Một thập kỷ của Việt Phương Group ở VietABank

10:25 | 07/10/2020

DNTH: Kể từ khi “vào” VietABank cách đây 10 năm, Việt Phương Group và đại gia Phương Hữu Việt vẫn âm thầm rót vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, hoàn thiện "đế chế" riêng.

Việt Phương Group là "tay chơi" đầy kín tiếng ở VietABank (Ảnh minh họa)

Việt Phương Group là "tay chơi" đầy kín tiếng ở VietABank (Ảnh minh họa)

Tháng 9/2011, ông Phương Hữu Việt bắt đầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Vị doanh nhân quê Bắc Ninh đã được bầu vào HĐQT VietABank từ trước đó vài tháng, sau loạt lùm xùm liên quan đến việc mang cổ phần của chính nhà băng này đi cầm cố vào năm 2010.

10 năm nhìn lại, VietABank có thể chưa phải là một nhà băng tầm cỡ, đua tranh những khoản lợi nhuận nghìn tỷ và có phần kín tiếng. Song, cũng chẳng thể phủ nhận nó đã trở thành bệ đỡ, nâng tầm cho cả “hệ sinh thái” của vị doanh nhân Phương Hữu Việt.

Theo tìm hiểu của VietTimes, tài chính - ngân hàng cho đến nay vẫn là một trong những lĩnh vực được vị đại gia quê Bắc Ninh coi trọng. Điều ấy được thể hiện qua đợt tăng vốn vào đầu năm nay của VietABank, hay kín đáo hơn là những chuyển biến đáng chú ý ở Chứng khoán Đại Nam (DNSE) mà VietTimes từng đề cập.

Một thập kỷ của Việt Phương Group ở VietABank - ảnh 1

Trước khi đến với VietABank, ông Phương Hữu Việt từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể

Đợt tăng vốn chưa trọn vẹn của VietABank

Từ 17/4 – 16/6/2020, VietABank đã thực hiện chào bán 150,49 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng quy mô vốn điều lệ từ 3.499,9 tỷ đồng lên mức 5.005 tỷ đồng. Thương vụ được kỳ vọng sẽ giải tỏa cơn “khát” vốn của nhà băng này sau nhiều lần lỡ hẹn.

Kế hoạch tăng vốn đã được HĐQT VietABank trình cổ đông thông qua ở nhiều kỳ đại hội. Và cứ sau mỗi năm, số vốn được đề nghị tăng thêm càng lớn. Lần tăng vốn gần nhất của VietABank cũng là từ năm 2015, thông qua phương thức chi trả cổ phiếu thưởng và phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, ở đợt phát hành vào đầu năm 2020, VietABank chỉ phân phối được 97,36 triệu cổ phiếu, tương đương 64,7% số cổ phiếu chào bán. Còn lại hơn 53,13 triệu cổ phiếu không phân phối hết. Như vậy, sau đợt chào bán này, VietABank chỉ tăng được vốn lên mức 4.473,6 tỷ đồng, bao gồm 1.915 cổ đông.

Trong đó, 2 cổ đông nhà nước đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 3,72% vốn điều lệ (Văn phòng thành ủy Tp. HCM – cổ đông lớn của VietABank trước đợt tăng vốn - đã không tham gia mua cổ phần).

VietAbank ghi nhận 3 cổ đông lớn sở hữu 27,65% vốn điều lệ và 1.893 cổ đông nắm giữ dưới 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, chiếm 38,57% vốn điều lệ. Như vậy, theo tính toán của VietTimes, VietABank có khoảng 17 cổ đông “gần lớn” (nắm giữ từ 1% đến dưới 5% vốn điều lệ), chiếm tỷ lệ sở hữu 30,06%. Nếu tính thêm trường hợp có 1 cổ đông Nhà nước nắm giữ dưới 1% cổ phần, kết quả cũng không có nhiều khác biệt.

Trong số 3 cổ đông lớn của VietABank, có CTCP Rạng Đông (Rạng Đông Group) – tập đoàn tư nhân lớn nhất tỉnh Bình Thuận.

