Những bậc thang vàng giữa đất trời

09:59 | 13/11/2018

DNTH: DN&TH; Mù Căng Chải chưa đi thì mơ ước một lần nào đó được ghé thăm, về rồi lại khiến ta day dứt, nhớ nhung đến thế. Lại khiến ta thèm… thèm được ngắm những thửa ruộng bậc thang vàng, thèm được cảm giác thong dong đi trên những con đường mờ sương khói, thèm được ngồi bên bờ suối ngân nga đôi câu hò hẹn.. Bạn đã từng đến Mù Căng Chải chưa, chỉ nghe đến cái tên thôi cũng khiến người ta phải tò mò, cái tên gợi cho ta về nơi nào đó cao lắm, xa lắm và cũng không kém phần bí hiểm. Mù Căng Chải, cái tên để nhớ chẳng bao giờ có thể quên.

Nghe những người bạn Yên Bái khen quê bạn đẹp lắm, nếu đã đến rồi bạn sẽ chẳng bao giờ có thể quên. Và có lẽ nỗi nhớ ấy sẽ khắc khoải, thôi thúc những du khách phương xa trở lại nơi đây. Mù Căng Chải, một nơi khiến người ta nghe đến cái tên thôi cũng làm liên tưởng đến một nơi nào đó xa lắm, cao lắm và cũng đầy bí hiểm. Lời giới thiệu đầy hấp dẫn từ thời sinh viên ấy khiến tôi day dứt, bâng khuâng, chưa một lần tới mà sao đã thấy nhớ nơi ấy đến kỳ lạ.

Tôi vẫn nhớ cậu bạn đã từng nói: "Đi từ Hà Nội lên Yên Bái, nếu cậu đi xe khách, khi nào vô tình đưa tay qua cánh cửa thấy bàn tay ướt ướt, một chút lạnh lạnh khẽ giật mình, đó là lúc tớ chào mừng bạn đến với Yên Bái quê tớ’’. Thật sự mà nói, tôi chẳng dám thò tay ra ngoài cửa sổ để cẩm nhận, bởi từ trước đã nghe rất nhiều lời cảnh báo về những tai nạn có thể xảy ra khi ta thò tay hoặc thò đầu ra ngoài khi xe đang chạy. Nhưng tôi vẫn cố hướng ánh mắt về phía cửa kính chờ những hạt mưa nhẹ lất phất bay. Bất giác mỉm cười’’ Đến rồi đấy’’ mảnh đất đã từng  được gọi tên trong từng nỗi nhớ. Người ta nói Yên Bái là đất mưa. Ừ! đúng rồi. Cái cơn mưa dầm dề, lê thê, nhưng lại rất dễ đồng điệu với trái tim của những người dân nơi đây. Cậu bạn cũng đã từng nhắc nhở" Nếu về Mù Căng Chải thì nhớ lên vào dịp tháng 9, tháng 10 nhé, cậu sẽ phải ngất ngây vì hạnh phúc bởi những bậc thang "vàng" quê tớ đấy. Lời giới thiệu quá đỗi hấp dẫn ấy càng làm tôi thêm phần háo hức, muốn được nhanh chân chạm tới mảnh đất ấy.  Muốn được một lần đặt chân lên những bậc thang "vàng" miên man chạy trong chiều gió. Đã từng nghe, đã từng thấy những bức ảnh ruộng bậc thang Mù Căng Chải mùa lúa chín, phải nói là tuyệt đẹp nếu được tận mắt chứng kiến, tận mắt sờ vào nó, cảm nhận nó thì sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

  Men theo những con đường gập ghềnh, khúc khủy, sau một chặng đường khá dài, chúng tôi dừng chân chạm tới địa danh Tú Lệ, có gạo Tú Lệ nổi tiếng. Ngồi "hóng" chuyện, chúng tôi mới tìm hiểu thêm về tục ngữ "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò". Người già ở đây vẫn thường kể cho con cháu mình nghe giai thoại về giống gạo nếp Tan Lả Tú Lệ. Giống lúa ấy gieo ở khắp núi rừng Tây Bắc đều không có kết quả như ý, nơi thì hạt giống không nảy mầm, nơi thì bông lúa còi cọc, nép bông. Chỉ khi đến con đèo Khau Phạ, dừng chân  xuống con suối Mường Lùng, lúa gieo mới xanh tốt và có mùi thơm tinh khiết đến vậy. Con gái Tú Lệ cũng là cả một sự bí ẩn mà những du khách khi dừng chân ở đây đều muốn tìm hiểu, những cô gái ấy đẹp đến lạ lùng với nụ cười e ấp, nước da trắng ngần. Lòng thầm nghĩ, đất Tú Lệ cũng khiến người ta phải trăn trở rất nhiều, bé xíu vậy mà cũng lắm "đặc sản". Vòng xe của chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh trên con đường mòn hun hút, bỏ xa những ngôi nhà Thái với những đặc sản chẳng thế nào quên, chúng tôi tiếp tục đường mang lại cho tôi cảm giác hiếu kỳ. Trên con đường đèo hun hút gió ấy, bất giác cũng tôi gặp một đôi vợ chồng trẻ dắt tay nhau trên đường, cô vợ trẻ khẽ cúi đầu tựa vào vai chàng trai, ánh mắt họ trao nhau nhìn hạnh phúc lắm, bên cạnh những vách đá là những ngôi nhà người Mông, những ngôi nhà ở đây chẳng mọc sát vách với nhau đâu, cứ cách một quãng lại thấy một ngôi nhà bé nhỏ, nằm trơ trọi giữa đoạn đường dài… tất cả cứ chầm chậm trôi đi theo những vòng quay của bánh xe. Có một cảm giác kỳ lại chẳng thế gọi thành tên.

  ‘’Đến đèo Khau Phạ rồi đấy’’ lời nhắc của bác lái xe khiến mọi người rất đỗi hồ hởi. À! Thì ra là nó, con đèo Khau Phạ tôi đã được nghe giới thiệu qua, đây là con đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất rừng Tây Bắc cùng với đèo Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng.  Đèo Khau Phạ đem lại cho tôi cảm giác kỳ bí với những khúc cua ôm và những đoạn thả đèo, đem cho ta một cảm giác mạnh, một chút lo sợ, một chút vui. Dù con đường nơi đây đã được trải nhựa, nhưng hai bên đường đôi chỗ còn có nhiều chỗ do sạt lở nên cũng thấy khá nguy hiểm. Bên trái là những vách núi cao với bạt ngàn cây rừng già, có đôi chỗ lại là những đồi ngô đang lên xanh mướt một màu của người Mông. Đang đi, anh bạn ngồi cùng khẽ mở cửa kính, bống thấy mát mát, một làn mây mỏng xuyên nhẹ qua người.Thích thú lắm đối với một con nhóc ham chơi như tôi, có cảm giác cứ như mình đang đi xuyên qua những tầng mây vậy. Rồi bỗng nhiên ồ ạt mây tràn xuống, mờ mờ, ảo ảo, mây lập lờ giống như hình ảnh sắp xuất hiện một điều gì đó lạ lắm. Bất giác mỉm cười, biết đâu trong đám mờ sương ấy bước ra một cô tiên, cảm giác khá thú vị. Lần đầu tiên, được đi trên con đường mù sương ở đèo Khau Phạ đặc quánh, che khuất tầm nhìn. Chúng tôi phải giảm tốc độ, mò mẫm lần tìm đường trong màn sương mù với cây đèn pin nhỏ. Có cảm giác gì đó bí hiểm giống như mình đang chơi một trò chơi trốn tìm trên cõi tiên vậy. Cái tên đèo Khau Phạ cũng khiến tôi khá tò mò, hỏi người dân ở đây mới biết do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo nhô lên trên đỉnh mây giống như một chiếc sừng nên mới có tên Khau Phạ. Khẽ nhíu mày, cái tên nghe đầy bí ẩn. Khau Phạ theo tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời, hay còn có thể gọi nó là Cổng Trời. Bỗng thấy mình mơ hồ nhiều lắm.

  Vượt qua đoạn đèo hun hút gió và mịt mờ sương phủ, càng đi, càng lên cao thì bức tranh Mù Căng Chải với những thảm lúa vàng càng hiện ra trước mắt tôi càng lộng lẫy, kiêu sa.

Đúng như lời ca ngợi của đám bạn, vừa đặt chân đến Mù Căng Chải, tôi đã phải ngây ngất trước vẻ đẹp của những “cung đàn’’ bậc thang nơi đây. Những cung đàn miên man trải dài cả khiến tôi vô cùng thích thú, ríu rít cứ như một đứa trẻ. Mù Căng Chải mùa này đẹp thật, tôi không thể tưởng tượng được rằng, ở một nơi tưởng chừng như sắp bị lãng quên này lại có những cung đàn bậc thang đẹp đến vậy. Phải chăng, những bậc thang trời ấy là  do thiên nhiên ưu ái hay do con người nơi đây cần mẫn chăm chỉ, bám đất bám đồi để sống nên tạo. Có thể khẳng định rằng, chẳng ai khi đặt chân đến đây mà không một lần suýt xoa trước vẻ đẹp kì vĩ của nơi đây, nhưng mấy ai biết được, sự vất vả, khó khăn của bà con dân tộc Mông nơi đây những người tạo nên vẻ đẹp kỳ bí ấy. Hành trình để có một mùa vàng trên mảnh đất đồi núi này cũng không hề đơn giản như tôi nghĩ. Đó là cả một quá trình miệt mài, cần mẫn không ngừng nghỉ của những người dân  nơi đây. Ở vùng cao, đất canh tác để làm lúa nước thật sự rất hiếm, hay nói cách khác là không có vì chủ yếu ở đây đất đồi núi là phần đông, nên bà con nơi đây đã khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi để tạo thành những vạt đất bằng trồng lúa. Cứ cần mẫn cày xới, vun đắp hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, lâu dần tạo thành những phím đàn vàng như bây giờ.

Tôi không biết mình đã đứng bao lâu trong buổi nắng quái chiều hôm ấy để ngắm màu vàng vóng của lúa đang chín dưới nắng chiều nhuộm vàng rực lên thêm. Để rồi, khi mà mặt trời từ từ giấu mình sau ngọn núi xa xa. Những tia nắng yếu ớt khẽ giấu mình, còn bên tôi, những vạt lúa đang thay đổi màu sắc, vẳng bên tai tiếng mõ trâu khi gần lúc xa lốc cốc lốc cốc theo nhau về bản. Con người cùng thiên nhiên nơi đây đã khắc lên một bức tranh vô cùng sinh động mà quý giá biết bao. Nó hiện hữu trong cuộc sống của những con người nơi đây. Mặt khác, có những mùa, những khoảnh khắc làm cho bức tranh nơi đây khiến ta phải ngỡ ngàng, thảng thốt kêu lên “ồ! Đẹp quá”. Lòng cũng thầm thán phục sự chịu thương chịu khó, bàn tay khéo léo của những người dân nơi đây, khéo léo khắc lên “họa bức tranh” sinh động đầy màu sắc !

Vũ Hiếu – Nguyễn Thị Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

Nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội sắp ra mắt

DNTH: Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3/2025, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,61 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 709.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 1,91 triệu...

Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên) xứng tầm giá trị lịch sử

DNTH: Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất hiện từ rất sớm, phản ánh quá trình dựng nước, giữ nước trong lịch sử, là...

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

DNTH: Hà Nội - nơi mỗi món ăn là một mảnh ghép ký ức. Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" ra đời từ cái duyên gặp gỡ của nhóm thi họa và những người trót yêu Hà Nội cùng chung một khát vọng: lưu giữ và lan tỏa những...

XEM THÊM TIN