Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất
15:28 | 18/06/2021
DNTH: DNTH; Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 được xem là liều thuốc quý giá, giúp DN “hồi sức” trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Để chủ động cung cấp thông tin về nỗ lực của ngành thuế trong việc triển khai Nghị định 52, đồng thời tiếp tục giải đáp rõ hơn về phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, cũng như ghi nhận kịp thời các vướng mắc, phản hồi của DN, người dân sau hơn một tháng nghị định này vào cuộc sống, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tạo thuận lợi cho DN được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất”.
Khách mời tọa đàm có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Theo Nghị định 52, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 115.000 tỷ đồng. Từ góc độ DN, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của con số này trong bối cảnh hiện nay?
Ông Tô Hoài Nam: Nghị định 52 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn, trở ngại do tác động của COVID-19. Nghị định đã đưa ra rất nhiều nội dung trong chính sách hỗ trợ DN, giúp DN giảm tải các áp lực về kinh doanh, về tuân thủ các quy định về kinh doanh, về thời gian tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong Nghị định có đưa ra một con số dự kiến là 115.000 tỷ đồng. Nếu mục tiêu này đạt được, rõ ràng tác động rất tích cực lên hoạt động chung của DN. Qua đó tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, tư tưởng và niềm tin của cộng đồng. Rõ ràng nó tác động một lúc vào 3 lĩnh vực như vậy. Đây là điều rất tích cực.
Điểm thứ hai, Nghị định 52 ra đời cũng thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, vai trò của Nhà nước, Chính phủ trong việc ứng phó với khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Điều này tạo nên niềm tin cho cộng đồng kinh doanh. Trong khó khăn, niềm tin của người làm kinh doanh về cơ quan lãnh đạo, về cơ quan điều hành là rất cần thiết, giúp cộng đồng DN tin tưởng hoạch định ra những kế hoạch phù hợp với mình.
Nghị định 52 ra đời trước khi dịch bùng phát lần thứ 4, nhưng đến giờ phút này vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Tuy nhiên, vì Nghị định ra đời trước, nên chúng ta cũng phải nhìn nhận lại. Có những tình huống thực tế không lường trước được. Về mặt kỹ thuật rất cần phải xem xét, rà soát lại, bổ sung một số nội dung phù hợp với thực tế.
Ông có thể phân tích rõ hơn về ý nghĩa và tác động của việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ kinh doanh trong bối cảnh hiện nay?
Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết, để hiểu Nghị định 52 tác động tích cực đến DN như thế nào, có thể hình dung dịch COVID-19 tác động đến DN như thế nào.
Tác động của dịch COVID-19 làm cho các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hoặc không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Như vậy DN không có nguồn thu, hay doanh thu, dòng tiền vào DN đang bị hạn chế. DN cần một nguồn lực tài chính để cầm cự và duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu khi dịch bệnh đi qua, họ có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh và vẫn cần khoản tiền để trang trải. Như vậy DN không có nguồn thu, trong khi đó vẫn cần một khoản tiền phải chi trả, thậm chí phải chi thêm nhiều hơn.
Trong bối cảnh như vậy, họ cần tiền, trong khi lại không có dòng tiền đó. Nghị định 52 ra đời sẽ giúp DN giải quyết được vấn đề trên. Có nghĩa nếu như DN vừa không có nguồn thu, vừa đòi hỏi tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phải nộp các nghĩa vụ về tài chính đối với ngân sách thì gánh nặng của DN tăng lên rất nhiều. Nghị định 52 giúp DN giải quyết đúng vấn đề như vậy. Giúp DN có dòng tiền để họ có thời gian sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền để cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy chúng ta thấy Nghị định tác động rất tích cực. Đây là về mặt ý nghĩa pháp lý.
Về mặt thực tế, DN trong suốt hơn một năm vừa qua đã thực hiện Nghị định 52, trước đó là Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất như thế nào, và họ đánh giá ra sao về những nghị định này? Những con số thực tế đã nói lên tất cả điều này.
