Sức mạnh của báo chí trên mặt trận ngoại giao
15:46 | 10/09/2020
DNTH: Báo chí cách mạng Việt Nam ngay từ lúc mới ra đời đã nhanh chóng trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trong hoạt động đối ngoại, báo chí là lực lượng rất quan trọng, tích cực tham gia đấu tranh, hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi, nêu cao sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam
Trong những năm kháng chiến, những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ miền Nam, trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đi đánh giặc. Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận.
Báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí tiến bộ trên thế giới đã vạch trần tội ác của quân xâm lược, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần tạo làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Trong suốt 3 năm đấu tranh quyết liệt tại Hội nghị Paris về Việt Nam, vào thời điểm quyết định, hai phái đoàn của Việt Nam đã đấu tranh với đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ và đoàn của chính quyền Sài Gòn rất căng thẳng, có khi đến nửa đêm.
Khi các cuộc đấu trí rơi vào khó khăn, một chủ trương táo bạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, do đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư Khu ủy chỉ đạo được thực hiện ngay, sử dụng Bưu điện Sài Gòn chuyển báo chí tới phái đoàn của Việt Nam tại Paris để có thể thấy được hơi thở nóng hổi của cuộc kháng chiến vĩ đại của quân và dân Việt Nam.
Những tờ báo như Thời Luận, Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Tia Sáng, Trời Nam, Thời đại,... đã trực tiếp nói lên tiếng nói chính nghĩa của nhân dân Việt Nam để cả thế giới thấy được những bằng chứng tội ác mà chế độ thực dân và đế quốc đã gây ra cho Việt Nam mà phái đoàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn không thể chối cãi. Nhiệm vụ bí mật này được thực hiện từ năm 1969 đến 1972, nhằm đưa đến cho hai Đoàn ngoại giao của ta đang ở Hội nghị Paris những thông tin chính xác, nóng hổi nhất của miền Nam.
Điều đặc biệt, trong ba năm liền không một kiện hàng báo chí nào bị lộ, phải trả lại, hoặc bị khám xét, dù mạng lưới điệp báo của Mỹ - ngụy lúc đó, nghi ngờ ta đã đưa những thông tin đó từ Sài Gòn sang Paris cho hai đoàn ngoại giao của ta. Có thể khẳng định, chính những thông tin báo chí về cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta đã trở thành tiếng nói đanh thép của ngành ngoại giao Việt Nam trên bàn đàm phán Paris.
Cần phải nói thêm, tham gia đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris có những nhà báo nổi tiếng như Hà Đăng, Lý Văn Sáu, Nguyễn Thành Lê... Đó là những người đã trực tiếp cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy và thuyết phục cho báo chí quốc tế, để từ đó góp phần tạo sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của dư luận quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, báo chí lại tiếp tục chiến đấu bền bỉ chống bao vây cấm vận, chống lại cuộc tiến công của các thế lực thù địch về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, chủ quyền biển đảo...
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trên báo chí và truyền thông quốc tế, Việt Nam được xem như một hiện tượng kỳ thú của lịch sử thế giới. Đây là một trong những nơi hội tụ những mâu thuẫn lớn của thời đại, nơi diễn ra những cuộc chiến khốc liệt rất khác lạ giữa những đối thủ không cân sức. Vào lúc Việt Nam bắt đầu những cuộc đụng đầu lịch sử với những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần, không mấy ai dám tin là Việt Nam sẽ thắng. Đến khi Việt Nam thắng, người ta lại khó giải đáp được theo logic thông thường câu hỏi lớn: Vì sao những kẻ xâm lược hùng mạnh đó lại thua ở Việt Nam? Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế coi đó là những cuộc “vượt cạn” trong chiến tranh đặc sắc bậc nhất của một dân tộc ẩn chứa trong mình những sức mạnh lạ kỳ.
