Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 26/12/2018, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) cho biết Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) đã trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Cụ thể, Star Invest đã thực hiện giao dịch mua 33.455.400 cổ phiếu (trước đó sở hữu 0 cổ phiếu), tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,57% số cổ phiếu đang lưu hành. Bên cạnh đó, Vinaconex cũng cho biết Star Invest thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn vào ngày 24/12/2018.
Đáng chú ý, thời điểm giao dịch của Star Invest chỉ 2 ngày trước khi Vinaconex thực hiện chốt danh sách cổ đông (ngày 26/12/2018) cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019.
Tại cuộc họp này, Vinaconex dự kiến sẽ trình cổ đông bầu thay thế thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2022, bãi bỏ hiệu lực của một số quy chế quản trị của tổng công ty do HĐQT đã ban hành trước đây để phù hợp với cơ cấu cổ đông mới và nhiều nội dung khác. Cuộc họp dự kiến bắt đầu vào lúc 8h00 ngày 11/1/2019.
Từng đăng ký tham gia phiên đấu giá của SCIC
Được biết, Star Invest là một trong những nhà đầu tư đã đăng ký tham gia phiên đấu giá bán trọn lô 254.901.153 cổ phần VCG (tương ứng với 57,71% vốn điều lệ) do Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Quy mô thoái vốn lên tới gần 5.430 tỷ đồng.
Tại thời điểm đó, Star Invest thu hút được nhiều sự chú ý khi được thành lập ngày 9/11/2018 (trước 12 ngày phiên đấu giá diễn ra) với quy mô vốn điều lệ chỉ là 200 tỷ đồng, hoạt động dưới mô hình Công ty TNHH một thành viên.
Trong bản đăng ký, công ty cho biết chủ sở hữu định hướng và phấn đấu phát triển Star Invest trở thành một công ty chuyên về bất động sản và xây dựng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đăng cấp, khẳng định vị thế trên thị trường. Để thực hiện hóa, Star Invest đặt mục tiêu tham gia đấu giá thành công việc mua cả lô cổ phần Vinaconex từ SCIC.
Bên cạnh đó, công ty này cũng cho biết sẽ tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ Vinaconex trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiểu quả hoạt động kinh doanh, cũng như sức cạnh tranh của Vinaconex sau khi đấu giá thành công.
An Quý Hưng là nhà đầu tư trúng giá trọn lô cổ phần Vinaconex do SCIC sở hữu (Ảnh: Phạm Duy)
|
Tuy nhiên, nhà đầu tư trúng giá trong thương vụ này là Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) - một trong số 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá - với mức giá đấu thành công là 28.900 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đấu cao hơn tới 7.600 đồng so với giá khởi điểm, SCIC đã thu về hơn 7.366 tỷ đồng từ thương vụ này.
Cùng ngày, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cũng đã bán đấu giá thành công hơn 94 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,3% vốn điều lệ), thu về 2.002 tỷ đồng. Tham gia phiên đấu giá này là 2 nhà đầu tư là: Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (TLVN).
Star Invest gom cổ phiếu từ ai?
Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 24/12/2018 (thời điểm Star Invest thực hiện giao dịch để trở thành cổ đông lớn), đã có một giao dịch thỏa thuận với quy mô đúng với số lượng cổ phiếu Star Invest thực hiện. Giá trị giao dịch thỏa thuận này đạt 836,385 tỷ đồng.
Mặt khác, cũng trong ngày 24/12/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán 33,9 triệu cổ phiếu VCG. Cần lưu ý rằng, ngay trước thời điểm phiên đấu giá thoái vốn nhà nước diễn ra, Vinaconex đã thực hiện khóa “room” ngoại về mức 0%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể thực hiện bán ra cổ phiếu VCG và không có quyền mua thêm. Cũng chính vì lý do này mà quỹ VNM ETF đã thực hiện bán toàn bộ số cổ phiếu VCG đang nắm giữ.
Do đó, nhiều khả năng, quỹ đầu tư nước ngoài Pyn Elite Fund - cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinaconex - đã thực hiện bán thỏa thuận 31,3 triệu cổ phiếu cho Star Invest, tương đương với 7,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Sự xuất hiện của Star Invest cũng khiến “thế trận” ở Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước trở nên khó lường hơn với sự góp mặt của 3 cổ đông lớn, trong đó, cổ đông “thế chân” Viettel vẫn chưa chính thức lộ diện.
Cần lưu ý, cổ đông lớn An Quý Hưng dù sở hữu 57,71% cổ phần cũng không đồng nghĩa với việc “muốn gì được nấy” ở Vinaconex.
Với sự xuất hiện của Star Invest, nhà đầu tư “thế chân” Viettel giờ có thêm một lựa chọn khác nữa, đó là “bắt tay” với cổ đông lớn này để trở thành “nhóm” nhà đầu tư sở hữu 25% cổ phần, tạo đối trọng quyền lực tương đối tại Vinaconex. Cũng không loại trừ khả năng, Star Invest sẽ hợp tác với An Quý Hưng, góp phần giúp cổ đông lớn này củng cố thêm vị thế của mình tại Vinaconex.
Nhiều khả năng, “thế trận” tại Vinaconex sẽ được làm rõ tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào tháng 1/2019 tới đây, khi đại hội dự kiến sẽ thông qua một loạt sự thay đổi trong Hội đồng quản trị./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...