Khẳng định ưu thế hàng Việt

12:02 | 20/06/2024

DNTH: Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam bền vững, các doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị.

Hàng Việt chiếm tỉ trọng lớn trong siêu thị

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam ngày càng có thế mạnh, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng. Hàng Việt ngày càng khẳng định vị thế và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối, từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.

Tại các hệ thống siêu thị trong nước như Co.opmart, Winmart, BRG Retail, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ từ 65%-97%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm từ 70% - 80% trở lên.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sức mua hàng Việt ngày càng tăng cao, có hơn 90% người tiêu dùng cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt khi đi mua sắm; 75% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt.

Là tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản nhưng các sản phẩm tại hệ thống siêu thị AEON Việt Nam chủ yếu là từ các nhà cung cấp nội địa, trong đó hàng Việt chiếm khoảng 80%, hàng nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá thấp và chủ yếu nằm trong nhóm hàng thực phẩm. Đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả… đa phần đều là hàng Việt, chỉ có 5-10% là hàng nhập khẩu.

Tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp quản lý, vận hành chuỗi siêu thị GO!/Big C) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Central Retail luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị của đơn vị. Hiện hệ thống siêu thị Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.

Hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% tại hệ thống siêu thị trong nước
Hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% tại hệ thống siêu thị trong nước

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.

Doanh số bán hàng tại các siêu thị cho thấy hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Cần khẳng định rằng sau hơn 14 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đáng kể nhất là làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng trong nước và tư duy của các nhà sản xuất nội địa.

Từ cuộc vận động này, đã có rất nhiều thương hiệu Việt cất cánh và nhận được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng trong nước như: Biti’s, Việt Tiến, sơ mi May 10, Vinamilk, nho Ninh Thuận, nước mắm Phú Quốc…

Là một trong những doanh nghiệp tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đầu tiên và liên tục trong 14 năm qua, Tổng Công ty May 10 đã tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ bán hàng, để có được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt.

Mặt hàng nông sản Việt Nam được bày bán tại các siêu thị
Mặt hàng nông sản Việt Nam được bày bán tại các siêu thị

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 khẳng định: “Có lẽ đây là một trong những cuộc vận động mà mức độ lan tỏa được sâu rộng và nhiều ý nghĩa nhất. Thứ hai cũng thức tỉnh được ý thức của người tiêu dùng trong nước, hạn chế được tâm lý sính ngoại. Thứ ba là doanh nghiệp chúng tôi cũng ý thức được người Việt Nam dù yêu nước đến mấy thì cũng chỉ sử dụng sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra nếu sản phẩm đó đảm bảo chất lượng. Chúng tôi luôn ý thức được sản phẩm mình làm ra phải đảm bảo chất lượng, hợp thị hiếu và giá cả phải chăng, dịch vụ trước, trong và sau bán hàng tốt thì người tiêu dùng mới hưởng ứng”.

Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn, liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ tiêu thụ cho sản xuất trong nước.

Làm chủ sân chơi

Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là việc bùng nổ của thương mại điện tử, áp lực cạnh tranh về hàng hóa ngày càng trở nên khốc liệt. Người tiêu dùng ở bất kỳ đâu cũng có thể mua hàng chỉ cần lướt mạng Internet.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập chung.

Thu hoạch Dâu tây tại farm Đà Lạt
Thu hoạch dâu tây tại farm Đà Lạt

Tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quý I/2024, tổng doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý I/2023, chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.

Thương hiệu và chất lượng sản phẩm vẫn là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của người Việt. 26,1% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua hàng từ các thương hiệu nổi tiếng; 35,8% sẵn sàng mua ít hơn nhưng sẽ lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao hơn. Doanh thu kênh bán lẻ tạp hóa Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029 dự báo tăng trưởng bình quân ~6,3%, trong đó chuỗi đại siêu thị/siêu thị/minimart và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng ~9,6%.

Những yếu tố trên đã khiến cho Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ, đồng thời đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước cho hàng Việt Nam.

Việc nắm bắt và đáp ứng các xu hướng tiêu dùng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thể cạnh tranh và phát triển ở mọi thời điểm và bất cứ quốc gia nào. Để làm chủ được sân chơi của chính mình, các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt. Từ đó xây dựng kế hoạch, chiến lược hiệu quả, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị.

Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, cần sự chung tay của các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của người tiêu dùng trong nước. Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” chính là đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước, khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc của hàng Việt ngay trên sân nhà.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ngày 09/12: Giá cà phê trong nước vẫn tiếp tục tăng

DNTH: Cập nhật giá cà phê hôm nay (ngày 09/12/2024), giá cà phê trực tuyến, cà phê Tây Nguyên, cà phê Lâm Đồng, cà phê Gia Lai, cà phê nhân, cà phê Arabica.

Ngày 09/12: Giá vàng đi ngang chờ tín hiệu từ giá USD

DNTH: Giá vàng hôm nay (ngày 09/12/2024): Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục mô hình củng cố trong tuần này, trong khi thị trường đang chờ đợi các chất xúc tác tiếp theo.

Hộp quà Tết hơn trăm nghìn đồng hút khách

DNTH: Các doanh nghiệp cho biết hộp quà Tết giá 150.000-500.000 đồng đang được ưa chuộng nhất năm nay, phản ánh xu hướng tiết kiệm khi sức mua èo uột.

Giá lúa gạo ngày 06/12: Giá lúa tươi tiếp đà tăng mạnh

DNTH: Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay (ngày 06/12/2024) tại khu vực trong nước điều chỉnh tăng mạnh 300 - 400 đồng/kg với một số loại lúa. Thị trường giao dịch chậm, kho mua ít đè giá, lúa tươi tiếp tục tăng mạnh.

Ngày 06/12: Giá heo hơi ở Miền Bắc chạm ngưỡng 64.000 đồng/kg

DNTH: ghi nhận giá heo hơi của nhiều địa phương tại khu vực miền Bắc và miền Trung hôm nay tiếp đà tăng nhẹ. Hiện giá đang dao động trong khoảng từ 60.000 - 64.000 đồng/kg.

Ngày 06/12: Giá tiêu đột ngột tăng phi mã

DNTH: Cập nhật giá tiêu hôm nay (ngày 06/12/2024), giá tiêu Đắk Lắk, Gia Lai, giá tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, tiêu thế giới.

XEM THÊM TIN