Khoai tây ruột trắng - cơ hội cho vụ đông miền Bắc

06:28 | 10/03/2025

DNTH: Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hiện mỗi năm cung cấp 1.200 tấn giống cho bà con để sản xuất gần 1.000ha khoai tây ở 14 tỉnh thành phía Bắc.

Cuộc gặp tình cờ

TS Nguyễn Xuân Trường (Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhớ lại: “Năm 2007, tôi xuống huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) chỉ đạo sản xuất khoai tây ruột vàng (dùng ăn tươi) thì gặp TS Lee Un Sang - cố vấn cho Công ty Orion (Hàn Quốc). 

TS Lee Un Sang đã đưa cho tôi 20kg khoai tây ruột trắng (dùng cho chế biến công nghiệp) có tên gọi là Atlantic của Mỹ để trồng thử. Giống khoai tây này có hàm lượng chất khô cao nhưng hàm lượng đường thấp nên khi chiên không bị ngả màu, không bị cháy. Lúc thu hoạch ruộng trồng thử nghiệm thấy năng suất cao họ mới rủ nhau đi thăm đơn vị chúng tôi.        

Sau khi xem cơ sở vật chất, trao đổi về công nghệ, phía Hàn Quốc bảo rằng, quả thực trước đây chúng tôi đã mất 5 năm để đi tìm những người như thế này, đang làm những việc như thế này mà giờ mới gặp được, mừng quá. Kể từ đó chúng tôi hợp tác với Công ty Orion”.      

Lúc ấy Viện Sinh học Nông nghiệp có công nghệ nuôi cấy mô khoai tây, trồng khoai tây khí canh đầu tiên ở Việt Nam. Họ không thể tưởng tượng ra chúng ta ngày ấy đã có những công nghệ lõi để sản xuất ra củ khoai tây giống gốc sạch bệnh, sau đó nhân nhanh ngoài đồng ruộng trên quy mô lớn rồi chuyển giao cho nông dân như vậy.

Điều đó giúp Hàn Quốc có thể chủ động sản xuất giống khoai tây ngay tại Việt Nam thay vì phải nhập khẩu về, vừa đắt vừa bị động. Và trong cuộc hợp tác đó Viện Sinh học Nông nghiệp cũng rất có lợi. Là một trong những viện nghiên cứu đầu tiên trực thuộc trường đại học ở Việt Nam, đơn vị được định hướng sẽ phải tự chủ, tự làm, tự ăn nhưng đang loay hoay chưa biết phải làm thế nào thì lại có cơ hội vàng.   

Chỉ trong vòng 2 tháng, Viện đã thành lập một đoàn công tác do GS.TS Nguyễn Quang Thạch hồi ấy là Viện trưởng đứng đầu cùng các đồng nghiệp, trong đó có TS Nguyễn Xuân Trường sang thăm Hàn Quốc. Khi về, sẵn công nghệ đã có, các nhà khoa học chỉ việc cải tiến, hiệu chỉnh lại chút ít cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Năm 2008, phía Hàn Quốc chuyển giao giống khoai tây Atlantic cho Viện để sản xuất trên diện tích 5ha ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Trong khi ở miền Nam giống ấy đã được công nhận thì ở miền Bắc vẫn là điều rất mới mẻ. Việc sản xuất ngoài đồng gặp rất nhiều khó khăn bởi nông dân đã quen trồng giống khoai tây ruột vàng của Pháp, của Đức cả trăm năm rồi, khi mới chuyển sang trồng khoai tây ruột trắng thì bỡ ngỡ, chưa nắm được kỹ thuật nên chỗ thành, chỗ bại. Đến năm thứ hai diện tích trồng giống khoai tây Atlantic tăng lên 10ha, năm thứ ba tăng lên 30ha…

Giống khoai không dễ tính

Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Viện Sinh học Nông nghiệp hiện mỗi năm cung cấp 1.200 tấn giống cho bà con để sản xuất gần 1.000ha khoai tây ở 14 tỉnh thành phía Bắc, sản lượng củ thương phẩm đạt khoảng 13.000 - 15.000 tấn. Dù có nhiều vùng trồng nhưng năng suất, chất lượng khoai tây sản xuất ở Tiên Lãng luôn cao nhất, đạt tới 20 tấn/ha.    

Nhờ cơ giới hóa mà 90% các công đoạn trong sản xuất khoai tây chế biến đã được máy móc thực hiện, chỉ có đặt củ giống và phân loại củ khi máy đào lên là thủ công. Thay vì 1 sào mất 10 - 12 công như trước đây thì nay chỉ mất cỡ ½ công. Việt Nam có 2 công ty chế biến khoai tây lớn là Pepsi và Orion. Họ đều có bộ giống riêng, vùng nguyên liệu riêng, trong đó vùng nguyên liệu của Pepsi chủ yếu ở trong Nam, còn vùng nguyên liệu của Orion chủ yếu ở ngoài Bắc.

