KÝ ỨC KHÔNG DỪNG LẠI

18:52 | 28/06/2019

DNTH: DN&TH; Hà Nội của 6x, 7x dường như được mặc định là Hà Nội thời bao cấp: cái ăn cái mặc phải “khéo co” mới không bị đói không bị lạnh, nhưng ký ức lại ấm êm kỳ lạ, cứ như thể khổ nghèo thiếu thốn lại là... hạnh phúc!

Đọc “Những ngày tháng cũ”, tôi tưởng như đang lần lại từng trang nhật ký hạnh phúc của đời mình. Và tôi dám chắc, những người bạn lứa chúng tôi ở Hà Nội đều sẽ cảm thấy thân thuộc với từng mảnh ghép ký ức của các tác giả, được viết vừa nồng nhiệt vừa ngậm ngùi, lấp lánh thân thương như những viên bi ve ta vẫn chơi thuở nhỏ.

Cuốn sách đặc biệt không chỉ vì nội dung độc đáo, khu biệt - Hà Nội trong nỗi nhớ của thế hệ những người sinh năm 1975-1976-1977..., mà còn vì hình thức sáng tác rất đặc trưng cho thời công nghệ. Những mẩu tản văn viết trong nhiều đêm thức bên nhau của Group 91-94 trên Facebook được gom lại. Đằng sau mỗi cái “nick” trên không gian mạng lại là một đứa trẻ thời bao cấp, lấy cái sự “nhớ” để duy trì tương tác với nhau!

Những đồng tác giả của cuốn sách, có người viết chuyên nghiệp lẫn không chuyên, học cấp ba trong thành phố những năm 91-94, giờ ở cái tuổi hoài cổ kiểu trung niên, lần lượt say sưa kể lể với nhau như “lên đồng” về mọi thứ, mọi ngóc ngách tuổi thơ mình, về Hà Nội. Những địa danh bình thường vẫn tồn tại cho đến bây giờ mà khi được họ nhắc lại trong câu chuyện, chúng như thể trở thành “tài sản chung” của những tháng năm “vô sản” trong sáng nhất, ngay lập tức làm rung động người đọc cũng đến từ thời bao cấp như tôi: Bờ Hồ, ngõ chợ Khâm Thiên, bể bơi Tăng Bạt Hổ, công viên Thống Nhất, quán Gió, khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa, làng Trung Tự, khu lắp ghép Trương Định... Và nếu bạn đọc là “người cùng thời” với chúng tôi, hãy chuẩn bị tinh thần để bị cuốn phăng vào một cơn thổn thức của nhớ nhung, của xót xa thương mến, của nhức nhối nuối tiếc những bình yên xưa cũ, khi ta còn là đứa trẻ hồn nhiên chơi những trò chơi hồn nhiên bên hè phố, trong sân những khu tập thể lắp ghép, cùng người lớn đi qua những vất vả cũng rất... hồn nhiên! Và ta cứ nhẩn nha đọc, từng mục một, hết nhà đến phố, hết chơi đến ăn... Ôi, cái ăn thời đói là nỗi ám ảnh của cả một thế hệ, tưởng không có gì ăn mà nhắc lại sao thấy đa dạng và đủ đầy phong vị đến thế! Sơn hào hải vị nào bằng! Sau này, ta có đi khắp gầm trời, ăn đủ các món tinh tuý Á Âu, cũng không tìm đâu được dư vị thơm ngon da diết của những bún thang, quẩy nóng, bánh gối, bánh cuốn, “phở ngủ gật”, hay chỉ đơn giản là miếng thịt mỡ luộc mà các tác giả dụng công mô tả. Nhiều mẩu tản văn được đặt tên rất giản dị, (“Chuyện nhà mình” - Duong Pham; “Nấu cơm thời bao cấp” - Trần Long), hoặc có chút vụng về (Sống ở khu tập thể XHCN - Nghĩa Phan).., nhưng trong đó là đầy đủ tư liệu về thực tế và cảm xúc để dựng bộ phim tài liệu về cái thời xa xôi đã như là cổ tích ấy với những khái niệm đặc trưng không thời nào có được: ghế cơm, rang lạc với nước muối, canh dưa lạc giã, bếp dầu, và... phở ốm! “Cảm xúc phở” mạnh mẽ qua “nỗi thèm thuồng không giấu nổi” trong mắt trẻ và “tiếng thở dài cố nén của bố mẹ” mà tác giả Duong Pham nhắc đến chính là lời lý giải thuyết phục nhất, vì sao phở bao cấp trong ký ức ta, sợi bánh thô màu không sáng bóng, miếng thịt mỏng gió thổi bay... mà lại cứ ngon đến thế! Chẳng bù cho bây giờ, nhà văn Trương Quý đã phải thốt lên: “Ăn phở rất khó thấy ngon!”. Cái ngon của phở ngày ấy là vị của xa xót, yêu thương. Trẻ biết thương cha mẹ cũng nhờ sớm biết lắng nghe tiếng thở dài nén lại trong lồng ngực nặng nỗi lo toan.

Ảnh minh họa: Bìa sách

Ta cứ chầm chậm mà đọc, chớ vội vàng, đi qua từng góc phố, sân nhà, theo chân từng gánh hàng hoa, từng guồng quay xe đạp, để sẵn sàng nhận lấy những cảm xúc không gì so sánh nổi của một khoảnh khắc nghẹn ngào, phút thở dài nhè nhẹ, lúc mỉm cười sực nhớ một hình ảnh cũ tưởng đã quên, khi bật cười to lên vì một lời hát chế của óc hài hước những năm tám mươi - thâm thuý và ngộ nghĩnh, lúc lại thấy lặng lặng trong lòng, đọc trang sách mà mắt giăng một lớp sương mờ... Chợt có đôi lúc ngỡ như chính mình đã gặp những chuyện ấy, những nhân vật ấy, và đang viết những dòng say đắm ấy.

Mà đúng vậy. Có thể lắm chứ! Ta cũng đã từng từ một góc phòng vôi vữa cũ mà hân hoan lắng nghe tiếng rao kem cùng tiếng “bíp bò từ quả bóng cao su dưới chiếc loa đồng” như tác giả Nghĩa Phan kể lại. Ta cũng từng sang nhà hàng xóm “xem chực” tivi như tác giả Sam Le, cho đến khi chính nhà ta cũng sắm được một chiếc hộp thần kỳ có cửa kéo rộn ràng để ta được gắn bó với chương trình “Những bông hoa nhỏ”, mê mụ đi với công chúa Arabella, Chestermi biết bay, Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống... Cũng lại chính ta từng nghiêng tai hóng lên cái loa phát thanh công cộng đầu ngõ giống y chang tác giả Dang Trong Hieu, nghe đài tiếng nói Việt Nam với “Câu chuyện cảnh giác” tối thứ Bảy, “Sân khấu truyền thanh”, tường thuật bóng đá... Ta cũng từng lớn dần lên với những trò chơi thuở nhỏ, qua mỗi mùa nóng-lạnh mà “đổi món” đầy sáng tạo: nhảy dây chun đến toét cả bàn chân, chơi chuyền chơi bi trai gái gì cũng ngồi “te hè giãi thẻ” mà chơi tuốt, ném lon, đốt lò, đào hầm cát, chơi “goòng”, nhảy ngựa, những trò tha thẩn sân trường với phượng với bàng... và vô số trò nghịch dại khác, nào có khác gì trò chơi trong ký ức của Quang Nhật Nguyễn, Dương Q Trung, Michia Kumitori... Ta cũng kinh qua những “dép cao su, dép nhựa, tổ ong, đúc, gò, tông gan gà” khác gì tác giả Vu Quang Huy. Ta cũng đã xếp hàng xách nước quanh vòi nước công cộng, đã nuôi lợn trong căn hộ tập thể, đã giúp bố mẹ gia công đủ thứ như làm hộp cao sao vàng, phong bì, túi giấy đựng hàng khô, bóc lạc... Ôi, người nhắc đến đâu, ta trở về bé dại thơ ngây đến đấy!

Và rồi những lá thư tay, những cuốn sách cũ, những mẩu giấy lớp sáng gửi lớp chiều trong ngăn bàn (giờ trẻ con không có được cái thú thư từ hồi hộp dí dủm ấy vì hiếm trường còn phải chia sẻ lớp học giữa khối sáng khối chiều)... - Những kỷ niệm kỳ lạ thời bao cấp cũng gần như “của chung”, một thứ “đồng phục tinh thần” mà giờ, đôi khi người ta lôi ra hờn mát, dè bỉu... lại làm nên chúng ta, từng người đang sống tử tế và mang tấm lòng trắc ẩn với cuộc đời!

Tôi có thể nói như vậy về nhóm tác giả vì Group cựu học sinh cấp III khoá 91-94 toàn Hà Nội những năm gần đây được biết đến như một nhóm hoạt động xã hội có ảnh hưởng tích cực đến thái độ sống của người dân Thủ đô và thậm chí, ảnh hưởng đến cả việc vận động chính sách, thông qua mạng xã hội và những dự án văn hoá từ nhỏ tới lớn họ cùng làm với nhau. Và vấn đề không nằm ở quy mô hay “phong trào” mà ở sự đồng lòng đến cảm động của những “việc tử tế” họ hướng tới cộng đồng, ở cả những nguyên do rất nhân văn và ấm áp của các ý tưởng xã hội ấy. Những hành động “nhặt rác vì Thủ đô”, “hiến máu nhân đạo”, gần đây là cuộc đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu bia - không lái xe” lôi cuốn hàng nghìn người tham gia, hàng nghìn cư dân mạng đổi avatar mang thông điệp ấy, đã khiến các đại biểu quốc hội đồng tình khi thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia ngày 14/6 vừa rồi. Sự ra đi oan ức bất ngờ của hai người bạn trong Group, nạn nhân của tài xế say rượu, đã gây xúc động mạnh cho hơn 10 nghìn thành viên. Và họ đã hành động.

Tôi có cảm tưởng, họ làm và làm được tất cả những điều ấy nhờ có tình yêu, tình bạn, tình người - đã được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ gian khó và lãng mạn, từ những câu chuyện lan man về “những ngày tháng cũ“.

Từng chi tiết trong “Những ngày tháng cũ” đều rất thật và sống động. Câu chuyện của một người, của nhiều người, cứ hoà vào nhau quấn quýt, khớp nhau như họ đang cùng lắp một ngôi nhà gỗ bằng mộng mà không cần đóng đinh, để dòng chảy mát lành của ký ức cứ êm đềm mà trôi, không gặp bất kỳ rào cản nào của những khái niệm về địa vị xã hội, nghề nghiệp, thu nhập! Bên nhau, họ là bạn. Từ thuở xa xưa dép nhựa quần rách cho đến bây giờ! Đúng như slogan của nhóm - “Kết nối vòng tay, sẻ chia tình bạn”.

Xin được nói lời cảm ơn tuổi thơ! Cảm ơn Hà Nội! Cảm ơn những người chia sẻ với chúng tôi ký ức riêng tư của mình, từng góc tâm hồn của mình trong một nỗi nhớ chung.
Và cảm ơn, vì họ đã không dừng lại ở ký ức. Họ đã để ký ức dẫn dắt đến những điều tốt đẹp, đáng yêu, kết nối tương lai và quá khứ vất vả thân thương, nhờ những giá trị tinh thần mà toả hào quang lộng lẫy...

 Nhà văn Anh Thụy Nguyễn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Đại lễ Vesak LHQ 2025 triển khai quy mô với nhiều hoạt động ý nghĩa

DNTH: Tại tu viện Khánh An (Quận 12, TP.HCM), Tiểu ban Lễ hội văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã có buổi họp triển khai các nội dung, thống nhất công tác chuẩn bị.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 - Khẩn trương hoàn thiện mọi công tác chuẩn bị

DNTH: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 dự kiến tổ chức tại TPHCM từ ngày 6-8/5, với 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. “Tuyên bố TPHCM” là một điểm nhấn nổi bật của sự kiện bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa ý...

Tết Hàn thực, nét văn hoá độc đáo của người Việt

DNTH: Tết Hàn Thực, diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Tết hàn thực mang đậm bản sắc dân tộc với những ý nghĩa riêng biệt gắn liền với văn hóa...

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

XEM THÊM TIN