Nhiều giải pháp phòng chống sâu bệnh gây hại cây trồng vụ Xuân

14:57 | 22/03/2025

DNTH: Để chủ động phòng chống sâu bệnh gây hại vụ Xuân, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã có nhiều giải pháp chủ động phòng chống sâu bệnh.

Thời tiết tại Bắc bộ nồm ẩm đan xen các đợt rét khiến sâu bệnh dễ phát sinh, gây hại… Để chủ động phòng chống sâu bệnh gây hại vụ Xuân, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã có nhiều giải pháp chủ động phòng chống sâu bệnh; đồng thời đề nghị, các địa phương tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, khuyến cáo nông dân không dùng hóa chất độc hại ngoài danh mục cho phép; hướng dẫn nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng theo quy định nhằm giảm ô nhiễm môi trường. 

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Quốc Oai, Hà Nội cấy lúa vụ Đông Xuân. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Thời tiết những ngày qua tại Hà Nội, đêm và sáng trời rét, xuất hiện sương mù, mưa nhỏ rải rác... Đây là điều kiện cho một số loại sâu bệnh phát sinh, nhất là bệnh đạo ôn, rầy… gây hại lúa; bệnh sương mai, giả sương mai gây hại rau và nhóm cây dưa; bệnh sương mai, sâu đo, sâu róm gây hại vải, nhãn...

Để đảm bảo cây trồng vụ Xuân phát triển không bị sâu bệnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng; đồng thời, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại, cách bón phân...

Nhờ đó, sâu bệnh hại được phòng trừ kịp thời, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về thông tin dự báo thời tiết, tình hình sâu bệnh để nông dân biết và có biện pháp phòng chống kịp thời.

Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, chi cục thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình cây trồng.

Đối với cây lúa, Trung tâm khuyến cáo bà con tập trung chăm sóc, bón phân cân đối, không bón thừa đạm; thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cụ thể, đối với ốc bươu vàng, người dân cần chủ động phòng trừ ngay sau khi gieo cấy, thu gom ổ trứng, ốc non trên ruộng để hạn chế lây lan. Đối với bệnh đạo ôn lá, cần bón phân cân đối đạm, lân, kali, bón tập trung vào giai đoạn đầu vụ (bón lót và thúc đẻ nhánh), không bón quá muộn, để cây lúa đẻ khỏe, dảnh to, cứng cây, góc lá hẹp, lá không bị lướt khi gặp mưa phùn...

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, mở rộng diện tích rau màu vụ xuân để bảo đảm nguồn cung; hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn (GAP) trên cây rau; trước khi trồng lứa rau mới cần vệ sinh kỹ đồng ruộng kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học (Trichoderma…) để diệt nấm bệnh có hại trong đất; bón phân cân đối, tăng lượng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh thay thế một phần phân vô cơ, bón vôi để cải tạo độ chua cho đất.

"Khi phòng trừ sâu bệnh cho cây rau, nông dân nên sử dụng nhóm thuốc sinh học, thuốc thảo mộc và phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng"; chỉ thu hoạch sản phẩm khi bảo đảm đủ thời gian sau phun thuốc (tối thiểu 10-15 ngày)", bà Lưu Thị Hằng nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-phong-chong-sau-benh-gay-hai-cay-trong-vu-xuan-20250322100736707.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Sau tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ là giải pháp bắt buộc

DNTH: Khi số lượng giảm do tinh gọn, địa bàn quản lý rộng hơn, ứng dụng công nghệ trở thành giải pháp bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y địa phương.

Cánh đồng khoai tây canh tác bền vững cho năng suất tăng 30%

DNTH: Mô hình sản xuất khoai tây bền vững tại Thị xã Quế Võ (Bắc Ninh) theo quy trình canh tác bền vững cho năng suất tăng 30% so với truyền thống.

Trồng hướng hữu cơ, bưởi đặc sản Quế Dương giá 24.000đ mỗi quả

DNTH: Xã Cát Quế (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đang lưu giữ giống bưởi quý mang tên bưởi Quế Dương. Người dân nơi đây có nhiều sáng kiến để bảo vệ cây bưởi danh tiếng.

Bình Thuận: Sạ thưa sẽ tiết kiệm 100 tỷ đồng

DNTH: Bình Thuận phấn đấu đến cuối năm 2026 toàn tỉnh có trên 40.000ha lúa gieo sạ dưới 120kg/ha, từ đó tiết kiệm gần 100 tỷ đồng cho nông dân.

Sơn La: Nhiều mô hình trồng cây ăn quả thu nhập 400 triệu đồng/ha

DNTH: Nhiều hộ nông dân ở Sơn La từ trồng cây ăn quả đã vươn lên thoát nghèo và trở thành triệu phú, tỷ phú.

Hiến kế để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững

DNTH: Linh hoạt điều chỉnh mùa vụ, mở rộng Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giúp ngành thích ứng với thị trường và nâng tầm thương hiệu gạo Việt.

XEM THÊM TIN