Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia quân đội từ năm 1969, làm Trưởng đoàn Văn công xung kích Đoàn 22B và Sư đoàn 314B (Quân khu 4).
Sau năm 1975, ông chuyển về Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Năm 1988, ông chuyển về làm việc tại Hội VHNT Bình Trị Thiên, sau đó là Hội VHNT Thừa Thiên Huế, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội. Từ năm 1997, ông làm Thư ký tòa soạn tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Thơ kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.
Nguyễn Trọng Tạo sáng tác ca khúc từ năm 1970 với kiến thức học được từ những lớp sáng tác âm nhạc ngắn hạn trong quân đội, đặc biệt là tự học. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có nhiều tác phẩm được biểu diễn và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ (tổ khúc hợp xướng), Cái dốc nó cao...
Sau năm 1975, ông có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích như: Làng Quan họ quê tôi (lời phỏng thơ Nguyễn Phan Hách), Tình ca bên một dòng sông, Đôi mắt đò ngang, Con dế buồn (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường), Khúc hát sông quê (lời phỏng thơ Lê Huy Mậu)... Ca khúc của ông giàu chất thơ, đậm đà âm hưởng dân ca. Một số tác phẩm của ông đã được trình diễn tại Đức (Dàn nhạc Giao hưởng Lepzig), Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Canada, Mỹ...
Các ấn phẩm của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã xuất bản: Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Trọng Tạo và băng âm thanh Tình khúc bốn mùa (Nxb Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996), Khúc hát sông quê (2004).
Nguyễn Trọng Tạo từng giành giải Giải đặc biệt VHNT Hà Bắc 1981 với ca khúc Làng Quan họ quê tôi; Giải Nhì cuộc thi ca khúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Văn hóa 1984-1985 với ca khúc Đường về Thạch Nham; 4 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với các ca khúc: Mặt trời trong thành phố, Con dế buồn, Đồng Lộc thông ru, Khúc hát sông quê; Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam và Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương với ca khúc Đôi mắt đò ngang.
Ông còn là một nhà thơ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho thơ hiện đại Việt Nam, là tác giả bài Lá Cờ Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 20 đầu sách thơ, trường ca,văn xuôi, phê bình – tiểu luận, và được nhiều giải thưởng thơ, văn. Ông cũng đã trình bày khoảng 500 bìa sách và đã nhận 2 giải thưởng Bìa sách đẹp của Bộ Văn hóa Thông tin.
Năm 2017, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã bị đột quỵ tại quê nhà, tưởng chừng như không qua khỏi. Ông mất cảm giác toàn bộ cơ thể, không thể nói hay cử động, càng không có cảm xúc. Nhưng nhà thơ đã là người may mắn khi nằm trong tỉ lệ 1/1000 bệnh nhân bị tai biến có thể hồi phục hoàn toàn.
Sau cơn bạo bệnh, Nguyễn Trọng Tạo tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện. Bên cạnh đó, ông cũng tuân thủ chặt chẽ lịch uống thuốc, tiêm và trị liệu theo chỉ định. Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục làm thơ và sáng tác ca khúc.
Nhưng không lâu sau đó, nhà thơ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Và thời gian chống chọi với căn bệnh quái ác, tác giả “Khúc hát sông quê” đã trở về với dòng sông quê hương, về với cát bụi, nơi ông đã được sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn từ những ngày thơ bé để trở thành người nghệ sỹ đa tài, cống hiến cho đời nhiều bài thơ, ca khúc đi cùng năm tháng.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...