Điều tra của VCCI công bố vào tháng 3/2021 về tác động của các chính sách hỗ trợ đối với DN để vượt qua khủng hoảng đã đánh giá ở 2 nội dung. Thứ nhất mức độ dễ dàng tiếp cận đối với các chính sách. Tất cả DN đều đánh giá giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất là dễ dàng nhất trong việc tiếp cận so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm… Thứ hai về độ hữu ích, đa số DN cho rằng chính sách giãn, hoãn này tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của DN. Nó phản ánh đúng tính chất, ý nghĩa như tôi vừa phân tích, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho DN trong việc cầm cự, trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất tác động thế nào đến dự toán thu NSNN? Bà có thể khái quát những công việc mà ngành thuế đã nỗ lực triển khai trong hơn 1 tháng qua, cũng như kết quả cụ thể triển khai Nghị định 52 với DN, người dân?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Nghị định 52 là một trong những biện pháp cụ thể đầu tiên của năm 2021 mà Chính phủ đã đưa ra để hỗ trợ cộng đồng, người nộp thuế vượt qua khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra tới DN và người dân tính từ năm 2020, sang năm 2021. Thời điểm xây dựng chính sách cho Nghị định, Bộ Tài chính tập trung trong quý I/2021 và chúng tôi dựa trên những con số về mức độ ảnh hưởng, đánh giá tác động đối với cộng đồng DN. Với tinh thần hỗ trợ người dân có thêm các nguồn lực tài chính để vượt qua khó khăn do chịu ảnh hưởng từ năm 2020 và lường trước được rằng diễn biến dịch vẫn còn phức tạp trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52 này.
Dự kiến số lượng, số tiền cộng đồng DN được hưởng lợi là 115.000 tỷ đồng. 115.000 tỷ đồng này là một cách mà Nhà nước hỗ trợ dòng tiền cho người nộp thuế, để người nộp thuế có để thực hiện cho những yêu cầu trước mắt của DN. Như vậy, việc huy động tiền vào ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ bị chậm ở trong các tháng, các quý trong năm. Rõ ràng ngân sách các cấp cũng bị ảnh hưởng cho công việc chi tiêu theo dự toán NSNN hằng năm. Tuy nhiên, với bối cảnh chung này, chúng ta thấy đại dịch diễn ra và tất cả cùng chia sẻ gánh nặng, cùng nhau giúp đỡ và hỗ trợ để cộng đồng DN và người nộp thuế vượt qua khó khăn thì việc chia sẻ này là cần thiết.
Ở Nghị định 52 có quy định gia hạn thời gian nộp thuế theo từng kỳ và thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm cuối cùng trong năm mà người nộp thuế sẽ nộp tiền vào NSNN là trước ngày 31/12/2021. Vì vậy, tính tổng thể hết năm 2021, tổng số dự toán NSNN theo ước tính của Bộ Tài chính cũng không bị ảnh hưởng về con số tổng thể đã được Quốc hội duyệt. Nhưng ở trong năm, trong các kỳ theo tháng, quý là có sự ảnh hưởng nhất định đối với NSNN các cấp.
Đây là lần thứ 3 cộng đồng DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Vậy qua 2 lần trước, ông thấy những vướng mắc mà DN thường gặp phải khi thụ hưởng chính sách là gì và ông có đề xuất kiến nghị gì để tạo thuận lợi cho DN được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52 của Chính phủ?
Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết tôi đánh giá Nghị định 52 ở các điểm sau:
Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện những biện pháp tương tự như Nghị định 41 đã được Chính phủ tiếp thu và đưa vào Nghị định 52. Như ông Tô Hoài Nam vừa chia sẻ, Nghị định 52 mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách, tác động dịch bệnh COVID-19 bắt đầu mở rộng hơn các nhóm đối tượng, một số thủ tục hành chính có những cải thiện, cải tiến trong Nghị định 52. Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, rất nhiều những vướng mắc, khó khăn của DN trong năm trước đã được cân nhắc, tiếp thu và được hoàn thiện trong Nghị định 52.
