Ô tô giảm giá mạnh để kích cầu

09:15 | 13/06/2021

DNTH: Trong tháng 5 vừa qua, nhiều dòng ô tô phải giảm giá bán từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để kích cầu tiêu dùng. Dù vậy, lượng xe bán ra vẫn không tăng mà còn giảm. Nếu xu hướng này tiếp tục, người dùng có thể mua được xe giá rẻ hơn nhưng mục tiêu phát triển ngành ô tô nội địa có thể gặp không ít trở ngại.

Ô tô giảm giá mạnh để kích cầu

Giảm cả trăm triệu đồng mỗi xe 

Giảm nhiều nhất là mẫu xe Forester của hãng xe Nhật Subaru. Phiên bản tiêu chuẩn Forester i-L giảm giá đến 159 triệu đồng, kéo giá niêm yết xuống còn 969 triệu đồng. Các phiên bản cao cấp hơn là Forester i-S EyeSight và Forester i-S cũng giảm giá khoảng 80-100 triệu đồng, xuống còn khoảng 1,2 tỷ đồng/chiếc. Ngoài giảm giá, Subaru Việt Nam còn tặng khách hàng các gói phụ kiện có giá trị hàng chục triệu đồng.

Nếu như Subaru là dòng xe khó bán ở Việt Nam, thì Ford có nhiều mẫu luôn đứng trong top bán chạy. Nhưng Ford cũng đành chấp nhận giảm cả trăm triệu đồng để giữ chân khách hàng. Mức giảm cao nhất cho dòng Everest phiên bản Titanium hai cầu là 95 triệu đồng và hai phiên bản còn lại là 45 triệu đồng và 65 triệu đồng. Trong cùng phân khúc bán tải, Everest đang có mức giảm sâu nhất, trong khi Fortuner chỉ giảm 15-25 triệu đồng và Pajero Sport giảm khoảng 40-60 triệu đồng.

Giảm giá mạnh không kém các mẫu trên là Santa Fe của hãng Hyundai, Hàn Quốc. Cụ thể, phiên bản xăng tiêu chuẩn giảm 40 triệu đồng (giá bán còn 955 triệu đồng), phiên bản xăng cao cấp giảm 115 triệu đồng (giá bán còn hơn 1 tỷ đồng) và phiên bản dầu cao cấp giảm 100 triệu đồng (giá bán còn gần 1,2 tỷ đồng).

Không giảm trực tiếp từ giá bán đến cả trăm triệu đồng, nhưng cộng luôn ưu đãi thì mẫu Mazda CX-8 vẫn không thua kém các mẫu trên. Mẫu xe Nhật này giảm 70 triệu đồng trên giá bán và tặng kèm gói nâng cấp 50 triệu đồng dành cho bản Deluxe. Các phiên bản còn lại cũng nhận được ưu đãi lớn, trị giá trên 50 triệu đồng.

Ngoài Mazda CX-8, nhà phân phối TC Motor cũng giảm giá cho hầu hết mẫu khác mang thương hiệu Hyundai. Chẳng hạn, mẫu Hyundai Kona giảm 40 triệu đồng, các mẫu Elantra, Tucson cũng giảm nhẹ. Còn mẫu sedan Mazda 3 giảm 30-60 triệu đồng tùy phiên bản. 

Đợt giảm giá này tác động mạnh nhất đến các dòng xe địa hình, gầm cao (bán tải, SUV, CUV), nhưng không vì vậy mà các dòng xe cỡ nhỏ phổ thông vốn được tiêu thụ nhiều nhất có thể giữ được giá cũ. Các mẫu xe nhỏ như Toyota Vios, Honda HR-V cũng buộc tăng quyền lợi cho khách hàng để tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Cụ thể, các đại lý của Toyota thông báo giảm giá 20-30 triệu đồng cho mẫu sedan hạng B Vios, trong đó Vios bản E giảm 20 triệu đồng, bản G giảm 30 triệu đồng. Xu hướng này đã bắt đầu từ tháng 4/2021, kéo dài qua tháng 5 và có thể vẫn giảm tiếp trong tháng 6 này. Tương tự, mẫu xe cỡ nhỏ HR-V của Honda giảm đến 110 triệu đồng, gồm 70 triệu đồng tiền mặt và phụ kiện 40 triệu đồng. Giá bán sau khi giảm giá còn 715 triệu đồng cho bản G và 767 triệu đồng cho bản L. 

Cần thêm ưu đãi?

Trừ một số ít mẫu xe cần “dọn hàng tồn” để đón mẫu mới (như Santa Fe hay Ford Ranger), hầu hết mẫu xe khác giảm giá là do nhu cầu mua xe giảm do đại dịch Covid-19. 

Các hãng xe cho biết, doanh số tháng 5/2021 có thể giảm 20-50% so với kế hoạch. Chẳng hạn, hãng Volkswagen Việt Nam có doanh số bán xe tháng 5 giảm đến 50% so với kế hoạch. Còn Mitsubishi Việt Nam cho biết sức mua tháng 4 giảm 20% so với tháng trước và dự kiến mức giảm của tháng 5 còn nhiều hơn. TC Motor cũng bị giảm khoảng 20% doanh số trong tháng 5. Các hãng xe đều không lạc quan về doanh số từ nay cho đến cuối năm. 

Theo một số doanh nghiệp ô tô, họ đang đối mặt với khó khăn kép khi đại dịch kéo dài, khiến chi phí vận chuyển tăng và linh kiện thiếu hụt, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và chỉ mua xe khi có ưu đãi lớn. Vì vậy, các hãng xe rất cần hỗ trợ từ Chính phủ để kích cầu thị trường cũng như hỗ trợ cho mục tiêu phát triển ngành ô tô nội địa. 

Tuy nhiên, chính sách giảm 50% phí trước bạ cho các dòng xe sản xuất và lắp ráp trong nước đã không được Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng cho năm 2021. Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2020, Chính phủ đã có nhiều chính sách như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Một số khoản vẫn còn được áp dụng trong năm 2021 nên không giảm phí trước bạ nữa. Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn biết phải tự giảm giá xe để kích cầu. Và giá xe có thể tiếp tục giảm trong những tháng còn lại của năm 2021, khi đại dịch còn diễn biến phức tạp. 

Ngoài lý do vẫn còn nhiều ưu đãi khác, quan điểm không cần giảm phí trước bạ có thể đến từ lý do khác. Đó là trong khi nhiều hãng xe phải giảm giá, nhưng cá biệt có vài dòng xe vẫn bán được mà không cần giảm giá, như Mercedes và Jeep. 

Mercedes lắp ráp tại Việt Nam đến 90% và chỉ nhập một số mẫu xe sang có giá đắt. Ông Diệp Kim Tuấn của đại lý Haxaco cho biết, các dòng xe Mercedes từ đầu năm 2021 đến nay không hề giảm giá, lại không đủ xe để giao cho khách. Còn với dòng xe Jeep nhập từ Mỹ, ông Phương Anh Phát  - Giám đốc Showroom Jeep Việt Nam Automobiles chia sẻ, dù không giảm giá nhưng cũng không đủ xe bán. “Hãng Jeep đang thiếu khoảng 500.000 xe để giao cho khách toàn cầu. Xe chúng tôi đặt vẫn không được giao đủ số lượng. Trong khi khách Việt Nam luôn muốn chọn mẫu đắt tiền nhất, họ cũng không cần giảm giá”, ông Phát kể. Jeep là dòng xe địa hình, ba phiên bản đang bán ở Việt Nam có giá khoảng 3,2-3,5 tỷ đồng/xe. 

Dù vậy, ông Phát vẫn cho rằng nên giảm tiếp phí trước bạ cho các dòng xe sản xuất và lắp ráp trong nước, bởi phí này không ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua xe sang, như Jeep hay Mercedes. Nhưng hiện nay, các dòng xe phổ thông có giá dưới 1 tỷ đồng đều là xe sản xuất trong nước. Đây cũng là các dòng xe được mua nhiều nhất, trong đó có cả thương hiệu xe Việt Nam. Để hỗ trợ ngành ô tô nội địa phát triển, cũng như hỗ trợ thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo ông Phát, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ phân khúc này để thị trường tăng trưởng tiếp. 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ngày 09/12: Giá cà phê trong nước vẫn tiếp tục tăng

DNTH: Cập nhật giá cà phê hôm nay (ngày 09/12/2024), giá cà phê trực tuyến, cà phê Tây Nguyên, cà phê Lâm Đồng, cà phê Gia Lai, cà phê nhân, cà phê Arabica.

Ngày 09/12: Giá vàng đi ngang chờ tín hiệu từ giá USD

DNTH: Giá vàng hôm nay (ngày 09/12/2024): Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục mô hình củng cố trong tuần này, trong khi thị trường đang chờ đợi các chất xúc tác tiếp theo.

Hộp quà Tết hơn trăm nghìn đồng hút khách

DNTH: Các doanh nghiệp cho biết hộp quà Tết giá 150.000-500.000 đồng đang được ưa chuộng nhất năm nay, phản ánh xu hướng tiết kiệm khi sức mua èo uột.

Giá lúa gạo ngày 06/12: Giá lúa tươi tiếp đà tăng mạnh

DNTH: Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay (ngày 06/12/2024) tại khu vực trong nước điều chỉnh tăng mạnh 300 - 400 đồng/kg với một số loại lúa. Thị trường giao dịch chậm, kho mua ít đè giá, lúa tươi tiếp tục tăng mạnh.

Ngày 06/12: Giá heo hơi ở Miền Bắc chạm ngưỡng 64.000 đồng/kg

DNTH: ghi nhận giá heo hơi của nhiều địa phương tại khu vực miền Bắc và miền Trung hôm nay tiếp đà tăng nhẹ. Hiện giá đang dao động trong khoảng từ 60.000 - 64.000 đồng/kg.

Ngày 06/12: Giá tiêu đột ngột tăng phi mã

DNTH: Cập nhật giá tiêu hôm nay (ngày 06/12/2024), giá tiêu Đắk Lắk, Gia Lai, giá tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, tiêu thế giới.

XEM THÊM TIN