Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới

09:49 | 30/11/2023

DNTH: Những năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới được ứng dụng ngày càng rộng rãi, giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tại Quảng Ninh, tuy có nhiều lợi thế giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, song các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia TMĐT xuyên biên giới cũng vẫn còn khá khiêm tốn.

TMĐT xuyên biên giới được hiểu là hình thức mua - bán giữa một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia này với một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia khác thông qua việc đặt hàng và thanh toán trên các sàn TMĐT và qua internet. Hình thức mua - bán này đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng TMĐT phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... và lan rộng tới các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thông qua các sàn TMĐT. (Ảnh minh hoạ)
Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thông qua các sàn TMĐT. (Ảnh minh hoạ).

Không thể phủ nhận, TMĐT xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thứ nhất là giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thông tin của khách hàng, cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhanh hơn. Thứ hai, chuyển đổi số và toàn cầu hóa cùng cộng hưởng, không chỉ giúp toàn cầu hóa sản phẩm mà còn toàn cầu hóa thương hiệu sản phẩm. Đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng, thực tế cho thấy, TMĐT và bán hàng xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn. Việc tham gia vào TMĐT giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và thậm chí trên toàn thế giới, điều này mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022, do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố: Chỉ số TMĐT của Quảng Ninh năm 2022 xếp hạng 11 trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được khảo sát. Doanh số TMĐT nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch TMĐT của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% cùng kỳ 2022...

Tuy nhiên, cùng với lợi thế, việc đưa TMĐT xuyên biên giới vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức đối với tỉnh Quảng Ninh. Đơn cử như, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia; một số quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế phức tạp; khó khăn trong hệ thống chính sách, pháp luật... theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ TMĐT xuyên biên giới. Để tận dụng được lợi thế này, Quảng Ninh cần có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, Quảng Ninh tăng cường sự tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Quảng Ninh cũng cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới, nâng cao tuyên truyền phổ biến pháp luật TMĐT và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua TMĐT, TMĐT xuyên biên giới.

Để tháo gỡ khó khăn, giúp cho các doanh nghiệp Quảng Ninh từng bước bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng TMĐT để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường nhiều giải pháp, giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ TMĐT để thúc đẩy kinh doanh và phát triển theo hướng hiện đại. Cụ thể, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể nhằm thúc đẩy các hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Tính riêng trong năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Mới đây nhất, vào giữa tháng 11 vừa qua, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp cùng Công ty TNHH Công nghệ Tiktok; Công ty TNHH phần mềm FPT tổ chức hội nghị nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua TMĐT xuyên biên giới - Cơ hội bán hàng trên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh và nền tảng số Tiktok. Các đơn vị, doanh nghiệp tham dự đã được các chuyên gia hướng dẫn tham gia và quản lý gian hàng trên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh, các tính năng, giao diện mới cho sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh và giới thiệu các gói hỗ trợ khi tham gia bán hàng trên sàn. Cùng với đó, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Tiktok chia sẻ những cơ hội bán hàng trên nền tảng số Tiktok, là một nền tảng đang rất thịnh hành, đặc biệt với đối tượng là người tiêu dùng trẻ tuổi hiện nay. Đại diện Công ty TNHH Phần mềm FPT giới thiệu giải pháp quản lý bán hàng online toàn diện và các chính sách hỗ trợ, các gói sản phẩm dùng thử miễn phí cho các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Thông qua chương trình sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận cơ hội thị trường mới trên nền tảng TMĐT. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết nối và hợp tác với nhau. Qua đó, giúp tạo ra mạng lưới hợp tác mạnh mẽ, tìm kiếm đối tác tiềm năng và khám phá cách thức hợp tác phù hợp trong kinh doanh trên lĩnh vực TMĐT để cùng nhau phát triển và vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường đẩy mạnh phát triển TMĐT gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam, như FTA với ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, FTA với châu Âu (EVFTA)...

Theo Thương hiệu Công luận

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hải Phòng - Café khởi nghiệp sáng tạo

DNTH: Vừa qua, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng tổ chức chương trình Café khởi nghiệp sáng tạo. Tham dự có ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, đại diện...

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng: Người kiến tạo công nghệ xử lý rác thải "Made in Vietnam"

"Không xử lý được môi trường, đừng nghĩ đến phát triển bền vững" - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam. Với hơn 22 năm cống hiến, ông đã tiên phong...

Loạt doanh nghiệp bị xử phạt thuế

DNTH: Với hành vi kê khai sai thuế, 3 doanh nghiệp bao gồm Kosy, Tập đoàn TNT và Hodeco đã phải chịu án phạt nặng, trong đó Kosy chịu mức phạt và truy thu lên đến hơn 6,8 tỷ đồng.

Gỡ nút thắt về vốn cho ngành lương thực thực phẩm

DNTH: Các chuyên gia đề xuất ngân hàng cần linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng để tháo gỡ khó khăn, giúp ngành lương thực thực phẩm ổn định sản xuất, phát triển bền vững.

Giảm gánh nặng thủ tục, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp

DNTH: Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Việt Nam đang tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Loài trà hoa vàng mang tên chung Việt - Nhật

Trong những ngày đại hàn cuối đông, chị Phạm Thị Lý, nhà khoa học gắn bó với nông dân gọi điện rủ tôi đi thăm lại khu bảo tồn Nam dược Nhất Dương Sinh.

XEM THÊM TIN