Kỷ niệm 45 ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ( 30/4/1975-30/4/2020): Chúng tôi chiếm Thành Sơn để các anh cất cánh

09:11 | 29/04/2020

DNTH: Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng ra lệnh nổ súng. Tôi nhấn công tắc của ly hợp máy 2W truyền lệnh nổ súng đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Giây phút này đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời! Hơn 20 quả bộc phá ống liên tiếp phát nổ, thổi tung 11 lớp hàng rào kẽm gai, mở toang cửa cho toàn tiểu đoàn thần tốc lao vào sân bay đánh chiếm các cứ điểm. Chúng tôi chiếm được sân bay Thành Sơn; dọn dẹp đường băng và đón phi đội quyết thắng tập kết để cất cánh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh"- Nhà báo Cao Ngọ.

Nụ cười chiến thắng- Ảnh Tư liệu.

Nụ cười chiến thắng- Ảnh Tư liệu.

Đánh chiếm sân bay Thành Sơn

Có mặt trên chiến trường Tây Nguyên khá sớm, từ những ngày đầu đánh Mỹ ở thung lũng Iadrang (1965), sau một thời gian chiến đấu, một số đơn vị  cấp trung đoàn, chuyển quân vào B2, nên việc tháp nhập, bố trí lại lực lượng trên chiến trường Tây Nguyên có những thay đổi.

Tiểu đoàn 631 ra đời từ việc nhập Tiểu đoàn 6 bộ binh với Tiểu đoàn 31 pháo binh, đứng chân, chiến đấu tại Khu 4 tỉnh Gia Lai. Là Tiểu đoàn độc lập thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3), Tiểu đoàn 631 của chúng tôi là một trong những đơn vị kiên cường nhất bám trụ ở vùng khu 4 Gia Lai, vùng đất rộng lớn gần thị xã Playku, chiến đấu giỏi với các trận đánh vang dội như Tân Lập, Bầu Cạn, sân bay Cù Hanh, Tổng khu Xi Ti, Chư Nghé, Chư Sang, Đức Cơ, làng Ram, cầu Gia Châm, Chư Rê, Chư Thoi, cao điểm 664 cắt đường 14, 19, 21…

Trong những câu chuyện và những kỷ niệm sâu sắc trong suốt những năm tháng trận mạc ấy, trận đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Phan Rang) là một trong những trận đánh ác liệt mà mỗi người chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay không thể nào quên. Trận đánh ấy cũng gần như là trận đánh cuối cùng của một đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng từ năm 1972, sau khi chúng tôi xuất quân đánh quận lỵ Lệ Minh (Chư Nghé) ở tỉnh Gia Lai kết thúc…

Chúng tôi chiếm Thành Sơn để các anh cất cánh - ảnh 1

Sau khi chiếm được sân bay Thành Sơn, đơn vị được lệnh ở lại canh giữ sân bay, dọn dẹp đường băng và đón phi đội quyết thắng tập kết để cất cánh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.- Ảnh tư liệu.

Tháng 4, thời tiết Phan Rang nắng nóng, các con suối trên vùng rừng núi Bác Ái khô cạn, ảnh hưởng rất lớn đến cơ số nước cho bộ đội đánh trận. Trong phương án tác chiến đánh chiếm sân bay Thành Sơn, Tiểu đoàn 1 anh hùng chúng tôi là mũi chủ công phải áp sát hàng rào kẽm gai sân bay, khi có lệnh phải phá bằng được 11 lớp rào kẽm gai để đưa toàn bộ tiểu đoàn đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay.

Tối ngày 13/4/1975, đơn vị chúng tôi bắt đầu tiếp cận mục tiêu. Khó khăn lớn nhất của đơn vị chúng tôi lúc này là địa hình khu vực dàn quân đất đá không thể đào công sự sâu được. Cố gắng lắm, bộ đội chỉ khoét sâu xuống đất chừng 20 đến 40 cm, cây cối cũng chỉ là những lùm cây thấp, có nhiều cây gai như gai xương rồng đâm vào người rất đau.

Chính địa hình phức tạp như vậy nên không thể ngụy trang kín hết được trận địa. Theo hiệp đồng tác chiến với các đơn vị hành tiến trên Quốc lộ 1A thì 8 giờ sáng ngày 14/4, khi căn cứ Du Long bị quân ta tấn công thì tiểu đoàn chúng tôi nổ súng. Thế nhưng không biết điều gì xảy ra, 8 giờ, 9 giờ, rồi 10 giờ vẫn chưa có lệnh nổ súng, cả tiểu đoàn chủ công nằm phơi mình trên “sa mạc” Thành Sơn.

Quá trưa, bất thần một đại đội bảo an đi tuần đúng vào hướng dàn quân của Đại đội 11. Tiểu đoàn phó Hoàng Uy (quê Nghệ An), người trực tiếp chỉ huy Đại đội 11 báo cáo về Chỉ huy sở tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng (quê Thái Bình) ra lệnh: Đại đội 10 nằm im không được nổ súng (vì lúc này Đại đội 10 đã cắt được hàng rào thứ 2 và một bộ phận của đại đội này đã nằm trong hàng rào thứ 2 của sân bay), còn Đại đội 11 sẵn sàng đợi lệnh. Thế là từ phương án chờ hiệp đồng nổ súng chưa thực hiện được thì bắt đầu cho cuộc chiến bên ngoài hàng rào.

Từ trưa ngày 14/4, cuộc chiến bắt đầu. Đại đội bảo an tiến gần đến Đại đội 11, không còn cách nào khác, Tiểu đoàn phó Hoàng Uy ra lệnh cho bộ đội nổ súng. Chỉ ít phút sau, máy bay ném bom, máy bay trực thăng quần thảo liên tục bắn phá trận địa của tiểu đoàn chúng tôi. Cả tiểu đoàn phải căng mình ra chịu bom đạn từ trên máy bay trút xuống. Khoảng gần 3 giờ chiều cùng ngày, máy bay địch ngừng đánh phá, nhưng xuất hiện tình huống khác.

5 chiếc xe bọc thép xuất hiện tiến về trận địa Đại đội 11 (thực tình gọi là xe tăng vì xe ngụy trang toàn bằng lá dừa, sau này mới biết là xe bọc thép), các trinh sát báo cáo với Tiểu đoàn phó Hoàng Uy: Hình như xe tăng của ta! Tiểu đoàn phó Hoàng Uy điện báo Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng thì được biết, cánh quân tiến theo Quốc lộ 1A chưa thể tiến đánh căn cứ Du Long và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm.

Vừa nhận lệnh từ tiểu đoàn trưởng xong, đã thấy đạn bắn ra như mưa từ 5 chiếc xe bọc thép. Ngay lập tức, đồng chí Hoàng Uy ra lệnh cho DKZ và B41 khai hỏa. Chiếc xe bọc thép đi đầu bị khựng lại, rồi bốc khói, 2 chiếc tiếp theo bị B41 của Đại đội 11 bắn cháy, 2 chiếc còn lại quay đầu bỏ chạy… Qua 1 ngày quần thảo với địch ác liệt, bị thương, hy sinh là một chuyện, chuyện không có nước uống mới gay gắt làm sao.

Tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin 2W cùng với chiến sỹ số 2 là Phạm Văn Duy (quê tỉnh Cao Bằng) trực tiếp ở Chỉ huy sở để chuyển thông tin từ Chỉ huy tiểu đoàn đến các đơn vị và nhận báo cáo của các mũi về. Tiểu đoàn không có nước uống đến độ Duy nói với tôi: “Anh ơi, em khát quá rồi làm sao được…”. Tôi động viên Duy: Cố lên em, khát quá em có đi tiểu được không? Duy không nói, tay xoay nắp bình tông và cố gắng tiểu vào nắp để lấy nước uống. Vài giọt nước tiểu lúc bấy giờ cũng phần nào “an ủi” cái khát khô họng của chiến sĩ...

Trời bắt đầu tối, tiếng bom đạn cũng bắt đầu thưa dần. 11 giờ đêm ngày 14/4, tiểu đoàn được lệnh lui quân về chân núi Bác Ái củng cố và chờ lệnh. Qua một ngày quần nhau với địch, hơn 30 chiến sỹ của tiểu đoàn thương vong. Tối ngày 15/4, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh hành quân tiếp cận hàng rào sân bay Thành Sơn chờ lệnh. Trước khi rời chân núi Bác Ái, Chỉ huy tiểu đoàn căn dặn: Đây là thời khắc quyết định và ác liệt nhất để đánh chiếm sân bay, tiểu đoàn chúng ta hãy phát huy truyền thống anh hùng, quyết mở đường tiến thẳng vào sân bay. Cả đêm ngày 15/4, tiếng pháo cầm canh của địch vẫn bắn, nằm ở vùng ven sân bay các chiến sỹ Tiểu đoàn 1 chỉ nóng lòng chờ lệnh nổ súng. 6 giờ, rồi 7 giờ sáng ngày 16/4...

