Kỳ nghỉ lễ của “Bông hoa nhỏ”

15:32 | 27/04/2024

DNTH: Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 đã tới, một số hoạt động vui chơi du lịch đã mở cửa. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người được tận hưởng ngày nghỉ đó, vì đặc thù công việc, họ phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để góp phần cho những người khác có được những giây phút thảnh thơi bên gia đình trong kỳ nghỉ lễ. Ngành Điện là một trong số đó. Mời các bạn đón đọc truyện ngắn của tác giả Phương Thảo để hiểu thêm được nỗi niềm người thợ điện trong những ngày này...

Giờ sinh hoạt lớp, cô giáo chủ nhiệm thông báo: “Lễ 30/4 - 01/5 năm nay được nghỉ dài ngày, các em tha hồ mà đi chơi nhé!”. 

- Ô zê…! 

Tiếng vỗ tay, reo hò, tiếng cười nói, bàn tán xôn xao… ai ai cũng háo hức vì sắp được xả “stress” sau những ngày cô trò tập trung cao độ để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Hoa ngồi lặng lẽ nhìn ra phía cổng trường, bất giác hắt nhẹ tiếng thở dài… rồi cúi mặt xuống bàn học như che giấu điều gì đó. Ngoài kia, tiếng ve kêu râm ran báo hiệu một mùa hè nữa lại đến. Nắng đã lên gần đỉnh cột điện. Hơi nóng từ sân trường bốc lên, tỏa vào lớp học bừng bừng. Hoa nghĩ, giờ này bố chắc vẫn đang trèo trên cột điện như mọi ngày…

Bố Hoa là công nhân ngành điện Hà Tĩnh - cái nghề mà mọi người thường bảo là nghề “dãi nắng dầm mưa”, “làm dâu trăm họ”. Còn đối với Hoa, bao năm qua, dù nắng hay mưa, dù đêm hay ngày, với hành trang giản dị: một chiếc xe máy, một túi đồ nghề, bố băng băng từ vùng này qua xã nọ, mang trên vai trọng trách đưa nguồn điện đến với mọi nhà.

Hoa không nhớ bao nhiêu cái lễ đã trôi qua mình không được đi chơi cùng bố. Chỉ biết vì công việc “đặc thù” nên bố con Hoa ít có thời gian được ở bên nhau. Vào những dịp lễ, Tết hay những lúc mưa bão, thiên tai, bố càng phải lên đường đi “trực chiến”. Cứ thế bao năm qua, bố vẫn đi sớm, về muộn mỗi ngày, cơm hộp, nắm xôi ăn tạm ở ven đường hay vội vàng dưới chân cột điện đã trở thành “cơm bữa” đối với bố. Cũng không biết bộ áo quần màu cam sờn vai, bạc màu đã đồng hành cùng bố bao tháng, bao năm(?). Chỉ biết, sớm sớm, chiều chiều, bóng dáng bố cứ thế khuất dần sau những rặng tre, hòa mình vào dòng người hối hả…

Reng! Reng! Reng!... Tiếng chuông báo ra về cắt đứt luồng suy nghĩ. Hoa cất bút, vở, khoác cặp lên vai rồi chậm rãi bước xuống từng bậc cầu thang.

Mới chớm mùa hè thôi mà cái nắng đã gay gắt đến lạ. Dường như chẳng gì có thể cản nổi những tia nắng chiếu xuống mặt đất, từng tia nắng chói chang mang theo hơi nóng như muốn thiêu rụi những cánh phượng hồng rơi rụng trước sân. 

Trên lối Hoa về, vòng xe quay đều lách cách, lách cách hòa trong tiếng gió vi vu. Xe đi qua hai con đường vắng, băng qua cánh đồng đang mùa lúa trỗ, bỗng Hoa chợt nhận ra… Ơ kìa, xe bố! Xe đây nhưng bố ở đâu nhỉ? Cả xe bác Thắng nữa. Hoa quay qua, quay lại, đá mắt kiếm tìm. Từ phía xa, Hoa nhìn thấy màu áo cam của bố và các bác đồng nghiệp đang cặm cụi trên trạm điện. Đạp nhanh đến, Hoa gọi:

- Bố, bố ơi!

- Ơ! “Bông hoa nhỏ”, con đi học về rồi à? 

Vừa nói bố vừa đưa vật gì đó cho bác đồng nghiệp rồi trèo xuống, đi về phía Hoa. 

- Sao con không về đi kẻo nắng, đến đây làm gì?

- Con thấy xe bố nên con dừng lại. Bố làm có mệt lắm không? Nắng thế này sao bố chưa nghỉ ạ? Bố nghỉ đi đã rồi chiều làm! Hoa nói liên tiếp.

- Bố chưa nghỉ được. Bố đang vội xử lý cho xong một số công việc cấp thiết để đảm bảo cấp điện cho bà con dịp lễ này con ạ, mà con về nhanh đi kẻo nắng. 

- Vâng ạ, thế bố làm đi, con về đây, cháu chào các bác ạ!

- Uh, Chào con gái bố Quyền nhé! 

Quay xe đi, như sực nhớ ra điều gì, Hoa quay lại gọi. 

- Mà bố ơi, con hỏi này.

- Gì con?

 - Ờ, ờ… Lễ này bố có được nghỉ không? Nếu nghỉ bố cho cả nhà đi biển chơi nha bố, tuần sau con thi học kỳ rồi.