Những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin ở nhiều nơi bị đổ vỡ. Cuộc đấu tranh trên mặt trận dư luận quốc tế rất khó khăn. Các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền Đảng Cộng sản và chế độ xã hội XHCN ở Việt Nam cũng sẽ sụp đổ theo, ngày “đắm thuyền” không còn xa. Nhưng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) tiếp tục khẳng định, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Các thế lực thù địch càng tìm mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin,... khiến cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận dư luận càng trở nên cam go hơn.
Sau 35 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đáng ghi nhận, một thực tế không thể phủ nhận tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong một bộ phận đảng viên có những diễn biến phức tạp. Cùng với đó, sự phát triển của Internet và mạng xã hội tạo tiền đề cho các thế lực thù địch ra sức tung ra những quan điểm sai trái, hòng làm cán bộ, đảng viên và nhân dân ta mất phương hướng về chính trị.
Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Nghị quyết khẳng định vai trò quan trọng của báo chí và đề ra bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm là: “... Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao”.
Đây là nội dung cơ bản của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng làm công tác tuyên giáo, hệ thống báo chí... đóng vai trò nòng cốt.
Thực tế, sau Chiến tranh lạnh Đông - Tây, thế cuộc một lần nữa đặt Việt Nam vào một trong những trung tâm nhạy cảm nhất của đời sống quốc tế. Khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ trong một cú sốc lịch sử vô tiền khoáng hậu, không ít người đã tiên đoán, chế độ cộng sản ở đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, lại bị bao vây cấm vận sẽ không trụ lại được lâu. Một cuộc đấu tranh quyết liệt đã diễn ra trên mặt trận chính trị, tư tưởng, ngoại giao, trong đó báo chí luôn ở trên tuyến đầu. Chân lý được bảo vệ, phẩm giá Việt Nam được nêu cao.
Ba mươi lăm năm qua là cuộc thử thách sống còn đối với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đó thực sự là cuộc “vượt cạn” trong thời bình. Chúng ta không những không sụp đổ mà còn tạo dựng được thế và lực mới cho đất nước trong một thế giới đã và đang đổi thay sâu sắc dưới tác động của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu rất quyết liệt. Từ chỗ thường xuyên thiếu đói, long đong chạy ăn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước; có quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thông đại chúng của chúng ta đã khắc hoạ nổi bật hình ảnh một đất nước Việt Nam quyết tâm đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trong 35 năm đổi mới, xét một cách tổng thể, việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh diễn biến hòa bình, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mặt trận đối ngoại, được báo chí thể hiện sâu sắc trên một số mặt sau đây:
Thứ nhất, báo chí đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tuyên truyền Cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; khẳng định những thành tựu, tính ưu việt của chế độ, sự đúng đắn và tương lai của con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn; phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của đất nước ta.
Thứ hai, quảng bá những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, uy tín của đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, báo chí không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực trong tuyên truyền những vấn đề lớn, sự kiện quan trọng của đất nước và thế giới, định hướng văn hóa, thẩm mỹ, giá trị của cuộc sống mới do công cuộc đổi mới mang lại, phản ánh thực tiễn sinh động đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
Việt Nam ngày càng khẳng định được mình trên trường quốc tế. Ảnh: TL
Nhận diện thách thức, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Chưa bao giờ vấn đề hội nhập - tự chủ lại đặt ra nóng bỏng như hiện nay. Thiết nghĩ, bài học quý báu nhất sau 35 năm đổi mới mà chúng ta đúc kết được là bài học nhận biết đúng mình. Không đánh mất mình, phát huy cho đúng mình hóa ra lại là điều cơ yếu giúp chúng ta biết khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn bên trong.
Trong lúc thế giới bất ổn nghiêm trọng vì chiến tranh và xung đột, nhiều quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì Việt Nam được coi là “xứ sở của bình yên”. Một quốc gia, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nền kinh tế còn trong quá trình chuyển đổi, luật pháp chưa hoàn chỉnh, lại từng phải chịu đựng mấy cuộc chiến tranh lớn, nay được đánh giá là nơi đầu tư an toàn nhất châu Á đây quả là một điều rất đáng khích lệ. Môi trường đầu tư tốt, trước hết là một môi trường có sự ổn định cao về chính trị - xã hội. Báo chí thế giới đã từng đánh giá sự ổn định chính trị và bình yên xã hội là một trong 7 lợi thế cơ bản của thị trường Việt Nam. Trong vấn đề này, luôn có sự tham gia rất hiệu quả của báo chí.
