Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ

09:11 | 01/11/2024

DNTH: Đền Công Đồng Bắc Lệ hay còn gọi là đền Bắc Lệ giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của Nhân dân trong vùng. Nơi đây cũng được coi là một trong tám ngôi đền linh thiêng nhất ở nước ta, chứa đựng những nét đẹp trong văn hóa tâm linh, phong tục thờ cúng và lễ bái tổ tiên đã có cả ngàn đời nay.

Bề dày lịch sử và nét đẹp kiến trúc vượt thời gian

Đền Công Đồng Bắc Lệ tọa lạc trên một quả đồi ở thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là một trong ba nơi thờ chính của Bà Chúa Thượng Ngàn - một trong những vị được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.

Đây là quần thể di tích mang không gian văn hóa tâm linh với lối kiến trúc cổ đầy độc đáo, ấn tượng. Công trình này được đánh giá là một trong những nơi thể hiện rõ nét nhất văn hóa thờ Mẫu tại nước ta, mang đến không gian mới lạ cho nhiều du khách muốn đến tham quan và tìm hiểu về nét văn hóa này.

Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ 1

Ngôi đền lâu đời với lối kiến trúc độc đáo.

Được xây dựng từ khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, đến nay đã trải qua năm lần tu sửa, tôn tạo nhưng giống như rất nhiều ngôi đền khác ở miền Bắc Việt Nam, đền Bắc Lệ vẫn mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc cổ xưa.

Căn cứ vào văn bia khắc năm Khải Định thứ 4 (1919), trước đó đền là một am thờ nhỏ, hay bị hỏa hoạn. Năm 1919, được sự cung tiến của một số thanh đồng, đền Bắc Lệ đã được xây dựng thành một ngôi nhà ba gian gồm ba cung: đệ nhất, đệ nhị và đệ tam. Trong bia khắc năm Khải Định thứ 8 (1933) có ghi lại công đức của nhiều người trong đợt trùng tu ngôi đền lần thứ hai. Sau lần tu sửa này, đền càng trở nên linh ứng. Năm 1940, đền được tu sửa lần thứ ba. Ngôi đền ba gian cũ được quay ngang lại và xây thêm cung đệ tam ở phía sau và cung đệ nhất. Một cổng tam quan to cao được xây nơi có bậc tam cấp trước cổng đền bây giờ. Sau lần sửa chữa này, đền Bắc Lệ đã trở nên khang trang, thu hút đông đảo khách đến lễ bái. Năm 1968, bom Mỹ gần như san phẳng ngôi đền này. Nhiều di vật quý đã bị chôn vùi hoặc thất lạc. Năm 1973, đền Bắc Lệ lại được trùng tu lần thứ tư. Tuy nhiên, chỉ dựng được ba gian nhà làm ba cung, còn nhà khách chưa phục hồi được. Năm 1989, đền Bắc Lệ đã được sửa sang và từ đó liên tục được củng cố để tồn tại như ngày nay.

Ngôi đền mang bóng dáng của lối kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Trung Hoa giao thoa với văn hóa thờ cúng và lối xây dựng đền của Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua các chi tiết như các cột chống, bảng hiệu, trần đền, mái, chữ viết trên mái làm nổi bật vẻ đẹp cổ kính, tạo không khí ấm cúng thiêng liêng.

Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ 7

Không quan miếu Chầu Bé nằm ở khu vực bên trái đền Bắc Lệ.

Dáng dấp uy nghiêm cùng nét đẹp kiến trúc cổ của đền là thứ bao trọn không gian tâm linh núi rừng Hữu Lũng. Nơi dẫn lối đi vào không gian đó là cổng tam quan nguy nga, tráng lệ. Phía bên trái khuôn viên từ cổng vào là miếu Chầu Bé với các bức tượng Chầu Bé, tượng Cô Bé Bắc Lệ và tượng Cậu Bé Bắc Lệ với không gian thờ cúng khoảng 10 m2, phía Đông Bắc có bàn thờ Ngũ Hổ ngoài trời.

Tới đền chính được thiết kế giống với ngôi nhà ba gian, bao gồm ba cung: đệ nhất, đệ nhị và đệ tam (cung cấm). Ngôi đền này được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, sau khu vực tiền tế là hậu cung uy nghiêm, yên tĩnh và đầy thành kính. Tổng thể đền là một dãy nhà ba gian xây bằng gạch lợp ngói tây rộng khoảng 125 m2 và dùng cột gỗ chống đỡ.

Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ 3

Đền chính với lối kiến trúc chữ Đinh là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn linh thiêng.

Mái đền thiết kế theo kiểu “Long triều lưỡng nghi”. Trong đó, lưỡng nghi tượng trưng cho trời và đất, âm và dương. Khi tất cả hài hòa, vạn vật sẽ sinh sôi, nảy nở. Khu vực nhà bái đường được chia thành năm gian, ba gian ngoài thờ Ngũ Vị Tôn Quan. Phía trên bàn thờ là bức hoành phi đề “Hưng Tiên Hiền Từ”. 

Không dừng lại ở khám phá kiến trúc, dạo bước quanh đền Bắc Lệ, còn có thể chiêm ngưỡng những hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm, di vật cổ có giá trị lịch sử - văn hóa cao như bức hoành phi, câu đối chạm trổ tỉ mỉ. Cùng với đó là các pho tượng thần được điểm trang cầu kỳ, tinh xảo.

Trong đền có 19 pho tượng lớn nhỏ làm bằng gỗ, các ban bệ cũng được làm bằng các loại gỗ quý. Phần xà nhà cũng có các loại hoa văn cùng hình tượng mãng xà - nét đặc trưng trong văn hóa thờ cúng tâm linh của người Việt.

Với những giá trị lịch sử, tín ngưỡng và kiến trúc, đền Bắc Lệ đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa năm 1992.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong tâm thức của người dân xứ Lạng, đền Bắc Lệ thờ phụng Bà Chúa Thượng Ngàn - một trong ba vị Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu Thủy (Mẫu Thoải) cai quản miền sông nước.

Tương truyền rằng, Bà Chúa Thượng Ngàn là con gái của thần núi Sơn Tinh với công chúa Mỵ Nương, cháu ngoại của vua Hùng, tên gọi là công chúa La Bình - người con gái đẹp nết, đẹp người và có đủ tài đức nên được Tản Viên rất yêu quý, thường cho nàng đi săn bắn cùng. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến với núi non, rừng rậm, thấy vậy Trời ban cho nàng là “Nữ chúa rừng xanh”. Vào thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, lại thêm nghĩa quân Lam Sơn đóng quân vào thế bất lợi nên việc chiến thắng trở nên khó khăn. Thấy vậy, nữ chúa đã giúp đỡ rất nhiều cho nghĩa quân. Sau này, nhớ đến công lao của “Nữ chúa rừng xanh”, Nhân dân cả nước đã tôn sùng là Mẹ (Mẫu nghi thiên hạ) và lập đền thờ ở khắp nơi. Đền Bắc Lệ được dựng lên trên cơ sở sự tích đó.

Câu chuyện này vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác với nét đẹp truyền thống về lòng biết ơn của Nhân dân ta. Đền Công Đồng Bắc Lệ chính là nơi để người dân xứ Lạng nói riêng và người dân cả nước nói chung nhớ đến Mẫu Thượng Ngàn.

Ngoài ra, đền Bắc Lệ còn tôn thờ Chầu Bé, theo dân gian Chầu Bé là một nhân vật có thật từng sống trong vùng, có thể thay mặt Đức Mẫu thực hiện và đáp ứng những lời nguyện cầu của người dân.

Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ 4

Nghi lễ trước Mẫu Thượng Ngàn tại lễ hội đền Bắc Lệ.

Xuất phát từ niềm tin truyền thống của nhiều thế hệ về sự linh ứng của các thần linh được thờ phụng ở đền Bắc Lệ, cho đến nay những nét đẹp văn hóa về tín ngưỡng thờ Mẫu tại đây vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy thông qua nhiều hoạt động sinh hoạt lễ hội, thu hút đông đảo người tham dự. Trong đó có lễ hội đền Bắc Lệ được tổ chức hằng năm vào ngày 20/9 Âm lịch với các hoạt động mang đậm nét văn hóa tâm linh như lễ rước cô Bơ Bắc Lệ từ đền Kẻng lên đền Bắc Lệ (cô Bơ đến hầu Đức Mẫu Thượng Ngàn), các nghi thức thờ cúng Mẫu, nguyện cầu, lên giá đồng…

Đặc biệt, đền Bắc Lệ có năm ngày lễ lớn trong năm thu hút được đông đảo khách thập phương nhất. Đó là lễ Thượng nguyên được tổ chức từ mùng 2 đến 15 tháng Giêng. Đây là lễ nhỏ có ý nghĩa kính báo với thần linh về công việc của một năm mới bắt đầu và những lời thỉnh mang tính chất chúc tết, hy vọng ở năm mới.

Lễ vào hè tổ chức vào đầu tháng Tư Âm lịch. Nhân dân tin rằng làm lễ sẽ được các thần linh giúp đỡ được mùa màng, sống mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa tạo điều kiện cho lúa khoai tươi tốt, mùa vụ bội thu.

Lễ ra hè tổ chức vào trung tuần tháng Bảy Âm lịch. Con người cảm tạ thần linh phù hộ cho quá trình sản xuất (được mùa thì phải tạ ăn, mất mùa cũng phải làm lễ sám hối, xin thần linh tha tội).

Lễ tất niên từ ngày 15 đến 25 tháng Chạp Âm lịch. Trong lễ tất niên, con người tiến hành các nghi thức tạ ơn sự gia ân của thần linh đối với cuộc sống của họ năm ấy.

Lễ tiệc Mẫu từ ngày 18 đến 20 tháng Chín Âm lịch. Trong các lễ, đáng chú ý nhất là lễ tiệc Mẫu - chính hội. Đây là ngày hội lớn, nghi thức trọng thể nhất và được chuẩn bị công phu nhất.

Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ 5

Nét đẹp thờ Mẫu đã đi vào đời sống tâm linh của người dân với sự bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.

Cũng giống như nhiều ngôi đền thờ Mẫu khác, đền Bắc Lệ thờ công đồng, tứ phủ, thờ tất cả các vị thần linh ở bốn miền vũ trụ. Điều đặc biệt ở đền Bắc Lệ là coi trọng các vị thần linh gắn với địa phương như Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Bé, Cô Bé… những vị thần cung cấp ban phát của cải nơi núi rừng cho con người. Những vị thần đã trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh hằng. Bên cạnh Mẫu còn có các thần linh hóa thân của Mẫu như Ngũ vị tôn ông, Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Quan Hoàn, Cô, Cậu… được thể hiện qua các bài tích.

Linh thiêng ngôi đền cổ Công Đồng Bắc Lệ 8
Đồng thời những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng tạo động lực, truyền lửa cho thế hệ sau.

Điều này cho thấy việc tôn thờ Mẫu với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người của Đạo Mẫu đã đi vào đời sống dân gian, bắt rễ vào xã hội và có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người dân Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung thông qua các hoạt động thờ phụng và lễ hội tại đền Bắc Lệ.

Cùng với quần thể kiến trúc, đền Công Đồng Bắc Lệ là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam. Đồng thời cũng là nơi bảo chứng cho văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, gìn giữ và phát huy những giá trị của nét văn hóa này.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền Đô

DNTH: Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Đô năm 2025 và kỷ niệm 1015 năm ngày đức vua Lý Thái Tổ đăng quang (1010–2025), bên cạnh các nghi lễ truyền thống còn có nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Chuỗi chương trình nghệ thuật Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

DNTH: Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của đất nước đón chào Ngày “Non sông thống nhất” các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm...

Quảng Nam: Đặc sắc Lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa năm 2025 - 'Rực rỡ sắc hoa vàng'

DNTH: Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa năm 2025 - “Rực rỡ sắc hoa vàng” diễn ra từ 10 - 13/4 tại làng sinh thái Hương Trà, phường Hòa Hương, tối 11/4, UBND thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức...

Cần bảo vệ, không để thất lạc, mai một di sản văn hóa

DNTH: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về kiểm kê di sản văn hóa, công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa và việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; phân loại di...

Hơn 5 triệu lượt khách đến Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025

DNTH: Tỉnh Phú Thọ đã đón hơn 5 triệu lượt khách trong 10 ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025.

Đại lễ Vesak LHQ 2025 triển khai quy mô với nhiều hoạt động ý nghĩa

DNTH: Tại tu viện Khánh An (Quận 12, TP.HCM), Tiểu ban Lễ hội văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã có buổi họp triển khai các nội dung, thống nhất công tác chuẩn bị.

XEM THÊM TIN