Hai cổ đông lớn còn lại là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) và ông Phương Hữu Việt với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 12,14% và 5,06%. Không lâu sau đó, ông Việt đã chuyển nhượng 1 phần cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,61%. Động thái nhiều khả năng nhằm đáp ứng những quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu tại một nhà băng đối với cá nhân.

Một thập kỷ của Việt Phương Group ở VietABank - ảnh 2

Ông Phương Hữu Việt (ngồi giữa) trong một lần làm Chủ tọa tại ĐHĐCĐ của VietABank

Bên cạnh VietABank, vị đại gia quê Bắc Ninh còn có một khoản đầu tư khác kín đáo hơn (thông qua Capella Group và Encapital Fintech) vào CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE).

Ngày 7/7 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Giang – cựu CEO của VNDirect, hiện là CEO Encapital Fintech – đã được bầu làm Chủ tịch DNSE. 

Đằng sau pha đổi chủ chóng vánh của Chứng khoán Đại Nam (DNSE)

Không lâu sau đó, HĐQT DNSE đã thông qua việc đổi địa chỉ trụ sở, vạch ra định hướng phát triển mới là “triển khai và cung cấp dịch vụ công nghệ Giao dịch chứng khoán số và AI”. Đồng thời, HĐQT DNSE cũng thống nhất đầu tư 5 triệu USD trong vòng 3 năm cho hệ thống phần mềm mới.

Ngoài DNSE, một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, bà Phương Minh Huệ - CEO Việt Phương Group – vào tháng 10/2018 đã thế chấp 3,75 triệu cổ phiếu Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) tại VietABank – Chi nhánh Hà Nội.

Một thập kỷ của Việt Phương Group ở VietABank - ảnh 3

Theo dữ liệu của VietTimes, trong 4 năm gần nhất, kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) – pháp nhân lõi trong nhóm Việt Phương Group – không mấy nổi bật.

Năm 2019, VPG ghi nhận doanh thu thuần tăng đột biến, đạt mức 473,29 tỷ đồng, cao gấp 115,4 lần so với năm 2018. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn 2,82 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của VPG lần lượt đạt mức 2.545,26 tỷ đồng và 1.654,13 tỷ đồng.

“Đế chế” của ông Phương Hữu Việt

Việt Phương Group chỉ là một phần trong “đế chế” của vị doanh nhân Phương Hữu Việt, bên cạnh loạt “group” khác như: Capella Group, Infinity Group hay LEC Group. Mà các hoạt động chính chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trong ngành công thương.

Như VietTimes từng đề cập, LEC Group là “cỗ máy in tiền” mới của ông Phương Hữu Việt, hoạt động chính trong lĩnh vực logistics, nhập khẩu than, viên nén gỗ.

Một thập kỷ của Việt Phương Group ở VietABank - ảnh 4

Đối với lĩnh vực năng lượng, Việt Phương Group sở hữu một danh mục các dự án thủy điện đáng nể, có thể kể tới như: Thủy điện Nậm Be (Tân Uyên, Lai Châu); Thủy điện Tà Niết (Mộc Châu, Sơn La); Thủy điện Mường Mươn và Thủy điện Huổi Vang (Mường Chà, Điện Biên); Thủy điện Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Đông Giang, Quảng Nam).

Bên cạnh đó, Việt Phương Group còn ghi dấu tại CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (Mã CK: TTE) – chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như: Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia.

Hình bóng của Việt Phương Group còn ẩn sau các cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư HLP (HLP Invest) – chủ đầu tư siêu dự án phong điện Cổ Thạch có tổng mức đầu tư 4,4 tỷ USD từng gây xôn xao dư luận.

Đối với lĩnh vực khai khoáng, Việt Phương Group sở hữu mỏ cát trắng 406,36 ha tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất từ 0,5-1 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, thương vụ mua lại Công ty TNHH Vàng Phước Sơn của nhóm Việt Phương Group có phần nổi bật hơn cả.

Khi doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn, nhóm Việt Phương Group và Việt Á đã gom mua dần cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%. Cơ cấu cổ đông chốt tại ngày 8/11/2019 bao gồm: CTCP Vàng Vaco (trước là CTCP Vàng Việt Á, sở hữu 35% VĐL), bà Nguyễn Đắc Quỳnh Anh (sở hữu 15% VĐL) và bà Lương Thị Linh (sở hữu 50% VĐL).

Bà Nguyễn Đắc Quỳnh Anh có địa chỉ thường trú tại Lương Tài, Bắc Ninh. Còn bà Lương Thị Linh là phu nhân của ông Phương Hữu Lĩnh – anh trai của ông Phương Hữu Việt.

Ông Phương Thành Long, con trai thứ của vợ chồng ông Phương Hữu Lĩnh – bà Lương Thị Linh, từng là Phó Tổng Giám đốc CTCP Sam Holdings (Mã CK: SAM) và mới được miễn nhiệm từ ngày 25/9/2020. Tổng Giám đốc SAM hiện do ông Trần Việt Anh (phu quân của bà Phương Thanh Nhung, cựu CEO VietABank) đảm nhiệm.

Mảng bất động sản trong “đế chế” của ông Phương Hữu Việt từng được phụ trách bởi doanh nhân kỳ cựu Đào Ngọc Thanh. Năm 2017, khi vẫn còn là CEO của Ecopark, ông Thanh đã được bổ nhiệm, đứng tên tại nhiều pháp nhân như: CTCP Sơn Trà, CTCP Đầu tư Infinity Group (Infinity Group), CTCP Habada (Thành viên HĐQT).

Đáng chú ý, ông Thành từng làm Thành viên HĐQT Sam Holdings, Chủ tịch HĐQT của CTCP Địa ốc Sacom (Samland). Tháng 8/2017, ĐHĐCĐ Samland đã thông qua việc chào bán 9,77 triệu cổ phần cho chính Infinity Group với giá 11.500 đồng/cp nhằm nâng vốn điều lệ lên mức 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào nữa cuối năm 2018, ông Đào Ngọc Thanh dần rút khỏi các vị trí nêu trên và sau đó là màn ra mắt tại Vinaconex.

Ngoài ra, giới chủ Việt Phương Group còn có sự quan tâm tới ngành gỗ với các pháp nhân CTCP Xuất nhập khẩu và Chế biến Gỗ Hưng Thịnh và CTCP Đầu tư Capital TLV. Một số cá nhân có liên quan tới ông Phương Hữu Việt cũng sở hữu nhiều triệu cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Lưu ý rằng, LEC Group cũng là đơn vị sẵn sàng cung cấp các sản phẩm dăm gỗ, viên nén gỗ cho các doanh nghiệp trong nước./.

Theo Viettiems

https://viettimes.vn/mot-thap-ky-cua-viet-phuong-group-o-vietabank-494840.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group Đỗ Vinh Quang làm Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines

DNTH: Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Group Đỗ Vinh Quang được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines, chính thức đánh dấu sự tham gia trực tiếp của T&T Group vào bộ máy quản trị điều hành của Hãng hàng không du lịch này.

Sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với thế giới

DNTH: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, khu vực SMEs chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, tạo ra khoảng 60% việc làm và đóng góp gần 45% GDP. Dù có...

T&T Group khởi công xây dựng khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại ĐBSCL

DNTH: Với quy mô cao 20 tầng và được vận hành quản lý bởi Hilton - Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới, công trình Khách sạn – Trung tâm thương mại – Trung tâm hội nghị thuộc Dự án Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch...

Tập đoàn Sơn Hải thắng thầu dự án tại Phú Yên với mức giảm 12,5%

DNTH: Dự án tuyến đường bộ ven biển Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An – TP. Tuy Hòa (giai đoạn 1), vừa chính thức xác định nhà thầu thực hiện.

Hải Phòng - Café khởi nghiệp sáng tạo

DNTH: Vừa qua, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng tổ chức chương trình Café khởi nghiệp sáng tạo. Tham dự có ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, đại diện...

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng: Người kiến tạo công nghệ xử lý rác thải "Made in Vietnam"

"Không xử lý được môi trường, đừng nghĩ đến phát triển bền vững" - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam. Với hơn 22 năm cống hiến, ông đã tiên phong...

XEM THÊM TIN