Theo chủ trương lớn ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, nhất là về đầu tư và thương mại, tìm kiếm thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, báo chí cũng đồng hành trong hoạt động quan trọng này. Kinh tế, trước hết và thông thường, là một trận đấu về lợi ích. Không phải Việt Nam đi ra thế giới mới có hội nhập, mà Việt Nam đang trở thành một địa chỉ sống động và hấp dẫn của hội nhập quốc tế. Có ưu thế về nguồn lao động, tài nguyên, vị trí địa lý, Việt Nam có khả năng thu hút FDI.
14 năm trước, nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu bước hội nhập lớn vào đời sống quốc tế. Bây giờ, Việt Nam đang tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do với mức độ cam kết mở rộng thị trường toàn diện hơn như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... Theo dự báo, sẽ có một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng cơ hội mở cửa thị trường.
Trên báo chí đã từng có cảnh báo: Thật đáng suy ngẫm, khi một số nhà đầu tư nước ngoài có quan niệm rằng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam cần được hiểu theo một khía cạnh khác: Đây là một miếng đất hoang mới được khai phá và họ được làm việc với một đối tác còn quá non nớt về kinh tế thị trường. Hơn nữa trong bộ máy công quyền Việt Nam, tệ tham nhũng, thói trục lợi, ăn chặn bằng mọi cách không những không cản trở mà lại tạo ra những khe hở lý tưởng để họ kiếm lợi được nhiều hơn. Chỉ vì một món tiền lót tay, những kẻ thoái hóa này có thể nhắm mắt ký hợp đồng gây thiệt hại lớn cho đất nước. Báo chí đã đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn này. Không thiếu trường hợp, người ta bỏ ra hàng triệu USD để mua về một lô hàng kém phẩm chất, thậm chí thuộc loại phế thải, đặt đất nước trước nguy cơ bị biến thành “một bãi rác công nghệ” của bên ngoài.
14 năm trong ngôi nhà toàn cầu WTO là quãng thời gian cần thiết để đánh giá quá trình hội nhập lâu dài của Việt Nam, để nhận ra đâu là hướng đi phù hợp mà rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích. Hội nhập mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy tự do hóa thị trường, mở cửa cơ chế thông thoáng hơn và nguồn lực phân bố hiệu quả hơn. Trên báo chí cũng đã nêu rõ những gì đạt được những năm qua là rất quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và cũng chỉ ra những thách thức mà trước đây ta chỉ mới cảm nhận theo kiểu dự báo.
Đã thấy rõ hơn những “nút thắt cổ chai” trong tiến trình phát triển ở nước ta: Cơ sở hạ tầng rất yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tệ quan liêu, tham nhũng còn rất nặng; còn thiếu nhất quán về chính sách... Nông dân bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; công nhân có thể bị đẩy ra khỏi nhà máy, công ty trong quá trình cổ phần hóa đang là vấn đề xã hội không thể xem thường. Việt Nam là một trong những nước nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất thế giới, nên dễ bị tổn thương trước khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và các dòng vốn không thể dự đoán của các thị trường mới nổi lên.
Từ mấy năm trước, các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang tập sự cách chơi của một thị trường văn minh hiện đại, tập sự cách chơi của nền kinh tế hội nhập. Vậy nên còn tồn tại những “vênh váo” ở khâu tổ chức và thực hiện. Đến bây giờ, còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng theo một cách chơi với tầm nhìn dài hạn. Họ ra sức lợi dụng những “méo mó” của thị trường, nhất là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, để đầu cơ. Họ thiên về chơi ngắn “ăn xổi” để thu lợi nhanh chóng, trong khi sân chơi WTO, rồi sân chơi EVFTA, CTTPP đòi hỏi phải có cách chơi bài bản hơn. Báo chí khẳng định: Việc cởi bỏ các nút thắt thời kỳ hội nhập ở các lĩnh vực thể chế và chính sách, phải được xuyên suốt bằng nguyên tắc thị trường và cạnh tranh, coi trọng cải cách.