Tháo chiếc găng tay cao su sờn bạc bám đầy dầu mỡ, gạt những giọt mồ hôi chảy dài nơi khoé mắt cay xè, bố cười hiền hậu, đưa tay xoa xoa đầu Hoa, giọng trầm ấm:

- Ờ, để bố xem công việc thế nào đã con nhé! Mà con cũng biết nghề của bố rồi đấy. Dịp lễ, không chỉ có bố mà các bác, các chú lãnh đạo từ Công ty đến đơn vị cùng các anh em đồng nghiệp của bố đều phải tăng cường ứng trực để đảm bảo cấp điện và kịp thời sửa điện cho người dân khi cần (…) nhưng bố hứa, bố mẹ sẽ cố gắng sắp xếp một dịp phù hợp để đưa con và em đi chơi thỏa thích, đồng ý không nào? Mà thôi, con về đi đã, có gì tối về bố con mình nói chuyện nhé. 

- Vâng ạ…!

Hoa tiu nghỉu leo lên xe nhưng vẫn không quên quay lại nói vọng theo. 

- Bố làm rồi nghỉ sớm kẻo nắng bố nha!

Tối hôm đó, trong bữa cơm, thay vì tíu tít kể chuyện bạn, chuyện lớp như mọi khi, Hoa chỉ im lặng cắm cúi ăn, vẻ mặt buồn buồn. Phải chăng nhớ đến cảnh sáng nay các bạn hí hửng, hào hứng với kỳ nghỉ lễ, Hoa thấy giận bố(?). Đêm đó, Hoa nghe bố thì thầm, bàn bạc gì đó với mẹ hồi lâu, nhưng Hoa dự đoán, ý tưởng kỳ nghỉ lễ cùng gia đình trên bãi biển xem ra khó mà thực hiện được. 

Một ngày mới lại bắt đầu. Hoa dắt xe ra đi học cũng là lúc bố lên đường đi làm, bố gọi: 

- Hoa con! Tuần sau lễ thì bố bận trực, nhưng thứ bảy tuần này bố được nghỉ. Con có lịch học không? Nếu không cả nhà ta đi nghỉ lễ sớm nhé! 

Ánh mắt Hoa sáng rực lên, chúm chím nụ cười khoe chiếc răng khểnh tươi tắn. 

- Không bố a. Thứ bảy này con được nghỉ cả ngày. Thế nhà mình đi chơi đâu hả bố? 

- Nhà mình sẽ đi biển Thiên Cầm, gia đình ta và cả ông bà nội, ông bà ngoại nữa con a!

- Hoan hô bố! Nhất trí ngay và luôn. Bố nhớ không được thất hứa đâu đấy nhé… Thôi, chào bố con đi học đây, hi hi! 

Mặt trời đã lên ngang tầm mắt. Hoa leo lên chiếc xe đạp thân quen, chưa bao giờ xe bon bon đến thế…

Đứng trước biển, hít hà cái không khí hanh hanh của nắng chiều, thưởng thức làn gió biển thổi vào mát rười rượi, Hoa thấy sảng khoái đến lạ thường. Ngày “lễ sớm” của “Bông hoa nhỏ” đã được bố đáp ứng như mong đợi. Ngồi bên bố, hướng về phía biển khơi, Hoa được bố kể cho nghe về những vất vả, khó khăn và nỗi niềm của người thợ điện… Càng nghe, Hoa càng thấy thương bố, thương lắm các chú thợ điện quê mình. 

Nắng tắt. Trời bắt đầu tối dần… Những ngôi sao sáng lấp lánh bắt đầu đua nhau xuất hiện trên bầu trời, ánh điện từ các dãy nhà cao tầng và quán hàng dọc theo bờ biển đã rực lên giữa đêm hè… ấy vậy mà câu chuyện của hai bố con vẫn cứ thế, cứ thế chưa thôi. 

Bầu trời Hà Tĩnh về đêm thật đẹp. Hoa cảm thấy những ánh sao trời với những ngôi sao dưới mặt đất như hòa vào nhau làm một, tạo thành một thứ ánh sáng lung linh, huyền diệu. Một cảm giác tự hào về quê hương tươi mới, sự đổi thay đến từ bàn tay của những con người rất đổi bình dị như bố và những người đồng nghiệp, đang từng ngày từng giờ miệt mài với sứ mệnh nối "nhịp cầu ánh sáng" đến mọi miền quê. 

- Hai bố con lên ăn đi, thức ăn mang ra rồi kìa! Tiếng mẹ vọng lại. 

- Dạ mẹ, tuân lệnh! Hai bố con lên ngay ạ!

Khoác tay lên vai Hoa, vừa đi bố vừa hỏi. 

- Mà này con! Nghề bố vất vả thế sau này lớn lên con có muốn lấy chồng làm thợ điện không? 

Vùng tay ra khỏi người bố, Hoa đấm thùi thụi, giận dỗi, nũng nịu.

- Bố này, con mới lớp 9 thôi mà, bố cứ trêu đi lấy chồng là sao thế? hic hic...

Bố cười khênh khếch, bỏ chạy, Hoa đuổi theo. Bất giác quay lại nhìn về phía biển, Hoa gọi thầm: Gió ơi! Hãy mang đến cho bố tớ hơi mát của biển khơi mỗi buổi trưa hè bạn nhé…

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN