Một số thay đổi trong tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ hôm nay 5/8

07:53 | 05/08/2020

DNTH: Tháng 6/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2020/TT – BCA, Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (5/8/2020) và thay thế Thông tư 01/2016/TT-BCA.

CSGT cấp huyện được tuần tra, xử phạt trên quốc lộ

Theo khoản 2, Điều 6, Thông tư 65, công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:

Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ trọng điểm, đoạn quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng mà đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT;

Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp các tuyến đường chính, tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp;

Phối hợp với phòng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT.

Như vậy, nếu như trước đây, công an cấp huyện chỉ được phối hợp với phòng CSGT tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính… theo kế hoạch của Giám đốc công an cấp tỉnh thì nay các đơn vị này đã được phép tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên một số tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ…

Chỉ còn 4 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm soát

Khoản 1, Điều 16 Thông tư 65 quy định chỉ có 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, gồm:

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác.

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm…

Như vậy, so với Thông tư 01/2016/TT-BCA, CSGT được dừng phương tiện trong 5 trường hợp thì theo quy định của Thông tư mới, CSGT chỉ dừng phương tiện trong 4 trường hơp nêu trên.

CSGT được sử dụng cả xe đạp để tuần tra

Thông tư 65 bổ sung thêm loại phương tiện xe đạp để phù hợp cho CSGT khi tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố, tuyến đường đi bộ thuộc các đô thị. Quy định này được nêu trong Khoản 2, Điều 11 của Thông tư.

Cũng trong Điều 11 có quy định thêm về vũ khí, phương tiện của CSGT: Vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng CSGT, gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.

Chào hỏi người dân khi kiểm soát

Theo thông tư 65, trước khi kiểm soát, CSGT phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: ''Chào ông, bà, anh, chị…'' (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã).

Sau đó, CSGT sẽ nói: ''Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông''.

Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển xe và những người trên xe biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

CSGT công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát

Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng CSGT phải công khai các kế hoạch sau: Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.

Theo đó, có 4 hình thức thông báo công khai của CSGT gồm: Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh, phòng CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc sử dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, có 4 nội dung mà lực lượng CSGT phải thông báo công khai theo quy định tại thông tư này là: Đơn vị; tuyến đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.

Xử lý vi phạm thông qua hình ảnh trên mạng xã hội

Điều 24 của Thông tư 65 có bổ sung một điểm mới trong việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội

Theo đó thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn sau: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ); Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

 

Trung Nam

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mở khoá đất đai cho doanh nghiệp nông nghiệp

DNTH: Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành. Đây được xem là kim chỉ nam thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn có loạt bài phân tích về những chuyển biến...

Chỉ thị số 10/CT-TTg, chính sách bắt đầu vào thực tiễn

DNTH: Ngày 25/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam.

Đến năm 2030, 80% doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến

DNTH: Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP với nhiều mục tiêu mang tính đột phá.

Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo

DNTH: Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh

DNTH: Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 987/QĐ-BCT về việc ban hành kế hoạch cập nhật rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương năm 2024. Thời gian thực hiện từ tháng 4 - 6/2025.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai kế hoạch đột phá khoa học công nghệ

DNTH: Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ nghiên cứu cơ chế khuyến khích các hợp tác xã đầu tư cho chuyển đổi số và KHCN trong sản xuất, kinh doanh.

XEM THÊM TIN