Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm làng nghề trong dịp Tết Nguyên đán

07:29 | 28/01/2024

DNTH: Để phát triển làng nghề bền vững, bảo vệ làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội không bị ô nhiễm đang là vấn đề được quan tâm. Đặc biệt, trong dịp cuối năm khi nhiều làng nghề gia tăng sản xuất, cung ứng cho thị trường, dẫn đến nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

60/65 làng nghề bị ô nhiễm môi trường

Theo số liệu thống kê, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống, đa số các làng có nghề đều thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường. Nguyên nhân dẫn đến việc phải đánh giá tác động môi trường là do không ít làng nghề phát triển tự phát nằm xen kẽ trong các khu dân cư, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống xử lý rác thải làng nghề không đầy đủ… gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bảo vệ môi trường làng nghề là nội dung cần thiết nhằm bảo đảm phát triển bền vững.Ảnh minh họa
Bảo vệ môi trường làng nghề là nội dung cần thiết nhằm bảo đảm phát triển bền vững.Ảnh minh họa

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Chẳng hạn như tại làng nghề Minh Khai, huyện Hoài Đức, người dân chia sẻ rằng, ở làng giờ khói bụi hơn, vì ống khói có nhưng không xử lý khói thoát ra, nên ô nhiễm làng nghề vẫn tồn tại.

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức, dịp cuối năm hối hả tất bật hơn. Bình quân, mỗi ngày sản xuất 80-100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.

Còn tại xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội), hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn).

Không chỉ gây ô nhiễm về nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội và dân sinh. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.

Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý. Hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang - xiên và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.

Để xử lý ô nhiễm này, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viên nghiên cứu Môi trường và phát triển cộng đồng đề xuất, cần có quy hoạch cụ thể và giao việc này về địa phương, và muốn hiệu quả thì cần thái độ trách nhiệm rất cao từ phía cán bộ cơ sở.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là do hầu hết các làng nghề đang hoạt động hiện nay đều có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường không khí. Trong số đó, 3 nhóm làng nghề: tái chế (kim loại, giấy, nhựa…), vật liệu xây dựng và chế biến nông sản, thực phẩm là những nhóm làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao.

Bên cạnh đó, nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất, phụ gia trong quá trình sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa), quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (thành phố Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)…

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi, phát tán các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3… Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong khi hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư cho nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cần chú trọng đồng bộ các nhóm giải pháp

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng nhiều làng nghề bị ô nhiễm là do việc đánh giá tác động môi trường hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc làng nghề phát triển kém bền vững, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người làm nghề.

Một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề nặng nề nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Theo các chuyên gia, để khắc phục thực trạng này, ở các làng nghề cần có nhiều biện pháp về chính sách, công nghệ, cũng như khoản kinh phí khá lớn. Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải cũng cần được quan tâm đẩy mạnh.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, TP. Hà Nội cần 1.350 tỉ đồng. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, cần 750 tỉ đồng để triển khai xây dựng hệ thống tại 50 làng nghề trọng điểm thuộc các huyện Hoài Đức, Vân Canh, Chương Mỹ...

Giai đoạn 2021 - 2030, cần 600 tỉ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Một số trạm xử lý nước thải đã và đang được đầu tư xây dựng, bước đầu cải thiện tình trạng ô nhiễm. Có thể kể đến: Trạm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với công suất 200 - 300 m3/ngày, đêm; Cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức với công suất 20.000 m3/ngày, đêm; Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái, Thường Tín với công suất 500 m3/ngày, đêm; làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai, với công suất 1.000 m3/ngày, đêm; hai nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại các xã Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức), công suất 4.000 và 8.000 m3/ngày, đêm…

Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình huống. Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ, nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường.Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm tới trạm ngắn. Từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau, tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

Liên quan tới tổng thế các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, các chuyên gia khuyến nghị, cần chú trọng đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản. Cụ thể, một là, giải pháp quy hoạch: Các giải pháp quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bao gồm các nội dung: Quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, quy hoạch phân tán tại từng cơ sở. Nội dung quy hoạch cần bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Hai là, giải pháp quản lý: Đối với các làng nghề nên lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường. Cần thiết xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường. Quản lý môi trường thông qua hương ước làng xã là một giải pháp cần quan tâm vì đây là một công cụ quản lý môi trường hữu hiệu ở nông thôn do thích hợp với cộng đồng tại từng khu vực. Hương ước làng xã được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.

Ba là, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân: Nội dung giáo dục môi trường được xây dựng theo mục đích hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường của chính quyền xã, thôn nhằm làm cho người dân hiểu về những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của họ trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Được biết, để bảo vệ môi trường các làng nghề, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%. Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và mục tiêu đến năm 2025, chất thải của các làng nghề đều được xử lý…

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm. Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân tại chính các làng nghề thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.

Theo ông Lưu Duy Dần, muốn làng nghề phát triển, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp vào nền kinh tế mà vẫn giữ vững được môi trường trong sạch thì rất cần có quy hoạch, tránh những chính sách chồng chéo.

Bên cạnh đó, cần có chế tài buộc các làng nghề ngoài việc đầu tư phát triển sản xuất cần dành tài chính cho việc bảo vệ môi trường. Qua đó gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường vào hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Mặt khác, Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các Đề án nghiên cứu, dự án hoạt động tạo ra các sản phẩm cụ thể của làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Gắn tiêu chí bảo vệ môi trường vào thương hiệu làng nghề. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội làng nghề truyền thống vào bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết hợp trách nhiệm của các hội với cơ quan hành chính quận, huyện và tổ chức các chương trình phối hợp cùng những tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn.

Theo Báo Chính phủ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

BSR sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm xăng dầu theo chuẩn Euro5

DNTH: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa tổ chức hội thảo về chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu.

SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

DNTH: Tiếp nối chuỗi hoạt động đồng hành cùng các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) và Tập đoàn BRG chung tay cùng Báo Nhân dân trồng 68.000 cây, trị giá 1 tỷ đồng nhằm phủ xanh gần...

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”

DNTH: Ngày 6/11/2024, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn” nhằm kết nối các nhà lãnh đạo, nhà...

Suy nghĩ lại về xe đạp: Từ “Phương tiện thời bao cấp” đến phương tiện giao thông bền vững

DNTH: Hôm nay, chúng ta hãy nói về giao thông bền vững. Cụ thể hơn, hãy nói về chiếc xe đạp - thường được gọi là “phương tiện thời bao cấp”. Tuy nhiên, nhận thức này không thể xa hơn sự thật, như tôi đã khám phá ra trong chuyến...

Dự án chậm tiến độ tại Hà Nội: Cỏ dại mọc chờ công viên "đẳng cấp quốc tế"

DNTH: Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) là 1 trong 5 dự án chậm triển khai vừa được Thành phố họp để gỡ vướng.

Doanh nghiệp Đông Nam Bộ tự phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất

DNTH: Là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, trước yêu cầu về tiết kiệm điện và xanh hóa sản xuất, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã tự phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất.

XEM THÊM TIN