Tuy nhiên Nghị định 52 khi được thực thi liệu DN có lăn tăn? Có những điểm trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP tôi có thể chia sẻ như sau: Điểm thứ nhất, bản chất của Nghị định 52 là không miễn, không cắt thuế, mà là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ, chính sách. DN phải thực sự ý thức rất rõ điều này. Nếu không, DN sẽ tính toán sai trong chiến lược kinh doanh. Tạm thời lùi việc nộp nghĩa vụ về tài chính, lùi lại thời hạn, có nghĩa là nghĩa vụ tài chính này không phải nộp trong thời điểm hiện nay, nhưng sau đó phải nộp đầy đủ, cho nên, đây không phải là biện pháp miễn.
Đúng là trong thời gian hiện nay DN cần một luồng tiền mặt để trang trải những chi phí trong việc cầm cự, hoặc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhưng DN lo là sau khi thời hạn giãn, hoãn đã hết, phải nộp nghĩa vụ về tài chính thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn. Có nghĩa cuối năm họ nộp một lúc rất nhiều nghĩa vụ tài chính, thậm chí khó khăn lại chồng chất hơn về cuối năm. Chúng ta tin tưởng dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng giả sử một kịch bản xấu nhất là dịch bệnh vẫn tiếp tục, DN vẫn gặp khó khăn, thì khó khăn của họ sẽ tăng lên rất nhiều lần. Vì thế rất nhiều DN rất ngần ngại khi đưa ra quyết định có nên thụ hưởng chính sách này hay không.
Mặt khác, theo Nghị định 52, chúng ta tạm hoãn 4 chính sách là thuế thu nhập DN, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình và tiền thuê đất, như vậy sẽ có các vấn đề xảy ra.
Thứ nhất, về tiền thuê đất, rất nhiều DN trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm, đối tượng được thụ hưởng nội dung này cũng giảm đi một chút. Thứ hai, thuế VAT xảy ra khi chúng ta có giao dịch thương mại thì mới phát sinh thuế VAT. Khi kinh doanh bị đình trệ, thậm chí không phát sinh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN không phát sinh nghĩa vụ thuế.
Điểm thứ ba, điều DN lo ngại nhất là khi họ thực hiện thủ tục hành chính, trong nguyên tắc DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực chính sách, về mặt đối tượng. Khi họ nộp thủ tục, theo Nghị định 52, cơ quan thuế có một thủ tục theo tôi không thực sự rõ, nên DN rất nghi ngại. Đó là sự chấp nhận đề nghị gia hạn, nhưng chấp nhận đề nghị gia hạn đấy, giả sử sau này DN có bị sai về đối tượng, hoặc bị sai về các vấn đề về thuế, thì theo nguyên tắc DN tự chịu trách nhiệm và nếu sai lại bị thanh tra và bị truy thu thuế.
Vấn đề DN lo ngại ở đây là khi đã nộp đề nghị gia hạn thuế thì liệu rằng đề nghị này có giá trị pháp lý như thế nào? Họ lo rằng, nếu được hưởng chính sách này, sau đó cơ quan thuế lại thanh tra, nhỡ có một sai sót gì trong việc thực hiện thủ tục mà bị nộp phạt thuế, hoặc bị truy thu thuế thuế thì rất khó khăn cho DN.
Nghị định 52 có tiến bộ hơn so với trước đây, nhưng tôi chưa nhìn thấy được điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm được rủi ro pháp lý cho các thủ tục đó. Đây là 3 quan ngại mà cộng đồng DN cho rằng liên quan đến Nghị định 52 được áp dụng trong thời gian tới.
Về kiến nghị, tại tọa đàm hôm nay có đại diện của Tổng cục Thuế, đặc biệt là Vụ Tuyên truyền nên nói rõ cho DN ý nghĩa khi nộp thủ tục này. Khi được cơ quan thuế chấp thuận, ý nghĩa của nó như thế nào, bởi điều này rất khác với Nghị định 41.
Kiến nghị thứ hai, cơ quan thuế phải suy nghĩ đến kịch bản xấu nhất: Dịch vẫn còn tiếp diễn phức tạp và tác động đến cộng đồng DN đến cuối năm; cộng dồn những nghĩa vụ thuế ở đây mà DN không trả được, thậm chí rủi ro của họ tăng gấp đôi. Ngay bây giờ phải nghĩ đến biện pháp, nếu như tác động của dịch bệnh còn kéo dài, thì việc tiếp tục thực hiện Nghị định 52, hay những khoản thuế đã được gia hạn, có nên đặt vấn đề tiếp tục gia hạn hay không.
DN cần biết rất rõ để họ xây dựng chiến lược kinh doanh không thể trong vòng vài tháng. Nếu như ngay từ bây giờ họ có một phương hướng thì có thể sẵn sàng tiếp nhận và xây dựng chiến lược kinh doanh một năm tới.
Đây là hai kiến nghị tôi nhận thấy có thể làm tốt hơn, phát huy tốt hơn tác động của Nghị định này đến cộng đồng DN nếu như chúng ta cân nhắc các vấn đề như vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Tôi chia sẻ với băn khoăn của ông Hiếu về lo lắng của người dân, của DN là việc giãn thuế sẽ phát sinh nghĩa vụ tài chính bị dồn cục vào thời điểm cuối năm. Nhưng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN phải lường trước được, phải chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Nghị định 52 đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. Ví dụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế, thuế GTGT tháng 4 thì tháng 10 nộp thuế… chứ không phải tất cả nộp trong tháng 12. Hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt một phải nộp vào NSNN vào ngày 31/5 thì được thiết kế là gia hạn 6 tháng, có nghĩa đến 31/11 mới phải đóng. Chúng ta thấy được sự giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm, giúp người nộp thuế chủ động hơn.
Về tính pháp lý của giấy đăng ký gia hạn nộp thuế, chúng tôi luôn tuân theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Không ai ngoài người nộp thuế biết hộ đang sản xuất, kinh doanh ngành hàng nào, có thuộc nhóm được Nhà nước cho phép gia hạn không? Đồng thời, tại Nghị định 52 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế sẽ tự soi vào đấy để xác định mình thuộc ô nào và tự tích vào đấy. Nếu họ không thuộc các ô đấy thì họ không được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ rà soát, kiểm tra đối chiếu xem người khai thuế có sai sót, nhầm lẫn hay không để nhắc nhở họ soi lại, chứ cơ quan thuế không phủ định việc họ có được gia hạn nộp thuế hay không.
Tôi khẳng định, giấy đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế có tính chất pháp lý, có hiệu lực để áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế.
So với 2 lần gia hạn thuế trước đây, thì Nghị định 52 có những điểm mới đáng chú ý nào trong việc tạo thuận lợi cho DN, hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Nghị định 52 là nghị định không có thông tư, mà có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ban hành 19/4/2021. Theo đó, ngành thuế phải triển khai kịp thời các biện pháp tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, như phát thanh, truyền hình, hệ thống mạng, website của các cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc truyền thông trên mạng xã hội, để làm sao thông tin kịp thời nhất đến người nộp thuế.
Nghị định ra đời rất kịp thời, ngay trước khi kỳ đóng thuế đầu tiên của tháng 3 có hiệu lực. Với sự triển khai quyết liệt, kịp thời, thì những người nộp thuế thuộc đối tượng thụ hưởng của Nghị định đã áp dụng luôn để dừng việc thanh toán tiền thuế vào NSNN.
Nghị định 52 được thiết kế theo hình thức một giấy đề nghị gia hạn nộp thuế sẽ áp dụng cho nhiều mục đích, như áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ. Nếu người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương khác nhau, nhưng đều có hoạt động thuộc đối tượng được thụ hưởng này, thì ngành thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin, quản lý thuế giữa các địa bàn để các cơ quan thuế cập nhật thông tin và xác định người nộp thuế được gia hạn nộp tiền thuế mà người nộp thuế không phải gửi tờ giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau.
Như bà vừa chia sẻ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn bằng phương thức điện tử. Vậy, đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân chưa có tài khoản giao dịch điện tử về thuế thì Tổng cục Thuế có biện pháp gì để việc tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuế của nhóm đối tượng này được thuận lợi vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Trong những năm gần đây, ngành thuế đã triển khai rất mạnh mẽ việc thực hiện giao dịch thủ tục hành chính thuế theo phương thức điện tử, đạt được từ 97-99% khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế theo hình thức điện tử, nhưng chỉ triển khai mạnh mẽ ở khu vực DN. Đối với các cá nhân, các hộ gia đình thì ghi nhận mức độ giao dịch điện tử hạn chế hơn. Các hộ gia đình một năm có 4 lần nộp thuế, kê khai theo thuế khoán một năm một lần.
Từ năm 2020, ngành thuế đã đẩy mạnh giao tiếp với cơ quan thuế qua hình thức điện tử trong chiến dịch chung của Chính phủ là thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính của Nhà nước theo phương thức điện tử. Ngành thuế đã kết nối, thông luồng với Cổng Dịch vụ công quốc gia để các cá nhân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Việc các cá nhân, hộ gia đình thực hiện các thủ tục thuế qua phương thức điện tử đã có sự thay đổi rõ rệt, nhưng cần thêm quá trình nữa, chứ chưa thể như các DN. Trong đợt này, các cơ quan thuế đã đẩy mạnh truyền thông để nhắc người nộp thuế không cần đến cơ quan thuế mà có thể lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục thuế điện tử.
Xin được biết ý kiến của ông thế nào trước quan điểm cho rằng, đối với một số nhóm đối tượng đáp ứng đủ các tiêu chí nhất định thì cơ quan thuế có thể áp dụng thủ tục tự động gia hạn theo Nghị định 52, rồi sau đó tăng cường khâu hậu kiểm?
Ông Phan Đức Hiếu: Trả lời câu hỏi này cần phải quay lại bản chất của việc gia hạn nghĩa vụ tài chính.
Thứ nhất, như chúng ta vừa phân tích, việc gia hạn thuế, tiền thuê đất, tức là lùi thời hạn, khoan sức dân, giúp DN bổ sung dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh. Như vậy đối với DN họ sẽ có 2 lựa chọn, một là sẽ thực hiện việc gia hạn, hoặc có những DN sẽ không thực hiện gia hạn vì có những lo lắng băn khoăn như tôi đã trình bày ở trên. Việc tự động gia hạn theo tôi trong trường hợp này nó không đúng với ý nghĩa cũng như là quyền quyết định của DN. Vì vậy đối với những DN này, tôi lưu ý, đây chỉ là biện pháp tạm giãn, tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tài chính. Họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ này vào thời điểm khác, vì vậy phải tính toán rất kỹ chiến lược kinh doanh để quyết định việc có gia hạn hay không.
Thứ hai, tôi có một mong muốn nữa là Tổng cục Thuế tăng cường tuyên truyền về nội dung, chứ không chỉ thủ tục để giải tỏa băn khoăn của DN về giá trị pháp lý của đề nghị tạm hoãn, giãn thuế.
Một đề nghị khác nếu được, giả sử có những DN không đề nghị gia hạn, nhưng vì hoàn cảnh thực tế phát sinh khó khăn khiến họ không nộp đúng được các nghĩa vụ về thuế, thì trong trường hợp này ngành thuế nên cân nhắc không nên xử phạt chậm nộp thuế. Nếu được như vậy thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho DN trong trường hợp này.
Bên cạnh nỗ lực của ngành thuế, thì VINASME đã chủ động có những biện pháp gì để giúp các DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nói chung, trong đó có chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất?
Ông Tô Hoài Nam: VINASME, với chức năng nhiệm vụ của mình luôn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn giải thích về các chính sách đặc biệt là các nội dung của Nghị định 52. Đây là chính sách được cộng đồng DN rất đón đợi. Ngoài ra thì chúng tôi còn sẵn sàng có tiếng nói bảo vệ các DN nhỏ và vừa là đối tượng được hưởng các chính sách của Nghị định 52 nhưng chưa được thụ hưởng.
Hai nhiệm vụ trên chúng tôi thực hiện rất thuận lợi, vì Hiệp hội có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng cục Thuế, đặc biệt trong quá trình xây dựng chính sách thì cơ quan thuế cũng thường xuyên tham vấn ý kiến từ VINASME, nên khi chính sách ra đời chúng tôi làm công tác tuyên truyền phổ biến thì rất thuận lợi.
Nghị định 52 có quy định người nộp thuế tự xác định và tự chịu trách nhiệm về việc xác định đối tượng được gia hạn, cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn và chỉ thông báo cho người nộp thuế khi có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng. Bà có thể cho biết DN cần lưu ý gì để xác định đúng đối tượng gia hạn?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Nghị định 52 đã quy định rõ lĩnh vực ngành nghề, tiêu chí xác định đối tượng áp dụng và điều kiện để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hộ kinh doanh có nhiều biến động, Nghị định đã quy định quyền và trách nhiệm của người nộp thuế trong việc tự xác định đối tượng, điều kiện được gia hạn.
Thực tế thời gian quan khi triển khai Nghị định 41, có những trường hợp người nộp thuế đã nộp đề nghị gia hạn, nhưng sau đó tự xác định lại không thuộc đối tượng áp dụng và xin hủy đề nghị, hoặc qua công tác quản lý, cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng áp dụng và có thông báo gửi người nộp thuế. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc người nộp thuế hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ các điều kiện được gia hạn. Tuy nhiên, số lượng là không nhiều.
Mặt khác, triển khai Nghị định 41, cũng như Nghị định 52, cơ quan thuế đã tuyên truyền sâu rộng và hỗ trợ người nộp thuế rất cụ thể bằng nhiều hình thức do đó, về cơ bản, DN, người dân đã hiểu và thực hiện đúng quy định.
Khi triển khai Nghị định 41, cũng như Nghị định 52, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thống nhất thực hiện để người nộp thuế được gia hạn ngay khi Nghị định có hiệu lực. Bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, cơ quan thuế các cấp còn tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của ngành, tuyên truyền qua các kênh thông tin của mạng xã hội, gửi email đến người nộp thuế...
Qua quá trình thực hiện, Tổng cục Thuế cũng ban hành văn bản giải thích, làm rõ hơn đối tượng được gia hạn. Một số vướng mắc của Nghị định 41 về đối tượng được gia hạn cũng đã được ngành thuế báo cáo, tham mưu với Bộ Tài chính và Chính phủ đưa vào Nghị định 52, như gia hạn đối với nhà thầu xây dựng các công trình sử dụng vốn NSNN theo đó, Kho bạc Nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng của nhà thầu khi chủ đầu tư thực hiện thanh toán... để người nộp thuế hiểu rõ hơn và tự xác định chính xác đối tượng được gia hạn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, là lấy người dân và DN làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật. Từ góc độ chuyên gia, DN các ông có kiến nghị đề xuất gì để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN, người dân?
Ông Tô Hoài Nam: Trước tiên tôi phải nói là phương châm nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật, đây là cách truyền thông điệp rất là chân phương nhưng rất dễ cảm nhận với người dân, DN của người đứng đầu Chính phủ.
Thứ hai là trong thông điệp rõ ràng như vậy thì nó hàm chứa cả một quan điểm chỉ đạo điều hành sòng phẳng, công bằng, công khai, minh bạch; đồng thời hàm chứa cả quyết tâm dám chấp nhận thực tiễn, kể cả những hạn chế của Chính phủ. Tôi cho rằng đây là một phương châm, nguyên tắc rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra rất thiết thực ở chỗ, với nguyên tắc này thì nó công phá vào bệnh thành tích xưa nay; không chấp nhận sự nói dối, mà chấp nhận nhìn thẳng vào thực tiễn. Mà nhìn thẳng vào thực tiễn thì nó có nhiều cái lợi trong hoạch định chính sách.