Nhiều người mới trồng khoai tây ruột trắng đã bị thất bại vì nó không dễ tính như khoai tây ruột vàng. Đặc biệt nếu trồng trên nền đất ướt theo kiểu làm đất tối thiểu thì gây hiện tượng củ xanh, củ ghẻ, củ nứt không thể kiểm soát được. Nông dân phải làm quen một vài vụ với những kỹ thuật khá tỉ mỉ từ thời vụ, làm đất, tưới nước thì mới thành công…

Điều kiện để trồng khoai tây chế biến thứ nhất là đất pha cát hay thịt nhẹ, tầng canh tác dày; thứ hai là thời vụ. Miền Bắc có vài trăm ngàn ha đất có thể trồng khoai tây trong vụ đông được nhưng thời vụ lại khó bố trí. Bây giờ mùa đông đến muộn nhưng kết thúc sớm. Trước kia đầu tháng 10 thời tiết mát mẻ đã trồng được khoai tây, nay phải sang tháng 11 mới tránh được nóng, mưa gây thối, hỏng.

Những tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh khá thích hợp để trồng khoai tây nhưng lại có thói quen đổ ải, dẫn nước vào đồng sớm để cấy lúa xuân nên ảnh hưởng lúc thu hoạch, làm giảm năng suất. Nếu cánh đồng của một hộ nông dân thì có thể chủ động được chứ của hàng trăm hộ thì rất khó.

Ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có hàng chục hộ sản xuất khoai tây quy mô lớn mà tiêu biểu nhất là vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Giang với diện tích khoảng 70ha. Để thành công, họ phải đào sâu suy nghĩ, mày mò xem phương pháp sản xuất nào là tốt nhất, phải chấp nhận thất bại để rút kinh nghiệm cho những vụ sau thành công. Nếu vẫn giữ thói quen trồng khoai tây ruột trắng giống như khoai tây ruột vàng mà làm luống nhỏ thì khi dẫn nước vào củ sẽ bị nứt hết.

Ở huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) cũng do vướng việc đổ ải để gieo cấy lúa xuân nên dù cánh đồng rất đẹp nhưng cây khoai tây vẫn khó phát triển, làm mấy vụ mới chỉ được cỡ 10ha. Nông dân ở đây cho rằng chỉ cần đổ ải muộn hơn 10 ngày thôi thì sẽ được trọn cả 3 vụ chứ không nên lấy nước đổ ải từ cuối tháng chạp mà đến sau rằm tháng giêng mới cấy. Phải quy hoạch vùng để sản xuất vụ đông. Có thể sáng thu hoạch khoai tây, chiều làm đất để cấy lúa xuân vẫn tốt.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc lạnh hơn, lúc xuống giống khoai tây thời tiết rất phù hợp nhưng khi chuẩn bị thu hoạch lại mưa phùn nhiều nên cây khoai tây dễ bị bệnh sương mai. Tuy nhiên nếu phòng trừ tốt, như Bắc Kạn, Thái Nguyên vẫn trồng thành công. Giờ đã có điện thoại thông minh, có gì bất thường, bà con chỉ việc giơ điện thoại chụp ảnh rồi gửi cho cán bộ Viện thì sẽ có những hướng dẫn phù hợp.

“Vùng trồng khoai tây thích hợp từ phía Bắc kéo dài vào đến Nghệ An. Còn ở Tây Nguyên, có nhiều nông dân trồng 5 - 10ha với năng suất gấp 2,5 - 3 lần ngoài Bắc, kỷ lục có người ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đạt năng suất 53 tấn/ha. Đất ở Tây Nguyên có tầng canh tác dày, lại áp dụng tưới nhỏ giọt nên không bị phụ thuộc vào thời vụ, thời gian trồng có thể để đến 110 ngày, nhiệt độ thấp, ban ngày ánh sáng chói chang nên cây khoai tây quang hợp tốt, đạt năng suất cao chứ không như miền Bắc mùa đông lạnh và có nhiều sương mù.

Tuy nhiên ở Tây Nguyên buổi tối lại có nhiều sương nên giống Atlantic khá mẫn cảm, phải phun thuốc BVTV mỗi tuần 1 lần. Về sau chỉ có giống Bliss chống chịu tốt là tồn tại được ở Tây Nguyên mà thôi”, TS Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.

“Cây khoai tây chế biến đã mở ra chân trời mới để thầy trò Viện chúng tôi làm suốt 18 năm qua. Tối 19/2/2025, TS Lee Un Sang - tư vấn của Orion phải về nước nên mời mấy anh em chúng tôi đến uống rượu để chia tay”, TS Nguyễn Xuân Trường tâm sự.

Theo Nongnghiep.vn

Nguồn: https://nongnghiep.vn/khoai-tay-ruot-trang--co-hoi-cho-vu-dong-mien-bac-d422402.html


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Lời cảm ơn của Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

DNTH: Với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả quý vị, những độc...

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với mưa lớn ở miền núi trung du Bắc Bộ

DNTH: Ngày 21/6/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện về việc tập trung ứng phó với mưa lớn ở miền núi trung du Bắc Bộ.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

DNTH: Sáng 21/6, tại Hà Nội, Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu Nông thôn đã long trọng tổ chức buổi Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925–21/6/2025) – mốc son quan trọng của nền báo chí dân tộc

Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đang bị lũ quét và sạt lở đất đe doạ

DNTH: Trước nguy cơ mưa lớn kéo dài có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất, chiều 20/6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung các biện pháp ứng phó.

Báo chí phải luôn là người đồng hành tỉnh táo và tin cậy

DNTH: Chủ tịch nước khẳng định, với sứ mệnh của mình, báo chí phải luôn là người đồng hành tỉnh táo và tin cậy, phải là người xung kích, tiên phong.

Chính phủ luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển

DNTH: Chiều tối 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam...

XEM THÊM TIN