Phát huy sức mạnh nội sinh để vượt qua đại dịch

14:57 | 13/08/2021

DNTH: Nhiều năm qua, đã thành thông lệ mỗi khi tại Việt Nam diễn ra sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, hoặc gặp khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh, lập tức các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lại coi đó là cơ hội để tổ chức hoạt động xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta.

Tiêm vaccine cho người khuyết tật và yếu thế tại Bệnh viện Bạch Mai
Tiêm vaccine cho người khuyết tật và yếu thế tại Bệnh viện Bạch Mai

Thời gian gần đây, lợi dụng đại dịch Covid - 19 xuất hiện và diễn biến phức tạp tại Việt Nam, những đối tượng trên đã triển khai một chiến dịch với vô số thủ đoạn, chiêu trò lừa bịp, bịa đặt, dối trá. Đặc biệt, khi làn sóng thứ tư của đại dịch xảy ra, các thủ đoạn, chiêu trò đó được tiến hành với mật độ ngày càng dày đặc, thâm độc.

Bằng cách sử dụng “tiêu chuẩn kép” (double standard) và chỉ tiếp cận vấn đề qua “góc nhìn đen” về tình hình dịch Covid - 19 ở Việt Nam, nhất là khi làn sóng dịch bệnh thứ tư xảy ra, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã được phóng chiếu theo biên độ rất rộng, tần số rất cao.

Những khó khăn do dịch bệnh gây ra, thậm chí một số sơ suất nhỏ trong công tác phòng, chống dịch luôn được các đối tượng nêu trên tận dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, coi là cơ hội để tấn công, làm mất uy tín của chế độ, làm lung lay niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ; dẫn dắt người tiếp nhận thông tin sai lệch đi từ nghi ngờ, bi quan, bất mãn đến hành vi phá hoại, chống đối.

Trong khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định “không để ai bị bỏ lại phía sau”, coi đây là nguyên tắc xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng nhân dân, huy động mọi nguồn lực giúp nhân dân bảo đảm cuộc sống, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất và hệ lụy từ dịch bệnh thì họ liên tục dựng chuyện để vu cáo chính quyền, xuyên tạc và bịa đặt để vẽ ra bức tranh u ám về Việt Nam trong đại dịch.

Họ cố tình tảng lờ thực tế về sự nguy hiểm cũng như những tổn thất nặng nề về tính mạng con người của biến thể Delta khiến cả thế giới đang vật lộn chống chọi, tảng lờ biện pháp rất quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, trong khi tìm mọi cách để “đổi trắng thay đen”, đưa ra thông tin sai lạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền khi thực hiện giãn cách xã hội, đưa người tiếp xúc với người bị bệnh đi cách ly; tố cáo Việt Nam bất bình đẳng trong phân bổ vaccine.

Thay vì cần nhìn nhận khách quan về những nỗ lực để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn mà đại dịch Covid - 19 gây ra của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm sự an toàn về tính mạng cũng như đời sống, thu nhập người dân thì họ lại xuyên tạc thành sự vô trách nhiệm của chính quyền khi để dân thiếu ăn, phải tháo chạy về quê; lên án hệ thống y tế kiệt quệ… họ dựng lên các câu chuyện, hình ảnh bi ai, rùng rợn về dịch bệnh khiến một số người tin theo để rồi lên án chế độ, phản đối cách thức phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Và rồi họ trở nên tức tối, cay cú khi thấy Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp công sức bảo vệ tính mạng con người, giữ gìn, bảo vệ đất nước.

Gần hai năm qua, thế giới phải căng mình đối phó với một loại dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử. Dù văn minh nhân loại đã phát triển đến trình độ cao, y tế và các ngành khoa học liên quan đạt rất nhiều thành tựu thì việc đối phó Covid - 19 cùng các biến thể của nó vẫn cực kỳ khó khăn. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, mà của toàn nhân loại.

Theo thống kê từ trang Worldometers, đến ngày 12/8/2021 đại dịch đã xâm nhập 220 quốc gia, vùng lãnh thổ, lây nhiễm hơn 205,7 triệu người, hơn 4,3 triệu ca tử vong. Mỹ là quốc gia đi đầu trong chế tạo vaccine, đã triển khai tiêm chủng trên diện rộng song từ cuối tháng 7 tới đầu tháng 8/2021, hằng ngày vẫn có hơn 100.000 ca nhiễm mới. Tại Pháp, Đức, Anh, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản,… tình trạng nhiễm Covid - 19 vẫn diễn ra, đại dịch vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Tại Đông Nam Á, đến đầu tháng 8/2021 số người nhiễm và tử vong vì Covid - 19 ở Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam,… vẫn gia tăng, có nước số người nhiễm Covid - 19 lên tới hàng triệu người. Đến mức từ ngày 6/8/2021, vùng thủ đô Manila của Philippines tiếp tục bị tái phong tỏa để hạn chế sự lây lan của biến thể Delta, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế.

Từ đây có thể thấy sau gần hai năm tập trung rất nhiều trí lực phòng, chống dịch, cả thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang phải đối phó với Covid - 19 vô cùng vất vả. Vậy nên mưu đồ, thủ đoạn của một số đối tượng cố tình lợi dụng sự phức tạp của đại dịch để chống phá Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam là đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, không thể chấp nhận.

