HOẰNG PHÚC – SỰ TÍCH NGÔI CỔ TỰ.

16:46 | 30/08/2019

DNTH: Chùa Hoằng Phúc nằm ở vị trí giữa làng, cạnh đường liên xã Mỹ Thủy – Tân Thủy, cách sông Kiến Giang khoảng 400m về phía Tây. Chùa Hoằng Phúc nằm ở thế đất cao ráo, bằng phẳng có ao hồ bọc hai bên tả hữu. Đây là vùng đất tốt, đất thiêng, vì thế mà chúa Nguyễn Phúc Chu mới tặng cho chùa bức hoành phi: “Vô Song Phúc Địa”, tức là vùng đất phúc, đất thiêng có một không hai.

Theo dân gian truyền lại rằng, chùa Hoằng Phúc là một ngôi chùa lớn, có bái đường, nhà tăng, hai bên là hai hò sen lớn, sân vườn chùa rộng, trồng nhiều loại cây cảnh. Cổng Tam quan to, rộng với hai cổng tả hữu và cổng chính. Cổng chính có hai mái. Trong những ngày thường phật tử phải đi vào chùa bằng cửa phụ tả, hữu. Những ngày lễ lớn mới được đi cửa chính. Trước cổng chùa có đặt tấm bia “Thượng cái, hạ mã”, khi đi ngang qua chùa phải xuống xe, xuống ngựa, đám tang đi qua không được trống kèn…

Vùng đất Quảng Bình có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời ngay từ giai đoạn văn hóa Hòa Bình cách đây gần 10.000 năm và là nơi giao hội giữa nhiều  nền văn hóa lớn của đất nước, dân tộc, chủ yếu từ nền văn hóa Đông Sơn & Sa Huỳnh và được phát triển liên tục có tính hệ thống từ đó cho đến nay. Đây cũng là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo của dân tộc. Một trong những giá trị văn hóa đã đồng hành cùng lịch sử Quảng Bình chính là văn hóa Phật giáo.

Nền chùa cũ trước khi được phục dựng.

Chùa Hoằng Phúc là một ngôi chùa cổ tọa lạc tại mảnh đất thiêng trên địa bàn thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và có niên đại trên 715 năm. Chùa có tên gọi khởi nguồn là am Tri Kiến, tiếp đến là chùa Kính Thiên và bây giờ là chùa Hoằng Phúc. Cổ tự còn có tên gọi dân gian thân thiết là chùa Quan, chùa Trạm. Năm 1301, trong chuyến vân du phương Nam Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo và cầu phúc đức cho dân tại ngôi thảo am Tri Kiến đã thu hút sự ngưỡng vọng của công chúng. Trở thành trung tâm tâm linh của vùng, nhờ đó mà thành ngôi chùa cổ nổi tiếng và đồng hành cùng lịch sử dân tộc hơn 7 thế kỷ qua.

Trải qua thời kỳ lịch sử từ khi hình thành chùa từ đầu cho đến bây giờ chùa Hoằng Phúc được sự quan tâm ghé thăm của các nhân vật lịch sử của quốc gia phong kiến (Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, Tùng Thiện Quận công Nguyễn Phúc Miên Thẩm, vua Tự Đức,…) đã đến, quan tâm trùng tu, phục dựng và chấn hưng vì mục đích phục vụ cho sự hòa đồng dân tộc trong quá trình mở cõi, cố kết cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh để tạo sức mạnh từ cố kết lòng dân thông qua đức tin đầy lòng vị tha của đạo Phật.

Nền chùa cũ trước khi được phục dựng.

Chùa được khởi dựng từ đời nào, vào đời Trần hay đời Lê, hiện vẫn chưa tìm thấy nguồn sử liệu nào xác nhận rõ, nhưng chắc chắn là có trước năm 1553, khi Dương Văn An soạn sách Ô Châu cận lục.

Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An ghi: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa. thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân, có Tăng quan (vị sư được nhà vua phong cho một chức để trông coi trong Tăng giới) và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”(1). Và trong Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam, khi đề cập đến chùa Hoằng Phúc cũng đã dẫn lời trong Ô Châu cận lục mô tả thêm một số chi tiết rất đáng chý ý: “Giữa nơi nước biếc vờn quanh, non xanh bao bọc, nổi lên một ngôi sơn tự, nhà phương trượng và các trai phòng san sát…Xưa có Tăng quan trụ trì và được cấp sái phu (người quét dọn) để phụng sự” (2).

Trong các sách Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, hoặc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Quảng Bình thắng tích lục của Trần Kinh và Nguyễn Kim Chi biên soạn còn cho chúng ta biết khá nhiều chi tiết có giá trị về chùa cổ Hoằng Phúc, đặc biệt là những lần các vị vua chúa nhà Nguyễn viếng thăm, đề thơ vịnh cảnh và nhiều lần cho trùng tu lại ngôi chùa cổ này.

Khởi nguồn từ am Tri Kiến:

Theo như sử sách thì Tri Kiến thuộc huyện Phong Lộc nên Tri Kiến cũng là tên thôn (phường, trang, …) và thôn này theo “Mục Đồ bản” của sách Ô châu cận lục ở trang 31 có tên là “An Trạch xã” thuộc huyện Lệ Thủy.

Vào những năm cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, Am là nơi thờ Phật và được gọi là Chùa. Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát trong sách Toàn tập Trần Nhân Tông khẳng định: “Am Tri Kiến là ngôi chùa của lỵ sở Tri Kiến của Bố Chính”.

(Địa danh Bố Chính đã được Thánh Đăng Ngữ Lục, Đại Việt sử ký toàn thư và Tam Tổ thực lục nhắc đến là trại Bố Chính, không phải châu hay phủ Bố Chính. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.262 đã chú thích: Miền đất Quảng Bình bấy giờ cũng được gọi là là trại Bố Chính. Trại là miền đất, vùng đất chưa được khai hóa ngang bằng so với các Lộ).

Theo Thánh Đăng Ngữ Lục, Đại Việt sử ký toàn thư và Tam Tổ thực lục, có thể khẳng định rằng, am Tri Kiến là ngôi cổ tự có mặt sớm nhất tren vùng đất Quảng Bình kể từ khi 3 châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh chính thức sát nhập vào nước Đại Việt và phải có trước khi Phật hoàng Trần Nhân Tông đến cư ngụ và thuyết pháp vào năm 1301.

Vậy tính từ năm 1301 khi Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé đến để cư ngụ cho đến nay thì am Tri Kiến đã có một chiều dài lịch sử trên 715 năm.

Từ am Tri Kiến đến chùa Kính Thiên.

Chưa có một tư liệu lịch sử nào nói rõ am Tri Kiến là tiền thân của chùa Kính Thiên, nhưng có thể giải mã được mối liên hệ am Tri Kiến là tiền thân của chùa Kính Thiên với căn cứ cần làm sáng tỏ. Đó là cùng tạ trên một vị trí địa lý xã An Trạch trước đây và phường Thuận Trạch sau này, cùng với những căn cứ tư liệu sau.

Am Tri Kiến và chùa Kính Thiên đều có chung tên gọi dân gian là chùa Trạm, bởi ở gần trạm Bình Giang thuộc thôn Tri Kiến (thời Trần), An Trạch xã (thời Lê), phường Thuận Trạch (thời chúa Nguyễn) và thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy ngày nay.

Cũng theo mô tả của Tiến sĩ Dương Văn An cho thấy đến thời Lê –Mạc, cổ tự Kính Thiên rơi vào cảnh hoang phế, chỉ còn trơ một khung nền cũ mà thôi: “…Nay hoa rụng chim kêu, chỉ còn trơ nền cũ mà thôi”. Như vậy chùa Kính Thiên đã được đổi tên hoặc phục dựng lại trên nền am Tri Kiến trước thời Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1561).

Mãi đến năm 1609, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới dựng lại chùa Kính Thiên trên nền cũ có cùng tên gọi. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Chùa Hoằng Phúc ở phường Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy do Thái tổ Hoàng đế bản triều dựng lại trên nền đất cũ từ năm thứ 52, gọi là chùa Kính Thiên”.

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Chùa Hoằng Phúc: tại phường Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy. Chùa vốn do Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng) của bổn triều tạo dựng vào năm Kỷ Dậu thứ 52 (!609), có tên là Kính Thiên tự. Hiển Tông Hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu) năm Bính Thân thứ 25 (1716) cho trùng tu và ban một biển hoàng ngự đề “Kính Thiên Tự”, một hoành phi “Vô Song Phúc Địa” (Địa Phúc có một không hai), cùng năm cặp liễn đối ngự chế”.

Năm 1801, sau khi lấy lại thành Phú Xuân. Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long, bên cạnh việc cũng cố công quyền thì việc cũng cố thần quyền cũng rất được chú ý. Ông đã cho tái thiết lại các ngôi chùa, nhưng việc tái thiết đó cũng chỉ ở quy mô nhỏ và đơn giản.

Từ Kính Thiên đến Hoằng Phúc.

Về sự xuất hiện danh xưng chùa Kính Thiên, chùa Hoằng Phúc được các sách Ô châu cận lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí đã nói rõ, chùa Hoằng Phúc được phục dựng và đổi tên từ chùa Kính Thiên.

Dưới thời vua Minh Mạng, nhà vua ý thức rằng: Danh sơn thắng tích không nên để vùi lấp mất đi, huống chi đây là nơi đức Hoằng tổ ta vì dân cầu phúc, nên đã cho tu sửa lại một số chùa, trong đó có chùa Kính Thiên nay là Hoằng Phúc.

Theo Đại Nam nhất thống chí; Đại Nam thực lục chính biên(Đệ nhị kỷ, quyển 21, Thực lục về Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng) ghi: “Tháng 6 năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 4 (1823), trùng tu chùa Kính Thiên ở Quảng Bình. Chùa nằm ở phường Thuận Trạch, do Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng cho xây dựng. Nhà vua ban cấp cho 100 lạng bạc để trùng tu”.

Dòng chảy lịch sử của chùa Hoằng Phúc xưa – nay.

Minh Mạng năm thứ 7 (1826), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” (Ngôi chùa mở rộng ơn phước hay phúc lớn), cùng với đó vua lại ban cho 150 lạng bạc để sữa chữa. Cũng từ thời điểm này chùa có tên là Hoằng Phúc cho đến bay giờ.

Một số tượng phật tại gian thờ cũ được giữ gìn và bảo quản cẩn thận.

Có thể nói, chùa Hoằng Phúc (chùa Kính Thiên, am Tri Kiến) là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của ĐạiViệt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình di dân mở cõi phương Nam thời Lý – Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới, để an cư lạc nghiệp. Đây là di tích được các nhân vật lịch sử của quốc gia phong kiến (Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, Tùng Thiện Quận công Nguyễn Phúc Miên Thẩm, vua Tự Đức,…) đã đến, quan tâm trùng tu, phục dựng và chấn hưng vì mục đích phục vụ cho sự hòa đồng dân tộc trong quá trình mở cõi, cố kết cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh để tạo sức mạnh từ cố kết lòng dân thông qua đức tin đầy lòng vị tha của đạo Phật.

Năm 2014, chùa được phục dựng lại dựa trên nền chùa cũ và thiết kế theo lối chùa cổ thời nhà Trần.

Trong dòng chảy lịch sử của mình, chùa Hoằng Phúc đã khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Bình nói chung và người dân Lệ Thủy nói riêng. Điều đó được minh chứng qua các sự kiện và bởi sự kế tục không gián đoạn từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông mang tư tưởng Phật giáo về giáo hóa vào đây trong thời gian lưu lại tu tập và cho dù trải qua chiến tranh, loạn lạc, chùa vẫn tồn tại và phát triển; là sự kiện ghi lại nhiều lần ghé thăm, trùng tu và phục dựng lớn của các chúa – vua trong thời kỳ phong kỳ phong kiến. Sau những tàn phá nghiêm trọng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, năm 1977 nhân dân địa phương đã dựng một ngôi nhà nhỏ để tiếp tục hương hóa, nối tiếp đức tin và lòng mộ đạo.

