Diễn từ tại lễ trao giải, tác giả Trần Văn Thọ gửi gắm: “Cuốn sách này phân tích những yếu tố làm nên giai đoạn phát triển thần kỳ ở Nhật Bản bắt đầu gần 70 năm trước. Gọi là thần kỳ vì cho đến lúc đó chưa có nước nào phát triển với tốc độ vừa cao, trung bình 10%/năm và liên tục kéo dài gần 20 năm, vừa thực hiện toàn dụng lao động và công bằng xã hội. Giai đoạn phát triển ngoạn mục đó đã đưa nước Nhật trở thành cường quốc công nghiệp, theo kịp các nước Tây phương, thực hiện giấc mơ và mục tiêu của các lãnh đạo thời Minh Trị”.
“Hai từ khóa để phân tích thành quả phát triển của Nhật trong giai đoạn ấy là nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội. Nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu. Tố chất của lãnh đạo chính trị và quan chức nhà nước cùng với bộ máy công vụ có hiệu suất là yếu tố quyết định của nhà nước kiến tạo phát triển” - Tác giả Trần Văn Thọ nhấn mạnh.
Năng lực xã hội là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, tầm nhìn đại cuộc và năng lực quy tụ nhân tài, khả năng hình thành sự đồng thuận cao của toàn dân, nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có phương châm trọng dụng nhân tài. Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lý hành chánh, tinh thần trách nhiệm, tác phong đạo đức của người công bộc, chí công vô tư. Tố chất của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm xã hội. Tố chất đòi hỏi ở trí thức là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội, văn hóa và nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội và làm cho kinh tế phát triển.
Trong trường hợp Nhật Bản, tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phần lớn là những người có văn hóa, có giáo dưỡng. Đặc biệt trong thời đại Minh Trị và thời kỳ phục hưng và phát triển hậu chiến, những tố chất đó biểu hiện mạnh mẽ nhất.
“Tôi viết cuốn sách này trong tâm tình mong Việt Nam chúng ta sẽ có một giai đoạn phát triển ngoạn mục trong thời gian sắp tới. Tuy bối cảnh quốc tế, hoàn cảnh chính trị, xã hội và trình độ kỹ thuật, công nghệ thế giới ngày nay khác với Nhật Bản 60 hay 70 năm trước, nhưng những yếu tố cốt lõi của phát triển thì có tính phổ quát nên tôi nghĩ Việt Nam có thể tham khảo nhiều từ kinh nghiệm Nhật Bản” – Tác giả Trần Văn Thọ từ Tokyo gửi gắm tâm tình.
Giải Sách Hay lần thứ XI, năm 2022 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 15 năm ra đời Dự án Khuyến đọc Sách Hay và GSH 2022 cũng chạm mốc là mùa giải thứ XI, qua đó thể hiện sức sống bền bỉ của GSH và hoạt động khuyến đọc trong một thế giới đầy biến động. GSH cũng chính là giải độc lập đầu tiên về sách của Việt Nam có quy mô rộng rãi bậc nhất hiện nay do độc giả đề cử và chuyên gia bình chọn. Suốt hơn một thập kỉ qua, GSH luôn là một sự kiện văn hóa đáng chú ý, giúp công chúng có thêm kênh để tiếp cận những cuốn sách có giá trị, mang trong mình tinh thần khai khóng, giúp người đọc khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình.
Các cuốn sách đoạt giải của năm 2022: