Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê

16:05 | 18/11/2023

DNTH: Bước vào tuổi cập kê, cô gái Ê Đê không chỉ chủ động lựa chọn một nửa của mình mà còn phải đối diện với đặc quyền thách cưới của nhà trai.

Hành trình chinh phục người chồng tương lai

Đồng bào dân tộc Ê Đê là một trong số ít dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Vì thế, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình, thường là chủ hộ trong gia đình. Từ xa xưa, người Ê Đê quan niệm khi sinh con ra, công sinh thành nuôi dưỡng, mang nặng, đẻ đau là công của người mẹ. Con cái sinh ra phải mang họ của người mẹ.

Cũng theo phong tục của người Ê Đê, người vợ chịu trách nhiệm về hôn nhân. Họ yêu ai, sẽ đưa về ra mắt mẹ và gia đình để cưới người mình yêu. Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện rõ chế độ mẫu hệ trong hôn nhân của dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê
Già Y Thăm Kbuôr nói về những nghi lễ trong hôn nhân của người Ê Đê. 

Già Y Thăm Kbuôr (69 tuổi, trú buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, để lấy được người chồng mà mình “ưng cái bụng”, thiếu nữ Ê Đê phải trải qua 4 bước: lễ hỏi chồng (Nao hul), lễ thỏa thuận (Knăm), lễ rước rể (Tuhan) và lễ lại mặt (Siê Knăm).

Theo đó, khi đã tìm được một người con trai ưng ý muốn lấy làm chồng, cô gái Ê Đê sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông mai. Người được chọn làm ông mai là em trai của mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục, ăn nói lưu loát.

Sau khi chọn được ông mai, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Trong lễ này, người con gái không được phép đi cùng ông mai và đại diện nhà gái. Sau khi đại diện của hai bên gia đình gặp mặt, nói chuyện, chàng trai sẽ cầm chiếc vòng đồng nếu nhận lời ngỏ của gia đình nhà gái. Đây cũng chính là lời hôn ước để cô gái Ê Đê tiếp tục cuộc hành trình chinh phục người chồng tương lai của mình.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 2).
Theo phong tục của người Ê Đê, người con gái chịu trách nhiệm về hôn nhân.

Tiếp đó, đại diện nhà gái sẽ dẫn cháu gái của mình đến nhà trai thỏa thuận về tục “gửi dâu” ở nhà trai. Thời gian này, nhà trai sẽ thử thách lòng chung thủy, nết na, chịu thương, chịu khó của người con gái trong khoảng thời gian từ  2 - 3 năm, tùy theo sự thỏa thuận, thống nhất của hai họ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của nhà gái, tại lễ “gửi dâu” phía nhà trai sẽ buộc nhà gái phải đáp ứng đủ những lễ vật theo yêu cầu để tỏ lòng biết ơn đối với công sức nuôi dưỡng, chăm sóc của ba mẹ chàng trai đối với người chồng tương lai của cô gái.

Độc đáo lễ rước rể

Kết thúc thời gian “gửi dâu”, nếu người con trai đổi ý, không muốn lấy người đã “cầu hôn” mình thì phía nhà trai sẽ mời nhà gái đến nói lời từ chối. Ngược lại, nếu nhà trai chấp thuận cô gái thì sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành lễ rước rể. Trong ngày rước rể, nhà trai sẽ chuẩn bị một ché rượu và một con heo để tiễn con trai của mình.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 3).
Kết thúc thời gian “gửi dâu”, nhà gái tiến hành lễ rước rể về nhà. 

Để rước chàng rể mà con gái mình yêu thương, nhà gái phải mang sang tất cả lễ vật mà gia đình nhà trai đã yêu cầu trong lễ “gửi dâu”. Đặc biệt, lễ vật mang sang nhà trai để làm lễ rước rể bắt buộc phải có vòng đồng, một ché rượu cần, gói xôi, con gà trống. Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể phải mặc đồng phục truyền thống để thể hiện sự trang nghiêm trong ngày trọng đại. Khi đã hoàn tất các nghi thức tại nhà trai, đoàn rước rể sẽ về nhà gái.

Trên đường rước rể về, mọi người vừa đi vừa hát, thanh niên trai gái té nước vào người chú rể để chúc phúc cho đôi uyên ương. Không chỉ vậy, trên đường, đoàn rước rể thường bị các tốp thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại. Muốn vượt qua những chướng ngại cản trở đó, chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng. Chiếc vòng đồng được xem như là lời cam kết thủy chung của chàng trai đối với cô gái.

Người Ê Đê quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn, từ đó cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc hơn, làm ăn giàu sang hơn, sinh đẻ được nhiều con cái.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 4).
 Trên đường về, đoàn rước rể thường bị các tốp thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại. 

Khi đoàn rước rể về đến nhà gái, già làng thay mặt hai họ giới thiệu ông cậu (dăm dei), bố, mẹ, các chị em nhà trai, nhà gái và họ hàng hai bên. Lúc này, ông cậu thay mặt nhà gái nói chuyện với gia đình nhà trai, nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa đủ, món nào còn thiếu thì nhà gái sẽ trả đầy đủ.

Sau khi lắng nghe những lời căn dặn của già làng và đại diện hai họ, đôi vợ chồng trẻ sẽ tiến hành trao vòng đồng cho nhau và từ đây chính thức gọi nhau là vợ là chồng, luôn yêu thương nhau không được đổi thay, cùng nhau siêng năng làm rẫy, nuôi dưỡng con cái. Chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ với ý nhắc nhở sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái trong cuộc hôn nhân này sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ của lễ cưới.

Khép lại nghi lễ trao vòng đồng, đôi vợ chồng trẻ cầm mỗi người một cần rượu, uống đổi cần cho nhau với ý nghĩa cuộc đời của hai vợ chồng kéo dài mãi. Họ cùng nhau ăn chung một miếng cơm, một miếng gan heo để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nguyện từ nay về sau dù no hay đói đều luôn có nhau.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 5).
Người Ê Đê quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ ngày càng bền vững, hạnh phúc hơn.

Có mặt tại ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ, gia đình họ hàng, bạn bè trao các món quà cưới cho cô dâu và chú rể. Trong đó, cha mẹ chồng tặng quà cho con trai về nhà vợ một cái mền, một cái xà gạc, chén bát và tặng cho chị gái cô dâu một cái gùi, một bộ váy áo thổ cẩm.

Kết thúc các nghi lễ trong ngày rước rể, ông bà, cha mẹ, họ hàng hai bên cùng nhau uống rượu, ăn cơm, múa hát để chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Lúc này, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà vợ.

Già làng thay mặt cho hai họ và đôi vợ chồng trẻ bày tỏ lòng cảm ơn và báo cho mọi người biết việc cưới xin đã xong xuôi tốt đẹp. Cưới xong, người chồng sẽ phải ở tại nhà vợ, đi làm rẫy, lo kinh tế cho vợ và gia đình. Điều đặc biệt, đêm đầu tiên sau khi cưới, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau thức suốt đêm. “Người Ê Đê quan niệm, nếu đôi vợ chồng trẻ cùng nhau thức đến 4 - 5 giờ hôm sau thì cuộc hôn nhân của họ sẽ kéo dài đến già. Còn nếu đi ngủ trước 12 giờ đêm thì cuộc sống hôn nhân sẽ ngắn hơn so với mong đợi”, bà H’Yam Bkrông (SN 1965, trú buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) nói.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 6).
Sau khi về đến nhà gái, đại diện hai họ thay nhau dặn dò đôi vợ chồng trẻ phải yêu thương, sống với nhau chung thủy.

Theo bà H’Yam Bkrông, ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh, bà con dân tộc Ê Đê tổ chức lễ cưới hiện đại hơn, nhưng nhiều nghi thức trong lễ hỏi chồng vẫn được duy trì để gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em sinh sống nên việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc là việc làm hết sức ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Nghi thức rước rể đã góp phần ca ngợi vẻ đẹp trong hôn nhân truyền thống của người Ê Đê. Qua đó, cũng giúp cho du khách đến với Tp.Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung biết đến nét văn hóa đặc trưng đó là văn hóa mẫu hệ của người Ê Đê.

Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 7).
Những lễ vật trong ngày cưới.
Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 8).
Mọi người chuẩn bị các món ăn truyền thống để hai họ thưởng thức trong ngày cưới.
Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 9).
Những ché rượu cần được cột giữa căn nhà sàn - nơi diễn ra lễ cưới của đôi trẻ. 
Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 10).
Cô dâu, chú rể lắng nghe những lời dặn dò của đại diện hai họ.
Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 11).
Cô dâu, chú rể và nghi thức uống rượu cần. 
Văn hoá - Nét văn hóa độc đáo trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê (Hình 12).
Cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà vợ.

Theo Người đưa tin

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN