Nguy cơ trắng tay, mất tiền tỷ vì mua nhà bằng hợp đồng đặt cọc

09:27 | 17/05/2020

DNTH: Hàng loạt người dân mua đất nền phân lô ở quận 9, TP.HCM đang đứng trước nguy cơ trắng tay, mất tiền tỷ vì đã ký hợp đồng đặt cọc 4 năm nay nhưng chủ đất không giao sản phẩm.

Nguy cơ trắng tay vì mua đất bằng hợp đồng đặt cọc

Hàng chục người dân ở TP.HCM đã làm đơn tố cáo gửi Công an TP.HCM đề nghị điều tra làm rõ các dấu hiệu sai phạm của ông Trịnh Ngọc Khoa (sinh năm 1976, ngụ quận 3, TP.HCM) trong các giao dịch bán đất nền tại khu đất số 18 đường Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9.

Theo đơn đề nghị khởi tố gửi Công an TP.HCM, người mua đất cho biết ông Trịnh Ngọc Khoa sở hữu khu đất rộng khoảng hơn 4.137,6m2 thuộc thửa 600, 742, 759, 787, 789 và 790, tờ bản đồ 36 tọa lạc tại địa chỉ số 18 đường Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9. Trong đó, diện tích đất được công nhận là 3.757,1m2 và đã được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trịnh Ngọc Khoa.

Nguy cơ trắng tay, mất tiền tỷ vì mua nhà bằng hợp đồng đặt cọc - Ảnh 1.

Khách hàng mua đất căng băng rôn, yêu cầu ông Khoa gặp mặt để giải quyết hợp đồng cọc mua bán đất.

Cuối năm 2016, ông Trịnh Ngọc Khoa tự ý phân lô khu đất trên thành dự án bán nền với gần 50 lô đất có diện tích từ 50-90m2 rồi thông qua một số công ty bất động sản bán ra cho khách hàng. Ông Trần Anh Sơn (sinh năm 1983, ngụ quận Thủ Đức) cho biết, thông qua sự giới thiệu của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Thịnh Phát đã ký hợp đồng với ông Khoa mua một nền đất diện tích 50m2 với giá 800 triệu đồng vào tháng 10/2016. Ngay sau khi ký hợp đồng, ông Sơn đã thanh toán 150 triệu đồng.

Theo hợp đồng ký giữa khách hàng với ông Khoa, có sự làm chứng của Công ty Đất Thịnh Phát thì ông Khoa cam kết sau 7 tháng kể từ ngày ký hợp đồng sẽ làm thủ tục sang tên chủ quyền cho khách hàng và chịu toàn bộ chi phí hạ tầng, pháp lý tách sổ cũng như chi phí thuế phát sinh. Tuy nhiên, quá thời hạn nhưng chủ đầu tư vẫn không làm thủ tục sang tên chủ quyền khiến anh Sơn lo lắng. Đến nay, ông Sơn đã đóng 400 triệu đồng nhưng đã nhiều năm trôi qua, nền đất vẫn chưa thấy đâu.

Tương tự, hồi cuối năm 2016, thấy con cháu sống tứ tán khắp nơi nên gia đình bàn bạc cử ông Phạm Văn Đàn (sinh năm 1965, ngụ quận Bình Thạnh) làm đại diện cùng mua 10 lô đất tại dự án này để đại gia đình xây nhà ở sát cạnh nhau. Đến cuối năm 2017, khi ông Khoa không thực hiện được cam kết theo hợp đồng, gia đình ông thanh lý bớt 4 nền, còn giữ lại 6 nền. “Chúng tôi nhiều lần yêu cầu trực tiếp gặp ông Khoa để giải quyết nhưng đều bị ông này né tránh”, ông Đàn bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1970, ngụ quận 9) cũng mua nền đất diện tích 54m2 thuộc một phần thửa 787 của ông Khoa với giá gần 875 triệu đồng, đến nay chị Hoa đã thanh toán được 420 triệu đồng. “Khu đất của ông Khoa tự vẽ dự án có nhiều sổ đỏ khác nhau. Chúng tôi đã yêu cầu ông Khoa sang tên cho khách hàng một số thửa đất hiện có bằng đúng diện tích đã bán cho khách hàng, không cần phải phân lô từng nền, chúng tôi sẽ đứng sổ chung nhưng ông Khoa vẫn không chấp nhận”, chị Hoa nói.

Công an vào cuộc điều tra làm rõ

Trung tá Võ Văn Hữu, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có công văn số 1337/TB-CQCSĐT-PC01 chuyển đơn tố cáo cùng các hồ sơ tài liệu cho Phòng Cảnh sát hình sự để xác minh điều tra theo thẩm quyền. Tổng cộng, 16 khách hàng đứng đơn tố cáo cho biết đã ký hợp đồng đặt cọc mua nền đất và đã giao cho ông Trịnh Ngọc Khoa số tiền lên tới gần 13 tỷ đồng.

