Ông Nguyễn Tứ Hùng vui mừng khi khu vực ao làng cũ đã khang trang, sạch đẹp hơn
Xứng danh bộ đội cụ Hồ
Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản - Trường Trung cấp Thủy sản, chàng thanh niên Nguyễn Tứ Hùng hăng hái lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhớ lại những ngày ấy, ông Hùng không kìm nổi cảm xúc: “Cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm nhưng tất cả vì tiền tuyến, các bà, các mẹ, các chị trong làng đã gom nhặt từng hào, từng bao thuốc lá để động viên trai tráng trong làng lên đường nhập ngũ…”.
Chiến đấu ở nhiều mặt trận, hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về địa phương năm 1974. Đến tháng 10/1978, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, ông làm đơn xin tái ngũ trở lại quân đội lên biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc và đến 12/1980, ông được phục viên. Trở về cuộc sống đời thường với đôi bàn tay trắng, không có kinh nghiệm trong sản xuất, nhưng ông Nguyễn Tứ Hùng không nản lòng, cùng vợ con tích cực phát triển kinh tế gia đình. Ông tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi, không quản nắng mưa, cải tạo đất ruộng vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm để vực kinh tế gia đình từng bước phát triển. Ông tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương và được bầu vào Hội đồng nhân dân xã Tân Lập nhiệm kỳ 1994 - 1999…
Gương mặt chất phác, ăn mặc giản dị, ít ai ngờ rằng ông chính là “mạnh thường quân” của phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2004 và 2009, hưởng ứng sự vận động của Ban quản lý Di tích làng Hạnh Đàn, ông Hùng và gia đình đóng góp 290 triệu đồng xây dựng đình, chùa của làng. Tính từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã ủng hộ xây dựng 4 công trình với số tiền hơn 2 tỷ 400 triệu đồng, trong đó có công trình ao Sau Đình, thôn Hạnh Đàn mới được xây dựng.
|
Hồi sinh “ao làng”
Trước đây, ao Sau Đình, thôn Hạnh Đàn (còn gọi là ngòi Cầu Xây) ô nhiễm, nước bẩn quanh năm, cỏ cây mọc rậm rạp, thậm chí là nơi đổ rác của một số hộ dân trong cụm. Không chỉ riêng ao Sau Đình, nhiều ao trên địa bàn xã Tân Lập nói riêng và huyện Đan Phượng cũng chung cảnh ngộ, thậm chí không ít ao còn bị người dân lấn chiếm, san lấp bằng phế thải, rác thải khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Khi biết xã Tân Lập kêu gọi nguồn xã hội hóa, thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân khi đối mặt với ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Tứ Hùng đã bàn với gia đình xin đóng góp để xây dựng bờ kè ao này. Đến đầu năm 2017, dự án cải tạo, nâng cấp ao Sau Đình với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng đã được triển khai.
Ông Nguyễn Tứ Hùng chia sẻ: “Vì ao cũ là nơi chứa rác thải của dân làng, ô nhiễm môi trường, tôi đề xuất lãnh đạo xã Tân Lập cải tạo, xây dựng thành ao môi trường. Ao có diện tích gần 5.000 m2. Đến cuối tháng 5/2017, với sự chung sức của nhân dân và gia đình, ao tù gây mất vệ sinh môi trường giờ đây đã được thay thế bằng bờ kè với khuôn viên rộng, thoáng mát. Công trình khánh thành ngày 22/5/2017, đúng ngày kỷ niệm 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Tân Lập. Sau khi ao hoàn thành, tôi thấy phải làm đường vào cho đẹp nên đã xin phép xã làm con đường dài hơn 100 m với số tiền hơn 300 triệu đồng. Sau khi công trình làm xong, tôi trông nom, quét dọn ao, mắc điện chiếu sáng, tiền điện cũng là gia đình nhà tôi chi trả”.
Ngoài việc đóng góp những khoản tiền lớn cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng vẫn lặng thầm quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo trong xã để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Toàn bộ số tiền được khen thưởng ông đều đóng góp vào quỹ khuyến học của xã và dành tặng những học sinh nghèo vượt khó…
Công trình ao Sau Đình giờ đây giống như một công viên thu nhỏ. Từ sáng sớm đến đêm muộn, người lớn, trẻ nhỏ quây quần quanh bờ ao tập thể dục và vui chơi… tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho khu dân cư. Điều đáng nói, sau khi hoàn thành việc cải tạo ao, tại cụm 13 đã lan tỏa phong trào xã hội hóa xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp. Nhiều hộ dân đã tự nguyện mua ghế đá đặt quanh ao để phục vụ nhu cầu vui chơi của chính gia đình mình và người dân.
Được biết, người cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng cũng đang ấp ủ dự định sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng một con đường nối từ khu di tích Bác Hồ về thăm Tân Lập ra tỉnh lộ 422, với số tiền ước khoảng hơn 3 tỷ đồng... Một việc làm mà trong tâm niệm của ông Hùng, đó chính là điều ông học tập từ đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả vì tình yêu quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Hữu Quy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập huyện Đan Phượng cho biết, nghĩa cử cao đẹp của ông Hùng đã khích lệ người dân trong xã nhiệt tình tham gia đóng góp tiền bạc, công sức, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường… Công trình “Ao môi trường” ở làng Hạnh Đàn là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Đan Phượng.
“Với những nỗ lực đóng góp của mình, ông Nguyễn Tứ Hùng nhiều năm được UBND xã Tân Lập, UBND huyện Đan Phượng tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2017, ông được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mới đây, ông vinh dự được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Ông là tấm gương sáng, người cựu chiến binh gương mẫu, hết mình vì công việc của xã hội để thế hệ trẻ học tập và làm theo…”, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc...