Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đêm Hà Nội

08:02 | 23/08/2023

DNTH: Được coi là nguồn lợi lớn, mang lại giá trị cao nếu khai mở một cách hiệu quả, du lịch đêm Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội để xây dựng sản phẩm đặc trưng, thu hút nhiều hơn lượng khách đến Thủ đô. Tiềm năng phát triển du lịch đêm tại Hà Nội khá phong phú, bước đầu đã hình thành những sản phẩm có sức hấp dẫn cao. Nhưng để khai thác, phát triển tiềm năng này một cách đồng bộ, bài bản còn nhiều việc phải làm.

Phố đêm tại Tạ Hiện. Ảnh: TTXVN
Phố đêm tại Tạ Hiện. Ảnh: TTXVN

Những kỳ vọng ban đầu

So với các địa phương khác, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển du lịch đêm. Trong đó, hệ thống hạ tầng kết nối các điểm du lịch, điểm tham quan, điểm hoạt động kinh tế ban đêm thuận lợi cho du khách. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí, ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi của du khách tương đối phát triển. Bên cạnh đó, Thủ đô sở hữu khối lượng di sản, di tích đồ sộ cùng hệ giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, là một trong những nguồn lực giúp thành phố có nhiều điều kiện để phát triển du lịch đêm. Hà Nội còn có nhiều không gian phát triển du lịch đêm, cả không gian cộng đồng khu vực nội, ngoại thành và các tổ hợp vui chơi, giải trí riêng biệt...

Sản phẩm du lịch đêm đầu tiên xuất hiện là tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân, các khu phố ẩm thực đêm tại Phố cổ Hà Nội, sau phát triển dần sang nhiều khu vực và loại hình khác nhau. Đáng nói, sự ra đời của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đánh dấu bước ngoặt mới trong phát triển du lịch đêm của Hà Nội.

Tiếp đến, từ năm 2020 đến nay, hàng loạt sản phẩm du lịch đêm trải nghiệm di sản, văn hóa Hà Nội liên tiếp xuất hiện như: Tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Đêm thiêng liêng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour văn học "Chữ Tâm - chữ Tài" tại Bảo tàng Văn học Việt Nam cùng không gian đi bộ: Thành cổ Sơn Tây, phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Trần Nhân Tông. Trước đó, các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm được nhiều nhà hát, khu du lịch thực hiện và xe buýt 2 tầng hoạt động đêm.

Thừa nhận rằng, sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội ít nhiều tạo dấu ấn đối với du khách trong và ngoài nước. Riêng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trung bình mỗi tối cuối tuần thu hút từ 1,5 - 2 vạn lượt khách; không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút gần 1 vạn lượt khách. Các tour trải nghiệm di sản đêm Hà Nội và tour văn học đêm đa phần kín chỗ, thậm chí khách đặt kín nhiều tour sau đó. Không chỉ mang lại nguồn thu trực tiếp từ bán vé (đối với tour trải nghiệm di tích, bảo tàng, nhà hát), phát triển sản phẩm du lịch đêm thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại qua việc mua sắm, ăn uống, tham gia dịch vụ.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ khẳng định, hoạt động của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân thị xã và khách du lịch mỗi dịp cuối tuần. Đồng thời, tuyến phố đi bộ góp phần hình thành, phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thị xã, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tăng trưởng kinh tế - xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài.

Thời gian tới, Tổ hợp mua sắm - vui chơi - giải trí Lotte Mall Tây Hồ, Mega Grand World ở khu vực Gia Lâm - Văn Giang khai trương, dự kiến trở thành một trong những sản phẩm du lịch đêm thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch đêm còn bộc lộ nhiều bất cập, dịch vụ ban đêm chưa đa dạng, chưa có sự kết nối, mới tập trung vào dịp cuối tuần. Bởi vậy, việc đầu tư, khai thác hiệu quả để phát huy lợi thế của loại hình này đang cần được quan tâm.

Phát huy lợi thế du lịch đêm

Du khách trải nghiệm du lịch bằng xích lô trên phố Tràng Tiền. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN
Du khách trải nghiệm du lịch bằng xích lô trên phố Tràng Tiền. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN

Phát triển kinh tế đêm tại Hà Nội, trong đó, có du lịch đêm được quan tâm ra từ lâu. Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển sản phẩm du lịch đêm, Hà Nội cần có thêm nhiều chiến lược bài bản, đồng bộ hơn, từ đó thu hút doanh nghiệp đầu tư. Vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và người dân. Làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực đêm, du lịch mua sắm.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Để triển khai quyết định này, Sở Du lịch Hà Nội đang tích cực xây dựng, phát triển chuỗi sản phẩm du lịch đêm mang tính đặc trưng riêng. Dự kiến tháng 10/2023, Sở sẽ ra mắt và đưa vào hoạt động Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm” tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm và phát động Cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trong dài hạn, Sở nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số mô hình du lịch đêm tại một số địa phương có tiềm năng, trong đó, tập trung theo hai hướng: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Tây Hồ) và quy hoạch, xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp (dự kiến khu vực ngoại thành).

Hy vọng Hà Nội sẽ là một trong những địa phương xây dựng thành công mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm, đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Hà Nội. Qua đó giúp du lịch Hà Nội khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa, quốc tế khi đến Thủ đô, ông Trần Trung Hiếu bày tỏ.

Tuy vậy, công tác quản lý hoạt động du lịch đêm cũng cần được đặt ra. Bởi vậy, cơ quan chức năng của thành phố cần tập trung hoàn thiện các cơ chế để quản lý tốt hoạt động kinh tế du lịch và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này; bao gồm loại hình kinh doanh, khu vực kinh doanh, giấy phép hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng…), quy định về giao thông ban đêm, an ninh trật tự, phân cấp mạnh cho địa phương trong quản lý và phát triển du lịch ban đêm. Như vậy, mới bảo đảm duy trì môi trường hoạt động du lịch đêm và an toàn cho người tham gia.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

“Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp”- một góc nhìn mới của những người trẻ về kiến trúc thủ...

DNTH: Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”. Vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công...

Lễ hội Đình Cả: Rực rỡ sắc màu văn hóa làng quê Bắc Bộ

DNTH: Hàng năm vào tháng 11 âm lịch, Lễ hội truyền thống Đình Cả tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương lại được tổ chức long trọng, mang đậm dấu ấn cũng như màu sắc văn hóa truyền thống quê hương, thu hút sự quan tâm...

Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: “Cuộc hội ngộ” của những thanh âm chạm vào cuộc...

DNTH: Chỉ trong vòng 5 ngày trước khi kết thúc nhận tác phẩm (15/11), hàng chục tác phẩm phát thanh dự thi ồ ạt gửi về, nâng tổng số tác phẩm dự thi ở Phát thanh – Podcast - hạng mục lần đầu tiên được đưa vào Giải báo chí toàn...

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

XEM THÊM TIN