Ông Trump yêu cầu quyền bổ nhiệm nội các không qua phê chuẩn của Thượng viện

14:24 | 11/11/2024

DNTH: Động thái bổ nhiệm nội các không qua phê chuẩn của Thượng viện nhằm hạn chế quyền lực còn lại của đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới của ông Trump

Chú thích ảnh
Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa có động thái mạnh khi yêu cầu các nghị sĩ Cộng hòa cho phép ông bổ nhiệm các quan chức chủ chốt mà không cần thông qua bỏ phiếu tại Thượng viện. Động thái này nhằm hạn chế quyền lực còn lại của đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới của ông.

Sau cuộc bầu cử ngày 5/11, Đảng Cộng hòa vừa giành lại quyền kiểm soát Thượng viện từ tay đảng Dân chủ, dù chỉ với đa số mong manh. Hiện các thượng nghị sĩ Cộng hòa đang trong quá trình chọn lựa người lãnh đạo mới, người sẽ nắm giữ quyền lực đáng kể từ tháng 1 tới.

Theo Hiến pháp Mỹ, mọi đề cử cho các vị trí cấp cao trong nội các và các thẩm phán tư pháp đều phải được Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn. Tuy nhiên, có một điều khoản cho phép tổng thống có thể bổ nhiệm trực tiếp nếu Thượng viện đang trong kỳ nghỉ dài. Bổ nhiệm trong thời gian nghỉ là một điều khoản cho phép tổng thống bổ nhiệm một vị trí trong nội các trong tối đa hai năm mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện khi viện này không họp.

Ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên và Tổng thống Joe Biden hiện nay, đều không thể sử dụng các cuộc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ vì Thượng viện thường xuyên sử dụng các phiên họp theo hình thức, đây là các phiên họp ngắn thường được tổ chức trong thời gian nghỉ để đảm bảo Quốc hội về mặt kỹ thuật đang họp.

Ngày 10/11, trên mạng xã hội, Ông Trump tuyên bố bất kỳ thượng nghị sĩ Cộng hòa nào muốn giữ vị trí lãnh đạo tại Thượng viện phải đồng ý với việc bổ nhiệm trong kỳ nghỉ. Ông nhắc lại kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước khi "quá trình bỏ phiếu có thể kéo dài tới hai năm hoặc hơn".

Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump, 3 ứng viên cho vị trí lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện đều bày tỏ ủng hộ đề xuất này ở các mức độ khác nhau. Rick Scott, thượng nghị sỹ bang Florida tuyên bố hoàn toàn ủng hộ ông Trump và cam kết đẩy nhanh quá trình phê chuẩn. John Thune , thượng nghị sỹ bang Nam Dakota ủng hộ mọi phương án để đưa người được đề cử vào vị trí nhanh nhất có thể. Trong khi đó, thượng nghị sỹ bang Texas, John Cornyn tuyên bố sẽ họp liên tục, kể cả cuối tuần nếu đảng Dân chủ cố tình cản trở các đề cử nhân sự của ông Trump.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump cũng yêu cầu dừng mọi đề cử tư pháp đang chờ xử lý, cho rằng "không thể chấp nhận" việc đảng Dân chủ cố gắng đưa thẩm phán của họ vào trong lúc đảng Cộng hòa đang tìm kiếm vị trí lãnh đạo.

Dưới thời Tổng thống Biden, đảng Dân chủ đã kiểm soát Thượng viện và thúc đẩy bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang, nhằm cân bằng với làn sóng thẩm phán bảo thủ mà Trump đã bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng với 312 phiếu đại cử tri, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris nhận được 226 phiếu đại cử tri. Dự kiến, đại cử tri đoàn của các bang sẽ nhóm họp ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Kết quả bỏ phiếu đại cử tri sẽ được công bố vào ngày 6/1/2025 và ông Trump tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1/2025.

Hiện nước Mỹ đã bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới. Tổng thống đắc cử Trump đã thiết lập một nhóm tiếp quản quyền lực để bắt đầu tiến trình chuyển giao kéo dài 75 ngày. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của ông Trump trước ngày nhậm chức là bổ nhiệm mới khoảng 4.000 vị trí nhân viên chính phủ trong chính quyền mới, trong đó có những vị trí quan trọng như Ngoại trưởng, các thành viên nội các…

Khoảng 1.200 vị trí đề cử của tổng thống sẽ cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/ong-trump-yeu-cau-quyen-bo-nhiem-noi-cac-khong-qua-phe-chuan-cua-thuong-vien-20241111090734429.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

François Bayrou: Từ chính trị gia trung dung đến Thủ tướng Pháp

DNTH: Ông François Bayrou, một chính trị gia kỳ cựu, được giao nhiệm vụ dẫn dắt Pháp vượt qua tình trạng bế tắc chính trị và ngân sách. Đây là thử thách không nhỏ trong bối cảnh Quốc hội Pháp hiện chia rẽ sâu sắc giữa ba khối...

Giải mã cái bắt tay của ông Trump với Tổng thống Pháp khi trở lại sân khấu quốc tế

DNTH: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một loạt những cái bắt tay đầy căng thẳng vào ngày 7/12, gợi nhớ đến cuộc “so kè” nắm tay nổi tiếng khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau hơn bảy năm trước.

Người đàn ông Pháp với khu vườn ngập tràn rau củ Việt Nam

DNTH: Ông Andre Souppaya có hành trình gần 10 năm cải tạo khu vườn nhỏ 120 m2 ở ngoại ô Paris, Pháp trồng thành công nhiều loại rau củ quê nhà Việt Nam.

Phiên điều trần lịch sử: Các quốc gia đảo nhỏ đòi công lý trước biến đổi khí hậu

DNTH: Phiên điều trần kéo dài hai tuần này nhằm xác định các nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong việc chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương trước tác động tàn phá của hiện tượng này.

Hé lộ chi tiết về hầm trú ẩn hạt nhân Kub-M của Nga

DNTH: Nga vừa công bố sản xuất hầm trú ẩn di động Kub-M, được thiết kế để bảo vệ cư dân trong các tình huống khẩn cấp như vụ nổ hạt nhân. Với thiết kế mô-đun linh hoạt, mỗi tổ hợp bao gồm container chứa người và các tiện...

Kinh tế Nga cạn kiệt nguồn lực và áp lực từ các lệnh trừng phạt

DNTH: Nền kinh tế Nga đang đối mặt với thách thức chưa từng có khi cạn kiệt nguồn lực, thiếu hụt nhân sự và chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt phương Tây. Với lãi suất đạt mức kỷ lục và đồng rúp suy yếu, liệu Nga có thể...

XEM THÊM TIN