Đừng ảo tưởng WTO, EVFTA... sẽ cho ta mọi thứ, cũng như đừng bi quan nghĩ rằng, nó là tác nhân gây ra các hậu quả. Không nên đặt cho nó vị thế quá mức, dẫn đến chúng ta hoặc là quá ảo tưởng hoặc là quá thất vọng. 14 năm chèo lái, bươn chải trên đại dương toàn cầu càng cho thấy rõ hơn WTO không phải cần câu, cũng chẳng phải con cá. Đây là ngư trường mênh mông có những luật lệ khắt khe mà con tàu kinh tế sức vóc còn nhỏ của ta phải tuân thủ và biết thích nghi. Những mẻ lưới đầu mùa chưa lớn, chưa đủ khích lệ ta mạnh dạn tiếp tục giong buồm ra biển lớn.
Hội nhập không phải mục tiêu cuối cùng mà Việt Nam quyết theo đuổi bằng mọi giá. Nó chỉ là phương tiện bên cạnh nhiều phương tiện khác để phát triển, mà nội lực là quyết định. WTO, CPTPP, EVFTA... là những cỗ xe thiết kế không có số lùi, tốc độ hội nhập chỉ ngày càng tăng lên, không cho phép ai chần chừ hay thoái lui. Toàn thể hệ thống và bộ máy của chúng ta cần được nâng cấp lên trình độ mới. Báo chí cần tiếp tục cảnh báo nguy cơ, nắm bắt cơ hội và khích lệ tinh thần vượt khó.
Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, tháng 2/2019. Ảnh: TL
Xứ sở của hợp tác và kiến tạo hòa bình
Thời gian gần đây, có hai minh chứng rõ ràng nhất trên mặt trận đối ngoại của chúng ta cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế càng được nâng cao.
Thứ nhất, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên ở Hà Nội trong hai ngày 27 - 28/ 2/2019 là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với thế giới. Vì thế, không có gì lạ khi có khoảng 3.000 phóng viên, nhà báo từ rất nhiều nước trên thế giới đã tới Hà Nội để đưa tin. Mặc dù kết quả hai bên chưa đi đến được thống nhất chung, nhưng hình ảnh về con người, đất nước Việt Nam, sự phát triển của báo chí nước ta được giới truyền thông quốc tế đánh giá cao trong vai trò nước chủ nhà, cũng như thể hiện sự khâm phục và ngạc nhiên về khả năng của Việt Nam tổ chức sự kiện lớn. Từ đó, thế giới đã nhìn nhận Việt Nam bằng con mắt tin cậy, nể trọng và khâm phục. Hơn 3.000 nhà báo quốc tế đã lan truyền đi khắp thế giới hình ảnh Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam, hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội.
Trên báo chí, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội là một sự kiện truyền cảm hứng cao độ. Cảm hứng về một đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển, hữu nghị, hợp tác và hòa bình. Cảm hứng về một dân tộc hòa hiếu, thân thiện, luôn mở rộng bàn tay hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Cảm hứng về một đất nước đã phải chịu đựng những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhưng đã vượt qua hận thù, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Cảm hứng về một Thăng Long - Hà Nội có nghìn năm lịch sử - một Thủ đô văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị. Một Thủ đô đã được coi là lương tri và phẩm giá con người trong chiến tranh, thì giờ đây đã trở thành xứ sở của kiến tạo và hòa bình.
Sự kiện này đã tạo một bước ngoặt chưa từng có về vai trò và vị thế của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các điểm nóng trên thế giới. Nó cho thấy khả năng và những giá trị chiến lược, độc đáo mà Việt Nam có thể cống hiến để thế giới trở nên an bình và tốt đẹp hơn. Không phải chỉ những người trực tiếp tham gia vào sự kiện này mà toàn thể người Hà Nội, người Việt Nam cũng như đông đảo người dân trên khắp thế giới đều có những cảm xúc cao quý về những gì mà Việt Nam đang đóng góp cho thế giới thông qua việc tổ chức sự kiện này.