Những hộ dân mua đất nền của ông Khoa cũng đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận 9. Sau đó, UBND quận 9 đề nghị những người dân này liên hệ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 9 để được hướng dẫn giải quyết.

Nguy cơ trắng tay, mất tiền tỷ vì mua nhà bằng hợp đồng đặt cọc - Ảnh 2.

Khu đất mà ông Khoa đã bán cho khách hàng gần 4 năm qua nhưng không giao đất.

Trả lời Tiền Phong, bà Lê Thị Thu Hà, người đại diện cho ông Trịnh Ngọc Khoa cho biết, việc không thể tiếp tục hợp đồng là do bất khả kháng nên hợp đồng vô hiệu. Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng, chính sách Nhà nước có sự thay đổi, “siết” việc phân lô bán nền nên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

“Hợp đồng vô hiệu, đúng ra thì tiền của ai trả về người đó nhưng ông Khoa đã hỗ trợ thêm 15% lãi suất, tính trên tổng số tiền mỗi người đã đóng vào. Ông Khoa đã nhờ nhiều nơi lo thủ tục pháp lý để ra sổ và mất rất nhiều tiền nhưng đều không được chứ không phải muốn “lật kèo” như khách hàng tố cáo. Một số khách hàng đã đồng ý nhận tiền, còn lại một số không chấp nhận vẫn đang khiếu kiện. Hiện ông Khoa đang bận công việc ở Mỹ không về Việt Nam được nên chưa gặp trực tiếp khách hàng chứ không phải né tránh”, bà Hà nói.

Người đại diện cho ông Trịnh Ngọc Khoa cũng nói, người dân đã làm đơn tố cáo lên Công an TP.HCM, cũng có người làm đơn đi kiện. Hiện tại, 2/3 số người mua đất đã nhận lại tiền. Về việc khách hàng muốn đứng sổ chung, không cần phải phân lô từng nền, bà Hà nói không thể làm như vậy được. Vì thời gian qua ông Khoa lỗ rất nhiều do trả lãi cho ngân hàng, chưa kể tiền bù lãi suất cho người mua đất. Bây giờ muốn lấy lại tiền, khách hàng cũng phải chờ chứ không thể một lúc lấy lại hết được ngay.

Luật sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Luật QAP cho rằng việc chủ đầu tư đổ lỗi cho chính sách thay đổi để né tránh trách nhiệm bồi thường là không thỏa đáng. Mặt khác, căn cứ vào hồ sơ vụ việc thể hiện chủ đầu tư đã nhờ nhiều nơi “lo thủ tục pháp lý” để phân lô tách thửa nhưng cơ quan chức năng đã trả hồ sơ, không chấp thuận. Như vậy, chủ đầu tư biết rõ khu đất không đủ điều kiện để phân lô tách thửa nhưng vẫn cố tình thu hồi, hủy bỏ hợp đồng đặt cọc cũ ký năm 2016 để ký hợp đồng đặt cọc mới vào cuối năm 2017 nhằm lấy lòng tin của khách hàng để thu thêm tiền. Việc làm này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên rất cần cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm sai phạm theo quy định pháp luật.

 

Theo Tiền phong

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Triệt phá 3 sàn giao dịch ngoại hối trái phép chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng

DNTH: Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá, bóc gỡ toàn bộ ổ nhóm tội phạm dụ dỗ các nạn nhân chiếm đoạt số tiền gần 500 tỷ đồng qua đầu tư ngoại hối, chứng khoán trái phép.

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

DNTH: Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó, có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài...

Lừa đảo trực tuyến về tài chính gia tăng dịp cuối năm

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các đối tượng lừa đảo không ngừng sáng tạo ra những chiêu thức lừa đảo mới khiến việc nhận diện và ngăn chặn ngày càng trở nên khó khăn. Từ những vụ điển hình như vụ lừa đảo...

Lừa đảo trực tuyến về tài chính gia tăng dịp cuối năm

DNTH: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các đối tượng lừa đảo không ngừng sáng tạo ra những chiêu thức lừa đảo mới khiến việc nhận diện và ngăn chặn ngày càng trở nên khó khăn. Từ những vụ điển hình như vụ lừa...

Triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển, thu giữ hơn 42kg ma túy các loại

DNTH: Ngày 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Võ Thu Hiền, Nguyễn Thị Thu Trang và Trần Đức Sinh để điều tra về các hành vi mua...

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan phải chịu bản án cao nhất và nghiêm khắc nhất

DNTH: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo về việc kháng cáo của các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn...

XEM THÊM TIN