Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã CK: VEA) vừa công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý 4/2018 với những con số ấn tượng về lợi nhuận.
Theo đó, chỉ tính riêng trong Quý 4/2018, VEA ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 2.253 tỷ đồng, tăng trưởng tới 52,2% so với cùng kỳ.
Xét về hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu thuần của VEA trong quý đạt 2.391 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với Quý 4/2017. Lợi nhuận gộp mang lại dù đã có nhiều cải thiện có giá trị đạt 244,3 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ, vẫn là con số khá khiêm tốn so với kết quả kinh doanh đã ghi nhận.
Đóng góp phần lớn vào đà tăng trưởng đến từ việc ghi nhận các khoản lãi từ các công ty liên doanh, liên kết với giá trị ghi nhận là 2.085,9 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2018, lợi nhuận sau thuế của VEA đạt tới 7.129 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với năm 2017 (giai đoạn từ ngày 24/1 - 31/12/2017).
Phần lớn khoản lợi nhuận này đến từ việc ghi nhận khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết, có giá trị ghi nhận là 6.848,7 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đem lại doanh thu thuần là 7.073 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ đạt 603,9 tỷ đồng.
Đặc điểm này trong cấu trúc lợi nhuận của VEA xuất phát từ việc các công ty liên doanh liên kết đều là những thương hiệu nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy và đang chiếm lĩnh thị phần hàng đầu tại Việt Nam. Kết quả sản xuất kinh doanh của những liên doanh này đang có sự tăng trưởng tốt trong những năm vừa qua, góp phần tạo động lực cho doanh thu khủng của VEA.
Được biết, VEA đang tham gia liên doanh tại Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam và Công ty TNHH Ford Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 30%, 20% và 25% vốn điều lệ. Tính đến ngày 31/12/2018, giá trị ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư này lần lượt là 5.264 tỷ đồng; 929,8 tỷ đồng và 642,83 tỷ đồng.
Giá trị ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư dài hạn của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Nguồn: VEA)
|
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi từ tiền gửi) của VEA năm 2018 cũng đạt tới 416,6 tỷ đồng, tăng 63,9% so với năm 2017. Nguyên nhân là do tổng công ty này đang sở hữu lượng lớn tiền mặt và tiền gửi.
Tính đến ngày 31/12/2018, VEA đang ghi nhận gần 10.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (342,3 tỷ đồng), các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (là các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, 9.649,9 tỷ đồng), chiếm 37,8% tổng tài sản công ty.
Mạnh tay xử lý các khoản nợ phải trả
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, đà suy giảm của khoản mục tiền và tương đương tiền xuất phát từ việc VEA thực hiện thanh toán một số khoản phải trả lớn trong năm 2018, với dòng tiền ra ghi nhận (từ giảm các khoản phải trả) giá trị lên tới 3.227 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất cho thấy, các khoản phải trả người bán của VEA đã giảm mạnh từ 2.155 tỷ đồng (từ đầu năm 2018), xuống mức 446,6 tỷ đồng. Trong đó, VEA đã trả hết số dư nợ phải trả người bán có giá trị lên tới 1.553 tỷ đồng đối với CTCP Thương mại dịch vụ TCG.
Tương tự, các khoản phải trả, phải nộp khác cũng giảm mạnh với 1.566,3 tỷ đồng, xuống mức 195,6 tỷ đồng. Sự biến động này đến từ việc khoản mục “Phải trả về cổ phần hóa” của VEA đã giảm từ 1.511 tỷ đồng, về mức 11,76 tỷ đồng vào cuối năm 2018.
Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của VEA đạt mức 26.411 tỷ đồng, tăng 3.051 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 16.406 tỷ đồng, tăng 5.419 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, tài sản dài hạn của VEA đạt 10.004 tỷ đồng, giảm 2.369 tỷ đồng so với đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, tỷ trọng nợ phải trả giảm mạnh, ghi nhận giá trị đạt 1.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,9%. Quy mô nguồn vốn chủ sở hữu tiếp tục được cải thiện lên mức 24.828 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ kết quả kinh doanh thuận lợi giúp các khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gia tăng mạnh./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...