Điều này không chỉ là kết quả tức thời, có tính thời sự của những biến chuyển lớn lao và tích cực trên đất nước ta trong những năm vừa qua, mà còn được khởi nguồn từ trong những nét vàng lịch sử của một dân tộc quả cảm, cần cù, thông minh nhưng luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu. Đó là định hướng và cảm hứng lớn cho báo chí khi nói về câu chuyện hội nhập quốc tế của Việt Nam. Từ ngàn xưa, Việt Nam chỉ muốn là bạn, là anh em với các dân tộc trên thế giới. Tinh thần đó không có gì thuyết phục hơn bằng đức tính hòa hiếu của người Việt Nam khi tất cả các cựu địch thủ hiện đang trở thành những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đã tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tiếp tục khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, trước mắt là trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Cộng đồng ASEAN 2020. Đặc biệt, Việt Nam đang tạo ra sức hút mạnh về thị trường đầu tư có nhiều tiềm năng, một điểm đến du lịch hấp dẫn. Cơ hội lớn đang mở ra, đòi hỏi Việt Nam phải nắm bắt.
Thế giới hiện đại đã, đang và sẽ còn phải trải qua những cú va đập ngày càng lớn và khó lường, dẫn tới những biến đổi ngày càng sâu sắc. Quốc gia nào chuẩn bị cho mình được tâm thế để nắm bắt được xu thế đổi thay đó thì sẽ thành quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Câu chuyện đổi mới và hội nhập của Việt Nam đang nằm trong dòng thác cuồn cuộn của xu thế đó mà sự kiện cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 tại Hà Nội là một trong những ví dụ điển hình, sống động và đặc sắc nhất. Đó là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật, sự kiện truyền thông nổi bật nhất trong năm 2019.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ sự ổn định kinh tế, xã hội thế giới với tốc độ nhanh chưa từng có thấy trong lịch sử. Nhưng, qua kết quả bước đầu trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã khẳng định bước đầu thành công trong công tác này, đồng thời vẫn tập trung vào bảo đảm phát triển kinh tế. Sự thành công này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị và báo chí đã một lần nữa khẳng định được vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng.
Trong suốt đại dịch Covid-19, các kênh truyền thông chính thống đã chiếm lĩnh và giữ vai trò chủ đạo cung cấp thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước; cung cấp những thông tin quan trọng về phòng chống bệnh; phản biện những thông tin của các thế lực thù địch về việc Việt Nam che giấu tình hình dịch bệnh;... tạo dòng chảy chủ đạo thông tin trong phòng chống dịch tới người dân. Bên cạnh đó, những thành công của Việt Nam phòng, chống dịch được báo chí truyền thông đầy đủ tới tất cả các nước trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Báo chí quốc tế đã xếp Việt Nam ở vị trí đứng đầu thế giới về niềm tin của người dân vào báo chí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc dự kỷ niệm 75 năm Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: TL
Phát huy vai trò tiên phong của báo chí, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại
Ở mọi thời điểm dồn nén lịch sử, chúng ta luôn phải giải bài toán: Tạo thế - xử thế; tạo lực - dụng lực. Thế Việt Nam là thế đạp bằng chông gai đi tới! Đó là thế của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, có truyền thống yêu nước nồng nàn, biết hy sinh vì nghĩa lớn, biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đó là thế của một dân tộc đã lập nên những chiến công hiển hách đánh bại những kẻ xâm lược mạnh gấp nhiều lần. Đó là thế của một đất nước tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hướng ra biển Đông mênh mông, tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ... Trong thế đó, ẩn chứa nguồn lực sung mãn, mà nguồn lực quý báu nhất, quyết định nhất là con người Việt Nam cần cù, thông minh, quả cảm, năng động, giàu lòng nhân ái...