Cái thứ nhất là ta nắm được vấn đề cụ thể. Ví dụ như vấn đề nó là hình tròn thì ta nhìn rõ nó là hình tròn, kể cả nó khiếm khuyết mặt A mặt B, nhưng phải nhìn thấy rõ nó thì chính sách của chúng ta đưa ra mới phù hợp, khi lắp ráp vào không bị trục trặc. Nếu chúng ta thực hiện được thông điệp này thì nhất định sẽ có chuyển biến mạnh mẽ trong khâu xây dựng, thực thi chính sách.
Về kiến nghị, Hiệp hội chúng tôi mong muốn, trước hết để nghĩ thật, nói thật thì các cơ quan chức năng cần lắng nghe nhiều hơn tiếng nói từ phía DN, chuyên gia, người dân khi xây dựng chính sách, khi cần thiết phải tranh luận đến cùng một vấn đề còn quan điểm khác nhau. Ví dụ như có chính sách chúng ta đưa ra có thể hợp với cơ quan quản lý, nhưng thực sự không phù hợp với cộng đồng kinh doanh, thì phải nghe hết và phải chấp nhận tranh luận các vấn đề khoa học để đảm bảo nguyên tắc thống nhất vì lợi ích chung.
Ông Phan Đức Hiếu: Tôi rất đồng tình với quan điểm cho rằng chính sách tốt mà không được triển khai hiệu quả thì đôi khi mục tiêu của chính sách bị hạn chế.
Để triển khai hiệu quả Nghị định 52, tôi kiến nghị: Thứ nhất về phía DN, cần suy nghĩ rất thận trọng, kĩ lưỡng về các biện pháp này để xác định khoản thuế nào chúng ta định giãn, giãn đến bao lâu và phải coi đây là một phần chiến lược kinh doanh của DN.
Thứ hai, về vai trò của các hiệp hội DN để nghĩ thật, nói thật, làm thật thì hiệp hội phải hỗ trợ DN rất nhiều trong việc đưa ra quyết định này như ông Nam vừa chia sẻ là DN cần hỗ trợ cả về mặt nội dung, chuyên môn ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục ra.
Ngoài các hiệp hội DN, cơ quan thuế với bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ về thuế cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp DN xác định có đúng đối tượng được giãn, hoãn hay không để giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này chứ không chỉ hỗ trợ các bước hoặc hướng dẫn họ phải liên hệ với ai.
Cuối cùng, tôi kiến nghị chúng ta phải tư duy theo hướng đã làm tốt rồi thì không có nghĩa là dừng ở đây, mà phải đặt câu hỏi liệu chúng ta có thể làm tốt hơn nữa hay không.
Với tinh thần này, tôi kiến nghị cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có biện pháp miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho DN. Ví dụ giảm một phần nào đó nghĩa vụ về thuế hay có thể xem xét miễn giảm thuế VAT cho các vật tư, thiết bị phòng chống dịch chẳng hạn. Được như vậy thì sẽ hỗ trợ thiết thực cho DN, người dân vượt qua đại dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép do Chính phủ để ra.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!
Đào Tuấn-Thu Trang-Mai Trinh
Hơn 218.500 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động trong 11 tháng
DNTH: Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 đạt hơn 218.000 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi...
Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và vận hành khu công nghiệp
DNTH: Nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp, ROX Group (tiền thân là Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đã tiên phong phát triển các giải pháp “xanh”, hướng đến phát triển bền vững.
The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn
DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...
Đồng Nai: Vi phạm môi trường, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bị xử phạt 790 triệu đồng
DNTH: UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt hành chính 790 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
BCG Energy - 'quân bài' chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.
Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu
DNTH: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024, tuy nhiên các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng trước đó. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại và...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...