh thông thường, việc một số kỹ năng còn yếu hoặc thiếu sẽ không dẫn đến các hậu quả tiêu cực rõ rệt vì có sự bù trừ nhất định từ các kỹ năng khác.
Tuy nhiên, trong các tình huống bị gây sức ép, kỹ năng kém hoặc thiếu thuần thục có thể để lại hậu quả khó sửa chữa. Các tình huống mang tính kịch tính (bị chống đối; tức giận; tình huống diễn biến nhanh,bất ngờ;tình huống lạ..) dễ làm người giáo viên kém kỹ năng không biết cách ứng phó, thường ứng phó một cách bột phát không suy nghĩ.
Ý kiến bạn đọc...