Thế nước của ta là thế nước của một quốc gia nằm ở điểm hội tụ của những nền văn minh lớn, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm nhất. Vận hội là đây, thử thách cũng là đây.
Bài toán thế - lực trong thời bình và trong kỷ nguyên toàn cầu hóa có nhiều nét khác biệt so với thời chiến tranh. Đây là lúc chúng ta phải biết phát huy thế nước vừa mở ra trong hội nhập để tăng thêm những nguồn lực cần thiết cho đất nước. Nằm ở vùng xung yếu và vô cùng nhạy cảm của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, Việt Nam phải luôn luôn tìm cách xử lý phù hợp nhất các mối quan hệ quốc tế, các tầng lợi ích đan xen, nhất là giữa các nước lớn.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, báo chí luôn khẳng định vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh dư luận trên mặt trận ngoại giao, hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước và dân tộc. Trong bối cảnh mới, báo chí cần làm tốt một số nhiệm vụ chính sau:
Một là, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, các cơ quan báo chí cần nắm vững đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, bám sát sự chỉ đạo ở từng thời điểm, đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích cốt lõi, sống còn của quốc gia, dân tộc.
Hai là, chú trọng công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan báo chí, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, ban biên tập đối với công tác truyền thông thành tựu của đất nước đến bạn bè thế giới, cũng như đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trên báo chí. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả báo chí trong tình hình mới. Để thực hiện tốt điều này, cấp ủy, Ban biên tập, Tổng Biên tập các báo cần tiếp tục tăng cường tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đấu tranh, phòng, chống “diễn biễn hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm các quy định về siết chặt kỷ luật, kỷ cương báo chí; quản lý chặt nội dung nhằm phát huy tối đa sức mạnh của báo chí trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phục vụ đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Ba là, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan báo chí tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, phóng viên về nghiệp vụ truyền thông đối ngoại. Đội ngũ cán bộ, phóng viên là những nhân tố quyết định đến hiệu quả trong các sản phẩm báo chí, góp phần quan trọng trong phát huy nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại cũng như vai trò trong đấu tranh, phản bác của báo chí chống lại các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch.
Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến công chúng thế giới, cũng như đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trước sự phát triển đa dạng, đầy biến động của “cư dân mạng”. Các cơ quan báo chí cần đặc biệt coi trọng tăng cường các bài viết phù hợp với tư tưởng của đông đảo quần chúng đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả chất lượng Giải thưởng thông tin đối ngoại hằng năm.
Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, trình độ công nghệ và điều kiện thuận lợi phục vụ công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Việc áp dụng khoa học công nghệ trở thành một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự phát triển xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Để đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, các cơ quan báo chí cần tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào phục vụ hoạt động báo chí.
Phải trải qua cuộc hành trình đầy gian nan, máu lửa suốt thế kỷ XX và 20 năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam mới có được vận hội chưa từng có như ngày nay. Ngoại giao Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có đóng góp vô cùng quan trọng đối với tiến trình phát triển của đất nước. Con tàu đất nước đã phải vật lộn trong thời cuộc đầy giông bão mới đến được vùng biển sáng hôm nay. Những bàn tay, khối óc Việt Nam đang dựng lên chân dung Việt Nam mới ngày càng sống động, rạng rỡ trong thế giới còn chao đảo trong kỷ nguyên biến động.
Điều gì bảo đảm sự tiến bước của Việt Nam trong những năm tới? Đó trước hết là một chiến lược phát triển quốc gia tiên tiến, được điều hành bởi một ban lãnh đạo tài giỏi và sự đoàn kết, đồng lòng, niềm tin vào tương lai của cả một dân tộc được khích lệ, giải phóng những tiềm năng lao động sáng tạo sung mãn, được kích hoạt bằng những chính sách trọng hiền tài, trong một môi trường hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước trong cộng đồng quốc tế. Bằng nguồn năng lượng mới, báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực hơn nữa vào tiến trình vĩ đại này./.
Hồ Quang Lợi
Theo VNHN
Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam
DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá
DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...
Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo
DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.
Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí
DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...