Như được truyền lại thì hệ thống tượng thờ tại chùa Hoằng Phúc trước đây có số lượng khá lớn, được thiết trí trên 7 cấp thờ với nhiều tượng lớn, nhỏ khác nhau. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đa số tượng Phật, tượng Thánh của ngôi cổ tự này phần lớn đã bị hư hại, mục nát hoặc thất tán. Hiện chùa còn giữ lại được 7 pho tượng các loại, với chất liệu tạo tượng các loại, kỹ thuật chế tác, kiểu dáng và mỹ thuật trang trí khác nhau. Trong đó có 5 pho tượng bằng đồng (1 tượng Phật Thích-ca, 1 tượng Bồ-tát Địa Tạng, 3 pho tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu) và 2 pho tượng bằng gỗ (1 tượng Hộ Pháp, 1 tượng (nghi là) Giám Trai Sứ Giả. Ngoài các tượng được bảo quản, gìn giữ còn có một số pháp bảo khác như: Tòa Cửu long (là biểu tượng ý nghĩa và sinh động nhất về truyền thuyết Đàn sinh của Đức Phật Thích-ca,  tòa sen, đại hồng chung (được chú đúc năm Minh Mạng thứ 20 - 1839),khung bức hoành phi, câu đối (được làm bằng gỗ vào năm Khải Định thứ 3 – 1918) và… còn nhiều cổ vật khác nữa đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa để minh chứng về bề dày lịch sử của chùa.

Chùa Hoằng Phúc được sự quan tâm, ghé thăm của các nhân vật lịch sử của quốc gia phong kiến cũng như thời XHCN

Là di tích vào loại cổ xưa nhất chứa đựng nhiều thông điệp về lịch sử Phật giáo Đại Việt thâm nhập vào xứ Đàng Trong theo cộng đồng dân di cư, theo các nhà tu hành và theo dấu chân kinh lý trên đường thiên lý của các bậc vua chúa, quan lại mộ đạo Phật. Vì thế, nơi đây có sức hút của hội nhập, lại vừa có sức lan tỏa của một trung tâm Phật giáo Đại Việt xứ Đàng Trong.

Với chiều dài lịch sử trên 715 năm, chùa Hoằng Phúc xứng đáng là ngôi chùa cổ danh tiếng của tỉnh Quảng Bình, của xứ Đàng Trong và cả Việt Nam. Chính điều này mà ngày 01/ 06/ 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1210/QĐ-UBND xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 30/11/2014, công trình phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc đã được khởi công, do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 43,372 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) bảo trợ.

Đặc biệt ngày 09/12/2105, Bộ VHTT – DL đã ban hành Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích quốc gia.

 

CHÚ THÍCH:

(1). Dương Văn An, Ô Châu cận lục (Trần Đại Vinh-Hoàng Văn Phúc dịch, chú), NXB Thuận Hóa.

(2). Từ điển di tích Văn hóa Việt Nam, trang 322.

 

 

                                                                                                                                    Phạm Trung

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Đại lễ Vesak LHQ 2025 triển khai quy mô với nhiều hoạt động ý nghĩa

DNTH: Tại tu viện Khánh An (Quận 12, TP.HCM), Tiểu ban Lễ hội văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã có buổi họp triển khai các nội dung, thống nhất công tác chuẩn bị.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 - Khẩn trương hoàn thiện mọi công tác chuẩn bị

DNTH: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 dự kiến tổ chức tại TPHCM từ ngày 6-8/5, với 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. “Tuyên bố TPHCM” là một điểm nhấn nổi bật của sự kiện bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa ý...

Tết Hàn thực, nét văn hoá độc đáo của người Việt

DNTH: Tết Hàn Thực, diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Tết hàn thực mang đậm bản sắc dân tộc với những ý nghĩa riêng biệt gắn liền với văn hóa...

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

XEM THÊM TIN