Đúng 8 giờ, Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng ra lệnh trên 2 phương tiện thông tin là hữu tuyến và vô tuyến: nổ súng. Giờ phút tôi nhấn công tắc của ly hợp máy 2W truyền lệnh nổ súng đánh chiếm sân bay Thanh Sơn, có lẽ theo tôi suốt cuộc đời. Ngay khi nhận lệnh, Đại đội trưởng Đại đội 10 Lê Văn Uyến (quê Ninh Bình) ra lệnh cho các chiến sỹ đánh bộc phá ống.

Hơn 20 quả bộc phá ống liên tiếp phát nổ, thổi tung 11 lớp hàng rào kẽm gai, mở toang cửa cho toàn tiểu đoàn thần tốc lao vào sân bay đánh chiếm các cứ điểm. Trận đánh chiếm các mục tiêu diễn ra trong sân bay kéo dài đến 10h30 thì kết thúc. Tiểu đoàn 631 (Tiểu đoàn 1) anh hùng của chúng tôi đã chiếm và làm chủ hoàn toàn sân bay Thành Sơn. thu được gần 40 máy bay các loại và rất nhiều quân trang quân dụng. Khoảng hơn 12 giờ trưa ngày 16/4, trước cổng chính của sân bay Thành Sơn hướng ra Tháp Chàm xuất hiện 2 xe tăng và bộ đội của ta tiến vào. Bộ đội Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 25 gặp các chiến sỹ của Sư đoàn 3 sao vàng ôm chầm lấy nhau, không cầm được nước mắt…

Sau khi chiếm được sân bay Thành Sơn, đơn vị được lệnh ở lại canh giữ sân bay, dọn dẹp đường băng và đón phi đội quyết thắng tập kết để cất cánh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ Thành Sơn các anh cất cánh góp phần vào đại thắng mùa xuân

Chúng tôi chiếm Thành Sơn để các anh cất cánh - ảnh 2

Biết được giờ cất cánh đi ném bom Sân bay Tân Sơn nhất, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 631 anh hùng vô cùng phấn khởi, tìm vị trí thuận lợi nhất trong sân bay để theo dõi. 14h30 ngày 28/4/1975, Tư lệnh Quân chủng không quân Lê Văn Tri (có mặt tại Sân bay Thành Sơn mấy ngày nay) ra lệnh chuẩn bị. 5 chiếc A 37 mang số hiệu: 920, 921, 413, 415 và 955 do Phi công Nguyễn Văn Lục làm phi đội trưởng cùng các phi công Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On điều khiển,  được lắp bom đầy đủ, kiểm tra kỹ thuật an toàn tuyệt đối, từ từ lăn bánh ra đường băng.

16h25 nhận lệnh xuất kích, cả 5 chiếc máy bay của “phi đội quyết thắng” nối nhau lao vun vút trên đường băng rồi tung cánh bay lên bầu trời nhằm mục tiêu Sân bay Tân Sơn Nhất trực chỉ. Khi không còn nhìn thấy máy bay trên bầu trời, mọi người có mặt tại sân bay hôm đó kể cả tư lệnh Lê Văn Tri vô cùng nóng lòng chờ đợi. Khoảng 18h30 cùng ngày, từng chiếc máy bay trở về, khi 5 máy bay lăn bánh về vị trí an toàn, tư lệnh Lê Văn Tri cùng những người có mặt trong sân bay ùa vào vây quanh các phi công trong tiếng reo hò không ngớt.

Trận oanh kích vào Sân bay Tân Sơn Nhất đã phá hủy 24 máy bay A 37 , tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975.

Hôm nay sau 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bồi hồi nhớ lại những phút giây lịch sử ấy, lòng bồi hồi xúc động nhớ đến đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất tổ quốc.                

Theo https://viettimes.vn/chung-toi-chiem-thanh-son-de-cac-anh-cat-canh-388133.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN