Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
19:14 | 11/05/2020
DNTH: Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu xin trân trọng giới thiệu Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 11/5/2020.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Theo chương trình vừa được Trung ương thông qua, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.
Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các đồng chí Uỷ viên Trung ương cùng các đại biểu tham dự Hội nghị lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất nêu vấn đề để các đồng chí quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.
1. Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII
Như các đồng chí đã biết, ngay sau khi thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8, việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội đã được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, kỹ lưỡng. Trung ương đã cho ý kiến về các dự thảo văn kiện ở 2 Hội nghị Trung ương 10 và 11, và hiện nay các dự thảo văn kiện Đại hội đã được gửi đến các cấp uỷ, tổ chức đảng trong cả nước để lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ các cấp. Từ nay cho đến Đại hội Đảng toàn quốc, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp. Mới đây, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020, được phép của Bộ Chính trị, tôi đã phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, định hướng về vấn đề này.
Tại Hội nghị hôm nay, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.
Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta. Chúng ta đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, thời cơ và thách thức đối với nước ta đều rất lớn. Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XII gần đây của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hầu hết các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các đồng chí Uỷ viên Trung ương đều cơ bản nhất trí với dự thảo; cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khóa trước. Tiểu ban Nhân sự đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị lần thứ hai trước khi trình Hội nghị Trung ương hôm nay.
Trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Tôi đề nghị mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm? Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...
2. Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị này.
Đề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.
Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.
Đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử. Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; ngày bầu cử dự kiến... và các công việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
3. Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XIII
Theo quy định của Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ quyết định việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc. Trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm việc phân bổ đại biểu ở một số Đại hội Đảng toàn quốc gần đây (các Đại hội X, XI, XII), Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Theo đó, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ. Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản đều được các cấp uỷ, tổ chức đảng đồng tình. Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc. (Đại biểu đi dự Đại hội cũng phải thật sự là những cán bộ, đảng viên ưu tú, có bản lĩnh, có trình độ, tiêu biểu của đảng bộ mình, không bị tác động bởi những việc làm sai trái của các phần tử xấu, nhất là trong công tác nhân sự).
Đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị và các phụ lục số liệu kèm theo. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
4. Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến Hội nghị Trung ương 12 khóa XII; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019. Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu kỹ và cho ý kiến vào những vấn đề cụ thể nhưng hết sức quan trọng này, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Hội nghị của chúng ta diễn ra đúng vào thời điểm cả nước đang có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19,... đã góp phần khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng, Nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, đoàn kết, nhân ái. Hơn ai hết, mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương cần phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của Đảng và dân tộc, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành thật tốt trọng trách được giao, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, bảo đảm cho thành công của Hội nghị.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Cùng chuyên mục
- Tags:
- khóa XII /
- Hội nghị Trung ương 12 /
- Chủ tịch nước /
- Tổng Bí thư /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Hà Nội: Hợp tác với doanh nghiệp để phục vụ người dân tốt hơn
DNTH: Ngày 9/12, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Công ty Dịch vụ khách hàng Viettel đã ký kết biên bản phối hợp về triển khai cung...
Từ ngày 12-14/12, Bắc Bộ tiếp tục có một đợt không khí lạnh tăng cường
DNTH: Nhận định về tình hình rét ở Bắc Bộ, chiều tối 9/12, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết: khoảng chiều và đêm 11/12, Bắc Bộ sẽ chịu tác động của một...
Thời tiết ngày 10/12: Trung Bộ có mưa to đến rất to
DNTH: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 10/12, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa 70-150 mm. Cục bộ có nơi trên 250 mm.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
DNTH: Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay và phương hướng, nhiệm vụ đến hết...
Hội Nông dân Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổ chức 2 Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói
DNTH: Thay mặt Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội NDVN– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và...
Xây dựng đề án sáp nhập 2 Ban Đảng ở Trung ương
DNTH: Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương xây dựng đề án sáp nhập; Ban Đối ngoại Trung ương sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao.
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Yên Dũng: Lập biên bản vi phạm đối với công trình xây dựng không phép
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
Sống khỏe
-
Nhà có nhiều cửa sổ có tốt về mặt phong thủy không?
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...