Nội lực, ngoại lực trong trạng thái bình thường mới

17:54 | 11/06/2020

DNTH: Các hiệp định EVFTA, EVIPA được Quốc hội thông qua với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối, trong bối cảnh Việt Nam bước vào trạng thái bình thường mới sau đại dịch, với những cơ hội mới đi cùng các thách thức chưa có tiền lệ.

Nội lực, ngoại lực trong trạng thái bình thường mới

Minh họa - TL 

Ba ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua hai hiệp định quan trọng nói trên, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Được ban hành trên cơ sở thảo luận Đề án do Ban cán sự đảng Chính phủ trình, Nghị quyết 77 nhận định dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết.

Bộ Chính trị yêu cầu xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Cùng với các nhiệm vụ cấp bách, Nghị quyết đề cập các giải pháp dài hạn với yêu cầu nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới, tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu…

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc triển khai  Kết luận, trong đó nêu rõ, Quốc hội và Chính phủ kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, tận dụng thời cơ, không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Làm rõ hơn quan điểm phát triển trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận số 77, là phát triển kinh tế-xã hội trong nước là chính, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới.

Cũng theo thông tin mới nhất tại phiên họp ngày 9/6 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế và cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaaoke. Với các nội dung chỉ đạo này, có thể nói nền kinh tế - xã hội sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới sau đại dịch. Việc mở cửa lại các dịch vụ vũ trường, karaoke không có tác động trực tiếp quá lớn tới nền kinh tế, nhưng từ một khía cạnh nào đó, nó cũng có ý nghĩa tương tự như trận đấu bóng đá thu hút hàng chục nghìn khán giả trên sân Thiên Trường, tỉnh Nam Định hồi cuối tháng 5 vừa qua. Nó cho thấy, nhịp sống kinh tế - xã hội của Việt Nam đã thêm một bước nữa trở lại vận hành như thường nhật, chỉ khác với trước đại dịch, là trong trạng thái bình thường mới.

Trước đó, ngay sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 đã ngay lập tức có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại, như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 37,9 tỷ USD, dù vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã bật tăng 5% so với tháng 4. Ở trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng đến 26,9% so với tháng trước. Theo Bộ Công Thương, mặc dù chưa thể đạt được con số như cùng kỳ năm trước, song mức tăng này là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sức mua đã được cải thiện đáng kể sau thời gian ảm đạm do giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã thông qua các hiệp định EVFTA và EVIPA với số phiếu đồng thuận rất cao. Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó, cùng với CPTPP, EVFTA nằm trong số các hiệp định đáng chú ý nhất. Như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký kết EVFTA và EVIPA vào tháng 6 năm ngoái tại Hà Nội, với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích, EVFTA và EVIPA như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam, sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược, trong bối cảnh mới của thế giới. Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng Trái Đất để làm đối tác.

Thông qua hai hiệp định, các đại biểu Quốc hội cho rằng sau đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta đứng trước nhiều khó khăn, song cơ hội cũng lớn khi dòng vốn đầu tư có sự dịch chuyển, tránh tập trung vào một nước hoặc khu vực nào đó. Các quốc gia Đông Nam Á được nhìn nhận là khu vực được đón dòng vốn này và Việt Nam có lợi thế hơn khi đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mới nhất là EVFTA và EVIPA thông qua.

Cùng với những lợi ích có thể “đong đếm” được như kim ngạch xuất khẩu, số vốn FDI hay tăng trưởng GDP…, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phê chuẩn và thi hành EVFTA và EVIPA còn thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Gần một năm kể từ ngày EVFTA và EVIPA được ký kết tại Hà Nội, bối cảnh thế giới đã có những biến động mạnh mẽ do tác động của đại dịch và dự báo sẽ còn tiếp tục có những thay đổi lớn trong thời gian tới. Cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam với tư cách một trong những quốc gia kiềm chế được dịch bệnh sớm nhất, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội sớm nhất, với uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên. Nhưng bên cạnh đó là những thách thức chưa có tiền lệ trong một thế giới đang đổi thay mạnh mẽ, trong khi nhu cầu phát triển cũng đang đặt ra những đòi hỏi mới về tư duy và hành động.

Quả thật, đại dịch đã đặt Việt Nam vào một bối cảnh hết sức đặc biệt, nếu không nói là đặc biệt nhất kể từ khi Đổi Mới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “khó một, chứ khó mười vẫn phải cố gắng vượt qua”, "khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba". 

Cuối năm 2019, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Tại đây, cùng với 3 bài học lớn rút ra từ những năm trước, Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã “bổ sung thêm bài học mới, tạm gọi là bài học thứ 4”. Đó là, phải đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Hai hiệp định Việt Nam – EU vừa được thông qua, cũng như những nỗ lực đối ngoại khác của Việt Nam trong suốt thời gian qua, sẽ mang lại những cơ hội lớn, nhưng rõ ràng, để có được cơ hội đó và để tận dụng được những cơ hội đó, trước hết phụ thuộc vào những nỗ lực nội tại. Tận dụng tốt những cơ hội bên ngoài để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế, vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, từ đó đĩnh đạc, chủ động hội nhập và tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đó là yêu cầu đang được đặt ra.

Hà Chính (VGP)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN