Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (bên phải) và bà Phạm Thị Kim Oanh - Giám đốc tài chính (Nguồn: HPG)
|
Phần lớn các câu hỏi của cổ đông và nhà đầu tư tập trung vào tình hình sản xuất kinh doanh, tiến độ Khu liên hợp gang thép Dung Quất - dự án có “trọng số” ảnh hưởng lớn tới triển vọng tương lai của Tập đoàn Hòa Phát.
Ưu tiên hàng đầu vẫn là thị phần
Trong buổi gặp gỡ, ông Trần Đình Long đã công bố thông tin sơ bộ, cập nhật kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng năm 2018 của tập đoàn. Theo đó, mặc dù chịu một số ảnh hưởng từ thị trường như giá thép thế giới đi xuống hay cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, về cơ bản, tập đoàn Hòa Phát đã hoàn thành kế hoạch năm.
Cụ thể, sau 11 tháng năm 2018, Hòa Phát ghi nhận doanh thu ước đạt trên 50.000 tỷ đồng (đạt 90,91% kế hoạch năm). Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát đạt khoảng 8.100 tỷ đồng (vượt mức kế hoạch 8.050 tỷ đồng).
Đánh giá các yếu tố sẽ gây ảnh hưởng tới Tập đoàn trong giai đoạn từ 2019 - 2020, ông Long cho biết giá thép vẫn là “trọng số” lớn cần quan tâm vì doanh thu của Hòa Phát vẫn chiếm đa số từ lĩnh vực này.
Đối với các lo ngại của cổ đông về rủi ro cạnh tranh từ thép Trung Quốc (kể từ ngày 22/3/2020, thuế tự vệ đối với một số sản phẩm thép sẽ trở về mức 0%), dựa trên các số liệu cá nhân tiếp cận được, ông Long nhận định sản lượng nhập khẩu thép dài từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay không nhiều. Bên cạnh đó, ông Long chia sẻ thị trường Trung Quốc năm nay tiêu thụ thép rất tốt, thậm chí có lúc còn có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này.
Tỏ ra tự tin về khả năng cạnh tranh, ông Trần Đình Long cho biết sản lượng tiêu thu trong năm 2018 đạt khoảng 3 triệu tấn, bao gồm: 2,3 triệu tấn thép xây dựng, 600 - 700 nghìn tấn thép ống. Chỉ riêng trong tháng 10/2018, Hòa Phát đã bán được 250.000 tấn và tháng 11/2018 đã bán được 220.000 tấn thép.
Bước sang năm 2019, tập đoàn này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán hàng và đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, với chiến lược phát triển ưu tiên chiếm lĩnh thị phần được đặt lên hàng đầu.
“Mục tiêu của Hòa Phát là thị phần, lợi nhuận là hệ quả” - Ông Trần Đình Long Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh.
Theo chia sẻ từ vị Chủ tịch, tập đoàn đặt ra kế hoạch sản lượng năm 2019 khoảng từ 3,5 triệu - 4 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với thực hiện năm 2018. Khoảng 10% trong số đó - 400 nghìn tấn thép, sẽ được phục vụ cho xuất khẩu.
Việc đẩy mạnh bán hàng không những giúp cho Hòa Phát chiếm lĩnh thị phần mà còn giúp tập đoàn này giải bài toán sản lượng. Được biết, khi dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất hoàn thành vào năm 2020, sản lượng thép của tập đoàn sẽ tăng lên tới 5 triệu tấn.
“Trọng số” khu liên hợp gang thép Dung Quất
Là dự án có vai trò quan trọng trong những bước phát triển sắp tới của Hòa Phát, dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất cũng là tiêu điểm nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.
Về tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết việc xây dựng nhà máy hiện tương đối đúng kế hoạch. Dự kiến đến cuối Quý 1, đầu Quý 2/2019 lò cao số 1 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động, nếu có sai lệch cũng chỉ từ 1 - 2 tháng.
Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Trần Đình Long cho biết đã có vài tháng thậm chí ông không gặp các giám đốc một số mảng kinh doanh như điện lạnh, nội thất ... chỉ để tập trung vào dự án này.
Một vấn đề khác cũng được nhà đầu tư quan tâm là tác động của dự án này tới tình hình sức khỏe tài chính của Hòa Phát. Đại diện doanh nghiệp cho biết tập đoàn này đã lên kế hoạch tài chính, huy động nguồn vốn một cách chủ động.
Trong đó, số vốn đầu tư cho dự án (khoảng 40.000 tỷ đồng) bao gồm: 50% được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu, 50% được huy động từ nguồn vốn vay ngân hàng.
Khoản tiền đi vay để tài trợ cho dự án có giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng, chia đều cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - Mã CK: CTG) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB). Mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay này, dù không được tiết lộ chi tiết nhưng được phía đại diện Hòa Phát đánh giá là cạnh tranh so với nhiều khoản vay của các doanh nghiệp khác.
Đáng chú ý, dù có quy mô vay vốn khá lớn, nhưng tính đến ngày 31/11/2018, hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu (theo số liệu được đại diện tập đoàn công bố) chỉ ở mức 0,42 lần. Đây là chỉ tiêu được đại diện Hòa Phát đánh giá ở mức vừa phải, có phần thận trọng.
Bên cạnh đó, đại diện Hòa Phát cho biết sẽ bắt đầu ghi nhận chi phí lãi vay khi dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất hoàn thành xong lò cao giai đoạn I, dự kiến vào 6 tháng cuổi năm 2019. Ngoài ra, chi phí khấu hao của nhà máy sẽ được trích lập trong khoảng thời gian 15 năm./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...