Nhận diện những yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tới

21:26 | 27/04/2024

DNTH: Tình trạng xâm nhập mặn, những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị, căng thẳng Biển Đỏ được cho là những yếu tố sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

1
Năm 2023 được đánh giá là năm “đại thành công” của ngành lúa gạo Việt Nam

Ngày 26/4/2024, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo thắng lớn

Theo Bộ Công Thương, năm 2023 được đánh giá là năm “đại thành công” của ngành lúa gạo Việt Nam với sản lượng xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6 % về trị giá so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường chính như Philippines, Indonesia, Malaysia… đều tăng trưởng cao ở mức hai con số. Bình quân quý I năm nay, giá xuất khẩu đạt 654 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, trong quý 1/2024 cũng đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%).

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý 1/2024 tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023. Tương tự, tại thị trường trong nước mặc dù có sự điều chỉnh giảm trong những tháng đầu năm nhưng giá lúa gạo vẫn đang cao hơn 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ tăng về sản lượng, kim ngạch lẫn giá, Việt Nam gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.

Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, … với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.

Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy sự tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức

2
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chủ trì hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.

Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Sự vận dụng những “cải cách” tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này còn rất hạn chế. Từ khi ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP đến nay, xuất khẩu chủng loại gạo này vẫn đang do các thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện.

Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan. Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ các diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông.

Phân tích thêm những yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới. ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay: "Tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm trong tháng 4 và 5 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024".

Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, căng thẳng Biển Đỏ tiếp tục gây ảnh hưởng tới tâm lý giao thương, quá trình giao nhận, giá cả nhiều mặt hàng quan trọng (dầu, nguyên liệu sản xuất, lương thực…), khoảng 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.

Tuy các mặt hàng lúa mỳ và ngô là hai mặt hàng lương thực thuộc phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.

"Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024 có tín hiệu tích cực, nhưng vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và EU do vẫn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Ngành gạo cần tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại”, ông Nguyễn Anh Sơn khuyến nghị.

Thực tế, xuất khẩu gạo năm qua dù đạt kỷ lục trên 8 triệu tấn, nhưng chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.

Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu.

Do đó, cần theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Đồng thời xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà doanh nghiệp Việt đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc. khu vực Bắc Mỹ,…

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thị trường tiềm năng xuất khẩu viên nén gỗ của doanh nghiệp Việt Nam lớn như thế nào?

DNTH: Ông Olaf Naehrig, kỹ sư trưởng Tập đoàn KAHL: Ngành viên nén Việt Nam cần thúc đẩy mở cửa thị trường tại Châu Âu. Bởi vì đây mới là khu vực tiêu thụ nhiều viên nén nhất trên thế giới.

'Sự thật Việt Nam đã thành nước Tự do, Độc lập'

DNTH: Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu...

Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Những điểm nhấn trên thị trường vốn

DNTH: Tháng 8/2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều đánh giá tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1% từ mức 5,5% trước đó. Tăng trưởng trong hai năm 2025 và 2026...

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường

DNTH: "Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất...

Những quy định mới trong kinh doanh bất động sản 

DNTH: Cả 3 bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bất động sản (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024) đã có hiệu lực góp phần quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp thị trường...

Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì trong vụ kiện phòng vệ thương mại?

DNTH: Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) mới từ các quốc gia nhập khẩu, đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó kịp thời. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với...

XEM THÊM TIN