Xưa nay, một khi đã mang sẵn lối suy nghĩ cố hữu, bản chất thù địch hoặc thiếu thiện chí sẽ không thể thoát khỏi thái độ cực đoan, bất chấp các yêu cầu về tính khách quan trong tiếp cận, phản ánh, đánh giá, bình luận, yêu cầu. Các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cũng vậy. Mọi phát ngôn, đánh giá, hoạt động đều để hướng tới mục tiêu nhằm thực hiện mưu đồ tổ chức, kích động, hoạt động phá hoại, lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam. Trong đó, một số tổ chức nhân danh dân chủ, nhân quyền, “phong trào dân chủ”, tổ chức khủng bố, một số trang báo tiếng Việt ở hải ngoại cùng rất nhiều trang Facebook, YouTube,… được sử dụng làm phương tiện khuếch tán một “góc nhìn đen” để phủ nhận mọi thành tựu của Việt Nam, nhất là về an sinh xã hội, qua đó tìm mọi cách hạ thấp, xuyên tạc, tung tin giả, lôi kéo dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tâm lý phân biệt vùng miền, gây rối loạn xã hội.

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi liên tục phản ánh dự báo về tình hình dịch bệnh đen tối tại Việt Nam thì những đối tượng trên lại tảng lờ các đánh giá khách quan, ghi nhận của thế giới về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, cho dù mới đây, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đã không chỉ đánh giá cao hành động quyết liệt của Việt Nam trong ứng phó với sự lây nhiễm, mà còn tin tưởng Việt Nam có đủ khả năng ngăn chặn đợt bùng phát dịch lần này thông qua cách tiếp cận toàn xã hội đã được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 dẫn dắt từ khi bắt đầu đại dịch.

Nguy hiểm hơn, thông qua hình thức “đóng góp ý kiến”, một tổ chức khủng bố vốn đi đầu trong hoạt động công kích phá hoại, xuyên tạc mọi biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam, đã trắng trợn đưa ra cái gọi là “giải pháp chống dịch” với các yêu cầu: tham khảo chuyên gia, mua đủ vaccine, giảm giá điện, giá xăng, phân phát gói hỗ trợ tài chính cho người nghèo, thành phần bị thiệt hại vì đại dịch.

Thực tế bất cứ người nào chứng kiến việc tổ chức hoạt động phòng, chống dịch Covid - 19 trong nước thời gian qua đều biết đó là những vấn đề đã được Việt Nam triển khai nhất quán, đồng bộ. Ngay từ khi đại dịch xảy ra, dự báo trước mối nguy hiểm, với tầm nhìn xa và tìm giải pháp, căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh. Đảng, Nhà nước ta đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Theo đó sẽ tập trung vào các nội dung chính là nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển trong nước để chủ động tiêm vaccine cho nhân dân. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo, tham khảo ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các biện pháp phòng, chống; từ rất sớm đã đặt mua vaccine kết hợp với “ngoại giao vaccine” để tới nay Việt Nam đã tiếp nhận hàng chục triệu liều. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên thế giới vẫn khan hiếm và Việt Nam không nằm trong danh sách được ưu tiên cung cấp vaccine.

Ảnh minh họa (Nhà báo và Công luận)
Ảnh minh họa (Nhà báo và Công luận)

Về hỗ trợ tài chính, hơn một năm trước, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 42/NQ-CP “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” với kinh phí 62.000 tỷ đồng. Ngày 1/7/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP “về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid - 19” với kinh phí 26.000 tỷ đồng. Các khoản tiền này nhanh chóng được chuyển đến để hỗ trợ, tiếp sức người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn, khôi phục sản xuất.

Đồng thời chính quyền các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cùng nhiều tỉnh cũng trích ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng trợ giúp đồng bào bị ảnh hưởng vì đại dịch. Đặc biệt, phải nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp điều trị Covid - 19, đó là một biểu thị cho tính ưu việt của chế độ xã hội của chúng ta. Về giảm giá điện, đến nay EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã ba lần giảm tiền điện cho hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan bị thiệt hại bởi đại dịch Covid - 19; và vừa qua, EVN cho biết từ nay đến hết tháng 12/2021, cơ sở cách ly không thu phí sẽ được miễn 100% tiền điện, cơ sở khám, chữa bệnh cho bệnh nhân bị nhiễm, nghi nhiễm Covid - 19 được giảm tiền điện 20%...

Như vậy, cái gọi là “giải pháp” mà tổ chức khủng bố nọ làm rùm beng thực chất là vô nghĩa, chỉ là chiêu trò nhằm “giả nhân, giả nghĩa” của một số kẻ tìm cách ra vẻ quan tâm đến lợi ích của nhân dân Việt Nam, để phục vụ, làm bình phong che đậy cho các hoạt động vì mục đích xấu xa, mưu đồ đen tối.

Đến nay, tình hình dịch Covid - 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh còn một số người thiếu thông tin, mất bình tĩnh hoặc bị căng thẳng, thì chỉ một chút xao lãng, chỉ một lời nói thiếu xây dựng cũng có thể sẽ đẩy tới hệ lụy không thể lường hết. Gần hai năm đối đầu với đại dịch Covid - 19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, với sự vào cuộc nhiệt huyết, đầy tinh thần nhân văn của cả hệ thống chính trị, của các ngành chức năng và sự đồng lòng của toàn dân tộc, chúng ta đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, hệ lụy do đại dịch Covid - 19 gây ra.

Hơn lúc nào hết, để vượt qua dịch bệnh, và hoàn cảnh khó khăn rất cần sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cộng đồng, luôn luôn tỉnh táo khi tiếp xúc, nắm bắt thông tin để không cuốn theo, hùa theo luận điệu xuyên tạc, vu khống, bịa đặt của kẻ xấu, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nghiêm chỉnh chấp hành quy định trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi cá nhân, có thể đóng góp sức người, sức của, tham gia các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tương trợ đồng bào,... phát huy toàn bộ sức mạnh nội sinh chính là phương cách hữu hiệu nhất giúp chúng ta sớm vượt qua dịch bệnh, phục hồi cuộc sống.

 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN